Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Quản Lý Thời Gian Hiệu Quả Cho Vương Quốc Đức Chúa Trời

Quản Lý Thời Gian Hiệu Quả Cho Vương Quốc Đức Chúa Trời

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự SốngThật dễ thấy rằng chúng ta không nhất quán – chúng ta đã không dành phần lớn thời gian để làm những việc quan trọng; chính những việc cấp bách lại lấp hết cuộc sống chúng ta.

Thật không dễ dàng để tìm thời gian thừa trong lịch trình của bản thân. Thật tình, tôi phải ngồi xuống bàn và chia thời gian chi tiết cho các công việc. Tôi có vài cậu con trai rất mê thể thao, vì vậy, tôi phải sắp xếp lịch trình và cân nhắc việc nào cần ưu tiên. Hiện tại, các con trai tôi là một điều cần ưu tiên. Việc tung hứng với thời gian thật sự khó khăn. Tôi phải dành thời gian cho chồng mình, dành thời gian cho con cái, thời gian cho việc nhà – tất cả đều nằm gọn trong quỹ thời gian ngoài thời gian làm việc. Thời gian cho công việc, thể thao và ngày Chúa Nhật đều đã được định sẵn. Vì có nhiều lịch đã được định sẵn nên tôi phải sử dụng những khoảng thời gian trống dành cho gia đình và hội thánh một cách khôn ngoan.

Chẳng trách sao vợ và mẹ các mục sư thường cảm thấy rối trí khi đối mặt với vấn đề kiểm soát thời gian. Chúng tôi chỉ có một chút thời gian trống vào khi này hoặc khi khác mà không phải hàng giờ đồng hồ kéo dài liên tục. Dù vậy, Chúa đã hứa “sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng [của chúng ta] y theo sự giàu có của Ngài” (Phi-líp 4:19).

Một vấn đề cơ bản liên quan đến chủ đề này là làm sao để nắm vững các nguyên tắc cơ bản để kiểm soát thời gian. Áp dụng các nguyên tắc này vào đời sống không chỉ giúp chúng ta hoàn thành việc phải làm, nhưng còn giúp ta dành thời gian cho gia đình hoặc vợ/chồng. Rất nhiều nguồn tài liệu hướng dẫn vấn đề này, bao gồm cả nguồn Cơ Đốc lẫn nguồn thế tục, có thể thực sự hữu ích.

Charles Hummel từng viết một tác phẩm kinh điển vào năm 1967 có tên The Tyranny of the Urgent (Tạm dịch: Thể chế Cấp bách). Ông mở đầu bằng việc phân tích Nguyên tắc Parkinson: “Công việc dàn trải để lấp đầy mọi thời gian trống”. Tôi muốn sửa đổi khái niệm này bằng câu: “đời sống mục vụ dàn trải để lấp đầy mọi thời gian trống”.

Không ai trong chúng ta có vẻ có đủ lượng thời gian mình cần để hoàn thành công việc. Vấn đề của chúng ta là gì? Hummel viết: “Chúng ta sống trong sự căng thẳng không ngừng giữa việc cấp bách và việc quan trọng”. Ông tiếp tục giải thích rằng các công việc quan trọng như học lời Chúa, cầu nguyện, mục vụ và sự phục vụ (có giá trị vĩnh cửu) có thể bị trì hoãn. Chúng không đòi hỏi chúng ta phải đáp ứng ngay. Tuy nhiên, những việc cấp bách của đời sống thường nhật đòi hỏi chúng ta phải chú ý đến chúng. Chúng ta luôn nhún nhường chúng mà không nhận ra rằng “chúng ta đã trở thành nô lệ của thể chế cấp bách”.

Để dễ hình dung, hãy viết những điều trong cuộc sống mà bạn cho là quan trọng nhất. Sau đó nhìn vào lịch của bạn và so sánh cách bạn dành thời gian của vài tuần trước đối với những việc đó. Thật dễ thấy rằng chúng ta không nhất quán – chúng ta đã không dành phần lớn thời gian để làm những việc quan trọng; chính những việc cấp bách lại lấp hết cuộc sống chúng ta.

Hummel chỉ ra rằng không ai có công việc bận rộn hơn Chúa Giê-su, và Ngài chỉ có ba năm ngắn ngủi để hoàn thành sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, Ngài chưa bao giờ thất bại trong việc dành thời gian cầu nguyện với Chúa Cha, làm những công việc quan trọng nhất ưu tiên hơn những việc cấp bách như là nhu cầu của môn đồ hay đám đông. Nội dung chính mà Hummel muốn nói là hãy tái xác lập thẩm quyền kiểm soát thời gian của bạn bằng việc cân nhắc các hoạt động trên hai phương diện: quan trọng hay cấp bách. Ông chỉ ra một lẽ thật đã tác động mạnh mẽ tới tôi ngay từ lần đầu đọc cuốn sách nhỏ của ông.

Khi bàn luận về việc nhận lời mời hoặc thực hiện công việc, ông khuyến nghị rằng đầu tiên, chúng ta chỉ cần nhìn vào lịch trình của mình. Nếu lịch trình quá dày và ta thấy mình không có tư cách lãnh đạo đối với công việc này, thì ta có thể nói “Không, cảm ơn.” Ông làm rõ thêm: “Tôi chưa bao giờ nghe thấy phản hồi rằng ‘Chúng tôi rất tiếc vì phải hủy kế hoạch này chỉ vì ông không tới.’ Tôi nhận ra rằng mình chỉ là nhân vật tối quan trọng trước khi mình nói lời từ chối rõ ràng.” Hummel còn chỉ ra các ý tưởng thực tế cho việc kiểm soát thời gian của bạn để việc quan trọng trong cuộc sống có chỗ đứng đúng đắn của nó.

