Search
Saturday 23 November 2024
  • :
  • :

Sự Dẫn Dắt Thật, Sự Ban Phước Thật, Kết Quả Thật Của Chúa Cho Cuộc Đời Chúng Ta

Sự Dẫn Dắt Thật, Sự Ban Phước Thật, Kết Quả Thật Của Chúa Cho Cuộc Đời Chúng Ta

Ba mức độ trong ý muốn của Đức Chúa Trời

Trong Rô-ma 12:2 có chép: “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến-hóa bởi sự đổi mới của tâm-thần mình, để thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.” Câu Kinh thánh này có các cách thông giải khác nhau. Có người thông giải rằng ý muốn Đức Chúa Trời là tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn đối với chúng ta nhất. Cá nhân tôi thường thông giải câu Kinh thánh này rằng, có ba mức độ ý muốn khác nhau của Đức Chúa Trời là tốt, vừa lòng (hay cho phép), hoàn hảo.

Có những hoàn cảnh, sự việc trong đời sống của chúng ta mà Chúa buộc phải cho phép xảy ra. Bởi có thể điều đó xảy đến bởi sự ngu dại của chúng ta. Và Chúa có thể biến những điều không tốt thành tốt lành cho chúng ta. Tiếp theo, chúng ta biết rằng, có những thứ tốt nhưng không phải tốt nhất. Ví dụ, khi dân Y-sơ-ra-ên đòi một vua, đây không phải là ý muốn hoàn hảo của Chúa, nhưng Chúa buộc phải cho phép xảy ra. Còn ý muốn hoàn hảo, tốt nhất của Chúa dành cho họ là chính Chúa là Vua của họ. Nhưng có vua còn tốt hơn là không có vua, vì trong thời kỳ các quan xét khi “ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải” (Các Quan xét 21:25). Nên Chúa đã cho phép điều đó xảy ra.

Cuối cùng, ý muốn hoàn hảo (tốt nhất) của Đức Chúa Trời. Tôi cho rằng, chúng ta hãy ao ước điều này. Tôi ao ước như vậy cho cuộc đời của mình, giống như Áp-ra-ham thoả lòng sống lâu. Giống như lời Chúa hứa rằng, “Ta sẽ cho ngươi thoả lòng sống lâu” (Thi thiên 91:16). Điều này có nghĩa rằng, chúng ta biết rằng cuộc sống của mình ở trên đất này đã hoàn hảo, mọi việc đã ổn, và lòng chúng ta chỉ ao ước về với Chúa. Có những Cơ Đốc nhân về với Chúa, nhưng lòng vẫn còn đau xót, muốn đấu tranh, dành dật, chưa muốn chết. Hãy noi gương tôi tớ Chúa là Billy Graham, khi ông về với Chúa ông đã bàn giao hết công việc, ông chỉ muốn nhanh nhanh về với Chúa, nên mọi người cũng chờ đợi khi nào thì ông sẽ về với Chúa. Vì vậy, chúng ta hãy ao ước ý muốn hoàn hảo của Chúa. Tôi muốn tôi về với Chúa cách hoàn hảo, nghĩa là khi đã làm chọn những gì Chúa muốn tôi làm ở trên đất này. Nếu là ý muốn hoàn hảo của Chúa, chúng ta sẽ về với Chúa trong sự bình an, chứ không phải trong bệnh tật đau đớn, tai nạn xe hơi … Tôi không biết anh chị em nghĩ thế nào, nhưng cá nhân tôi tin như vậy.

Sự vâng lời

Lời hứa của Chúa rằng, nếu các con sẵn lòng vâng lời, các con sẽ được ăn sản vật tốt nhất của đất. Tôi tin rằng lời Chúa là thành tín, nếu chúng ta vâng lời, nếu chúng ta hầu việc Chúa, Chúa sẽ ban phước cho chúng ta. Tôi nghe một tôi tớ Chúa, mục sư Artur Simonyan chia sẻ rằng, có lần Chúa nói với ông: “Nếu con bước theo sự dẫn dắt của Ta, Ta sẽ cho con sự thạnh vượng.” Tôi cho rằng, thạnh vượng không chỉ về tiền. Có người có nhiều tiền nhưng không thạnh vượng, đời sống hôn nhân không hạnh phúc, con cái bỏ Chúa, thậm chí cặp bồ. Lời Chúa nói rằng: “Phước-lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu-có; Ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào.” – Châm ngôn 10:22. Nếu chúng ta có chức vụ nổi tiếng, tiền bạc, nhưng bên trong lòng trống rỗng, mất lửa, gia đình tan nát, con cái bỏ Chúa. Tôi nghĩ, đó không phải là phước hạnh của Đức Chúa Trời.

