Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

13 Giọt Nước Mắt, 13 Cuộc Đời và Cô Gái Đã Làm Chứng Cho Những Kẻ Sát Hại Mình

13 Giọt Nước Mắt, 13 Cuộc Đời và Cô Gái Đã Làm Chứng Cho Những Kẻ Sát Hại Mình

 

Loisusong.net – “Tôi vẫn tin rằng nếu mỗi một người có thể cố gắng hết mình để bày tỏ lòng thương xót, thì điều đó sẽ khởi đầu cho một chuỗi hành động tương tự. Người ta không bao giờ biết được một việc lành nhỏ bé có thể vươn xa đến đâu.” – Rachel Scott

Ngày hôm nay, bộ phim Tôi Không Hổ Thẹn (I’m Not Ashamed) của hãng phim Pure Flix đang được khởi chiếu. Bộ phim kể lại câu chuyện về Rachel Scott, một học sinh 17 tuổi đã bị Eric Harris và Dylan Klebold bắn chết trong vụ xả súng thảm sát trường trung Học Columbine năm 1999 ở Colorado. Mười ba người đã bị giết hại trong trong ngày hôm đó.

Bản thân lớn lên ở Colorado, dù mới năm tuổi, tôi vẫn nhớ bầu không khí tang thương và những ảnh hưởng tiêu cực của bi kịch này. Tôi từng tham gia các sự kiện thể thao tại trường trung học Columbine, và các giáo viên của tôi cũng có mặt tại trường vào ngày 20 tháng 4 năm 1999 – ngày thảm sát. Nhưng lần đầu tiên tôi biết câu chuyện về Rachel Scott khi học lớp 12. Câu chuyện và di sản cô để lại đáng kinh ngạc đến mức tôi đã lưu giữ nó suốt nhiều năm liền sau đó. Thế nên, sự kiện Pure Flix dựng thành phim càng làm lan tỏa sức ảnh hưởng của câu chuyện này.

RachelScottChainReaction-aad4877 1

Rachel thường xuyên bị bắt nạt trong suốt những năm ở trường trung học. Là một thiếu niên Cơ Đốc tận hiến, cô cởi mở chia sẻ đức tin của mình tại trường và không ngại làm chứng về Chúa Giê-su cho bạn bè. Nhưng điều này gây ra nhiều nan đề nghiêm trọng. Cô bị tẩy chay, bị xa lánh, và bị bạn bè bỏ rơi. Cũng như bất cứ học sinh trung học nào khác, cô còn phải vật lộn với những vấn đề của bản thân.

Bất chấp những điều đó, cô vẫn hết mực yêu kính Chúa. Nhật ký của Rachel lưu giữ lại trong đó những tâm sự hàng ngày của cô. Ngày 20 tháng 4 năm 1998, đúng một năm trước khi bị giết hại, Rachel viết: “Mình chẳng còn người bạn thân thiết nào ở trường, nhưng cậu biết không? Mình sẽ không hối tiếc vì đã nói về danh Chúa Giê-su. Mình sẽ không biện minh về đức tin của mình với họ và sẽ không che giấu ánh sáng Chúa đã ban cho mình. Nếu phải hy sinh tất cả, mình cũng sẵn sàng. Mình cam lòng đón nhận hết thảy. Nếu bạn bè của mình phải trở thành kẻ thù để mình được ở bên người bạn tốt nhất là Chúa Giê-su, mình cũng chấp nhận.”

Ba tuần trước cuộc xả súng, Rachel đã làm chứng cho Eric và Dylan, những kẻ xả súng. Họ cũng bị bắt nạt, bị tẩy chay, và thực sự không có người bạn nào cả; nhưng Rachel biết tất cả những gì họ cần là Chúa Giê-su. Đáng tiếc thay, cả hai đã bị mù quáng bởi lòng thù hận, họ càng căm ghét Rachel và còn làm cả video nhạo báng đức tin Cơ Đốc của cô.

Rachel viết: “Tôi vẫn tin rằng nếu mỗi một người có thể cố gắng hết mình để bày tỏ lòng thương xót, thì điều đó sẽ khởi đầu cho một chuỗi hành động tương tự. Người ta không bao giờ biết được một việc lành nhỏ bé có thể vươn xa đến đâu.”

Vào ngày diễn ra cuộc xả súng, Rachel là người đầu tiên bị bắn trong khuôn viên trường, Dylan và Eric bắn hai phát vào chân và một phát vào lưng cô. Hai tên bỏ đi nhưng quay lại vài giây sau đó vì thấy cô vẫn còn sống. Dylan túm tóc cô và hỏi, “Mày còn tin vào Chúa của mày nữa không?” Khi cô đáp lại, cương quyết và không nao núng, “Cậu biết rõ là tôi tin“. Eric nói, “Thế thì đến ở với ông ấy đi,” và hắn bắn vào đầu cô.

Phần còn lại của câu chuyện Rachel thực sự là sự vận hành của Đức Chúa Trời

Sau khi cảnh sát dọn sạch trường và tiến hành điều tra sự việc, chiếc balô của Rachel cùng cuốn nhật ký được giao lại cho gia đình. Những gì họ tìm thấy bên trong đã tiếp tục phản ứng dây chuyền Rachel đã sống vì điều đó. Hai giờ trước cuộc xả súng, ngày 20 tháng 4 năm 1999, Rachel vẽ một bức tranh trong nhật ký của mình.

RachelScottChainReaction-aad4877 1

Bức tranh vẽ 13 giọt nước mắt rơi ra từ đôi mắt cô, nhỏ xuống một bông hồng và biến thành những giọt máu. Mười ba người đã bị sát hại trong trường hôm đó. Bông hồng mọc lên từ một cây hoa Columbine (tên trường Columbine lấy từ loài hoa này) bên dưới là câu Kinh Thánh “Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình.

Bức tranh ấy là nguồn cảm hứng để cha mẹ cô viết quyển sách mang tên Những Giọt Nước Mắt Của Rachel. Sau cái chết của cô, rất nhiều học sinh từng được Rachel làm chứng đến chia sẻ với gia đình Scotts về ảnh hưởng sâu sắc trên cuộc đời của họ được tạo nên từ những hành động đơn giản tử tế của Rachel. Thậm chí một cậu trai trẻ đã không còn có ý định kết liễu đời mình. Họ sớm nhận ra những ảnh hưởng lớn lao của câu chuyện về Rachel và bắt đầu thành lập một tổ chức phi lợi nhuận, ngày nay là Thách Thức Của Rachel.

160,000 học sinh bỏ học mỗi ngày vì bị bắt nạt. Thách Thức Của Rachel ra đời nhằm truyền cảm hứng và trang bị cho mỗi cá nhân tạo ra ảnh hưởng tích cực lâu dài không chỉ trên chính cuộc đời họ mà cả trong trường học, doanh nghiệp và cộng đồng của họ. Mười bảy năm đã trôi qua kể từ vụ xả súng trường trung học Comlumbine, tổ chức Thách Thức Của Rachel và câu chuyện về Rachel Scott đã chạm đến hơn 22 triệu con người.

Mặc dù tổ chức Thách Thức Của Rachel không tham gia hay phối hợp với bộ phim, hãng phim Pure Flix đã khai thác câu chuỵên ấn tượng này ở khía cạnh lòng thương xót của một con người có thể tạo ra một phản ứng dây chuyền như thế nào, và đưa nó lên một tầm cao mới.

Cuộc đời của Rachel là một lời chứng mạnh mẽ về cách Đức Chúa Trời có thể dùng những người yêu mến Ngài cách kỳ diệu lạ lùng như thế nào. Cuộc đời cô trên đất chỉ kéo dài vẻn vẹn 17 năm, nhưng Chúa đã dùng di sản cô để lại để động chạm tới hàng triệu tấm lòng. Rachel đã viết cho Chúa trong nhật ký của mình, “Xin Ngài dùng con để vươn tới những người chưa tin,”

Tôi có thể nói rằng Ngài đã nhậm lời cô.

Tác giả: Bri Lamm

Nguồn: tosavealife.com

-Người dịch: Hoàng Xoa-




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.