Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

Holy Trinity Brompton – Hội Thánh Đạt Tới Cộng Đồng Thế Tục Nhất Trên Thế Giới

Holy Trinity Brompton – Hội Thánh Đạt Tới Cộng Đồng Thế Tục Nhất Trên Thế Giới

Trong mắt người Mỹ, Holy Trinity Brompton – một nhà thờ nằm ở trung tâm thủ đô London – trông có vẻ rất uy nghi và đầy quyền lực. Nằm cách xa con đường Brompton ồn ào, lối kiến trúc theo phong cách giáo đường cổ kính và tọa lạc tại quận Knightsbridge phồn thịnh đã mang đến cho nhà thờ này vẻ hình tượng độc đáo đậm chất Anh Quốc.

Nhưng đằng sau những bức tường nhà thờ, một điều gì đó thực sự khác thường đang diễn ra: Kìa, một làn sóng hồi sinh đang dấy lên ngay tại trung tâm của một đất nước có cộng đồng người tin Chúa có tầm ảnh hưởng ngày càng giảm sút.

Năm ngoái, cựu tổng giám mục Canterbury, Lord George Carey, phát biểu trong tờ Daily Mail rằng nhà thờ này “chỉ còn một thế hệ nữa là đứng trước nguy cơ tàn lụi.” Holy Trinity Brompton (HTB) đang dẫn đầu một cuộc cách mạng đi ngược lại xu hướng đương thời nhằm đưa Cơ Đốc giáo trở lại văn hóa Anh.

Điều khác biệt tại đây

Khi bước vào một buổi nhóm tại HTB, nếu quên rằng mình đang ở trong một nhà thờ Anh giáo, bạn sẽ được tha thứ. Bạn không thể không nhận thấy rằng ở đây thiếu nhiều yếu tố liên quan đến nghi lễ hình thức. Thay vào đó, bạn sẽ thấy tất cả những đặc điểm của một hội thánh hiện đại, từ màn hình lớn cho tới yếu tố quyết định là bục giảng.

Hội chúng rất đa dạng về tuổi tác, chủng tộc và giai cấp, nhưng nếu xem cách người ta đối xử với nhau, bạn sẽ không thể nào nhận biết được.

Tất nhiên bạn không thể nào ra về mà không ấn tượng với vị mục sư đầy cuốn hút, Nicky Gumbel, người đảm nhận cương vị lãnh đạo của Hội Thánh HTB từ năm 2005.

Người đàn ông 61 tuổi cởi mở và đầy khiêm nhường này luôn tuôn đổ sự chân thành và bầu nhiệt huyết trên hội thánh mà ông dẫn dắt: Từ năm 2005, hội thánh đã bùng nổ thành một đại giáo đoàn (megachurch), với bốn trụ sở được gọi là “các trung tâm” – lan ra khắp London và thật sự vươn tới toàn cầu. Riêng năm nay, HTB có kế hoạch mở thêm bốn nhà thờ bên ngoài London.

So với thế hệ Cơ Đốc nhân trưởng thành trong các hội thánh truyền thống hơn, mục sư Gumbel đang thực hiện một điều hoàn toàn khác biệt. Ông không cố đưa người ta đến hội thánh, thay vào đó ông đưa hội thánh đến với họ.

Mục sư Gumble nói, “Tôi nghe ở đâu đó nói rằng chỉ có 2% dân số thích nhạc cổ điển và 98% còn lại thích âm nhạc hiện đại,” và ông sử dụng ẩn dụ này để giải thích cách mình và Hội thánh HTB vươn đến nền văn hóa Anh quốc.

Trong mắt mục sư Gumbel, Giáo hội Anh đang không đi trên con đường thực sự đúng đắn. Cần phải chuyển trọng tâm từ việc “lạc hậu” và xa lạ tới chỗ nhắm vào nền văn hóa. Ông nói rằng mô hình “nhạc cổ điển” của nhà thờ truyền thống cũng không vấn đề gì, nhưng các lãnh đạo cần phải sẵn sàng thay đổi và thích ứng để vươn đến thế hệ này và thực sự dấn thân vào nền văn hóa xung quanh họ.

Ông nói, “Nếu có ý định thu hút đại bộ phận dân số thì bạn cần phải chơi nhạc hiện đại.”

Vì đó là loại âm nhạc mà nền văn hóa ấy muốn thưởng thức.

