Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

Mười Dịch Lệ Hay Mười Tai Vạ Tại Ê-díp-tô – Sự Trừng Phạt Các Thần Ai-cập Của Đức Chúa Trời

Mười Dịch Lệ Hay Mười Tai Vạ Tại Ê-díp-tô – Sự Trừng Phạt Các Thần Ai-cập Của Đức Chúa Trời

Xuất Ê-díp-tô Ký 12:12, Đức Chúa Trời phán, “TA SẼ XÉT ĐOÁN CÁC THẦN CỦA XỨ Ê-DÍP-TÔ; ta là Đức Giê-hô-va.” Chính bởi điều đó mà 10 bệnh dịch của Ai Cập tạo thành một trong những bộ sưu tập phép lạ kỳ lạ nhất trong Kinh Thánh. Không nơi nào khác trong Kinh thánh chúng ta thấy màn phán xét thần thánh kỳ lạ như vậy.

Ai Cập vào thời điểm đó không chỉ là một cường quốc thống trị, mà còn là đất nước có tôn giáo phổ biến, phức tạp và cổ xưa nhất trên Trái đất. Đức Chúa Trời đã sử dụng các bệnh dịch để cảnh báo và trừng phạt toàn bộ hệ thống tôn giáo và chính trị tại đất nước này.

MỘT CHÂN THẦN DUY NHẤT

Vào thời điểm xảy ra 10 trận dịch, Y-sơ-ra-ên đã cư trú ở Ai Cập hàng trăm năm. Lúc đầu, vào thời Giô-sép, dân Y-sơ-ra-ên là những người khách được chào đón. Nhưng khi dân số và quyền lực của dân Y-sơ-ra-ên ngày càng tăng, các Pha-ra-ôn của Ai Cập bắt đầu coi dân Y-sơ-ra-ên là một mối đe dọa. Vào thời kỳ Môi-se được sinh ra , dân Y -sơ-ra- ên là một dân tộc nô lệ đã mất đi danh tính thực sự của mình.

Xuất Ê-díp-tô Ký 2:23 cho thấy con cái Y-sơ-ra-ên kêu cứu, lúc đó họ không biết ai là “Đức Chúa Trời của họ” nên họ kêu đến bất cứ vị thần nào mà họ biết. Nhưng dầu vậy “tiếng kêu van lên thấu Đức Chúa Trời.”

Thời điểm đó dân Y-sơ-ra-ên đã thờ lạy “các thần mà tổ phụ các ngươi hầu việc bên kia sông, và tại xứ Ê-díp-tô;” (Giô-suê 24:14). Họ đã bị hủy hoại bởi tôn giáo của Ai Cập đến nỗi họ thậm chí không còn biết ĐỨC CHÚA TRỜI THẬT là ai (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:13). Chính vì vậy mà dân Y-sơ-ra-ên đã phải trải qua ba bệnh dịch đầu tiên, vì chính họ cũng cần tìm hiểu Đức Chúa Trời là ai! Qua 10 bệnh dịch, Đức Chúa Trời đã làm cho người Ai Cập và cả cho dân Y-sơ-ra-ên biết đến chính Ngài.

Một số chuyên gia tin rằng Ai Cập thờ tới 2.000 vị thần và nữ thần ngoại giáo. Thông qua các bệnh dịch, Đức Chúa Trời đã chứng minh rằng Ngài là Đấng thiêng liêng, toàn năng, duy nhất của vũ trụ. Chúa đã phán cùng Môi-se rằng “Đức Chúa Trời phán rằng: TA LÀ ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU; rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Đấng tự hữu đã sai ta đến cùng các ngươi.” (Xuất 3:14). Đức Chúa Trời truyền đạt thông điệp này cho Môi-se, và sau đó Ngài sử dụng con người vĩ đại này cùng với 10 tai vạ để truyền tải một thông điệp cho cả người Ai Cập và dân Y-sơ-ra-ên.

Mục đích cơ bản của 10 bệnh dịch là: Đức Chúa Trời đã khiến nền văn minh hùng mạnh nhất trên Trái đất, và dân tộc của Ngài nhận ra rằng “TA LÀ ĐẤNG

TỰ HỮU HẰNG HỮU”

Xuất Ê-díp-tô 4: 2 – 5 Chúa lại bảo với Môi-se rằng: “Trong tay ngươi cầm vật chi? Thưa rằng: Một cây gậy. Phán rằng: Hãy ném xuống đất đi. Người bèn ném xuống đất, gậy hóa ra một con rắn; Môi-se chạy trốn nó. Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Hãy giơ tay ngươi ra nắm đuôi nó. Người giơ tay ra nắm, thì nó hoàn lại cây gậy trong tay.”

Mục đích của phép lạ này là “…để cho chúng nó tin rằng Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của tổ phụ mình, là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp, đã hiện ra cùng ngươi.”

Vậy có khi nào bạn tự hỏi phép lạ để chứng minh danh tính của Chúa lại kỳ lạ như vậy không?

