Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Tuần trước, tôi cùng Aileen, vợ tôi được dự lễ tốt nghiệp trung học phổ thông của con trai. Nick được trao giải Ontario Scholar, cháu thông thạo hai thứ tiếng – Anh và Pháp. Giờ đây, cháu đang tận hưởng sáu tuần nghỉ ngơi trước khi xuống miền Nam Hoa Kỳ để nhập học Cao Đẳng Boyce College tại Louisville, Kentucky, bắt đầu giai đoạn mới trên con đường học vấn. Chúng tôi vô cùng tự hào, không chỉ vì cháu tốt nghiệp mà vì cháu là một cậu thanh niên ngoan ngoãn và tin kính Chúa.
Trước đây, tôi đã viết về quyết định đăng ký cho cháu (và hai cô con gái) học tại trường công lập – tất nhiên là quyết định được đưa ra khi cháu còn rất nhỏ. Tuy đã vài lần lật lại và cân nhắc các phương án khác nhưng cuối cùng, chúng tôi vẫn phải để cháu và hai bé gái học công lập. Cháu là con cả, cũng là đứa đầu tiên tốt nghiệp. Đây có lẽ là thời điểm lý tưởng để thành thực đánh giá con đường mà chúng tôi đã chọn. Liệu đó là một lựa chọn phù hợp và khôn ngoan hay chúng tôi đã hủy hoại mọi thứ? Tôi muốn nghe điều này từ cháu, nên quyết định hỏi cháu một vài câu hỏi về những gì cháu đã trải qua. Cháu đồng ý cho tôi chia sẻ những câu trả lời dưới đây. Tôi để cháu được tự do trả lời những câu này mà không sợ bị phạt hay làm chúng tôi tổn thương. Tôi cũng hứa sẽ chia sẻ điều này dù cháu có đồng ý với lựa chọn của chúng tôi hay không. Dưới đây là những câu trả lời của cháu và hoàn toàn không qua chỉnh sửa. Tôi chia sẻ những điều này như một bài tiếp nối cho tất cả những gì tôi đã viết về cách giáo dục con cái của Cơ Đốc nhân trong suốt những năm qua.
Theo con nghĩ thì học công lập có những lợi ích gì?
Nghe có vẻ lạ, nhưng theo con thì trường công là màn giới thiệu thú vị và chậm rãi về sự đồi bại của thế gian. Đôi khi con phải đối mặt với tội lỗi của thế gian với mọi cám dỗ cần thiết. Thật quá tốt vì khi đối mặt với tất cả những điều đó, con có bố mẹ dẫn dắt, đồng thời làm gương về lối sống Cơ Đốc ngay lành. Khi con còn nhỏ, đây là một bài toán hóc búa. Những người bạn không tin Chúa của con phải vật lộn với một cuộc sống đầy bất hạnh. Là người tin Chúa, bố mẹ không như vậy. Con thực sự tin rằng sự tương phản này đã thúc đẩy con đến với đức tin.
Trường công lập có ảnh hưởng tiêu cực đến con theo cách nào đó không?
Tất nhiên rồi ạ. Bố không thể bước vào văn hóa thế gian mà không bị nó ảnh hưởng. Con thừa nhận vấp phạm lớn nhất của mình là việc giữ quan điểm hai mặt về mọi thứ. Khi ở trường, con trả lời một câu hỏi theo cách này, nhưng nếu ở trong hội thánh, con sẽ trả lời khác đi. Khi ấy, con tìm đọc Total Truth (Lẽ thật Toàn vẹn) của Nancy Pearcey. Tác giả cuốn sách đã dành rất nhiều thời gian mổ xẻ việc nắm giữ thế giới quan hai chiều. Tác giả đưa ra kết luận rằng: thay vì thỏa hiệp và hòa tan vào thế giới quan thế tục và thế giới quan Cơ Đốc, chúng ta cần phải duy trì thế giới quan nhất quán theo Kinh thánh. Vì vậy, con đã và đang, từ vài năm trước, tái định hình cách mình trả lời câu hỏi và hình thành quan điểm.
Con có thấy làm Cơ Đốc nhân ở trường công lập là một việc khó khăn không?
Làm Cơ Đốc nhân ở bất cứ nơi đâu, tại bất kỳ nơi nào, đều khó cả. Chúng ta không trở thành Cơ Đốc nhân để khiến cuộc sống mình trở nên dễ dàng hơn. Khi nhìn lại, con thấy Chúa ban ân điển cho con mọi lúc và mọi nơi con cần, đây đúng là điều Ngài đã hứa cho chúng ta.