Một trong những điều đặc trưng trong luật pháp Chúa hứa là nếu vâng lời thì này mọi phước lành giáng trên ngươi (Phục truền 28:2). Trong Phục truyền chương 28 viết đến những phước lành về con cái, sức khoẻ, tài chính, đời sống bình an… Phước lành không chỉ liên quan đến tiền bạc, mà bao gồm rất nhiều thứ khác nữa. Phước lành mang lại cho con người sự thoả lòng. Trong Phục truyền cũng nói về những hậu quả của việc không vâng lời thì sẽ có những tai hoạ xảy ra, thậm chí rất nhiều tai hoạ xảy ra.

Nếu chúng ta biết nghe Chúa, vâng lời Chúa, Chúa sẽ ban phước thật cho chúng ta. Ngài cũng ban cho chúng ta chức vụ thật, kết quả thật ích lợi trong Hội thánh. Nên chúng ta cần suy nghĩ xem, làm sao để bước theo sự dẫn dắt thật, để rồi nhận được phước thật, qua đời sống và những công việc chúng ta làm sẽ mang lại kết quả thật cho Hội thánh.

Sự dẫn dắt thật

Không phải cứ nói rằng, tôi là Hội thánh ân tứ, thì phước lành tự động đến. Như Hội Thánh Cô-rinh-tô có rất nhiều ân tứ, nhưng họ không được phước thật, giữa họ có rất nhiều sự lộn lạo, chia rẽ … Có nhiều Hội thánh bước theo phong trào ân tứ, biết về phép lạ thì lại trở nên tồi tệ hơn, bắt đầu chia rẽ nhau. Bên cạnh đó cũng có nhiều Hội thánh ân tứ rất tốt. Có một số nguyên nhân khiến một Hội thánh bước theo phong trào ân tứ, sau đó bị suy giảm, thậm chí sau đó còn chia rẽ, gây những tiếng xấu cho những Hội thánh ân tứ thật như sau:

– Khi rời khỏi Hội thánh cũ, họ vẫn còn sự cay đắng. Nên nếu chúng ta từng bị chỉ trích, chê bai thì chúng ta phải thắng được chính mình, để chúng ta không bị tổn thương và trở lên cay đắng. Mác ân tứ không mang phước cho chúng ta, khi lòng chúng ta còn cay đắng.

– Họ phủ nhận tổ chức. Sau đó, Hội thánh trở lên rối ren, không có trật tự. Đức Chúa Trời là Chúa của sự trật tự. Nên thậm chí hôn nhân Chúa cũng sắp xếp tổ chức, chồng là đầu vợ, vợ là người hỗ trợ chồng.

– Bước theo cảm xúc, không phải bước theo Thánh linh. Chúa có thể phán với chúng ta qua giấc mơ, hình ảnh. Nhưng cũng có những khải tượng, giấc mơ, hình ảnh không đến từ Chúa. Nếu chúng ta bước đi theo những điều đó mà không biết Chúa là ai, thì chúng ta rất dễ lầm lạc trong những điều như vậy.

Có những nguyên tắc sự dẫn dắt bất biến của Đức Chúa Trời:

– Chúa dẫn dắt chúng ta qua những nguyên tắc bất biến. Không thể nói rằng Chúa dẫn dắt tôi trái với đạo đức bất biến trong Kinh thánh. Thánh linh đến để làm trọn luật pháp. Nên, nếu như nói Thánh linh dẫn dắt tôi để nói dối, giả mạo, thì đó không phải là Chúa dẫn dắt.

– Chúa dẫn dắt qua lương tâm. Phao-lô nói rằng, lương tâm tôi làm chứng cho tôi. Lương tâm làm chứng cho luật pháp. Nếu như đi trái ngược lương tâm thì không phải là Chúa dẫn dắt.