PHÉP LẠ VỀ CON RẮN.

Điều đáng chú ý là những lời đầu tiên Pha-ra-ôn nói với Môi-se và A-rôn liên quan đến danh tính của Đức Chúa Trời của họ. “Nhưng Pha-ra-ôn đáp rằng: Giê-hô-va là ai mà trẫm phải vâng lời người, để cho dân Y-sơ-ra-ên đi? Trẫm chẳng biết Giê-hô-va nào hết; cũng chẳng cho dân Y-sơ-ra-ên đi nữa.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 5: 2). Đối với Pha-ra-ôn, Đức Chúa Trời của Môi-se chỉ là một vị thần khác.

Nhưng sau đó, Môi-se đã thực hiện một phép lạ cho thấy danh tính của Đức Chúa Trời liên quan đến Pha-ra-ôn, các pháp sư của ông và các vị thần Ai Cập: “… A-rôn hạ cây gậy của mình xuống trước Pha-ra-ôn và trước các tôi tớ của ông, và nó trở thành một con rắn. Sau đó Pha-ra-ôn cũng kêu gọi các nhà thông thái và các thầy phù thủy; và họ, những pháp sư của Ai Cập, cũng đã làm theo cách tương tự với những bí mật của họ. Vả, người ta đã quăng cây gậy của mình xuống cho mọi người, và họ trở thành rắn; nhưng cây gậy của A-rôn đã nuốt lấy cây gậy của họ” (Xuất Ê-díp-tô Ký 7: 10-12).

Việc con rắn “gậy của A-rôn đã nuốt lấy cây gậy của họ” là sự ra mắt rất ấn tượng. Trong thần thoại Ai Cập, Nehebkau là một trong những vị thần nguyên thủy ban đầu của Ai-cập. Đây là vị thần bảo vệ Pha-ra-ôn và tất cả người dân Ai Cập, cả trong cuộc sống và thế giới bên kia. là một vị thần mạnh mẽ được coi là “con rắn nguyên thủy”. Với người Ai-cập thì Nehebkau cũng là chủ thần ma thuật, vị thần này đã nuốt bảy con rắn hổ mang, điều này được cho là vị thần này có sức mạnh chống lại bất kỳ pháp thuật nào. Vì vậy, “con rắn từ gậy A-rôn nuốt chửng những con rắn Ai Cập, nhân danh “Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên”, hẳn là một màn thể hiện uy thế đáng kinh ngạc.

Nehebkau cũng là một vị thần trung tâm của thế giới bên kia của người Ai Cập trông coi việc đoàn tụ người chết với linh hồn sống của họ, đây cũng coi như là vị thần có sức chiến đấu mạnh mẽ. Vì vậy phép lạ này xảy ra trước khi những bệnh dịch chết người tiếp theo cho thấy, ngay cả thần bảo vệ, thần ma thuật, thần của thế giới bên kia cũng không tự bảo vệ được mình thì ai có thể đứng nổi trước danh Chúa.

Hành động của Đức Chúa Trời thông qua Môi-se và A-rôn cũng sẽ được coi là sự trừng phạt và cảnh báo đối với niềm tin vào một vị thần rắn khác của Ai Cập, nữ thần rắn Wadjet. Đây là vị thần mà biểu tượng rắn hổ mang của vị thần này có trên mũ của Pharaoh; Nữ thần này được người Ai Cập tôn thờ là “Người bảo vệ Hạ Ai Cập”, khu vực mà Goshen (và do đó là người Y-sơ-ra-ên) tọa lạc… Khi con rắn của Môi-se nuốt những con rắn khác, thông điệp rất rõ ràng: không phải Wadjet hay Pharaoh, mà chính Đức Chúa Trời của Israel mới là quyền lực tối cao ở Hạ Ai Cập!

Trước khi các tai vạ bắt đầu, Đức Chúa Trời đã giáng đòn trừng phạt vào biểu tượng của các vị thần và của Pha-ra-ôn Ai Cập. Nhưng vẫn chưa đủ, Xuất 7: 14 chép “Thế mà lòng Pha-ra-ôn vẫn cứng cỏi, chẳng nghe Môi-se và A-rôn, y như lời Đức Giê-hô-va đã phán.”

Vậy nên sự thẩm phán của Chúa đã đến với những vị thần vĩ đại nhất của Ê-díp-tô.

TAI VẠ THỨ NHẤT: NƯỚC HÓA THÀNH MÁU

Trong tai vạ đầu tiên, Đức Chúa Trời đã chống lại nơi mà người Ai-cập trông cậy vào, nguồn tài nguyên mạnh mẽ của Ai-Cập, nguồn cung cấp nước ngọt, bánh mỳ của Ai cập: Sông Nile.

Xuất Ê-díp-tô Ký 7:20-21 chép “Vậy, Môi-se và A-rôn bèn làm y như lời Đức Giê-hô-va đã dặn mình. Trước mặt Pha-ra-ôn và quần thần, A-rôn giơ gậy lên, đập nước sông, hết thảy nước sông bèn hóa thành huyết. Cá dưới sông chết, nước sông hôi thối, người Ê-díp-tô không thể uống được; vậy, huyết lan khắp cả xứ Ê-díp-tô.”

