Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Tình bạn không chỉ là lắng nghe, dù đó là bước khởi đầu không thể thiếu. Trở nên gần gũi với mọi người và trở thành bạn của họ cần nhiều hơn thế. Nó cần người ta cởi mở tấm lòng.
Tôi thực sự không còn nhớ nổi bao nhiêu người đã nói với tôi rằng họ sẽ không đến Hội Thánh nữa hoặc sẽ đi nhóm ở một Hội Thánh khác vì họ không ai làm bạn với họ.
Họ nói rằng mọi người trong Hội Thánh thì rất thân thiện, cởi mở và ấm áp.
Có một người nọ nói với tôi: “Họ tốt với bạn thật, nhưng không ai làm bạn với bạn.”
Có buồn lòng không khi mà tất cả những cử chỉ thân thiện ấy lại thật ra chẳng thân tý nào?
Vào những năm 50 của thế kỷ trước, nhà xã hội học David Riesman đã cho ra đời thuật ngữ “đám đông cô đơn”, phần nào mô tả về những người sống theo truyền thống chung và các giá trị phù hợp nhưng lại chẳng biết mấy về nhau hay còn chẳng thích nhau nữa. Tôi e là Hội Thánh Chúa cũng đang trên bờ vực trở thành một đám đông cô đơn y như vậy.
Tôi hiểu rằng các mục sư phải suy nghĩ rất lâu và cẩn trọng để trở thành những người giảng đạo và lãnh đạo giỏi hơn, làm sao để điều chỉnh các mục vụ trong Hội Thánh để chạm tới nhu cầu và phục vụ được dân sự. Những điều này đều tốt cả, tuy vậy, rất có thể những phát triển về lãnh đạo, khải tượng cũng như lên kế hoạch cho các mục vụ có thể bị lãng phí nếu dân sự không thể tìm được bạn bè và cứ thế rơi rụng.
Trước khi tổ chức thêm bất cứ hội nghị hay hội thảo nào về truyền đạt khải tượng, sống đắc thắng hay tìm ra ân tứ thuộc linh của mình; sao chúng ta không bắt đầu trang bị cho dân sự cách kết bạn?
Trở thành bạn hoặc là một người bạn thật không dễ như tưởng tượng, nó đòi hỏi sự chú trọng và rèn luyện. Nó có thể trở thành một thách thức không nhỏ cho Hội Thánh của bạn.
KHÔNG RIÊNG GÌ HỘI THÁNH
Chúng ta nên lưu ý rằng vấn đề thiếu tình thân là vấn đề của toàn xã hội chứ không chỉ riêng trong Hội Thánh. Trong cuốn sách của mình mang tên “Tính xã hội” (Social), Matthew Lieberman có nêu ra kết quả của khảo sát kết nối xã hội được thực hiện vào năm 1985 và làm lại năm 2004.
Mọi người được hỏi về danh sách bạn bè khi trả lời câu hỏi “Khoảng hơn 6 tháng vừa qua, ai là người mà bạn đã chia sẻ những vấn đề quan trọng của bản thân?”
Năm 1985, con số phổ biến nhất cho câu hỏi này là 3 người; 59% những người được hỏi liệt kê ba hoặc nhiều người bạn phù hợp với miêu tả này hơn.
Nhưng đến năm 2004, con số bạn bè phổ biến nhất mà bạn chia sẻ những điều quan trọng là 0. Và chỉ có 37% số người được hỏi liệt kê ba người bạn hoặc nhiều hơn. Quay lại năm 1985, khoảng 10% cho biết họ không có ai là bạn tâm giao nhưng đến năm 2004 con số này vọt lên thành 25%.
Theo như Lieberman nhận định:” Cứ 4 người thì có 1 người quanh năm ngày tháng không có bạn tâm giao để chia sẻ.”
DÂN SỰ TRONG HỘI THÁNH KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG NGƯỜI GIỎI LẮNG NGHE
Như điểm đầu tôi đã trình bày, có thể công bằng hơn khi nói rằng phần đa mọi người đều không phải là người giỏi lắng nghe. Không có khả năng hoặc không quan tâm đến việc hỏi những câu hỏi ý nghĩa – điều chỉ ra rằng họ quan tâm đến người khác – là một rào cản với việc kết bạn.
Lắng nghe là chìa khóa. Khi ai đó là một người giỏi lắng nghe, họ có thể tìm kiếm sự tương đồng với người khác. Chúng ta không thể thể hiện sự đồng cảm hoặc tán dương sự tích cực ở một người mà không nghe họ trước. Và nếu không có nhận thức về sự tương đồng, sự đồng cảm và sự khen ngợi, tình bạn sẽ không thể bắt đầu được.
Lắng nghe không giống với nghe thụ động hoặc chờ đợi. Các nhà trị liệu đề cập đến việc lắng nghe chủ động để phân biệt giữa việc bạn hoàn toàn tập trung khi nghe ai đó nói hay chỉ “nghe” họ một cách thụ động.
Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng dân sự trong Hội Thánh có thể tồi tệ đến mức họ cần được đào tạo. Các hội thánh nên tổ chức các cuộc hội thảo thường kỳ về việc lắng nghe chủ động. Người giỏi lắng nghe biết cách khai thác tất cả các tín hiệu phi ngôn ngữ cho thấy họ đang lắng nghe, chẳng hạn như giao tiếp bằng ánh mắt trìu mến, mỉm cười, duy trì tư thế cởi mở, phản ánh (thể hiện nét mặt) và loại bỏ mọi sự phân tâm.
Họ cũng cần biết cách tận dụng các kỹ năng bằng lời nói như ghi nhớ những điều đã được nói, nhẹ nhàng đặt câu hỏi cho người nói để hiểu rõ hơn và sử dụng các kỹ thuật phản xạ (lặp lại hoặc diễn giải chặt chẽ những gì người nói đã nói để thể hiện sự thấu hiểu).
Đối với phần đa mọi người, những điều này không tự nhiên mà có. Hãy huấn luyện hội chúng để họ trở thành những người chủ động lắng nghe.
DÂN SỰ HỘI THÁNH KHÓ CỞI MỞ TẤM LÒNG
Tình bạn không chỉ là lắng nghe, dù đó là bước khởi đầu không thể thiếu. Trở nên gần gũi với mọi người và trở thành bạn của họ cần nhiều hơn thế. Nó cần người ta cởi mở tấm lòng.
Hãy thực tế chút, chỉ nói về thời tiết không thôi thì làm sao mà thân thiết được.
Khi bạn cởi mở lòng mình, những người khác có thể tin tưởng bạn, đúng là vì bạn đang đặt chính mình ở một chỗ rủi ro về cảm xúc, tâm lý, hay thân thể. Những người khác có xu hướng cởi mở lòng họ hơn.
Thực tế là cả hai người các bạn đang hạ hàng rào bảo vệ xuống, lập nền cho một một mối liên hệ cá nhân nhanh hơn và gần gũi hơn.
Ở đây, kẻ thù lớn nhất là sự xấu hổ. Không gì bịt miệng chúng ta giỏi hơn sự xấu hổ. Đáng buồn là dân sự hội thánh thường là những người hay xấu hổ nhất. Điều này có thể đến từ những khuôn phép cũ của hội thánh rằng cần phải ra vẻ sạch sẽ, gọn gàng và luôn chiến thắng. Hội thánh có thể dạy chúng ta rằng đừng thể hiện ra những phần lộn xộn, bẩn thỉu hoặc ngượng ngùng. Tôi nghĩ rằng đó là bởi vì nhiều hội thánh khuyến khích sự hoàn hảo (dù không cố tình), với một điều kiện mà người ta thường hỏi: “Người ta sẽ nghĩ gì đây?”
Nhưng khi Brene Brown nói rằng: “Trớ trêu là chúng ta cố gắng chối bỏ những câu chuyện khó kể để làm ra vẻ chúng ta trọn vẹn hoặc dễ chấp nhận hơn, nhưng thực ra sự trọn vẹn của chúng ta – thậm chí sự trọn lòng của chúng ta – phụ thuộc vào việc kết hợp mọi kinh nghiệm của chúng ta, bao gồm cả những thất bại.
Brown cũng viết rằng: “Nếu chúng ta có thể chia sẻ câu chuyện của mình với ai đó mà họ đáp ứng bằng sự đồng cảm và thấu hiểu thì nỗi xấu hổ sẽ không thể tồn tại.”
Chỉ khi dũng cảm cởi mở tấm lòng, chúng ta tìm thấy sự kết nối với người khác, rồi rất có thể là tình bạn với họ.
