Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

Sống Trong Thời Đại Truyền Thông – Mục Sư Phạm Tuấn Nhượng

Sống Trong Thời Đại Truyền Thông – Mục Sư Phạm Tuấn Nhượng

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Ngày hôm nay tôi muốn chia sẻ cho anh chị em về đề tài “Sống trong thời đại truyền thông”, điều này sẽ giúp Cơ Đốc Nhân biết rõ mình cần phải sống như thế nào và hành xử ra sao trong “thế giới ảo”.

Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến được sự thay đổi chóng mặt của thế giới bởi sự bùng nổ công nghệ truyền thông. Mạng Internet, mọi thứ đều được trở nên số hoá: kinh tế số, âm nhạc số, định vị toàn cầu, … và “thế giới ảo” đó dường như đang nắm quyền kiểm soát chính thế giới thực của con người. Trên thực tế, trong thời điểm dịch lệ, chúng ta có xu hướng chấp nhận bị kiểm soát nhiều hơn bởi các thiết bị theo dõi nhằm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của bản thân. Theo Khải Huyền thì con người sẽ chấp nhận gắn mình với những con số.

Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận những lợi ích mà truyền thông mang lại. Truyền thông giúp chúng ta chia sẻ, tìm kiếm thông tin và kiến thức. Truyền thông giúp chúng ta trong công việc buôn bán, sử dụng quảng cáo để tăng doanh thu, nếu không có truyền thông mà làm theo cách truyền thống thì việc buôn bán trở nên khó khăn và thậm chí phá sản. Trong công việc Hội thánh, nhờ có truyền thông mà chúng ta gắn kết với nhau dù chúng ta ở các tỉnh thành khác nhau. Truyền thông giúp chúng ta kết nối thế giới: kết nối lại những mối quan hệ cũ, phát triển mối quan hệ mới, làm cho ranh giới địa lý trở nên không còn quan trọng. Truyền thông giúp chúng ta giải trí… Với những lợi ích như vậy, nhất là trong thời gian dịch bệnh này càng làm cho chúng ta phải chấp nhận sử dụng đến công cụ truyền thông dù có muốn hay không.

Nhưng một mặt khác chúng ta thấy: Thế giới ảo do con người tạo ra để kiểm soát thế giới thuộc linh, thế giới vật lý mà Đức Chúa Trời tạo ra. Ma quỷ cũng rất tích cực ảnh hưởng đến mạng truyền thông như lời cảnh báo: Anti-Christ sẽ nắm quyền kiểm soát trên toàn bộ thế giới và truyền thông là một phần trong đó.

Xét ở hiện tại, mạng truyền thông có lẽ ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Mỗi khi chúng ta thức dậy, tràn ngập xung quanh chúng ta là những tin tức tiêu cực, tin giả, tin vô bổ, độc hại… Nó khiến chúng ta có những cảm xúc cay đắng, nghi ngờ, phẫn nộ,… Ngoài ra mạng xã hội dễ khiến chúng ta bị “nghiện”. Chúng ta dễ dàng dành hàng tiếng đồng hồ chỉ để lướt trang bản tin và dễ hình thành thói quen vô thức. Nó cũng chiếm thời gian và sự tập trung của chúng ta lên Chúa, khiến chúng ta khó cầu nguyện, đặc biệt đối với giới trẻ. Hơn nữa, chính từ những trang đó chúng ta hàng ngày phải tiếp xúc những hình ảnh, những tư tưởng tội lỗi sẽ dần hình thành và dẫn đến lối sống, hành vi sai lệch với lời Chúa. Chúng ta nên có thái độ ăn năn với Chúa khi chúng ta bị gieo những tư tưởng đó để bảo vệ chúng ta khỏi sự tấn công từ những tiêu cực đó đến đời sống chúng ta.

Vậy, Cơ Đốc Nhân nên hành xử như thế nào trong thế giới truyền thông?

Chúng ta cùng xem trong Kinh Thánh, sách Tin lành Giăng 17: 15-18 viết: “Con không cầu xin Cha đưa họ ra khỏi thế gian nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi điều ác. Họ không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin Cha dùng chân lý thánh hóa họ. Lời của Cha là chân lý. Như Cha đã sai Con vào thế gian thì Con cũng sai họ vào thế gian.” Trong Giăng 20:21 viết: “Ngài lại nói với họ: Bình an cho các con! Như Cha đã sai Ta thể nào, Ta cũng sai các con thể ấy.” Chúng ta ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian.