Biến sông Nile thành máu là một cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào một trong những vị thần quan trọng nhất của Ai Cập: Osiris, vị thần của khả năng sinh sản, thực vật và nông nghiệp. Người Ai Cập coi sông Nile là “dòng máu” của Osiris. Là vị thần bảo vệ của sông Nile, thần của thế giới bên kia, Osiris cũng được cho là thần ban sự sống, sự chết cho đế chế Ai Cập. Khi Đức Chúa Trời biến sông Nile thành máu theo đúng nghĩa đen, con sông (và vị thần của nó) trở thành nguồn gốc của sự chết chóc và đau khổ trên diện rộng.

Phép màu này cũng tấn công vào một loạt các vị thần khác như: Khnum, thần của nguồn sông Nile; Hapi, vị thần chủ trì lũ lụt hàng năm; Sopdet, nữ thần của nguồn nước đến từ đất liền của sông Nile. Nó cũng là sự trừng phạt các vị thần Nu, Naunet, Tefnut, Nehet-Weret, nữ thần người cá Hatmehit và thần Taweret — “nữ thần của dòng nước sạch” bụng phệ, đầu hà mã, đuôi cá sấu cũng không thể làm sạch sông Nile hoặc tất cả những thứ nước khác đã biến thành máu.

Cuộc tấn công dữ dội của Đức Chúa Trời đối với các vị thần sông Nile diễn ra trong vòng một tuần. Nhưng Pha-ra-ôn vẫn không chịu tuân theo mệnh lệnh của Chúa. Vì vậy, Môi-se và A-rôn trở lại triều đình.

TAI VẠ THỨ HAI: THẢM HỌA ẾCH NHÁI.

“Đức Giê-hô-va có phán như vầy: Hãy tha cho dân ta đi, để chúng nó hầu việc ta. Nếu ngươi không tha cho đi, nầy ta sẽ giáng tai nạn ếch nhái khắp bờ cõi ngươi. Sông sẽ sanh đông đúc ếch nhái, bò lên vào cung điện, phòng ngủ, và trên giường ngươi, vào nhà đầy tớ và dân sự ngươi, trong lò bếp, cùng nơi nhồi bột làm bánh của ngươi. Ếch nhái sẽ bò lên mình ngươi, lên mình dân sự và mọi đầy tớ ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 8: 1-4).

Tai vạ thứ hai này có tác động mạnh mẽ đến tâm trí của người Ai Cập vì thần ếch nổi tiếng nhất của Ai-cập: nữ thần Heqet. Thần Heqet và ếch tượng trưng cho sự sinh nở, hộ sinh và sự phục sinh.

Trước đó Pha-ra-ôn đã ra lệnh dìm chết tất cả nam giới mới sinh của Israel dưới sông Nile nhằm ngăn chặn sự gia tăng dân số quá lớn của dân Y-sơ-ra-ên. (Xuất Ê-díp-tô Ký1: 15-22). Bây giờ, với trận dịch thứ hai, Pharaoh ngập trong những biểu tượng của sự sinh nở, hộ sinh và sự phục sinh theo đúng nghĩa đen đổ ngược ra sông Nile!

Pha-ra-ôn đã nhờ Môi-se cầu xin Chúa dừng tai vạ lại và để dân sự đi. Môi se cầu nguyện với Chúa, tai vạ dừng lại. “Nhưng Pha-ra-ôn thấy được khỏi nạn, bèn rắn lòng, chẳng nghe Môi-se và A-rôn chút nào, y như lời Đức Giê-hô-va đã phán…” Xuất 8:15.

TAI VẠ THỨ BA: THẢM HỌA VỀ “MUỖI” HAY “KÝ SINH TRÙNG CHẤY, RẬN”

“… A-rôn cầm gậy giơ tay ra, đập bụi trên đất, bụi liền hóa thành muỗi, bu người và súc vật; hết thảy bụi đều hóa thành muỗi trong xứ Ê-díp-tô.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 8:17;)

Trong bản tiếng Do Thái thì tại vạ này được dịch là “chấy rận” chỉ đến sinh vật ăn sâu vào da. Các bản dịch khác mô tả “bọ chét”, “đom đóm”, “gặm nhấm”, “bọ ve” hoặc “muỗi”. Nhưng dầu là gì thì, mặt đất thực sự trở nên sống động với ký sinh trùng. Bệnh dịch này là sự phán xét của Chúa trên Geb, vị thần đất chính của Ai Cập.

Tai vạ này cũng nhắm vào các lãnh đạo tôn giáo của Ai Cập, những người thuật sĩ, thầy tu của Ai-cập là những người giữ mình sạch sẽ, họ đặc biệt kiêng kỵ chấy. Các thầy tu Ai Cập thậm chí còn cắt bỏ lông mày và lông mi của họ để không chứa ký sinh trùng! Nỗi ám ảnh về chấy này đã được Herodotus, nhà sử học Hy Lạp nổi tiếng ở thế kỷ thứ năm, ghi nhận: “Các thầy tu Ai-cập cạo râu trên cơ thể họ hàng ngày để đề phòng sự hiện diện của chấy, hoặc bất cứ điều gì khó chịu khác, trong khi họ đang làm nhiệm vụ tôn giáo của mình… [Họ] chỉ mặc vải lanh, và giày làm từ cây cói…. Họ tắm trong nước lạnh hai lần một ngày và hai lần mỗi đêm — và thực hiện vô số nghi lễ khác bên cạnh đó” (The Histories).

Vì vậy bệnh dịch này là một cơn ác mộng thực sự đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo của Ai Cập! Và họ hoàn toàn bất lực trong việc ngăn chặn nó. Kinh Thánh cũng chép chính “Các thuật sĩ cũng muốn cậy phù chú mình làm như vậy, để hóa sanh muỗi, nhưng làm chẳng đặng.” và họ cũng phải thừa nhận rằng “: Ấy là ngón tay của Đức Chúa Trời;” “nhưng Pha-ra-ôn cứng lòng, chẳng nghe Môi-se và A-rôn chút nào, y như lời Đức Giê-hô-va đã phán.” Xuất 8:17-19.

TAI VẠ THỨ TƯ: THẢM HỌA VỀ RUỒI VÀ BỌ HUNG.

Ruồi và bọ hung là những bùa chú phổ biến ở Ai Cập cổ đại. Ruồi trang hoàng các đồ vật nghi lễ; mặt dây chuyền của quân nhân là tướng lĩnh của Ai-cập trang trí hình rồi và dòng “Order of the Golden Fly”. Con ruồi là biểu tượng của sự quyết tâm và dũng cảm không ngừng nghỉ.

“ta sẽ sai ruồi mòng bu nơi ngươi, quần thần, dân sự và cung điện ngươi; nhà của người Ê-díp-tô đều sẽ bị ruồi mòng bu đầy, và khắp trên đất nữa… Đức Giê-hô-va bèn làm y như lời. Vậy, trong cung điện Pha-ra-ôn, nhà cửa của quần thần người cùng cả xứ Ê-díp-tô đều có ruồi mòng vô số, đất bị ruồi mòng hủy hoại.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 8:21-23). Thật khó để tưởng tượng tình cảm dành cho ruồi vẫn còn sau khi tai vạ thứ tư tấn công.

Dựa trên bản dịch của bản Septuagint trong tiếng Hy Lạp cổ đại, hầu hết các học giả đều xác định loài côn trùng này là ruồi chó. Những con ruồi hút máu này có thể gây ra vết cắn rất đau đớn. Chúng cũng có thể gây chết người, vì chúng có thể truyền nhiều bệnh khác nhau như bệnh than và bệnh sốt gan.
Theo như văn bản gốc thì từ “ruồi” đề cập đến ở đây như là bầy đàn. Ảnh hưởng của những con ruồi này đối với Ai Cập thật khủng khiếp. Thi thiên 78:45 nói rằng bầy đàn này đã “cắn nuốt” người Ai Cập.

Tại Ai-cập côn trùng là một phần của tước hiệu hoàng gia Pha-ra-ôn, ong được xem là nước mắt của thần mặt trời, thần của Ai-cập tên Khepri được mô tả với đầu của một con bọ hung… Vì vậy tai vạ này cũng là sự thẩm phán đối với các vị thần khác nhau liên quan đến ruồi, côn trùng bao gồm các nữ thần Wadjet, Iusaaset và các vị thần liên quan.

Để chấm dứt tai vạ này, Pha-ra-ôn đã đồng ý để dân Y-sơ-ra-ên (thật mỉa mai, vì những con ruồi tượng trưng cho quyết tâm kiên định của người Ai Cập). “Nhưng lần nầy, Pha-ra-ôn lại cứng lòng nữa, không cho dân sự đi” Xuất 8: 32

TAI VẠ THỨ 5: SÚC VẬT BỊ CHẾT DO DỊCH BỆNH

“nầy, tay của Đức Giê-hô-va sẽ tra vào các súc vật của ngươi ngoài đồng, vào ngựa, lừa, lạc đà, bò, và chiên: sẽ có dịch lệ rất lớn… hết thảy súc vật của người Ê-díp-tô đều chết; nhưng của dân Y-sơ-ra-ên chẳng chết một con nào…” (Xuất Ê-díp-tô Ký 9: 3, 6).

