Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Con Bạn Đang Nghe Và Xem Điều Gì?

Con Bạn Đang Nghe Và Xem Điều Gì?

Khi con cái chúng ta còn nhỏ, chúng ta dựng những hàng rào bảo vệ quanh con mình. Chúng ta khóa tủ bếp, bọc bình ga lại. Chúng ta dạy chúng nhìn trái, nhìn phải khi qua đường và cảnh giác với những mánh khóe của người lạ. Chúng ta nhớ giữ cho thân thể chúng được an toàn. Vậy còn sự an toàn về trí tuệ, cảm xúc và thuộc linh thì sao? Chúng ta có đặt ra những ranh giới để bảo vệ tấm lòng và tâm trí của chúng không?

Nhiều năm trước, tôi đã đọc cuốn “Hàng rào gai” cho các con mình nghe. Câu chuyện kể về một cô em, một cậu anh và hàng rào gai đáng ghét cứ vươn cao, vươn xa mãi.

Nó cứ đứng như lính canh dọc theo con đường, và người anh thèm được thấy phía bên kia. Một ngày nọ, cậu quyết định rằng anh em cậu sẽ bò qua hàng rào. Cậu đẩy cô em lên trước, nhưng tiếng khóc đau đớn của cô bé khiến khao khát của cậu chùn lại.

Nếu có len qua được thì cậu cũng sẽ đẩy em mình vào chỗ chết. Hàng rào gai này, tuy xấu xí và dữ tợn nhưng lại bảo vệ người qua đường khỏi rơi xuống đầm lầy.

Hàng rào bảo vệ

Khi con cái chúng ta còn nhỏ, chúng ta dựng những hàng rào bảo vệ quanh con mình. Chúng ta khóa tủ bếp, bọc bình ga lại. Chúng ta dạy chúng nhìn trái, nhìn phải khi qua đường và cảnh giác với những mánh khóe của người lạ. Chúng ta nhớ giữ cho thân thể chúng được an toàn.

Vậy còn sự an toàn về trí tuệ, cảm xúc và thuộc linh thì sao? Chúng ta có đặt ra những ranh giới để bảo vệ tấm lòng và tâm trí của chúng không?

Con cái chúng ta tiếp thu rất nhiều điều. Trước khi chúng được sinh ra, chúng ta có thể trò chuyện với chúng và chúng nhận ra giọng chúng ta từ tấm bé. Đến tuổi tập đi, bắt chước bố mẹ là trò tiêu khiển mà chúng thích nhất.

Trẻ ở tuổi tiểu học dần bộc lộ khả năng. Trẻ ở tuổi trung học bắt đầu xoay quanh việc tự lập còn thiếu niên bắt đầu đưa ra những quyết định có lợi cho tương lai của chúng. Chúng ta bắt đầu như những người canh giữ tấm lòng chúng và khi chúng lớn lên, chúng ta tìm cách rút khỏi việc đó.

Vì con mắt và đôi tai là con kênh dẫn tới tấm lòng nên chúng ta cần canh chừng những gì con cái chúng ta nhìn, nghe và đọc.

Chúng ta cho con mình ăn thức ăn lành mạnh vì muốn cơ thể chúng được phát triển khỏe mạnh. Chúng ta hạn chế cho chúng ăn bánh kẹo vì biết rằng ăn quá nhiều không tốt cho sự phát triển và sức khỏe lâu dài của các con mình.

Âm nhạc và sự giải trí phản ánh thế giới quan của người tạo ra nó. Nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở sự tăng trưởng đức tin. Nhưng với quá nhiều phương tiện truyền thông để lùng sục, làm sao bạn có thể quyết định được là con mình xem gì? Đặc biệt là ở những độ tuổi khác nhau?

Tại sao chúng ta nên cẩn thận canh giữ tấm lòng của con mình

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn (Ma-thi-ơ 6:22). Tâm hồn của chúng ta là nơi trú ngụ của ý chí, tình cảm và suy nghĩ chúng ta.

Chúng ta ngốn cái gì thì cái đó ngốn lại chúng ta. Biết phân biệt là kỹ năng then chốt để dạy cho bọn trẻ. Khi chúng chưa tự học được điều đó thì chúng ta phải bảo vệ tấm lòng và tâm trí của con mình. Chúa đã ban tặng cho chúng ta những đứa con, và chúng ta cần quản trị những món quà của Ngài bằng cách làm những điều tốt nhất cho chúng.

Trong lòng có điều gì thì điều đó sẽ bộc lộ ra hành vi, Mác 7:23.

