Search
Tuesday 3 December 2024
  • :
  • :

Viết Nhật Ký Cá Nhân – Một Thực Hành Cơ Đốc Hữu Ích

Viết Nhật Ký Cá Nhân – Một Thực Hành Cơ Đốc Hữu Ích

Nguồn ảnh: Kelly Sikkema / Unsplash

Suốt dòng lịch sử, cả những tín đồ bình thường và xuất chúng đều viết nhật ký cá nhân với Chúa như một thực hành quan trọng về mặt thuộc linh. Cotton Mather và Jonathan Edwards, những mục sư Thanh giáo nóng cháy đã dùng nhật ký để ghi chép những tội lỗi và quá trình nên thánh đầy trắc trở của mình. John Wesley thừa hưởng thói quen ghi nhật ký từ Susanna, người mẹ tin kính của ông. Cuốn Chiêm nghiệm Nỗi đau (A Grief Observed) của C.S. Lewis nảy ra từ những suy ngẫm cá nhân mà ông ghi lại sau cái chết của vợ.

Ba con quạ chí chóe om sòm trên mái nhà trong ánh bình minh. Chúa ơi, con thật khó ưa làm sao! Đó là những dòng nhật ký của tôi vào ngày 22/07/2019.

Ngoài danh sách những nhu cầu cầu nguyện thì ngày hôm đó tôi chỉ ghi có vậy. Nếu không có ngữ cảnh thì chúng chẳng có nghĩa gì. Nhưng khi đọc hai câu đó, tôi chợt nhớ đến sáng mùa hè nóng nực đó. Bộ ba con quạ thích kèn cựa trên mái nhà hàng xóm đang kêu quác quác và chí chóe nhau, bỏ mặc nền trời đầy ánh vàng pha màu oải hương. Khi nhìn chúng, tôi có thể thấy chính mình cũng từng như vậy, càm ràm và lải nhải giữa khung nền là tình yêu cao cả của Đức Chúa Trời. Tôi chạy bộ về nhà, lòng đầy bối rối và viết về trải nghiệm đó.

Nhiều người cũng giữ thói quen ghi lại những quan sát thuộc linh như tôi. Cơ Đốc nhân được thôi thúc để viết về Chúa và cho Chúa từ những ngày đầu của hội thánh. Tuy phần lớn các văn bản của hội thánh trong những năm qua là để phản ánh Chúa cho một thế giới rộng lớn hơn nhưng Cơ Đốc nhân từ lâu cũng đã viết cho Chúa và về Chúa một cách riêng tư.

Việc ghi lại lời cầu nguyện không phân biệt hệ phái và xuất thân. Suốt dòng lịch sử, cả những tín đồ bình thường và xuất chúng đều viết nhật ký cá nhân với Chúa như một thực hành quan trọng về mặt thuộc linh. Cotton Mather và Jonathan Edwards, những mục sư Thanh giáo nóng cháy đã dùng nhật ký để ghi chép những tội lỗi và quá trình nên thánh đầy trắc trở của mình. John Wesley thừa hưởng thói quen ghi nhật ký từ Susanna, người mẹ tin kính của ông. Cuốn Chiêm nghiệm Nỗi đau (A Grief Observed) của C.S. Lewis nảy ra từ những suy ngẫm cá nhân mà ông ghi lại sau cái chết của vợ.

Mỗi người thực hiện điều này với một động cơ khác nhau. Các tín đồ Thanh giáo thường viết nhật ký để tăng trưởng trong sự thánh khiết. John Beadle, một mục sư Anh giáo vào những năm 1600, tin rằng viết nhật ký là một trong những cách để Cơ Đốc nhân thực hành sự khai trình mà sau cùng, họ sẽ phải làm với Chúa về “mọi đường lối mình, và mọi đường lối Ngài đối cùng chúng ta.” Tu sĩ dòng Luyện tâm Thomas Merton tin rằng viết lách khi không ai đọc được sẽ giúp chúng ta có được sự thành thật và minh bạch cần có để đến trước Chúa.

Ngày nay, việc ghi nhật ký vẫn rất phổ biến. Ở ngoài đời, nó đã phát triển thành một công cụ trị liệu và con đường đến với sự mạnh mẽ. Trong kỷ nguyên số này, nhiều giáo sư trẻ phát hiện ra rằng lập kế hoạch và ghi tạp chí ra giấy giúp họ tránh “chúi mũi vào các thiết bị”. Và Cơ Đốc nhân cũng vẫn viết lách. Chương trình viết vào Kinh thánh nhấn mạnh vào quá trình cũng như thành phẩm, đồng thời mời gọi các tín đồ gặp gỡ Kinh thánh qua những lời chú giải, minh họa và trang trí vẫn rất phổ biến giữa vòng các tín đồ. Năm 2020, nhiều nhà xuất bản sách Cơ Đốc thấy doanh số bán nhật ký gia tăng đáng kể trong thời đại dịch.

Nhưng đừng nhầm những thực hành đó với quá trình đã thôi thúc Jonathan Edwards than vãn trong nhật ký của mình rằng “Sao ta chóng tàn tạ đến vậy! Ôi sao yếu đuối, sao nhu nhược, chẳng thể làm gì với chính mình!” Truyền thống ghi nhật ký cá nhân phong phú và phức tạp của Cơ Đốc nhân không những ghi lại mối quan hệ của người đó với Chúa mà còn thách thức người viết suy ngẫm lại những ghi chép đó và tăng trưởng trong sự thánh khiết.

Trong khía cạnh ghi lại mối quan hệ, viết lách như một thực hành thuộc linh không chỉ là một loạt cách chú thích hoặc một thực hành tự vấn đơn thuần. Đó còn là hồi tưởng về sự hiện diện Chúa trong đời sống cá nhân tại một thời điểm cụ thể, ở một nơi cụ thể, về sự có mặt hoặc vắng mặt của người viết trong mối quan hệ với Chúa.

Khi Cơ Đốc nhân viết về sự hiện diện độc đáo của Chúa trong đời sống mình, họ đang vâng theo mạng lệnh ghi lại những gì họ đã thấy (Khải huyền 1:19) và nhớ lại những người khác trong Kinh thánh qua những hành động khác nhau: chồng hòn đá này lên hòn đá kia, uống một ngụm nước, ngoạm một chiếc bánh mỳ. Xuyên suốt Cựu Ước, Chúa liên tục ra lệnh cho các tiên tri ghi lại lời Ngài để họ có thể nhớ được (Ê-sai 30:8; Giê-rê-mi 30:2, Ha-ba-cúc 2:2).
Viết về ba con quạ trên mái nhà, nói cách khác, đã ghi lại lần gặp gỡ độc đáo và cá nhân của tôi với Chúa trong một thế giới đầy thông tin và giải trí muốn bắt tôi quên nó đi hoặc làm lu mờ ý nghĩa của nó.

Quan trọng là sự ghi chép đó sẽ thách thức tôi – cùng tất cả những người viết – đến với sự biến đổi. Viết về ba con quạ đó không phải về tôi, cũng không phải là về những con quạ, mà là tạo khoảng trống để Chúa thay đổi tôi.

Việc viết lách cá nhân của Cơ Đốc nhân không phải để nâng cao hoặc hạ thấp bản thân hay những ham muốn của nó, đối lập hẳn với sự viết lách ngoài đời – nào là để “xua tan năng lượng tiêu cực”, nào là “chữa lành [người viết] từ trong ra ngoài.” Cơ Đốc nhân viết nhật ký để tập nhìn khác đi, để kể lại sự gặp gỡ với Chúa mỗi ngày và suy ngẫm về lần gặp gỡ đó, để dần thánh khiết hơn trong khía cạnh và hành vi.

Tất nhiên là thực hành viết vào Kinh thánh hay những thực hành viết lách như ngoài đời có vẻ dễ chịu và dễ tiếp cận hơn là thực hành viết lách khắt khe như một kỷ luật thuộc linh. Nhưng đó lại là một việc đáng làm và có thể làm được. Chúng ta có thể bắt đầu từ ba điều dưới đây.

1. Ghi lại những suy ngẫm về Kinh thánh

Cơ Đốc nhân có thể bắt đầu hành trình viết lách của mình bằng cách đào sâu Kinh thánh hơn. Bí quyết là không chỉ tập trung vào một phân đoạn Kinh thánh cụ thể mà còn liên hệ câu/đoạn Kinh thánh đó với trải nghiệm sống: đoạn Kinh thánh này đòi hỏi gì ở mình? Đoạn Kinh thánh này thách thức mình như thế nào? Mình cần cân nhắc điều gì khi xét đến đời sống mình qua lăng kính của câu này?