Dịch lệ này đã tấn công vào vô số vị thần động vật của Ai Cập, lần này cuộc tấn công của nó chủ yếu nhắm vào các vị thần gia súc, động vật. Lúc đó tại Ai-cập phần nhiều các vị thần là dưới hình dạng con vật nào đó và được thờ trong các ngôi đền của Ai Cập. Đặc biệt quan trọng là nữ thần bò Hathor, con gái của thần Ra này được gọi là “mẹ của pharaoh” (hình tượng được cách điệu thành một con bò đực). Nghệ thuật trên tường của Ai Cập thường mô tả các Pha-ra-ôn đang bú sữa mẹ của Hathor. (vị thần này được dân Do Thái thờ lạy ở trong đồng vắng khi Môi-se lên núi để nhận bảng luật pháp).

Và cũng tại đây, vào các thời điểm khác nhau người Ai-cập thường thờ một con bò đực sống mang tên Apis, đây là con bò đại diện cho một vị thần nổi tiếng Apis, “con trai của Hathor” và là biểu hiện của chính Pha-ra-ôn. Khi con bò đực Api chết đi, nó sẽ được thương tiếc như thể chính Pharaoh đã chết, bao gồm cả việc được ướp xác và an táng trong một cỗ quan tài khổng lồ nặng tới 60 tấn. Lúc đó, khi Kinh Thánh chép “tất cả súc vật đều chết” hàm ý cả con bò đực Apis, vị thần đại diên cũng chết vào thời điểm này, đây là đòn chí mạng giáng vào Pharaoh.

Người Ai-cập kỳ thị với người Israel vì nghề nghiệp của họ “Vì dân Ê-díp-tô có tánh gớm ghê hết thảy kẻ chăn chiên lắm” (Sáng thế ký 46:34). Vì vậy, đối với những người Ai Cập nhìn thấy gia súc của họ chết hàng loạt trong khi “dân Y-sơ-ra-ên chẳng chết một con nào.” Ngạc nhiên đến mức “Pha-ra-ôn sai người đi xét” để xem có đúng sự thật hay không. (Xuất Ê-díp-tô Ký 9: 7). Đây chính là sự sỉ nhục lớn với các thần của Ai-cập.

Một số học giả cho rằng Đức Chúa Trời đã tiêu diệt đàn gia súc của Ai Cập thông qua bệnh dịch hạch. Điều này có ý nghĩa, khi xem xét bệnh dịch trước đó; có lẽ bầy ruồi đã truyền bệnh than cho gia súc. Dù thế nào đi nữa, bệnh dịch này vẫn không làm tan nát trái tim sắt đá của Pha-ra-ôn. “… Pha-ra-ôn rắn lòng, chẳng cho dân sự đi.”

TAI VẠ THỨ 6: UNG NHỌT – GHẺ CHỐC TRÊN DÂN AI-CẬP

Trận dịch tiếp theo thực sự đã gây khó khăn cho đất nước, buộc người dân phải nằm trên giường của họ. “Vậy, hai người hốt tro trong lò, đứng trước mặt Pha-ra-ôn, rồi Môi-se vải tro lên trời, thì sanh ra ghẻ chốc cương mủ trên mình người ta và súc vật.” ngay cả “Các thuật sĩ đứng trước mặt Môi-se không được, vì cớ ghẻ chốc đã sanh trên mình các thuật sĩ như trên mình của hết thảy người Ê-díp-tô.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 9: 10-11).

Dịch lệ này là một sự sỉ nhục đối với nhiều vị thần Ai Cập, như Sekhmet, nữ thần của bệnh dịch và chữa bệnh; Thoth, vị thần của kiến thức y học; Isis, nữ thần chữa bệnh; Nephthys, nữ thần hỗ trợ sinh nở.

Nhưng nó cũng là một sự sỉ nhục đối với các bác sĩ Ai Cập được đánh giá cao, nổi tiếng trong thế giới cổ đại về kiến thức của họ trong y học, phẫu thuật, nha khoa. Thời điểm đó có những bác sĩ như Imhotep, người phục vụ dưới thời Pha-ra-ôn Djoser (khoảng năm 2600 bce), được gọi là “thần y học”.

Cách mà Chúa dạy Môi se “hốt tro trong lò, đứng trước mặt Pha-ra-ôn, rồi Môi-se vải tro lên trời,” như là cách Chúa đã báo thù cho người Israel. Xuất đoạn 5 mô tả người Y-sơ-ra-ên lao động tàn tật, phồng rộp khi làm gạch ở trong “lò gạch” Vì vậy, người Ai Cập đã trở nên tê liệt và rộp rộp từ cùng một nguồn gây đau khổ cho người Do Thái là sự báo trả của Chúa. Nhưng ngay cả một đợt lở loét đau đớn cũng không đủ để thay đổi suy nghĩ của vị vua Ai Cập.

TAI VẠ THỨ BẢY: MƯA ĐÁ, SÉT ĐÁNH, LỬA CHÁY

Tai vạ tiếp theo là đáng kinh ngạc. “Môi-se bèn giơ gậy mình lên trời, Đức Giê-hô-va làm cho sấm động, mưa đá sa, lửa chạy trên mặt đất. Vậy, Đức Giê-hô-va khiến mưa đá sa trên xứ Ê-díp-tô. Vả, có mưa đá sa xuống và lửa cháy rất mạnh pha lộn với, đến đỗi từ khi xứ Ê-díp-tô lập quốc đến giờ, chẳng có giống như vậy. Thế thì, trong cả xứ Ê-díp-tô, mưa đá làm hại mọi vật ở ngoài đồng, nào người ta, nào súc vật, nào rau cỏ, và làm gãy cây cối nữa.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 9: 23-25; ).