Khi các con tôi còn nhỏ, khi tôi không hạn chế thời gian chúng xem một chương trình thiếu nhi nhất định, vì thế chúng ngày càng không tôn trọng lẫn nhau. Những hành vi này gia tăng từ thái độ thông thường của chúng với nhau. Anh chị em thì bao giờ chẳng thế, đúng không? Nhưng chúng càng xem chương trình này, tôi lại càng phải xử lý những hành vi cần chỉnh sửa. Đây chính là lúc tôi nhận ra rằng cần cẩn trọng với những gì chúng xem. Chúng càng ít xem chương trình này thì những hành vi đó càng xuất hiện ít hơn.

Bảo vệ con cái không có nghĩa là đảm bảo rằng chúng có một đời sống không rắc rối, mà có nghĩ là trang bị cho chúng những kỹ năng đức tin để tìm cách giải quyết rắc rối mà chúng gặp phải (Châm ngôn 3:5-6).

Âm nhạc u buồn, game bạo lực và phim ảnh rùng rợn khiến con cái chúng ta thiếu nhạy cảm với tác động của âm nhạc thuần túy, thiếu tin cậy rằng Chúa là Đấng báo thù cho chúng ta và thiếu nhạy cảm với sự vận hành của Đức Thánh Linh. Tức là chúng ta cần dạy chúng cách tìm đến với Chúa khi buồn rầu, thất vọng và bực tức thay vì tìm đến với những xu hướng giải trí mới nhất.

Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, Rô-ma 12:2. Một cách để làm như vậy là không khuôn rập theo đời này nhưng học theo theo Đấng Christ.

Âm nhạc có thể là một cách tuyệt vời để thổ lộ nỗi lòng, nhưng nếu lúc nào cũng nghe nhạc ưu tư thì khó có thể học theo hình ảnh của Đấng Christ. Chúng ta có thể giúp con cái mình học cách đổi mới tâm trí bằng việc nhận thức xem chúng đang nghe, đọc và xem cái gì, đồng thời giúp chúng định hướng cho những lựa chọn của mình. Đôi khi, chúng cần nghỉ ngơi một chút, loại bỏ hoàn toàn một điều gì đó hoặc thi thoảng mới xem/nghe chúng.

Canh giữ tấm lòng con trẻ dẫn tới sự bình an, Phi-lip 4:7. Thế gian khao khát sự bình an, nhưng sự bình an của thế gian không phải là kiểu bình an sẽ đưa chúng ta vượt qua thử thách.

Sự bình an của Chúa đến khi chúng ta gìn giữ tấm lòng và tâm trí mình. Là cha mẹ, chúng ta có nhiệm vụ canh giữ những gì đi vào lòng con mình. Con cái chúng ta có những vấn đề của riêng mà Chúa sẽ dùng để gạn lọc chúng, chớ có thêm dầu vào lửa – đừng khiến lòng chúng rộng mở đến nỗi bất cứ điều gì cũng có thể đi thẳng vào.

Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta dạy đường lối Ngài cho con cái mình, Tít 2:2. Kinh thánh khuyến khích chúng ta dạy dỗ, không cản trở sự tăng trưởng của ai đó và phải chịu đựng lẫn nhau. Chúng ta có xu hướng tập trung vào hành vi bên ngoài vì đó là điều chúng ta thấy ngay tức khắc. Nhưng hành vi chỉ ra trạng thái của tấm lòng.

Hãy tập trung vào tấm lòng bằng cách hỏi ba câu hỏi này. Chúng ta cần suy nghĩ để trả lời chúng:

1. Điều này thúc đẩy hay cản trở đức tin nơi Đấng Christ?

Cần phải cân nhắc tầm ảnh hưởng của những gì con chúng ta thấy, đọc và nghe trên tấm lòng của chúng trước Đấng Christ.

Có thể tìm thấy phép thử cho mọi hình thức giải trí trong Phi-líp 4:8. Rất ít cuốn sách, bài hát hoặc chương trình có thế giới quan trung lập.

Hãy đọc, xem và nghe với tấm lòng biết phân biệt.

2. Sau đó thì điều này dẫn đến hành vi gì?

Hành vi phản ánh những suy nghĩ và cảm xúc bên trong. Khi con còn nhỏ, tôi phát hiện ra mối tương quan trực tiếp giữa những chương trình nhất định và hành vi nhất định của chúng. Đánh giá hành vi sau khi giải trí là một cách để canh giữ tấm lòng và tâm trí của con cái mình.

Nó cũng dạy chúng cân nhắc hành vi của chính mình liên quan đến những lựa chọn giải trí của chúng. Khi trưởng thành, chúng có thể phân biệt giữa những gì mình xem và cách mình phản ứng.

