Hình ảnh: pixabay
Sức riêng của chúng ta không đủ để đưa ta đến chỗ có đức tin lớn hơn. (ED STETZER)
Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Thế là lại đến thời điểm này trong năm – thời điểm đặt ra những quyết tâm năm mới. Ngay sau khi dọn dẹp những dây đèn trang trí và sắp xếp lại nhà cửa sau những giây phút hân hoan của mùa Chúa giáng sinh, chúng ta chuyển sang nhiệm vụ kế tiếp: đặt ra những mục tiêu.
Khi nhìn lại năm 2017, rất nhiều người trong chúng ta tự nhiên sẽ nhìn lại những khía cạnh cần cải thiện và đặt ra câu hỏi: Điều gì đã có thể làm tốt hơn? Thực tế thì, câu hỏi mà chúng ta đang đặt ra cho bản thân mình là: Điều gì ở bản thân mình đã có thể tốt hơn? Một năm chăm chú quan sát bản thân trong gương với chiếc bàn chải đánh răng vào mỗi sáng chắc hẳn khiến phần lớn chúng ta ao ước một số điều nên biến đổi khác đi.
Với tất cả những ao ước này, khoảng 40% người Mỹ mở sổ tay ra và quyết tâm vào tháng một hàng năm sẽ cải thiện bản thân họ một lần và mãi mãi. Một vài người lên kế hoạch sẽ đọc sách nhiều hơn và dành ít thời gian lướt qua mạng xã hội hơn. Một vài người khác muốn ăn uống lành mạnh hơn thay vì quá nhiều thức ăn ngọt và béo. Như một nhân viên tiếp thị, chúng ta nhắm tới việc xây dựng thương hiệu bản thân tốt hơn để có thể rao bán “con người mới mẻ và tiến bộ” của mình cho những khách hàng tin tưởng.
Nền kinh tế nước Mỹ, dĩ nhiên, xử lý hết tất cả những ao ước này như ăn một chiếc bánh quy Giáng Sinh còn sót lại. Hàng trăm, hàng triệu đô la được chi ra mỗi năm cho những cuốn sách tự phát triển bản thân. Sáu mươi tỉ đô khác được những người đang cố gắng giảm cân tiêu tốn cho những thẻ hội viên phòng gym, khoá giảm cân hay những sản phẩm ăn kiêng.
Thật không may, sau khi tất cả mục tiêu đã được đề ra, chỉ có khoảng 9% người Mỹ được cho là “thành công” trong quá trình thực hiện. Bạn biết các phòng gym mà mọi người đều tham gia vào ngày đầu tháng 1 chứ? Vâng, 67% những người đăng kí mua thẻ thành viên không bao giờ thực sự dùng chúng. Người Mỹ đưa ra lời hứa, nhưng ít trong số những lời đó thực sự được thực hiện.
Cơ đốc nhân cũng đang nỗ lực
Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cũng rơi vào cái bẫy tương tự vào thời điểm này trong năm. Rất nhiều người đưa ra những quyết tâm giống hệt như trên và thêm cả những cam kết liên quan đến đức tin.
Có thể chúng ta cố gắng trở nên hào phóng hơn, ít lo âu hơn hoặc vui mừng hơn trong Chúa. Có thể chúng ta lên kế hoạch đọc Kinh Thánh hàng ngày và cầu nguyện nhiều hơn. Tất cả những ý định của chúng ta, dù tốt đẹp và thường là có động cơ thúc đấy chính đáng, không phải lúc nào cũng dẫn tới thành công. Giống như phần còn lại của nước Mỹ, chúng ta bắt đầu thật mạnh mẽ nhưng sớm nhận ra rằng bản thân đang phải vật lộn để có thể theo sát những mục tiêu.