Nữ thần bầu trời Nut, người được cho là sẽ bảo vệ vùng đất khỏi sự hủy diệt từ trời, cùng với cha cô thần Shu, vị thần “làm dịu” bầu không khí, các vị thần của động vật và nông nghiệp (Set, Isis, Osiris và những người khác) đã mất tích trong tai vạ này.

Tai vạ này đã tấn công vào niềm tin của người Ai Cập về thế giới bên kia. Đốt được coi là hình phạt tồi tệ nhất đối với người Ai Cập. Không có cơ thể, không có gì để ướp xác, điều đó có nghĩa là không có thế giới bên kia. Ngay cả mưa đá cũng nhắm vào cây lanh (cây gai) được dùng để bọc xác ướp. Với tai vạ này, Pharaoh bắt đầu trở nên tuyệt vọng. Cuối cùng ông đã thừa nhận tội lỗi và nhận ra quyền tối cao của Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. “Pha-ra-ôn bèn truyền đòi Môi-se và A-rôn mà phán rằng: Lần nầy trẫm đã phạm tội; Đức Giê-hô-va là công bình; trẫm cùng dân sự trẫm là kẻ phạm tội.” Xuất 9:27.

Ở Ai Cập cổ đại, Pharaoh là trung gian chính giữa người dân của mình và các vị thần. Pharaoh chịu trách nhiệm cá nhân đối với thần Ma’at vị thần của “trật tự vũ trụ” và duy trì sự cân bằng trong đất. Với trận mưa đá, Đức Chúa Trời đã tấn công vào thần Ma’at và thẩm quyền của Pharaoh. Vì vậy, Pharaoh bắt đầu trở nên tuyệt vọng. Cuối cùng ông đã thừa nhận tội lỗi và nhận ra quyền tối cao của Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên.

Tuy nhiên, khi bệnh dịch kết thúc, Pha-ra-ôn lại thay đổi quyết định, bất chấp việc các đầy tớ của ông van nài để dân Y-sơ-ra-ên ra đi (Xuất Ê-díp-tô Ký 10: 7).

TAI VẠ THỨ 8: NẠN CHÂU CHẤU.

Dịch châu chấu không phải là hiếm ở Trung Đông và châu Phi. Nhưng những gì ở đây đã xảy ra với Ai Cập hoàn toàn ở một cấp độ khác. “Cào cào tràn lên khắp cả xứ Ê-díp-tô, và sa xuống trong địa hạt xứ ấy nhiều vô số. Trước kia chẳng bao giờ có bằng số đó, sau nầy cũng chẳng hề sẽ có bằng như vậy. Cào cào bao phủ khắp mặt đất của cả xứ, và xứ thành ra tối tăm, cắn xả các rau cỏ ngoài đồng cùng trái cây mà mưa đá còn chừa lại; trong khắp xứ Ê-díp-tô chẳng còn chút xanh tươi chi cho cây cối hay là cho cỏ rau ở ngoài đồng ruộng nữa.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 10: 14-15).

Với bệnh dịch này, tất cả đời sống thực vật còn lại, bao gồm cả “còn lúa mì và tiểu mạch trổ muộn, nên không bị đập” trong trận mưa đá phía trên (Xuất 9:32), đều bị nuốt chửng.

Bệnh dịch này đã tấn công một số vị thần trồng trọt quan trọng, bao gồm các vị thần ngũ cốc Neper, Nepri, Heneb và Renenutet, cũng như Isis và Set, hai vị thần chịu trách nhiệm bảo vệ mùa màng của quốc gia.

Với mùa màng bị tàn phá hoàn toàn, người dân Ai Cập giờ đây phải đối mặt với viễn cảnh chết đói. “Pha-ra-ôn vội đòi Môi-se và A-rôn đến mà phán rằng: Trẫm đã phạm tội cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, và cùng các ngươi nữa. Nhưng bây giờ, xin xá tội cho trẫm lần nầy; và hãy cầu giùm Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, hầu cho ít nữa Ngài khiến xa trẫm cái vạ chết nầy.” (Xuất 10: 16-17). Môi-se đã xin Chúa, tai vạ dừng lại nhưng Pha-ra-ôn đã đổi ý.

TAI VẠ THỨ 9: SỰ TỐI TĂM

Trong số tất cả các vị thần của Ai Cập, không có vị thần nào được tôn kính nhiều như thần Mặt trời toàn năng. Vị thần này, được tôn thờ dưới nhiều dạng khác nhau như Re, Amon-Ra, Atum hoặc Aten, có quyền lực đối với tất cả các vị thần khác. Việc thờ cúng vị thần mặt trời quan trọng đến nỗi trong triều đại của Akhenaten vào thế kỷ 13 TCN, Pha-ra-ôn Akhenaten đã cấm thờ cúng bất kỳ vị thần nào khác ngoài ông ta.

