Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Từ đồi Olive, mọi người cùng nhau lên xe buýt và đi đến sông Giô-Đanh, rời thành phố Giê-ru-sa-lem, trái tim của thế giới và của mọi người. Chắc chắn một ngày nào đó cũng sẽ trở lại nơi này vì còn quá nhiều địa điểm chưa đi đến được, còn nhiều nơi mà mọi người muốn nhìn thấy hay đơn giản cần phải quay lại vì nó là GIÊ-RU-SA-LEM thành của Vua Lớn.
“Sẽ xảy ra trong những ngày sau rốt, núi của nhà Đức Giê-hô-va sẽ được lập vững trên đỉnh các núi, cao hơn các đồi. Mọi nước sẽ đổ về đó, và nhiều dân tộc sẽ đến mà nói rằng: Hãy đến; chúng ta hãy lên núi Đức Giê-hô-va, nơi nhà Đức Chúa Trời của Gia-cốp: Ngài sẽ dạy chúng ta về đường lối Ngài, chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài. Vì luật pháp sẽ ra từ Si-ôn, lời Đức Giê-hô-va sẽ ra từ Giê-ru-sa-lem… .” (Ê-sai 2:2-5)
Thành phố Giê-ru-sa-lem nằm trên núi Giu-đa cao hơn mực nước biển khoảng 800 mét. Vì vậy khi xe đi xuống đến điểm 0 ngang mực nước biển thì mọi người bị ù tai tương tự như khi ở trên lúc máy bay hạ cánh vậy.
Dọc đường đi chỉ toàn hoang mạc, không thấy cây cối gì, gần sông Giô- Đanh thì mới thấy các vườn cây Chà Là. Chà là chính là đặc sản nơi đây được người ta chế biến theo nhiều cách khác nhau.
Khi xuống đến điểm 0 so với mặt nước biển, mọi người cùng nhau tham quan chụp hình và ngắm hoang mạc rộng lớn này.
Đường đến với sông Giô-đanh nơi Giăng Báp-tít làm báp têm cũng như là nơi Chúa Giê-su đã chịu báp-têm (Mác 3:13; luca 3:12) đi ngang qua hoang mạc rộng lớn đúng như trong Kinh Thánh khi Giăng kêu gọi sự ăn năn là có tiếng kêu và từ tiếng kêu trong đồng vắng. (Lu ca 3:3-4).
Tên của dòng sông trong nguyên văn Hebrew là có nghĩa là “từ Đan chảy xuống.” Sông Giô-đanh dài khoảng 251 Km chảy từ phía bắc của nước Do Thái, đổ vào hồ Ga-li-lê, rồi sau đó chảy vào Biển Chết.
Vì dòng sông Giô-đanh chảy từ bắc xuống nam, do đó khi nhắc đến sông Giô-đanh là ranh giới, những vùng đất phụ cận của sông Giô-đanh được gọi là vùng đất ở bờ phía đông (East Bank), hoặc bờ phía tây (West Bank) của sông Giô-đanh. Tên của quốc gia Jordan được đặt theo tên của sông Giô-đanh.
Một trong những đặc điểm đáng lưu ý của sông Giô-đanh đó là sông Giô-đanh là dòng sông duy nhất trên thế giới, chảy trên bề mặt trái đất, mà phần lớn chiều dài của dòng sông thấp hơn mặt nước biển.
Sông Giô-đanh được hợp thành từ nhiều dòng suối và vài con sông nhỏ. Bốn phụ lưu chính của sông Giô-đanh là Hasbani, Nahal Ayun, Leddan và Banias.
Cách đây khoảng 3500 năm, chi tộc Đan định cư tại biên giới phía bắc của nước Do Thái (Các Quan Xét 19:40-48). Vì thượng nguồn của sông Giô-đanh xuất phát từ phía bắc của nước Do Thái, cho nên người Do Thái đã đặt tên cho dòng sông này là “từ Đan chảy xuống.”
Lúc người Do Thái tiến vào Đất Hứa, khi các thầy tế lễ khiêng Hòm Giao Ước vừa bước xuống sông, nước liền rẽ ra, phơi bày lòng sông như đất khô. Cả đoàn dân Y-sơ-ra-ên đã vượt qua sông Giô-đanh vào xứ Ca-na-an như vậy (Giô-suê 3:13-17). Sau đó, 12 chi tộc Do Thái, mỗi chi tộc đã chọn một người, lấy một hòn đá dưới đáy sông đem về làm kỷ vật để nhắc nhở cho con cháu về sự cứu giúp của Đức Chúa Trời (Giô-suê 4:1-9, 20-24). Mình cũng kiếm được một hòn đá ở sông này để dành làm kỷ niệm.
Tại sông Giô-đanh, Tiên tri Ê-li đã lấy áo tơi cuốn lại, đập lên mặt nước; nước sông liền rẽ ra làm hai. Tiên tri Ê-li và Ê-li-sê đã đi qua như đi trên đất khô (II Các Vua 2:6-8). Trên đường về, khi phải qua sông trở lại, Tiên tri Ê-li-sê cũng lấy áo tơi của Tiên tri Ê-li, cuốn lại, rồi đập trên mặt nước; nước bèn rẽ thành hai, và Tiên tri Ê-li-sê đã qua sông trở lại như vậy (II Các Vua 2:14).