Tôi không biết bạn thế nào, nhưng chính bản thân tôi gặp khó khăn với điều này. Là những tín hữu mong muốn tạo ra những thay đổi lâu dài và trao ban sự sống cho người khác, chúng ta cần phải tìm ra cách để giữ lời và bám chặt lấy mục tiêu của chúng ta lâu dài hơn là đến ngày thứ hai của tháng một.
Bí quyết: Đừng chỉ “Cố gắng hơn nữa”
Người Mỹ dường như luôn nghĩ rằng cách giải quyết cho mọi vấn đề là: nếu như ban đầu bạn thất bại, hãy cố gắng, cố gắng lần nữa.
Câu thần chú này, mặc dù hữu ích trong một vài trường hợp, nhưng nó cũng có giới hạn. Hiển nhiên là, có những thời điểm trong cuộc sống của chúng ta khi lòng can đảm, sức lực, và sự quyết tâm là thực sự cần thiết. Nhìn vào câu chuyện của những người lãnh đạo dũng cảm trong Kinh Thánh như Môi-se, Đê-bô-ra, và Phao-lô, thật hiển nhiên rằng một chút thúc ép là cần thiết trên chặng đường tâm linh của mỗi con người.
Môi-se hiển nhiên đã có thể giơ tay đầu hàng vào lần thứ chín vua Pha-ra-ôn từ chối trả tự do cho người Israel. Đê-bô-ra đã có thể sợ hãi trước 900 chiến xa của vua Gia-bin trên chiến trường. Phao-lô đã có thể từ bỏ chức vụ sau bao ngày ngục tù vì rao giảng lời Chúa.
Họ đã có thể, nhưng may thay, họ đã không làm như vậy.
Tất cả những người nam, người nữ này đã thật can đảm và chính quyết tâm bên trong họ đóng vai quan trọng trong khả năng theo đuổi nhiệm vụ Chúa đặt ra cho họ. Nhưng nếu chúng ta dành ra một giây để nghĩ rằng bằng cách nào đó Môi-se đã rẽ Biển Đỏ chỉ bằng sức lực và ý chí của riêng ông, thì hẳn là chúng ta đang đùa.
Phao-lô có thể cũng đã “cố gắng và cố gắng nữa” cho tới khi kiệt sức, nhưng nếu thiếu đi sự giúp đỡ khổng lồ từ nơi Đức Chúa Trời, công việc rao giảng của ông đã có thể chẳng đi đâu về đâu.
Cũng giống như vậy, năm mới này, nếu như chúng ta đang nghĩ rằng sức lực của riêng mình là đủ để đưa chúng ta đến chỗ có đức tin lớn hơn nơi Chúa hay sự trông cậy vào Ngài, thì chúng ta đã nhầm rồi.
C.S. Lewis bàn về chủ đề này trong cuốn “Cơ Đốc giáo đơn thuần” và viết rằng:
Vì vậy, theo một cách, con đường trở lại với Chúa là con đường của nỗ lực đạo đức, của việc cố gắng hơn nữa và hơn nữa. Nhưng theo cách khác thì cố gắng không phải là điều sẽ mang ta về đến “nhà”. Tất cả những nỗ lực này hướng ta tới cái khoảnh khắc vô cùng quan trọng khi bạn nhìn về phía Đức Chúa Trời và nói, “Ngài phải làm điều này. Con không thể.”
Những nỗ lực tăng trưởng trong đức tin và thuộc linh của chúng ta – những người bước đi theo Chúa – là hoàn toàn đáng quý, nhưng rốt cục, những nỗ lực đó là để cho chúng ta nhìn thấy nhu cầu to lớn hơn rất nhiều, là sự can thiệp của Đức Chúa Trời. Bất kể những mục tiêu thuộc linh to lớn chúng ta đang theo đuổi trong năm 2018 là gì, chúng ta phải làm điều đó trong Chúa và với sức mạnh ban cho từ nơi Ngài – không có Chúa, chúng ta chẳng thể làm được gì.
Tác giả: Ed Stetzer
Nguồn: christianitytoday.com
-Người dịch: Hà Trang-