Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

Thành Cổ Đa-vít Và Kênh Dẫn Nước Của Vua Ê-xê-chia

Thành Cổ Đa-vít Và Kênh Dẫn Nước Của Vua Ê-xê-chia

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Kinh thánh không phải là câu chuyện của những câu chuyện mà là cuộc sống thật, sự thật, lịch sử thật mà ngày nay người ta vẫn còn đang đào xớt để khám phá nó.

Thành cổ Đa-vít là một thành phố cổ nằm ngay cạnh thành phố Giê-ru-sa-lem, thành cổ Đa-vít khá hẹp, phía đông có độ dốc lớn khoảng 60 độ. Đây là thành phố nằm cạnh sông Ghi-hôn. Sông Ghi-hôn là 1 trong 4 con sông được chép trong Sáng thế ký 2:13 “Một con sông từ Ê-đen chảy ra đặng tưới vườn; rồi từ đó chia ra làm bốn ngả… Tên sông thứ nhì là Ghi-hôn, chảy quanh xứ Cu-sơ.”

Thành phố David trong Kinh thánh trong thời kỳ Đền thờ của Hêrôđê , từ Mô hình Thánh địa của Jerusalem . Bức tường phía nam của Núi Đền xuất hiện ở trên cùng

Vào năm 2005 và 2008, các cuộc khai quật dưới sự lãnh đạo của Tiến sĩ Eilat Mazar thuộc Đại học Hebrew, họ đã phát hiện ra hai con dấu bằng đất sét từ thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên tại Thành phố Đa-vít. Được tìm thấy cùng với nhau, hai con dấu này mang tên của Yehuchal ben Shelemayahu (Shelemiah, Sê-pha-tia) và Gedaliah ben Pashur (Ghê-đa-lia), đây hai bộ trưởng của Vua Zedekiah (Sê-đê-kia), vị vua cuối cùng trị vì ở Giê-ru-sa-lem trước khi Ngôi đền thứ nhất bị phá hủy.

Đáng kinh ngạc, tên của hai quan trưởng này xuất hiện trong Kinh Thánh sách Giê-rê-mi 38: 1 và đây chính là 2 vị quan trưởng đã báo với Vua Sê-đê-kia rằng Giê-rê-mi là người đã kích động dân chúng, bởi vậy sau đó Giê-rê-mi đã bị quăng xuống hố như câu chuyện chúng ta đã biết trong Giê-rê-mi 38:1-6.

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng những câu chuyện trong Kinh thánh chỉ là… những câu chuyện. Nhưng Kinh Thánh chính là những câu chuyện thật, cuộc sống thật và là sự thật một cách chính xác trong lịch sử. Khi khảo cổ đào sâu đến xuống các vùng đất tại Israel thì lịch sử Kinh Thánh trở nên sống động hơn bao giờ hết.

Thành cổ Đavit ngày nay vào buổi chiều

Thành Phố Của Đa-vít – Cung Điện Của Vua Đa-vít

Năm 2005, Tiến sĩ Eilat Mazar của Đại học Hebrew khai quật ở phần phía bắc của Thành phố Đa-vít để tìm kiếm cung điện của vua Đa-vít như điều đã chép trong sách II Sa-mu-ên 5:11 “Hi-ram, vua thành Ty-rơ, sai sứ đến Đa-vít, đem theo gỗ bá hương, thợ mộc, thợ đá đặng xây cất một cái đền cho Đa-vít.”

Cấu trúc đá bậc thang được tìm thấy

Thật tuyệt vời, tiến sĩ Eilat Mazar đã tìm thấy được bức tường, cột nhà có phong cách hoàng gia có niên đại đúng như thời điểm mà Kinh Thánh ghi chép. Những khám phá mới và kết hợp với những phát hiện cũ đã vẽ nên một bức tranh đầy đủ hơn. Tiến sĩ Mazar đã tìm thấy được toà nhà khổng lồ với những phiến đã lớn khoảng ba ngàn năm tuổi theo đúng kiến trúc đá bậc thang nổi tiếng, là cấu trúc lớn nhất vào thời kỳ đó ở Israel. Cấu trúc đá bậc thang hùng vĩ cao bằng tòa nhà 12 tầng ngày nay vào thời điểm đó sẽ phải đầu tư rất nhiều về thời gian và tiền bạc. Ngày nay, những phát hiện khảo cổ ngày càng chứng minh những gì Kinh Thánh ghi chép đúng với những gì mà người ta tìm thấy.