Tiên tri Ê-li-sê đã làm một phép lạ khác trên dòng sông này. Có một lưỡi rìu, mà một học trò của Tiên tri Ê-li-sê đã mượn, bị đánh rơi chìm dưới lòng sông. Tiên tri Ê-li-sê đã lấy một khúc cây quăng ngay chỗ lưỡi rìu chìm, tức thì lưỡi rìu nổi lên (II Các Vua 6:1-7).
Tướng Na-a-man của nước Sy-ria bị bệnh phung đã đến nhờ Tiên tri Ê-li-sê chữa bệnh. Đức Chúa Trời truyền cho Tiên tri Ê-li-sê bảo Na-a-man hãy xuống sông Giô-đanh tắm bảy lần. Lúc đầu, Na-a-man không tin và không vâng lời; tuy nhiên sau đó ông đã làm theo và đã được chữa lành (II Các Vua 5:10-14).
Gia-cốp đã có lần vượt sông Giô-đanh bỏ xứ ra đi (Sáng Thế Ký 32:10). Hơn 20 năm sau, Gia-cốp quyết định từ xứ Cha-ran trở về. Gia-cốp và gia đình đã vượt qua rạch Gia-bốc (Sáng Thế Ký 32:22-23), là một chi nhánh của sông Giô-đanh, để quay về vùng đất mà Đức Chúa Trời đã hứa cho tổ phụ của mình.
Vài trăm năm sau, hai chi phái rưỡi của người Do Thái, là những chi phái xuất phát từ dòng dõi của Gia-cốp, thay vì cùng với các chi phái khác tiến vào xứ Ca-na-an, họ đã quyết định ở lại vùng đất phía đông của sông Giô-đanh, là vùng đất thuộc nước Jordan ngày nay (Dân Số Ký 32:1-42; 34:15). Chín chi tộc rưỡi còn lại, sau đó, đã định cư tại vùng đất phía tây của sông Giô-đanh (Giô-suê 13:7), thuộc nước Do Thái ngày nay.
Trên đường đi có rất nhiều những bộ tộc người Do Thái cũng như người Ả Rập họ sống trong đồng vắng y như tổ phụ của họ ngày xưa. Một số các tộc người coi sống ở hoang mạc như vậy mới đúng chuẩn còn sống trong các thành là không đúng nên đến giờ họ vẫn giữ các tập tục như vậy.
Thời tiết ở đây cực kỳ nóng nhưng dễ chịu hơn nhiều so với ở Việt Nam. Có thể vào thời điểm khác sẽ nóng hơn nhưng với hiện tại mình thấy vậy, điều đặc biệt nữa là dù nóng bức, toàn đất cát nhưng mình không hề thấy bụi, thời gian ở Do Thái đi thường xuyên nhưng không hề bị bẩn bởi đất cát giống như Việt Nam.
Từ hướng đi này mọi người cũng có thấy các thành phố Giê-ri-cô, Sa-ma-ri, và một số các địa danh khác từ phía xa. Tại Xứ Thánh này có rất nhiều địa danh trong Kinh Thánh, nếu muốn đi hết các địa danh ở xứ xở Do Thái này thì không thể tính năm mà tính chục năm chưa chắc đã hết. Mục sư trưởng của Hội Thánh Lời Sự Sống tại Nga đã đi Do Thái hơn 30 năm mà hiện nay ông vẫn còn đang đi và đang dẫn đoàn Hội Thánh Nga đến với Do Thái hằng năm.
Để vào đến nơi Giăng làm báp-têm thì phải đi ngang một trạm kiểm soát của người Do Thái. Phần sông Giô Đanh mà mọi người tham quan thuộc về nơi Y-sơ-ra-ên kiểm soát gọi là khu tự trị Do Thái. Biên giới Giô-đa-ni ( tên sống Jordan chính là tên đất nước này ) và Y-sơ-ra-ên cách nhau bởi sông Giô- Đanh, có những nơi ngay giữa sông có những sợi dây chia đôi hai bên. Sau khi qua trạm kiểm soát mọi người đến với sông Giô-Đanh nơi Chúa đã chịu phép báp têm ở lại tại đó tham quan cũng như nghỉ ngơi.
Mọi người ngồi với nhau, thờ phượng Chúa, nghe về ý nghĩa về báp têm sau đó nhận lãnh báp têm ở tại nơi đây. Trong đoàn người Việt Nam có 3 người được làm báp têm tại chính dòng sông này.
Sông Giô-đanh nơi mà mọi người tham quan thì thấy không giống như mọi người tưởng tượng, bề ngang rất ngắn. Dòng sông này chảy ngang qua hoang mạc rất nóng, mình cũng rất ngạc nhiên khi thấy có một dòng sông chảy ngang qua khu vực rất khô cằn này. Rất nhiều đoàn khách khác nhau đến đây để chịu báp-têm trên sông này. Có người còn xuống tắm cái cho biết, ai nấy cũng đều xuống để chạm vào dòng sông nơi 2000 năm trước Chúa đã chịu báp-têm.
Thời tiết trong thời điểm này cực kỳ nóng bức, nước ở dòng sông cực kỳ mát lạnh, cảm ơn Chúa đây là một trong những địa điểm mà mình rất muốn đến và Chúa cũng cho đến được nơi này.
Hành Trình Về Đất Hứa – Vườn Ghết-sê-ma-nê, Nơi Ê-tiên Bị Ném Đá, Mộ Áp-sa-lôm >>>
– Huỳnh Trần Ngọc Hùng –
One thought on “Hành Trình Về Đất Hứa – Sông Giô-đanh, Nơi Chúa Giê-su Chịu Báp-tem”