– Chúa dẫn dắt qua thái độ vâng lời. Chúa nói rằng hãy vâng lời những người dẫn dắt. Nói rằng Chúa dẫn dắt tôi trực tiếp không cần qua ai, thì có thể sẽ bị sai lạc, vì chạy theo động cơ không đúng.

Tôi cũng nhìn thấy những khải tượng, nói những lời tiên tri, ơn lời khôn ngoan. Nhưng tôi không thể vượt qua những nguyên tắc Kinh thánh và nguyên tắc đạo đức bất biến này.

Kết luận

Con người nào sống đẹp lòng Chúa, thì Chúa ban phước. Chúa ban phước cho những người có thái độ tấm lòng và phẩm cách đúng. Người nào không đi theo ý Chúa mà đi theo ý riêng, cũng có thể nhận được điều gì đó, nhưng đó không phải là được phước thật.

Lời Chúa nói rằng, trong sự sáng chúng ta thấy sự sáng. Đôi khi chúng ta tạo vỏ bọc, cố gồng mình lên trước người khác, thậm chí đến với Chúa cũng vậy. Nhưng chúng ta hãy đến với Chúa cách thành thật, xin Chúa bày tỏ cho con biết thái độ tấm lòng của con, con có sai ở đâu xin Chúa chỉ con…

Chúa dẫn dắt qua động cơ lòng, qua lòng thành liêm. Giống như Chúa nói rằng, ta dẫn dắt con bằng cánh tay khéo léo và lòng thanh liêm. Cánh tay khéo léo là ân tứ. Chúng ta cần cả hai.

Chúng ta rất mong sự phấn hưng đến, tôi cũng vậy. Đôi khi có sự xảy đến chúng ta gọi là phấn hưng nhưng thật sự đó không phải là phấn hưng. Phấn hưng không chỉ là số đông, sự phấn hưng thật sẽ để lại kết quả lâu dài. Như lời Chúa nói rằng: “Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn ta, bèn là ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả, hầu cho trái các ngươi thường đậu luôn” – (Giăng 15:16). Nếu như trong Hội thánh có phép lạ, dấu kỳ và người ta chạy đến rất đông. Chúng ta đừng vội kết luận rằng sự phấn hưng đến rồi. Phải để xem thời gian thế nào, xem đời sống của những người ở đó có được biến đổi thật hay không, họ có đọng lại Hội thánh hay không, đó là mới là kết quả thật.

Sự phấn hưng thật đến bởi sự ban ơn và lửa thật của Chúa. Lửa thật của Chúa chỉ giáng xuống khi có của lễ thật. Nếu hầu việc Chúa không có sự trả giá, hy sinh thật thì cũng sẽ không có kết quả thật. Giống như khi Ê-li quăng chiếc áo cho Ê-li-sê, Ê-li-sê bỏ tất cả để theo thầy của mình, ông giết bò của mình làm thịt. Nếu theo sự khôn ngoan của con người, chắc chúng ta sẽ giữ lại, cho thuê, rồi lấy tiền hầu việc Chúa. Chúa sai Vua Sau-lơ đi đánh dân A-ma-léc và truyền cho ông giết tất cả, kể cả chiên, bò, lừa … Nhưng ông chỉ giết những con ốm yếu, gầy gò mà giữ lại những con béo mập và nói rằng giữ lại để dâng cho Chúa. Sau đó, Chúa qua tiên tri Sa-mu-ên nói với Sau-lơ rằng, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ (1 Sam 15:22).

Có những sự dẫn dắt của Chúa, con người lại hay nói rằng đó là ngu dại. Nhưng sự dẫn dắt của Chúa vượt quá sự khôn ngoan của con người. Nếu Ê-li-sê không giết bò thì không thể trở thành tiên tri Ê-li-sê như vậy. Nếu các sứ đồ không bỏ lại quê hương, công việc của mình thì họ sẽ không thể trở thành các sứ đồ như ngày hôm nay chúng ta biết. Đừng chọn con đường nhàn hạ để hầu việc Chúa, nhưng hãy lựa chọn con đường vâng lời để hầu việc Chúa.

Làm Sao Để Bước Được Vào Sản Nghiệp Thuộc Linh? >>>

-Mục sư Phạm Tuấn Nhượng-




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.