Di chỉ khảo cổ

Và lúc này đây chúng ta có thể “bước vào” cung điện cổ kính của Vua Đa-vít cách đây hơn 3000 năm qua những gì đã được tìm thấy.

Đường Hầm Của Vua Ê-xê-chia

Phần nổi tiếng nhất của Thành phố Đa-vít là chính đường hầm dẫn nước của vua Ê-xê-chia, đây là đường hầm dẫn nước được xây dựng cách đây hơn 2.500 năm.

Đường hầm dẫn nước Siloam được xây dựng thời vua Ê-xê-chia

Trước sự tấn công của người A-si-ri (II Các vua 18,19), vua Ê-xê-chia đã củng cố các thành phố trên khắp Giu-đa. Ê-xê-chia đã xây dựng tường thành lớn xung quanh Giê-ru-sa-lem, xây các kho dự trữ. Ông cũng chuyển hướng của suối Gihon (Ghi-hôn), nguồn nước chính của Giê-ru-sa-lem để ngăn chặn quân A-si-ri có thể dễ dàng tiếp cận nguồn nước và đây cũng chính là sông Ghi-hôn được chép ở sách Sáng thế ký. Việc xây dựng con kênh đào này được chép trong II Sử ký 32:30 “Ấy là Ê-xê-chia nầy lấp nguồn trên của nước Ghi-hôn, và dẫn nó chảy ngầm dưới đất qua phía tây của thành Đa-vít. Trong mọi việc Ê-xê-chia được hanh thông.” hay trong II Các vua 20:20” Các chuyện khác của Ê-xê-chia, sự mạnh dạn người, cuộc xây hồ chứa nước, và kinh dẫn nước vào trong thành, đều chép trong sử ký về các vua Giu-đa.”

Kênh dẫn nước Vua Ê-xê-chia xây dựng

Đường hầm này có độ dài khoảng 533 m, bởi vì nó cần được hoàn thành cách nhanh chóng nên đường hầm đã được đào ở hai đầu đối diện nhau bởi hai đội khác nhau. Cho đến ngày nay, các kỹ sư xây dựng vẫn chưa hiểu cách mà ngày xưa họ đã làm để hai đầu “gặp nhau ở giữa” mà không có công nghệ hiện đại.

Dù phương pháp của họ là gì, theo “dòng chữ Siloam” được tìm thấy tại địa điểm khai quật chứng minh những gì Kinh Thánh ghi lại là chính xác. Cuộc tấn công của quân A-si-ri kết thúc bằng sự chết 185 000 người bởi thiên sứ Chúa (II Các vua 19:35). Sau đó Vua San-chê-ríp cũng bị chết bởi gươm tại thủ đô Ni-ni-ve của vương quốc A-si-ri, ngay tại trong chùa nơi thờ cúng của thần mình (II Các vua 19:36), đúng lời của tiên tri Ê-sai đã nói trong II Các vua 19:6.

Tháp Đa-vít

Quân đội A-si-ri bị diệt bởi thiên sứ, vua bị giết trong đền bởi vì vua này đã xúc phạm đến Chúa khi viết thư khiêu khích quyền năng của Chúa. Dân cư Giê-ru-sa-lem được cứu, vua Ê-xê-chia được bảo vệ không phải bởi việc xây dựng đường hầm mà vì ông đã biết hạ mình kêu cầu cùng Chúa (II Các vua 18,19 ).

Ngày nay, đường hầm Ê-xê-chia là đường hầm nổi tiếng nhất của thành cổ Đa-vít, khách tham quan có thể lội nước để ngắm xem nó, để nghĩ về những điều xa xưa được chép trong Kinh Thánh và chiêm nghiệm về sự đáp lời của Chúa cho những ai kêu xin với Ngài.

Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.




1 thoughts on “Thành Cổ Đa-vít Và Kênh Dẫn Nước Của Vua Ê-xê-chia

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.