Con có thấy mình buộc phải làm theo những tiêu chuẩn thế gian không?
Thực ra là ngược lại. Đến lớp 10, lớp 11, con dần rút ra kết luận rằng tại một số thời điểm, những người bạn không tin Chúa của con hoặc là tẩy chay con, hoặc là buộc con phải theo họ. Vì thế, khi điều đó xảy ra, thay vì giải thích này nọ và cầu nguyện để Chúa ban ân điển, con quyết định đi trước một bước – trở thành người vô hình. Cuối cùng, khi gặp con ở hành lang, các bạn nói đùa rằng họ tưởng con chết rồi. Con chỉ cười, nói qua loa rằng con quá bận rộn, rồi bỏ qua. Gần đây, con mới nhận ra rằng phản ứng như vậy không phải phản ứng kháng cự sự đồng hóa, song lại khiến mình ngày càng hướng nội. Con trốn tránh thứ xung đột hiển nhiên như vậy chỉ vì con không muốn phải chịu đựng điều đó. Thật ích kỷ. Thật ngu ngốc. Thật tội lỗi. Như vậy, con đã làm cái điều mà tất cả Cơ Đốc nhân đã làm từ hàng ngàn năm nay và đã ăn năn. May mắn thay là chúng ta có một Đức Chúa Trời đầy tình yêu thương và sự nhân từ.
Con có nghĩ là nếu con học tại gia hoặc học tại trường Cơ Đốc thì đức tin của con sẽ mạnh mẽ hơn không?
Con không nghĩ vậy. Điều thực sự khiến đức tin con nên mạnh mẽ, đặc biệt lúc học lớp 8, lớp 9, khi con mới tin Chúa, là sự truyền giảng. Nói về tin lành cho các bạn cùng lớp quả là đáng sợ và khó khăn, nhưng nó giúp con trở thành một Cơ Đốc nhân mạnh mẽ hơn nhiều. Con không chắc là mình sẽ có những cơ hội như vậy ở bất cứ nơi nào khác.
Theo con thì liệu trường tại gia hoặc trường Cơ Đốc có thể trở thành một trải nghiệm tích cực hơn với con ở những khía cạnh nào?
Chắc chắn là dễ dàng hơn nhiều. Không phải lo lắng lắm về những điều giáo viên nói, hoặc những việc bạn bè làm, chắc vài năm trước sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nhưng không hẳn là sẽ tốt hơn.
Nếu ở vào địa vị của ba mẹ, con có quyết định giống ba mẹ không?
Khi học lớp một, con buộc phải học bằng tiếng Pháp. Như vậy lại hay, vì các trường học bằng tiếng Pháp thường tốt hơn nhiều so với các trường học bằng tiếng Anh. Cả trường tiểu học và trung học cơ sở của con đều đứng top đầu trong vùng về học thuật. Về mức độ cá nhân, vì vốn đã hướng nội rồi, nên nếu con học tại gia, chỉ khép mình trong bốn bức tường và chẳng bao giờ ra ngoài, thì chắc con vẫn mãi như thế. Xét đến hai điều đó thì chắc chắn con sẽ lựa chọn giống như ba mẹ thôi.
Theo con thì sau này con sẽ giáo dục con cái của mình như thế nào?
Nhiều người đã nói điều này rồi, nhưng con vẫn sẽ nói lại. Giáo dục không phải là “ngươi phải,” nghĩa là chúng ta được quyền tự do thi hành quyền phán quyết trên hoàn cảnh của chính mình. Nói cách khác là con không biết. Thực ra, nó phụ thuộc vào chất lượng của trường học thế nào, nơi con sinh sống ra sao và đặc biệt là, con sẽ cưới ai.
OK, tôi đã trở lại. Cuối cùng, một câu hỏi quan trọng đặt ra là: Nếu tôi và Aileen phải bắt đầu lại từ đầu thì chúng tôi sẽ chọn trường công hay chúng tôi sẽ chọn một phương án khác? Nói thật là chúng tôi không biết và chúng tôi không thể lại đặt mình vào tình huống đó. Tuy thế, chúng tôi biết rằng tay Chúa đã chúc phước trên quyết định của chúng tôi, đồng thời cũng nhận lãnh sự thật rằng chính bàn tay ấy vẫn ở trên chúng tôi bất chấp mọi lựa chọn của mình. Chúng tôi thật sự biết ơn Ngài.
– Tác giả bài viết: Tim Challies –
– Nguồn: challies.com –
– Nguyễn Hằng dịch –