Bệnh dịch thứ chín là một cuộc tấn công trực tiếp vào vị thần lớn nhất, hùng mạnh nhất, thần mặt trời Ra “Vậy, Môi-se giơ tay mình lên trời, bèn có sự tối tăm rất dày trong ba ngày tại xứ Ê-díp-tô; trong ba ngày đó người ta không thấy nhau được, không ai nhớm khỏi chỗ mình được…” (Xuất 10: 22-23). Bản dịch Kinh Thánh khác nói “bóng tối dày đến mức bạn có thể cảm thấy nó” (câu 21). Khi bóng tối chiếm ưu thế, vị thần vĩ đại nhất, quyền năng nhất của Ai Cập đã lộ diện, hoàn toàn bất lực.

Bóng tối là cũng lời cảnh báo cho chính Pha-ra-ôn, người được coi là “con trai của mặt trời”. Như “xát vào nổi đau” của Pha-ra-ôn, Kinh Thánh Xuất 10:23 cho thấy rằng trong khi người Ai Cập bị bao phủ trong bóng tối dày đặc, thì “trong chốn dân Y-sơ-ra-ên ở thì có ánh sáng cho họ.”

Chín tai vạ đầu tiên là chín vị thần quan trọng nhất trong tôn giáo Ai Cập thường được gọi là nhóm chín vị thần được gọi là “Great Ennead of Heliopolis”. Bộ chín các vị thần vĩ đại Ai-Cập này được lãnh đạo bởi thần mặt trời Atum và các hậu duệ của ông là Shu, Tefnut, Geb, Nut, Isis, Osiris, Set và Nephthys (tất cả đều được ghi nhận và bị trừng phạt trong các tai vạ). Tuy nhiên, Great Ennead đôi khi được mô ta như là nhóm “9+1” với vị thần thứ 10, con trai vĩ đại của Isis và Osiris: Horus.

TAI VẠ THỨ 10: CÁC CON TRAI ĐẦU LÒNG KỂ CẢ SÚC VẬT TRONG XỨ BỊ CHẾT

Tai vạ thứ 10 và cũng là tai vạ cuối cùng tấn công mọi thứ chỉ trong một cú đánh – từ Pha-ra-ôn, thường dân đến chuột, đến súc vật và tất cả các vị thần đại diện cho họ. Đó là một đòn quyết định đối với quốc gia, đặc biệt là vào thời điểm mà những đứa con đầu lòng đều được tôn kính. Xuất Ê-díp-tô Ký 12:30 cho thấy không một gia đình Ai Cập nào được tha.

“Đêm đó ta sẽ đi qua xứ Ê-díp-tô, hành hại mọi con đầu lòng xứ Ê-díp-tô, từ người ta cho đến súc vật; ta sẽ xét đoán các thần của xứ Ê-díp-tô; ta là Đức Giê-hô-va.” (Xuất 12:12).

Pha-ra-ôn và gia đình của ông chính là những á thần của người Ai Cập. Trên khắp đất nước, họ được tôn kính như một phần thần, một phần con người và con đẻ của chính các vị thần. Giống như vô số vị thần của Ai Cập, Pha-ra-ôn và gia đình của ông được cho là không thể chạm tới. Với trận dịch cuối cùng, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã giáng xuống gia đình “thần” cuối cùng của Ai Cập, theo cách có thể làm tê liệt nhất — còn hơn cả cái chết của Pha-ra-ôn. Vật sở hữu quý giá nhất của Pha-ra-ôn, con trai của ông – vị thần trẻ con, một phần trong ngôi đền của các vị thần “toàn năng” – đã bị giết.

“Đương lúc ban đêm, Pha-ra-ôn, quần thần cùng hết thảy người Ê-díp-tô đều chờ dậy; có tiếng kêu la inh ỏi trong xứ Ê-díp-tô, vì chẳng một nhà nào là không có người chết. Trong đêm đó, Pha-ra-ôn bèn đòi Môi-se và A-rôn mà phán rằng: Hai ngươi và dân Y-sơ-ra-ên hãy chờ dậy, ra khỏi giữa vòng dân ta mà đi hầu việc Đức Giê-hô-va, như các ngươi đã nói. Cũng hãy dẫn bò và chiên đi, như lời các ngươi đã nói, và cầu phước cho ta nữa.” (Xuất 12: 30-32).

