Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Anh Định Làm Gì Tôi?

Anh Định Làm Gì Tôi?

Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 sắp đến, loisusong.net xin gửi tới bạn đọc những cảm nhận hết sức tinh tế của một người nam về sự khác biệt và “đặc ân” mà mình có được so với những người nữ – để dùng chúng sao cho đúng cách: bảo vệ chứ không phá hủy, yêu thương chứ không làm tổn hại.

Cuối cùng thì mùa thu cũng đến. Cái nóng của mùa hè rất chậm rãi, không chịu nhường chỗ cho sự mát mẻ của mùa thu. Ngày hè dai dẳng cuối cùng cũng chịu cúi mình nhường cho màn đêm mùa thu đến sớm hơn, đêm nán lại lười nhác trước khi thế chỗ cho bình minh. Hầu như ngày nào tôi cũng ra ngoài trước khi mặt trời ló rạng, chạy xuyên qua những con phố tối mịt – nghi thức buổi sáng của tôi. Tâm trí của tôi hoạt động hiệu quả hơn khi thân thể bị thúc ép.

Ba hình hài, ba ý tưởng đã thoáng qua mắt tôi vào buổi sáng nọ.

Khi bình minh lên, tôi chạy qua một bãi đậu xe trống vắng, chạy cắt ngang một góc phố dài. Khi vượt qua một tòa nhà, một kiểu kho bãi, tôi thấy một cô gái trẻ đang đi bộ. Cô bé chắc hẳn sống gần khu tôi ở. Chúng tôi sắp đi qua nhau. Cô trạc mười tám tuổi, có lẽ mười chín. Khi đến gần hơn, mắt cô dò xét tôi và hỏi: “Anh định làm gì tôi? Tôi có an toàn không? ” “Làm gì cô ư?” Tôi chợt nghĩ. “Chúa kêu gọi tôi yêu thương, yêu cô hơn yêu bản thân mình. Làm sao tôi hại cô được?” Tôi thấy đau lòng rằng thế gian là như vậy, rằng thế gian đã trở nên như vậy. Tôi mỉm cười và gật đầu với cô bé, hy vọng rằng đó là một nụ cười an ủi.

Màn đêm tối tăm chỉ được thắp sáng đôi chút bằng vài chiếc đèn đường, thi thoảng có đèn pha ô tô rọi lại. Tôi chạy ở khung đường mới, chạy xuống đồi rồi lại trèo lên, cứ lên lên xuống xuống cho tới khi không còn chạy nổi nữa. Kìa có một người phụ nữ, chừng năm mươi tuổi, đang đi bộ trên vỉa hè phía trước. Khi vừa chạy tới chỗ bà, đồi dốc khiến tôi phải chạy nước rút. Hình như nghe thấy hay cảm thấy có người đến gần, bà giữ chặt cái gì đó trong tay, chùn bước lại chút xíu và có vẻ căng thẳng. Tôi nghĩ “Cháu không làm gì cô đâu, không bao giờ. Cháu sống với một lẽ sống rằng cháu cần phải sẵn sàng chết vì cô, dù cháu không biết cô.” Rồi giữa những hơi thở gấp gáp, tôi nói “Chào buổi sáng!” với giọng tươi vui nhất có thể. Tôi tiếp tục chạy xuống đồi và khi tôi chạy thêm vòng nữa, người phụ nữ đó đã đi mất.

Tôi chạy xa hơn, đến khu đi bộ – một khu chạy rất lý tưởng với hai bên là rừng cây. Có một cô bé nhỏ tuổi đạp xe tiến về phía tôi. Bé đi có một mình, cách xa mọi người khác, trừ tôi. Thấy tôi, cô bé nhấn mạnh bàn đạp, đẩy cái xe đi nhanh hơn chút. Tôi thấy ánh mắt nghi hoặc đó nhìn tôi. Hay đó là nỗi sợ? Tôi nghĩ là cô bé đang sợ hãi. “Chú định làm gì cháu sao?” Dường như đôi mắt đó hỏi tôi như vậy. “Chú không bao giờ hại cháu. Chú sẽ chết trước khi làm tổn hại gì đến cháu.” Tôi bước xa sang bên cạnh để cô bé đi qua, tôi cười và nói xin chào. Tôi thấy chính mình hy vọng và cầu nguyện rằng dù cô bé có đi đâu thì cũng đến đó được an toàn.

Tôi ghét nỗi sợ mà mình thấy, ghét những câu hỏi trong ánh mắt của họ, nhưng không ghét họ. Tôi không – và cũng không thể biết sự dè chừng cũng như lo sợ của họ. Tôi được tự do chạy lúc tối trời mà không hề nhìn lại, tai không phải dỏng lên. Nhưng từ mọi điều tôi nghe, mọi điều tôi biết, mọi điều tôi đọc, nỗi sợ của họ là đúng đắn và những câu hỏi của họ là hợp lý. Tôi có đặc ân mà họ không có – đặc ân mà tôi coi là hiển nhiên.

Tôi bị ám ảnh với những lời của Karen Swallow Prior. Dòng tweet đó như sau: “Hôm nay, khi đang chạy trên đường vắng, tôi tình cờ gặp một chiếc xe lạ bên lề đường, cốp mở, một người đàn ông đứng cạnh đó và vẫy tay với tôi. Tôi đã gọi 911.” Còn đây là dòng chữ trong một bài báo: “Tôi đang chạy một mình lên đồi theo quãng đường khoảng hai dặm trên đoạn đường bụi không bóng người thì thấy một chiếc xe cũ kỹ có biển số ở vùng khác đỗ trước mặt. Một người đàn ông đang dựa vào ô tô và hút thuốc lá. Tôi lôi ngay điện thoại từ túi đựng tất cả những thứ cần thiết và gọi cho mẹ. Tôi biết mẹ đang ở nhà. Tôi cứ giữ điện thoại như vậy, vừa chạy vừa tránh xa người đàn ông và chiếc xe của ông ta.” Nếu là tôi, có thể dừng lại để giúp người đàn ông đó. Tôi có thể chạy mà không cần gọi điện thoại. Mà không sợ hãi gì. Còn cô thì không. Họ thì không. Tôi ghét điều này. Tôi ghét mọi việc diễn ra theo cách này.

Nhưng mọi việc đúng là phải diễn ra theo cách này vì kể từ khi tổ phụ của chúng ta bị đuổi khỏi vườn, những người nam đã chứng tỏ rằng họ sẵn sàng xâm phạm lòng tin, lạm dụng sức mạnh và phạm đến trật tự tốt lành của Đức Chúa Trời. Tất nhiên là không phải mọi người nam đều như vậy. Nhưng là một số người nam. Nhiều người nam. Sức mạnh được Chúa ban để bảo vệ, họ đã dùng để phá hủy; điều được định để chúc phước, họ lại dùng để xâm hại. Nó đã để lại dấu vết của sợ hãi, của sự đau đớn, của sự hủy phá.

Hỡi các anh em, hãy nhìn thì sẽ thấy. Và khi thấy, anh em đang trên đường thừa nhận, thậm chí còn lờ mờ hiểu rằng – nỗi sợ còn đó, nỗi sợ là có thật.

– Nguồn: challies.com

– Tác giả bài viết: Tim Challies –

– Người dịch: Phương Phương Nhung –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.