DÂN SỰ HỘI THÁNH CẦN ÍT BẬN RỘN HƠN
Tình bạn cần thời gian. Đó là điều mà những cặp vợ chồng và bạn bè phải tranh chiến nhất – họ không có mặt khi người kia cần.
Trong cuốn sách về tình bạn (cũng tên là Tình bạn), Daniel Hruschka xem xét những nghiên cứu về nguyên nhân gây xung đột trong tình bạn và phát hiện ra rằng những lập luận thường gặp nhất rơi vào những cam kết về thời gian. Dành thời gian với ai đó là dấu hiệu chắc chắn chỉ ra rằng bạn coi trọng họ, và tất nhiên rồi, cảm thấy không được coi trọng là thứ giết chết tình bạn.
Bản tin của tờ New York Times kết luận rằng “điều dẫn đến các mối quan hệ bền lâu là có qua có lại – đáp lại cuộc gọi của một người bạn.” Bản tin trích dẫn nghiên cứu nói rằng những mối quan hệ lâu dài cần những người bạn liên lạc với nhau ít nhất 15 ngày/lần. Nếu chúng ta muốn các hội thánh trở thành những nơi thân thiện hơn, chúng ta cần khích lệ người ta dành thời gian cho những người bạn.
Các hội thánh rất giỏi chạy chương trình và khích lệ đức tin. Kết quả là, nhiều cuộc hội thoại trong hội thánh, hoặc là về những vấn đề nghiêm túc về đức tin (học Kinh thánh, hội thảo, v.v) hoặc tập trung vào những thực tiễn của việc tình nguyện cho một mục vụ hoặc ban ngành.
Nhưng nhiều người trong chúng ta biết rằng những tình bạn đẹp xuất hiện không vì ở cùng ban ngành với ai đó, hoặc thậm chí là cùng nhóm học Kinh thánh với họ. Tình bạn thường được vun đắp khi chúng ta “chơi” cùng nhau. Ra ngoài chơi, dự tiệc, cắm trại, leo núi, đi picnic, nằm ườn – đây là những dịp mà người ta hạ rào chắn và chia sẻ với nhau cách sâu sắc hơn.
Nếu lịch trình hội thánh của hội người dày đặc vì tham gia nhiều thứ, dù những thứ đó có tốt đến đâu, thì vẫn có thể có vấn đề. Công nhận tầm quan trọng của việc đi chơi và khích lệ người ta chia sẻ trong những trải nghiệm hay, vui vẻ, không liên quan đến tôn giáo là điều thực sự quan trọng.
ĐỪNG GIAO TRÁCH NHIỆM CHO NGƯỜI MỚI
Nhiều người đã chia sẻ với tôi rằng thật khó để hòa nhập vào một hội thánh mới. Chính người mới phải hòa nhập vào những cuộc trò chuyện. Người mới phải tìm sở thích và khía cạnh chung. Thường là người mới phải mời mọi người đến nhà dùng bữa. Tôi hiểu điều này. Từ khi rời hội thánh mà chúng tôi đã gây dựng, tôi cùng vợ phải tham dự hai hội thánh lớn, nhưng trong cả hai trường hợp, chúng tôi phải rất cố gắng để tạo những mối liên hệ.
Thực sự là không nên đặt trách nhiệm này trên người mới. Các hội thánh cần học cách thể hiện ân điển và lòng mến khách của Phúc âm và cố gắng trở nên giống Đấng Christ, người bạn của tội nhân hơn. Teresa thành Avila viết rằng: “Nếu Đấng Christ Giê-su ở trong một người như bạn của anh ta, người đó có thể chịu đựng mọi thứ, vì Đấng Christ giúp đỡ và khiến chúng ta nên mạnh mẽ, và không bao giờ bỏ mặc chúng ta. Ngài là người bạn thật.”
Chúng ta không thể hát “Giê-su là bạn thật” mà không để tình bạn của Ngài ảnh hưởng đến cách chúng ta làm bạn với những người khác.
11 Lợi Ích Của Một Hội Thánh Nhỏ >>>
– Tác giả bài viết: Michael Frost –
– Nguồn: mikefrost.net –
– Jemimah dịch –
One thought on “Đám Đông Cô Đơn: Các Hội Thánh Chết Dần Vì Thiếu Mối Tương Giao Bạn Hữu”