Giống như việc viết vào Kinh thánh, bài tập này đưa người viết đến với Kinh thánh, đồng thời đòi hỏi người viết phải cam kết với Kinh thánh như những người viết nhật ký thời đầu đã làm – dùng nó để nghiêm túc tra xét đời sống thường ngày và tăng trưởng trong sự thánh khiết.

2. Ghi lại lời cầu nguyện

Bước đầu, trong thực hành viết lách như một kỷ luật thuộc linh, bạn có thể viết ra những lời cầu nguyện. Hầu hết những Cơ Đốc nhân ghi nhật ký đều cầu nguyện trên giấy, hoặc là viết trực tiếp cho Chúa, ghi lại những lời nguyện cầu, hoặc suy ngẫm sâu sắc về bổn tính và công việc của Chúa. Người viết có thể cầu nguyện theo tất cả những cách này, hoặc tự tạo những lời cầu nguyện để đề cập đến một nhu cầu, ước muốn hoặc suy nghĩ nào đó.

Thực hành này đặc biệt hữu ích cho những người thích cầu nguyện theo cách riêng, cả những người thấy khó nghĩ lời cầu nguyện trong thời điểm phải chịu nhiều áp lực hoặc đang rất lo lắng. Ghi lại những lời cầu nguyện không chỉ cho chúng ta lời lẽ để dùng về sau mà còn giúp chúng ta nhớ lại sự hiện diện và giúp đỡ của Chúa. Nhìn lại những lời cầu nguyện được Chúa đáp lời và công việc của Chúa trong đời sống chúng ta vào nhiều tháng hoặc nhiều năm sau có thể khiến đức tin chúng ta nên sâu sắc hơn.

3. Viết nhật ký tập trung vào Đấng Christ

Viết nhật ký tự do có vị trí nhất định trong thực hành thuộc linh Cơ Đốc. Khác với viết lách ngoài đời chỉ nhằm xua tan cảm xúc tiêu cực, khẳng định hay khiến bản thân trở nên mạnh mẽ, việc viết nhật ký tập trung vào Đấng Christ mang những suy nghĩ và sự kiện trong ngày đến trước Chúa như một cách để mời Chúa vào cuộc đối thoại về cuộc sống thường ngày, một cách để mời Chúa vào cuộc sống thường ngày.

Hóa ra, nhật ký của cả những Cơ đốc nhân lỗi lạc đôi khi cũng trần tục một cách đáng kinh ngạc, với những chi tiết lặt vặt và mối quan tâm hàng ngày xen kẽ với những nỗ lực cầu nguyện và suy ngẫm về Kinh thánh. Khuôn khổ đó không phải là ngẫu nhiên: viết về Chúa trong đời sống thường ngày sẽ giúp đỡ chúng ta khi chúng ta bước vào đó, để tập trung lên Ngài trong nơi đó.

Nếu làm tốt, viết lách dưới dạng một thực hành Cơ đốc giúp chúng ta sâu sắc hơn so với viết vào Kinh thánh và trái ngược với các thực hành thế tục, kéo chúng ta ra khỏi chính mình và quay trở lại sự hiện diện của Chiên Con để định hướng lại nhận thức của chúng ta về thế giới. Và khi điều đó xảy ra, như Thomas Merton viết, “toàn bộ thế giới và mọi chuyện trong cuộc sống đều có xu hướng trở thành bí tích – dấu hiệu của Chúa, dấu hiệu của tình yêu của Ngài vận hành trên thế giới.”

Rốt cuộc, ba con quạ trên sân thượng không phải là một lời mời gọi đến với sự thánh khiết. Nhưng viết ra cuộc gặp gỡ đó và đem nó đến với Chúa thì có đấy.

Brandy Bagar-Fraley, tác giả bài viết sống và viết lách tại Columbus, Ohio, Hoa Kỳ. Bà nhận bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ Anh từ Đại học Ohio và hiện đang làm việc cho đại học Franklin.

– Nguồn: christianitytoday.com

– Hannah dịch –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.