3. Sau khi giải trí, những suy nghĩ nào còn lưu lại trong đầu chúng?

Tôi thích những câu chuyện hay, dù là dạng sách báo hay phim ảnh, nhưng nếu xem quá nhiều phim hài lãng mạn thì tôi lại có cái nhìn méo mó về các mối quan hệ và dần thất vọng với thực tại của mình.

Nếu là người lớn mà tôi còn phản ứng như vậy thì hãy nghĩ xem những đứa trẻ ở độ tuổi thiếu niên với tâm trí và tấm lòng đang phát triển thì sẽ như thế nào. Chúng ta có thể dạy con mình biết phân biệt bằng cách khích lệ chúng chú ý đến những lối suy nghĩ của mình.

Suy nghĩ bộc lộ vị trí của tấm lòng chúng ta, và đến cuối cùng, suy nghĩ sẽ trở thành hành động.

Hy vọng cho tấm lòng cha mẹ

Bắt đầu chẳng bao giờ là quá muộn.

Chúa của chúng ta cứu chuộc, phục hồi và đổi mới chúng ta. Ngài dùng những tiếc nuối của chúng ta để dọn đường cho chúng ta bước vào. Nếu con bạn còn nhỏ, hãy bắt đầu ngay hôm nay, hãy trò chuyện với chúng một cách đơn giản về sự tôn trọng và lòng tốt, hoặc bất cứ vấn đề nào mà bạn thấy mình dường như phải liên tục nhắc đến.

Nếu con bạn lớn hơn, hãy đến với chúng với tấm lòng khiêm nhường và liên tục trò chuyện về những gì chúng xem, nghe hoặc đọc, đây chính là xuất phát điểm. Hãy đưa mọi thứ trở lại với câu hỏi đầu tiên.

“Bài hát, bộ phim hay cuốn sách này” thúc đẩy hoặc cản trở đức tin của mình? Nó hướng lòng mình tin cậy sự thành tín của Chúa hay khiến mình nghi ngờ? Hãy tiếp tục trò chuyện về những điều đó.

Hãy luôn trở lại với Kinh thánh và những câu nhắc nhở chúng ta canh giữ tấm lòng mình. Và cầu nguyện.

Cầu nguyện để con cái chúng ta muốn canh giữ tấm lòng chúng và xin Chúa giữ cho chúng được mềm mại. Hãy sống cách khiêm nhường trước các con, nhận thức rằng không phải lúc nào chúng ta cũng đúng, nhưng nếu chúng ta xưng tội mình, Ngài là thành tín và công bình sẽ tha thứ cho chúng ta.

Ngài cũng giúp chúng ta có thể bước theo Ngài và sống đúng đắn trước Ngài.

Thế gian này là một nơi khắc nghiệt. Khi đặt rào chắn xung quanh, con cái chúng ta sẽ có một nơi an toàn để lớn lên thành những nam nữ thanh niên mà Chúa định để trở thành.

Nó cũng cho chúng sức mạnh để lựa chọn những gì chúng cho phép vào tấm lòng và tâm trí mình. Guồng quay của đời này khiến con cái chúng ta quay cuồng. Hãy đặt ra những ranh giới cũng như hướng dẫn chúng cần tiếp nhận điều gì, từ đó, chúng sẽ sống chậm lại và đưa ra những lựa chọn khiến tấm lòng và mối quan hệ của chúng với Chúa được tăng trưởng.

Hỡi các bậc cha mẹ, chúng ta vốn đã có quá nhiều việc phải làm rồi. Tôi không muốn chất thêm cho các bạn một việc nên làm, nhưng tôi muốn khuyến khích các bạn cố gắng hết sức mình bằng những gì mình có.

Hãy giữ cho mọi thứ thật đơn giản và bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi rằng: Điều này thúc đẩy hay cản trở đức tin? Hy vọng rằng điều này sẽ khơi lên những cuộc thảo luận thú vị trong gia đình bạn.

Ranh giới tạo ra cơ hội để phát triển.

Tác giả: Jessica Van Roekel là một người dẫn thờ phượng, một diễn giả và nhà văn viết cho trang www.welcomegrace.com,truyền những cảm hứng đầy hy vọng, đề cập đến những tổn thương bên trong dưới ánh sáng của ân điển biến đổi của Đức Chúa Trời. Cô tin rằng qua Đấng Christ, tiểu sử cá nhân của chúng ta không định nghĩa hiện tại hay xác định tương lai của chúng ta. Jessica sống tại vùng nông thôn Iowa, Hoa Kỳ với chồng và gia đình.

– Nguồn: crosswalk.com

– Hannah dịch –

Hãy Dạy Con Bạn Yêu Kính Kinh Thánh Ngay Hôm Nay >>>>




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.