Trong ý này chúng ta sẽ phân tích về những tư tưởng cực đoan với truyền thông từ một số các Hội thánh và cá nhân. Họ hoàn toàn không sử dụng di động, Internet, những thiết bị thu phát tương tự,… họ sống biệt lập khỏi sự vận hành của thế giới. Lời cảnh báo cho những Hội thánh đó là sẽ mất đi thế hệ trẻ. Bởi thế hệ trẻ bắt buộc phải sử dụng những công cụ đó cho học tập và làm việc. Nếu thế hệ đi trước không sử dụng những phương tiện truyền thông sẽ khó dẫn dắt giới trẻ đi đúng hướng, giữ giới trẻ cách biệt lập ở trong Hội Thánh hoặc khó thấu hiểu thế hệ trẻ. Nhưng đối với những người không chịu trách nhiệm về truyền thông, lời khuyên cho chúng ta là nên hạn chế sử dụng mạng xã hội càng nhiều càng tốt.Xin Chúa bảo vệ chúng ta bởi những điều tội lỗi từ truyền thông.

Như Phao-lô nói rằng ma quỷ cai trị thế giới, nó là chúa đời này. Ma quỷ luôn tìm cách tấn công chúng ta. Công cụ nó sử dụng tích cực ngày nay là truyền thông. Nên chúng ta cần sự bảo vệ bởi Chúa trước những gì đến với tâm trí chúng ta. Cảm ơn Chúa là Việt Nam đã có luật an ninh mạng để kiểm soát nội dung đăng tải trên mạng. Áp dụng xử phạt rất nghiêm ngặt những thông tin bịa đặt, nội dung sai lệch. Đó cũng là một cách Chúa sử dụng để bảo vệ những người sử dụng truyền thông. Nhà nước ta cũng rất khuyến khích truyền giáo qua truyền thông, chia sẻ niềm tin một cách tự do – là điều mà không phải nhà nước nào cũng cho phép thực hiện. Nên chúng ta cũng hãy cầu nguyện xin Chúa ban phước cho chính quyền để họ tiếp tục đưa ra những điều luật chặn đứng những điều xấu trên truyền thông. Chính Chúa cũng đề cao sự truyền thông, một trong ba thiên sứ trưởng của Ngài có thiên sứ Gabriel là thiên sứ phụ trách về truyền thông

Cuộc chiến thuộc linh mà chúng ta tranh chiến ngày và đêm đó chính là tâm trí chúng ta. Đó là cuộc chiến rất khốc liệt bởi nó kiểm soát tâm trí, hành vi, đời sống con người. Vậy làm thế nào để bảo vệ tâm trí chúng ta? Lời Chúa hướng dẫn trong Rô-ma 8:5 “Thật thế, những ai sống theo xác thịt thì chú tâm vào những việc thuộc xác thịt; còn những ai sống theo Thánh Linh thì chú tâm vào những việc thuộc Thánh Linh.” Chúng ta thấy rõ được động cơ hành vi chúng ta hướng về điều gì sẽ quyết định ta trở nên như vậy. Sau đó, Phau-lô cũng nhấn mạnh rằng chúng ta “đừng khuôn rập theo đời này” mà cần phải “biến đổi tâm trí” mình. Phải nắm giữ tâm trí mình, cần biết cách phân tích rằng nên tiếp thu điều gì và không tiếp thu điều gì. Giống như đồ ăn thuộc thể, chúng ta lựa chọn rất kỹ càng về chất lượng an toàn thực phẩm khi đưa vào cơ thể. Cũng như vậy, đồ ăn thuộc linh chúng ta cũng cần phải lựa chọn kỹ càng, thậm chí là cẩn trọng hơn cả lựa chọn đồ ăn thuộc thể.