Hội thánh trong Thời kỳ Khủng hoảng

Cộng đồng Cơ Đốc tại Anh quốc trong lịch sử là một trong những tiếng nói có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong Hội thánh toàn cầu. Trong hơn 1.400 năm, Cơ Đốc giáo đã vươn đến hầu hết mọi ngõ ngách của đời sống văn hóa Anh. Tuy vậy, trong những năm gần đây, một cuộc khủng hoảng đang dần lộ diện.

Giáo hội Anh giáo đang tụt dốc không phanh.

Dựa vào những báo cáo được gửi tới hồi đầu năm, cứ một người mới tiếp nhận Chúa thì Giáo hội Anh giáo mất 12 tín hữu. Và cả trong vòng Giáo hội Công giáo La Mã cũng xảy ra tình trạng này: Cứ 1 một người mới tin Chúa thì có 10 tín hữu đánh mất đức tin.

Những con số này minh họa cho thách thức mà hội thánh đang đương đầu: hội chúng đang ngày càng lớn tuổi trong khi thế hệ trẻ lại càng ngày càng cự tuyệt với tổ chức tôn giáo.

Bất cứ ai quan tâm cũng có thể thấy rằng số người có thể gọi là “vô thần” – không theo tôn giáo nào – đang gia tăng. Hầu hết các nghiên cứu mới nhất của Anh và xứ Wales (2014) đều báo cáo rằng tỷ lệ người vô thần là 48.5 %, so với 43.8% dân số được báo cáo có liên hệ với Anh giáo, Công giáo và các giáo phái khác.

Nghiên cứu Pew cho thấy hầu như điều tương tự cũng diễn ra ở Hoa Kỳ.

Vào tháng Năm, John Spence – giám đốc tài chính của Hội thánh Anh quốc – cho biết rằng trong vài thập kỷ tới, tình hình hội thánh sẽ tiếp tục suy giảm. Ông nói thêm: “Khả năng một ông cụ 81 tuổi đến Hội thánh cao gấp tám lần một thanh niên 21 tuổi.”

Nếu Cơ Đốc Giáo muốn tiếp tục tồn tại ở Anh Quốc đến thế hệ sau, thế hệ thanh thiếu niên sẽ cần phải tái nhuần niềm tin, dù cho nó có khác biệt với trải nghiệm đức tin của bố mẹ chúng.

Và tái định nghĩa trải nghiệm đức tin chính xác là những gì Hội thánh HTB dự định bắt tay vào thực hiện.

Một kiểu mẫu hội thánh mới?

Mục sư Gumbel đang thúc đẩy Hội thánh HTB suy nghĩ thật nghiêm túc về cách thức đạt được một thế hệ mà biết bao hội thánh khác đang bỏ lỡ.

Nhưng có lẽ điều khác biệt nhất về Hội thánh HTB không phải là điều khác biệt, mà là những điều quen thuộc. Đối với Gumbel, điều quan trọng không phải là đổi mới hay trình bày một hình ảnh nhất định – mà là tìm ra “phương cách thích hợp để trình bày một thông điệp không thay đổi.”

Gumbel đi tiên phong trong việc sử dụng rộng rãi khoá học Alpha, một chuỗi chương trình chia sẻ xoay quanh đức tin Cơ Đốc (thường kéo dài trên 11 tuần). Ngày nay, bạn có thể thấy Alpha hoạt động khắp các quán cà phê, nhà thờ, trường đại học, nhà riêng và quán bar trên toàn nước Anh. Giống như Hội Thánh khai sinh ra nó, Alpha không giống như bất cứ khóa học nào thường thấy trong chương trình giảng dạy của hội thánh – đây là lý do lý giải sự bùng nổ của chương trình với hơn 29 triệu người tham gia trên toàn cầu.

Các khóa học là những buổi trò chuyện gần gũi thực tế về Chúa Giê-su và đức tin chứ không chỉ là các bài học thần học. Giống như nhiều hoạt động khác của HTB, Alpha chú trọng vào việc nói đúng ngôn ngữ của nền văn hóa đó, thay vì ép buộc nền văn hóa phải phù hợp với truyền thống cũ.

HTB đẩy mạnh các hoạt động xã hội và các chiến dịch giúp đỡ những người nghèo thiếu trong cộng đồng của họ. Họ đặt trọng tâm vào việc truyền giáo. Họ đã biến đổi các buổi thờ phượng và cầu nguyện truyền thống thành các buổi nhóm âm nhạc theo phong cách Phúc Âm.

Nhưng, tất cả những thay đổi này không phải là không gặp phải những lời chỉ trích.