Không có giải pháp dễ dàng nào để giải quyết thử thách thời gian. Nhưng chúng ta có thể tìm các cách thiết thực để thực hiện công việc của mình trong vòng các ưu tiên theo Kinh thánh.

Đôi khi, vấn đề không phải là chúng ta đang cố làm quá nhiều, mà là sử dụng thời gian không hiệu quả. Nếu ta điều chỉnh lịch trình một chút, hi vọng chúng ta có thể tìm thấy một chút thời gian không ngờ tới cho gia đình. Điều quan trọng hơn nữa là ta có những kỳ vọng thực tế. C.J. Mahaney nói: “Chỉ có Chúa mới hoàn thành danh sách công việc cần làm trong ngày. Chúng ta không phải là Chúa. Chúng ta là tạo vật hữu hạn với những giới hạn thật sự.”

Tôi ngạc nhiên rằng ngay cả ở giai đoạn sống với tư cách một người bà, tôi vẫn phải nỗ lực quản lý thời gian của mình. Thật đúng, các công việc dàn trải để lấp đầy tất cả thời gian của chúng tôi. Nhưng Chúa có thể cho chúng ta sự khôn ngoan và tháo vát để quản lý nó theo cách đáp ứng nhu cầu của chúng ta và nhu cầu của gia đình chúng ta. “Vậy, hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan. Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu.” – Ê-phê-sô 5: 15-16.

Những mẩu căng thẳng này sẽ luôn ở cùng chúng ta, bất kể chúng ta sống ở đâu, quy mô của hội thánh ra sao hay giai đoạn cuộc đời của chúng ta như thế nào. Khi cầu nguyện và suy nghĩ về cách giải quyết, hy vọng rằng chúng ta có thể tránh được mọi thương tổn hoặc nỗi đau nghiêm trọng.

CHARLES HUMMEL gợi ý một số cách để thoát khỏi “thể chế cấp bách”:

 • Trước tiên, đừng bỏ qua việc cầu nguyện và cầu xin Chúa giúp bạn xác định điều gì thực sự quan trọng cho ngày của bạn. Chúa Giê-su thường dậy sớm và dành thời gian cầu nguyện một mình với Cha của Ngài (Mác 1:35). Do đó, Ngài đã hiểu rõ về những mục tiêu mà Ngài muốn hoàn thành. Hãy đọc câu chuyện về Ma-ri, Ma-thê và La-xa-rơ trong Giăng 11:17- 34. Việc cấp bách là ngăn chặn cái chết của La-xa-ra hiện đang bị bệnh nặng. Nhưng điều quan trọng hơn là khiến La-xa-rơ từ cõi chết sống lại, từ đó minh họa quyền năng của Đấng Christ trên sự chết. Chắc hẳn Chúa Giê-su đã đau buồn khi thấy những người bạn thân yêu của mình buồn bã, nhưng Ngài biết đó sẽ là dịp để Ngài tuyên bố: “Ta là sự sống lại và sự sống” (Giăng 11:25).

• Quyết định xem điều gì thực sự quan trọng với bạn. Đặt ra các mục đích cụ thể, và sau đó xác định các mục tiêu sẽ đưa bạn đến đó. Mục tiêu giúp bạn xác định mục đích của mình. Ví dụ, mục đích của bạn có thể là dậy sớm hơn để dành thời gian cầu nguyện. Làm thế nào để hoàn thành điều đó? Theo mục tiêu của bạn: nhớ đặt báo thức, chuẩn bị cà phê để pha và thu dọn các thứ cần thiết của bạn.

• Xem qua lịch của bạn và xem bạn có thể lãng phí thời gian ở đâu. Nếu bạn thích đọc blog hoặc lang thang trên Internet, bạn biết là mình dễ mất kiểm soát thời gian đến thế nào. Một người bạn của tôi đã cho tôi một lời khuyên tốt khi tôi bắt đầu học cao học. Cô ấy khuyên tôi nên dự trù quỹ thời gian dự định cho một dự án cụ thể, và khi hết thời gian, hãy chuyển sang điều tiếp theo. Nếu cô ấy không cho tôi biết thông tin hữu ích này thì chắc tôi vẫn đang làm những trang bài đầu tiên của mình! Tôi thấy nguyên tắc này rất hữu ích trong các lĩnh vực khác của cuộc sống. Xem thời gian của bạn mất đi đâu và hãy thành thực một cách tàn nhẫn với bản thân. “Chúng ta có xu hướng âm thầm lờ đi các công tác quan trọng và cho rằng không cần phải thực hiện chúng trong hôm nay hay thậm chí trong tuần này.”

• Nhận ra rằng nếu bạn chấp nhận thực hiện một nhiệm vụ cấp bách thì một số hoạt động hoặc trách nhiệm khác sẽ phải bị điều chỉnh. Nó có đáng không?

• Cuối cùng, đừng bỏ cuộc. Tất cả chúng ta đều sống trong thế căng thẳng giữa cấp bách và quan trọng. Tôi không tin là có người có thể hoàn toàn làm chủ được thách thức này, nhưng chúng ta chắc chắn có thể cải thiện và thay đổi cách tiếp cận với lịch trình hàng ngày của chúng mình. “Không có gì thay thế được việc biết rằng vào ngày này, vào giờ này, ở nơi này, chúng ta đang làm theo ý của Cha chúng ta trên thiên đàng. Chỉ sau đó chúng ta mới có thể bình an mà nghĩ đến nhiều nhiệm vụ còn dang dở.”

Điều Đức Chúa Trời Có Thể Làm Trong Năm Giây >>>

– Tác giả: Susie Hawkins –

– Thu Uyên trích dịch cuốn “From One Ministry Wife to Another: Honest Conversations about Ministry Connections” –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.