Trong thư tín Cô-lô-se, sứ đồ Phao-lô nói rằng vì sự sống chúng ta đã chết với thế gian, nên hãy chăm xem những điều trên trời. Hoặc trong sách Phi-líp, sứ đồ Phao-lô nhắc nhở chúng ta cần suy ngẫm, chú tâm đến những điều đáng tôn, những điều tốt… Và chính Chúa nói chúng ta cần suy ngẫm lời Chúa ngày và đêm: Người nào để tâm trí mình nơi Chúa, Chúa sẽ gìn giữ người trong sự bình an trọn vẹn. Chúng ta nên dành nhiều thời gian để sử dụng chính những sản phẩm truyền thông từ Hội Thánh như trang mạng, bài giảng, bài hát thờ phượng, sách nói… để gieo những điều tích cực vào tâm trí chúng ta.

Chúa đặt chúng ta là sứ giả của Chúa cho thế gian này.

Trở thành Cơ Đốc Nhân trong thế giới truyền thông. Chúa gọi chúng ta là muối của đất và ánh sáng của thế gian. Trước những sự suy đồi của thế gian, chúng ta cần xác định sứ mạng của mình là khiến cho thế gian này trở nên trong sạch hơn. Vì vậy, đòi hỏi Cơ Đốc Nhân cần chủ động không hùa theo sự suy đồi đó mà phải chống lại sự suy đồi đó bằng đời sống ngay thẳng để làm chứng cho thế gian. Những điều chúng ta chia sẻ trên mạng cũng cần tránh những điều tiêu cực, chống phá, đả kích,… Bởi Chúa nhìn rõ được động cơ của chúng ta sau những bài đăng trên mạng. Chúng ta cần tỉnh táo khi ở trên mạng, đừng phó mình trở thành công cụ của ma quỷ. Tất cả những hành động của chúng ta trên đó, hãy tự hỏi “Mình làm vậy có bày tỏ về Chúa ở trên đó không? Chúa có đẹp lòng với điều đó không? Có xứng đáng được gọi là Cơ Đốc Nhân trên đó không?” Hoặc tự hỏi: “Nếu Chúa thấy điều này, Chúa có bấm like, hay “thả tim” cho điều này hay không?”

Trở thành nhân chứng của Chúa trong thế giới truyền thông.

Một mục sư người Úc nói rằng “selfie” – là một từ mới được chỉ về việc khoe bản thân trên mạng. Nhưng là chứng nhân của Chúa, chúng ta cần khoe về chính Chúa hơn là chúng ta. Những cảm xúc chúng ta thì Chúa mới là nơi chúng ta cần chia sẻ chứ không phải ở trên mạng. Nếu có những điều chúng ta chia sẻ trên mạng mà không chia sẻ với Chúa thì liệu chúng ta đã coi Chúa là người bạn thân của chúng ta hay chưa? Đừng khiến Chúa trở thành một trong số những người bạn bình thường của chúng ta, thậm chí không là bạn của chúng ta. Chúng ta cần học một điều là không phải điều gì cũng đăng tải lên mạng. Cũng phải lựa chọn đối tượng mà chúng ta chia sẻ. Đó là nguyên tắc tham gia truyền thông của chúng ta.

Trở thành đại sứ của nước trời trong thế giới truyền thông.

Người đại sứ của một quốc gia thì cần phải tìm kiếm ích lợi cho quốc gia đó. Chúng ta là đại sứ của Nước Trời, vậy hãy làm những điều gây dựng cho Nước Trời. Đại sứ của một quốc gia sẽ có những phát ngôn phù hợp tư tưởng, văn hoá của quốc gia đó. Chúng ta cũng vậy, không cần thiết phải tự giảng bài hay viết lời Chúa nhưng ít nhất chúng ta hãy chia sẻ những lời tích cực, câu gốc, bài giảng,… hoặc những lời đúng theo giáo lý Nước Trời.

Tôi tin rằng, khi chúng ta nhận thức được những điều Chúa muốn Cơ Đốc Nhân làm trong thế giới truyền thông, sẽ giúp chúng ta không trở nên giống thế gian mà là làm chứng về Chúa cho thế gian. Qua cách sử dụng mạng xã hội của chúng ta, chân lý Chúa được rao truyền, sẽ có những người được biết đến Chúa, tin Chúa và thay đổi đời sống.

Mối Quan Hệ Của Hội Thánh Với Chính Quyền>>>

Xin Chúa ban phước cho các anh chị em!

mục sư Phạm Tuấn Nhượng
mục sư trưởng Hội Thánh Lời Sự Sống Việt Nam




1 thoughts on “Sống Trong Thời Đại Truyền Thông – Mục Sư Phạm Tuấn Nhượng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.