Mội trong những điều mà người ta thường nói tới các hội thánh như HTB là: Họ muốn liên hệ với văn hóa nhưng cuối cùng lại biến các buổi nhóm thành các buổi hòa nhạc.

Một số người khác lo ngại rằng hội thánh sẽ bắt đầu đánh mất một số truyền thống và nền tảng mà nó đã phát triển qua nhiều thế kỷ, và sứ điệp của Tin Lành sẽ bị pha loãng và thay thế bằng đèn chớp và máy tạo sương mù cho sân khấu.

Nhưng Gumbel quả quyết rằng mọi điều HTB thực hiện đều phải đặt nền tảng trên Kinh Thánh và sự nhận biết đúng đắn về Chúa. Lý do cơ bản là, tuy đứng trên cương vị lãnh đạo của một giáo hội toàn cầu, Gumbel xem mình là không hơn gì mục sư một hội thánh địa phương.

“Tôi thích nhất là… được trở thành một phần trong một đội ngũ những người hầu việc Chúa địa phương tại một nhà thờ địa phương,” ông nói. “HTB giống như một ngọn núi lửa phun trào ra tất cả các mục vụ, nhưng chúng tôi cần phải giữ lửa ở đây. Giáo hội địa phương là yếu tố chủ chốt.”

Kết hiệp những gì bị chia rẽ

Gumbel cam kết giữ vững sứ điệp không hề thay đổi của Tin Lành, có nghĩa là ông và HTB đã đi đến kết luận rằng để chinh phục các linh hồn cho Chúa, giáo hội đã bị chia rẽ trong quá khứ ở Tây Âu cần phải kết hiệp lại.

“Rào cản đối với việc tái truyền giảng Tin Mừng của dân tộc là gì?” ông hỏi. “Là mọi người đấu đá nhau. Nếu muốn thực hiện mạng lệnh của Chúa, chúng ta phải làm việc cùng nhau, và điều đó sẽ không xảy ra nếu các hội thánh cứ mãi đấu đá nhau.”

Đó là lý do tại sao trong vài năm qua, ông dành nhiều thời gian để kêu gọi “ngừng bắn” giữa các bè phái trong hội thánh.

Điều này được thể hiện rõ nhất trong Hội nghị Lãnh đạo HTB năm ngoái. Ở đó, Gumbel chia sẻ sân khấu với Raniero Cantalamessa, một linh mục Công giáo, và Joyce Meyer, một diễn giả và tác giả gắn liền với phong trào Ân Tứ ở Mỹ. Với một động thái chưa từng có, cùng với những người khác, họ kêu gọi các dòng chảy khác nhau của Cơ Đốc giáo đoàn kết lại.

Không phủ nhận tầm quan trọng của những khác biệt về thần học và truyền thống, nhưng Gumble cũng rất tin tưởng rằng “những gì kết hiệp chúng ta lại với nhau sẽ mạnh mẽ hơn những gì chia cắt chúng ta.”

Cuộc Cách Mạng London

HTB không đơn độc trong nỗ lực đem Cơ Đốc giáo ở London trở lại thời kỳ hoàng kim.

Hillsong London và Jesus House đều là hai nhà thờ lớn ở thủ đô. Ở nhiều nơi khác trong cả nước, các nhà thờ như Audacious ở Manchester, Life ở Bradford và Trent Vineyard đều đang chứng kiến ngày càng nhiều người đến với họ.

Việc các nhà thờ lớn trên toàn thành phố tăng thêm tín đồ cũng củng cố nguyên tắc Gumbel đã đặt để ở HTB: Hội thánh cần phải nói một ngôn ngữ mà nền văn hóa đó chịu nghe.

Có vẻ như điều này đang xảy ra. Một cuộc khảo sát do bởi Brierley Consultancy công bố năm 2013 ở London phát hiện ra rằng từ năm 2005 (năm Gumbel trở thành lãnh đạo nhà thờ HTB), trung bình số lượng người đến hội thánh ở thủ đô tăng từ 620.000 đến 720.000, và số lượng các nơi nhóm lại của Cơ Đốc giáo cũng tăng 17%.

Cơ Đốc Giáo ở Anh Quốc vẫn đang cần được tái sinh, nhưng những con số dường như xác nhận một điều mà Gumbel thực sự tin về các cuộc cách mạng thuộc linh đang diễn ra ở London: “Chúng ta đang đứng trước một điều gì đó tuyệt vời”

– Tác giả bài viết: James Dwyer –
– Nguồn: relevantmagazine.com

– Người dịch: Phương Phương Nhung –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.