DÂN ISRAEL ĐI RA

Sau trận dịch cuối cùng thảm khốc, dân Y-sơ-ra-ên cuối cùng đã được giải thoát. Ai Cập, pharaoh và các vị thần của nó đã bị sỉ nhục hoàn toàn, và người Ai Cập “đẩy” dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi đất. Trên thực tế, Pha-ra-ôn và dân sự của ông đã rất cố gắng để đưa dân Israel đi thật mau ra khỏi đó, “Người Ê-díp-tô thúc giục dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ mau mau, vì nói rằng: Chúng ta đều chết hết!… Vả, dân Y-sơ-ra-ên có làm y theo lời Môi-se đã dặn, xin người Ê-díp-tô những đồ bằng bạc và bằng vàng cùng áo xống. Đức Giê-hô-va làm cho dân sự được ơn trước mắt người Ê-díp-tô, nên họ bằng lòng cho; và dân Y-sơ-ra-ên lột trần người Ê-díp-tô vậy.” ‘(Xuất 11: 1-3; 12: 33-36).

Khi trận dịch cuối cùng hoàn thành, dân Do Thái được Chúa đưa ra khỏi Ai-cập cách vui mừng. Ai Cập chìm trong cát bụi và tro tàn, kế hoạch của Đức Chúa Trời đã được hoàn thành. Đức Chúa Trời đã hoàn thành những gì Ngài đặt ra để làm: “Khi nào ta tra tay vào xứ Ê-díp-tô mà rút dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi giữa vòng người Ê-díp-tô, thì họ sẽ biết ta là Đức Giê-hô-va.” (Xuất 7: 5).

Nhưng đưa ISRAEL RA KHỎI AI-CẬP là dễ dàng hơn nhiều so với việc ĐƯA AI-CẬP RA KHỎI ISRAEL.

Không lâu sau khi dân Y-sơ-ra-ên băng qua Biển Đỏ, dân chúng đã xin để được trở lại Ai Cập và các vị thần của nó. Khi dân sự dựng trại ở chân núi Sinai, họ dựng lên một “con bê vàng” theo hình thức thờ cúng thần Hathor-Apis. A-rôn tuyên bố: “người nhận lấy nơi tay họ, và dùng đục làm thành một bò con đúc. Dân chúng nói rằng: Hỡi Y-sơ-ra-ên! Nầy là các thần của ngươi đã đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 32: 4).

Thật là một bài học mạnh mẽ cho chúng ta về bản chất con người! Bất chấp nhiều phép lạ — bất chấp sự bảo vệ của Chúa trên vùng đất Goshen — bất chấp sự sỉ nhục tột cùng của các vị thần Ai Cập — bất chấp sự tự do ra khỏi ách nô lệ — mặc dù dân Do Thái đã đồng ý với giao ước của Đức Chúa Trời tại Núi Sinai (trong giao ước này có nhiều điều khoản và điều kiện cấm VIỆC THỰC HÀNH CÁC NGHI THỨC NGOẠI GIÁO KIỂU AI-CẬP) – dân Y -sơ-ra- ên chỉ đơn giản là TỪ CHỐI “HOÀN TOÀN RA KHỎI” AI CẬP và từ chối vâng lời Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên.

Vì điều này mà, bốn mươi năm sau, chỉ có hai người trong số hơn một triệu người lớn từ Ai-cập ra đi được phép vào Đất Hứa (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:37; Dân số ký 14: 26-31).

Bài học về 10 bệnh dịch vẫn còn đúng ngày nay. Bản chất cứng đầu của con người không thay đổi trong 3.500 năm qua. Theo nhiều cách, chúng ta giống dân Y-sơ-ra-ên và Ai Cập cổ đại. Ngay cả khi phải đối mặt với những nghịch cảnh khắc nghiệt, bản chất con người vẫn quyết tâm giữ vững đường lối ích kỷ, xấu xa và theo đuổi những tham vọng xấu xa của riêng mình. Giống như chính Pha-ra-ôn, chúng ta có thể thấy khó từ bỏ ý chí con người của mình, ngay cả khi biết nó là xấu xa.

Có lẽ chúng ta không còn tôn thờ các vị thần sông Nile bụng bầu, đầu hà mã, đuôi cá sấu nữa. Nhưng như Kinh Thánh nhiều lần nói rằng, THẦN TƯỢNG LÀ BẤT CỨ THỨ GÌ CHÚNG TA ĐẶT LÊN TRÊN ĐỨC CHÚA TRỜI— có thể là của cải, bạn bè, gia đình, thậm chí cả bản thân chúng ta. Theo đuổi bất cứ thứ gì trên Chúa thì thứ đó sẽ trở thành một vị thần của chúng ta. Về mặt đó, chúng ta cũng có thể là người thờ thần tượng như thế giới cổ đại.

Quyền năng của Chúa thật vĩ đại, bao trùm trên cả vũ trị này, chúng ta nhìn thấy sự hư vô của tôn giáo, công nghệ và triết học của con người. “Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là Đấng tự hữu hằng hữu;” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14); Kinh Thánh chép tiếp “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là nhà nô lệ, Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20: 2-3).

Nguyện xin Đức Chúa Trời Chân Thần Duy Nhất là Đấng “Ta là…” sẽ gìn giữ đức tin chúng ta để bước vào quê hương tốt nhất mà Chúa dành cho chúng ta cách trọn vẹn.

Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.