1. Con người xuất hiện từ đâu?
– Loài người đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau, những giả thuyết này mâu thuẫn lẫn nhau và tự mâu thuẫn. Ví dụ như thuyết tiến hóa nói con người ra từ khỉ, nhưng đây chỉ là giả thuyết, thực ra trong thâm tâm chúng ta biết mình không phải từ khỉ, không ai thích giống khỉ cả. Chúng ta tin rằng con người đến từ Đức Chúa Trời, được tạo dựng giống như Ngài. (STK 1:27)
2. Cấu tạo con người như thế nào?
Con người được tạo dựng giống như hình và tượng của Đức Chúa Trời. Giống Đức Chúa Trời có nghĩa là:
– Con người có vị cách (một thân vị): nhân cách, trí khôn, tình cảm, ý chí
– Có đạo đức: lương tâm hướng về điều công nghĩa
– Có sự bất diệt: Truyền đạo 12:7b, có nói khi con người chết thì thân thể trở về bụi đất, nhưng thần linh quay về Đức Chúa Trời và bất diệt, chính vì vậy mà chỉ đối với con người khi chết người ta gọi là “qua đời” (qua đời này đến đời khác), “từ trần” (từ trần này đến trần khác)
Cấu tạo con người gồm ba phần: tâm linh, tâm hồn, thân thể
3. Con người khác loài vật ở những điểm gì?
– Khả năng bất diệt.
– Đạo đức hay lương tâm. Khi phạm tội, con người cảm thấy cáo trách và ăn năn.
– Khả năng thờ phượng hay liên lạc được với thế giới thần linh.
– Ý chí tự do, hay quyền tự do lựa chọn. Loài vật chỉ sống theo bản năng.
– Tâm trí sáng tạo. Nhờ điều này con người có thể chinh phục được muôn loài.
– Con người có tình cảm. Loài vật không có khả năng này..
4. Cuộc sống của tổ phụ loài người trước khi phạm tội như thế nào?
Đức Chúa Trời đã dựng nên con người để san sẻ sự giàu có, tốt lành của Ngài. Ngài đã tạo dựng tất cả mọi sự tốt lành, sau đó đặt con người trong mọi sự tốt lành đó, Ngài đã đặt con người trong vườn “Êđen” (có nghĩa là sự vui hưởng trọn vẹn). Vì vậy cuộc sống của tổ phụ loài người đầy đủ mọi sự: không biết đói, lạnh, thiếu thốn, bệnh tật, sợ hãi, hoang mang.. là gì; cũng không có thiên tai, động đất, hạn hán.. những điều đau khổ mà chúng ta nhìn thấy trong thế giới ngày nay.
5. Tại sao Đức Chúa Trời không dựng con người với khả năng không thể phạm tội?
Đức Chúa Trời có thể làm điều đó, nhưng nếu Ngài làm như vậy, chúng ta là những người máy không có quyết định, sự tự do, tình cảm. Đức Chúa Trời cho con người quyền tự do lựa chọn và muốn dạy họ cách sử dụng quyền tự do đó. Thậm chí khi con người sa ngã, Chúa cũng đã dự bị phương pháp cứu rỗi.
6. Tội lỗi là gì?
Nhiều người nghĩ tội lỗi là độc ác, tàn bạo, đồi bại… Nhưng thật ra tội lỗi là “Không đạt tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời đã quy định”.
Các tội lỗi điển hình như:
– Chối bỏ không tin Đấng tạo dựng nên mình (Rôma 1:21-25)
– Trái luật của Đức Chúa Trời (I Giăng 3:4)
– Không làm điều lành như đáng phải làm (Giacơ 4:17)
– Tư tưởng, lời nói, hành động trái lương tâm.
7. Nguồn gốc của tội lỗi từ đâu?
Tội lỗi nảy sinh từ sự bất tuân mạng lệnh Đức Chúa Trời của ông bà Ađam, Êva trong vườn Êđen. Họ đã nghe theo lời của Satan, chạy theo sự ham muốn của mắt, tư dục của xác thịt và sự kiêu ngạo của đời, mà nghịch mạng Đức Chúa Trời. Đây là một trọng tội, nó đã khiến cho loài người sa ngã và mang lại những hậu quả khủng khiếp (Sáng thế ký 3:1-6).
8. Hậu quả của tội lỗi?
Đức Chúa Trời nói với Ađam và Êva, nếu họ phạm tội họ sẽ chết (STK 2:16-17), chết ở đây (theo tiếng nguyên bản – nhiều sự chết) có nghĩa là:
– Chết về tâm linh: tâm linh con người bị phân cách với Đức Chúa Trời. Mất sự tương giao mật thiết, giống như cây bị cắt gốc rễ, chính vì vậy mà con người bất an, đau khổ, trống rỗng, vô vọng, thiếu thốn..
– Chết về thân thể: thân thể con người trở nên yếu đuối, bệnh tật, trở nên thân thể hay chết. Con người nào rồi cũng phải chết.
– Chết đời đời: Con người sau khi từ giã cõi đời này, vì tội lỗi, họ sẽ phải bị quăng vào nơi khóc lóc, nghiến răng, đời đời xa cách Chúa. Đó là hỏa ngục đời đời.
9. Kẻ phủ nhận tội lỗi là hạng người như thế nào?
– Người lừa dối chính mình (I Giăng 1:8)
– Là người chống nghịch Chúa (I Giăng 1:10)
– Là người thiếu khôn ngoan (Châm ngôn 14:9)
10. Con người có thể tự cứu mình khỏi tội lỗi được không?
Tội lỗi đã đi vào bản chất con người, vì vậy loài người không tự mình giải cứu khỏi tội lỗi được. Con người giống như đang ở trong đầm lầy, không thể tự túm tóc mình nhấc lên được, không thể tự kéo nhau lên được, cần phải có một Đấng ở ngoài đầm lầy, mạnh mẽ quyền năng để cứu con người được. (Rôma 7:23-25)
11. Muốn tội lỗi mình được tha thứ chúng ta phải làm gì?
Tin nhận Chúa Giê-su – xưng tội với Chúa, ăn năn từ bỏ tội lỗi của mình, nhờ huyết Chúa Giê-su tẩy rửa tội lỗi của chúng ta.
Tải Tài Liệu Những Nền Tảng Căn Bản Cho Người Mới Tại Đây: