Search
Friday 26 April 2024
  • :
  • :

Mối Liên Hệ Giữa Ngày Halloween Và Ngày Cải Chánh

Mối Liên Hệ Giữa Ngày Halloween Và Ngày Cải Chánh

Hội thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Ngày Halloween và ngày cải chánh vẫn luôn tồn tại một mối quan hệ gây tò mò mà không chỉ dừng lại ở việc chúng nằm khá gần nhau trên lịch. Vậy tại sao Martin Luther lại đóng 95 Luận Đề nổi tiếng của mình tại cửa chính của Thánh đường Wittenberg vào ngày 31 tháng 10 năm 1517? Ông nhắm đến hai thực hành tôn giáo đã dấy lên những hiểu biết sai lầm về các thánh và lợi dụng nỗi sợ hãi của giáo dân về ngày phán xét và ngục luyện tội.

Halloween

Ngày lễ Halloween (31 tháng 10) là ngày lễ được hàng triệu người kỷ niệm mỗi năm cùng những bộ đồ hoá trang và kẹo. Halloween rõ ràng là lễ hội có gốc tích ngoại giáo, bất chấp cái tên đã được Cơ đốc giáo hoá của nó. Nó có nguồn gốc Celtic và liên quan đến các lễ vật mùa hè được dâng để làm nguôi long cho thần chết Samhain, các tà linh và các quỷ.

Những người tiến hành nghi lễ đó tin rằng Samhain sai các tà linh đi tấn công con người, chỉ có ai ăn mặc cải trang giống các tà linh thì mới có thể thoát được. Các Cơ đốc nhân đã cố gắng đương đầu với những nghi thức ngoại giáo này bằng cách sử dụng một ngày lễ Cơ đốc thay thế (All Hallow’s Day – Ngày lễ Các thánh) kỷ niệm đời sống trung tín của những Thánh trong Cơ đốc giáo vào ngày 1 tháng 11.

Vào thời Trung Cổ tại Anh quốc, kỳ lễ hội này còn được biết đến như là Ngày Lễ Các Thánh (All Hallows) vì thế có tên gọi là Halloween (Dịp lễ Các thánh) vào đêm hôm trước.

Ngày Cải Chánh

Ngày Cải Chánh (31 tháng 10) để ghi nhớ ngày Luther đóng 95 Luận Đề của mình trên cửa của Thánh đường Witternberg, nước Đức vào ngày 31 tháng 10 năm 1517. Chính hành động này đã nổ phát súng cho Phong trào Cải Chánh khi chúng ngay lập tức được dịch ra và phát tán toàn nước Đức chỉ trong vài tuần. Cuộc Cải Chánh là sự tái khám phá lại giáo lý về sự xưng công chính – đó là sự cứu rỗi chỉ bởi ân điển (Ga-la-ti 2:21) chỉ qua đức tin trong Đấng Christ mà thôi. Phong trào này cũng chống lại sự bại hoại trong hàng ngũ lãnh đạo của Giáo hội Công Giáo La Mã cùng với những giáo lý sai lạc của giáo hội, chống lại nạn thiếu hiểu biết Kinh thánh, nạn mê tín dị đoan. Các thầy tu, các linh mục, giám mục và các giáo hoàng tại Rô-ma đã dạy những giáo lý không đúng Kinh thánh như bán bùa xá tội, Thiện công bảo khố (1)(The treasury of Merit), Ngục luyện tội, và sự cứu rỗi có được nhờ việc lành.

Ngày Lễ Các Thánh

Ngày Lễ Các Thánh (Ngày 1 tháng 11) lần đầu tiên được ăn mừng vào 13 tháng 5 năm 609 khi Giáo hoàng Boniface IV cung hiến đền Pantheon tại Rô-ma cho Đức Mẹ Đồng Trinh Mary. Về sau giáo hoàng Gregory III, người đã cung hiến một nhà nguyện để tưởng nhớ các thánh tại Vatican Basilica đổi sang ngày 1 tháng 11 bởi. Năm 837, Giáo hoàng Gregory IV (827-844) ra lệnh rằng đây là nghi thức mà toàn bộ giáo hội phải giữ.

Gốc tích của lễ này ban đầu để tưởng nhớ các Cơ đốc nhân tử đạo. Qua thời gian, những ngày lễ này không chỉ gồm những Cơ đốc nhân tử đạo mà còn tất cả các thánh. Trong suốt cuộc Cải Chánh, các hội thánh Tin Lành đã hiểu được cách sử dụng “các thánh” của Kinh thánh Tân Ước gồm toàn bộ những người tin và đã giải nghĩa lại ngày Lễ Các Thánh như lễ kỷ niệm sự hiệp nhất của toàn hội thánh.

Lễ Các Đẳng

Lễ Các Đẳng hay Ngày của những người chết được kỷ niệm chủ yếu là bởi những người thuộc giáo hội Công giáo La Mã vào ngày 2 tháng 11. Đây là một ngày rành riêng cho những lời cầu nguyện và của cúng trong sự tưởng nhớ đến tổ tiên đã chết. Mọi người cầu nguyện cho các linh hồn đã chết, như một nỗ lực nhằm đẩy nhanh tiến trình trải từ ngục luyện tội lên thiên đàng bằng cách tẩy và làm sạch tội lỗi của người đã chết.

Thiện Công Bảo Khố

Những người mộ đạo được dạy rằng họ cần phải khiến mình được công chính bằng các việc lành, việc công đức, hành hương, và đủ mọi hình thức tôn giáo và lòng nhiệt tâm. Họ được khuyên giục để có được “bảo khố” này, là kho báu đặt trong giáo hội, bằng cách mua bùa xá tội. Chính điều này khiến giáo dân tự hỏi liệu mình đã hoàn thành chưa hay phải trả cho đủ để cầu xin Đức Chúa Trời công chính nguôi giận và họ được thoát sự phán xét cho mình. Chính tình thế này thúc giục Luther ước muốn hội thánh tập trung trở lại vào sự cứu rỗi bởi ân điển nhờ đức tin vào Đấng Christ, chỉ bởi Đấng Christ ban sự công chính cho chúng ta.

Gửi đến những người chịu áp bức vì bùa xá tội và không được ban cho sự đảm bảo trong ân điển Chúa, Luther tuyên bố ân điển được ban cho như không cho các thánh thật của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời không tiếp nhận ai ngoài những người bị bỏ rơi, không phục hồi sức khoẻ cho ai ngoài những kẻ bệnh, không ban sự sáng cho ai ngoài những kẻ mù và không ban sự sống cho ai ngoài những kẻ chết. Ngài không ban sự thánh cho bất kỳ ai ngoài những kẻ tội nhân, hay sự khôn ngoan cho ai ngoài những kẻ ngu dại. Nói ngắn gọn: Ngài không thương xót ai ngoài những kẻ khốn cùng và không ban ân điển cho ai ngoài những kẻ bị xua đuổi.

Thay vì Thiện công bảo khố được rao bán, Luther đã chống lại “Kho báu thật của Hội thánh đó chính là Tin Lành thánh rao truyền vinh quang và ân điển của Đức Chúa Trời” (Luận đề số 62).

Justin Holcomb là mục sư Tin Lành và giảng viên thần học tại Trường Thần học Cải chánh (Reformed Theological Seminary) và Trường Thần học Knox (Knox Theological Seminary). Justin viết cuốn Grace of God (Ân Điển của Đức Chúa Trời) và là đồng tác giả cuốn Rid of My Disgrace (Xóa tan Ô nhục Con) và Save Me from Violence (Cứu con khỏi Bạo lực) với vợ là bà Lindsey. Ông cũng là người biên soạn cuốn Christian Theologies of Scripture (Thần học Kinh thánh Cơ Đốc). Justin có trang Facebook, Twitter và trang web JustinHolcomb.com.

Chú thích: (1) Một cách ngắn gọn, Thiện Công Bảo Khố là giáo lý của Giáo hội Công giáo. Giáo lý này công nhận Mary vô tội và nhờ việc lành, công đức của Chúa Jêsus, Mary và các thánh mà có một kho chứa công đức góp phần cho sự cứu rỗi cho những tội nhân khác. Kho công đức này chỉ có giáo hoàng có chìa khoá mở và được ban phát một cách dè dặt qua Bùa xá tội.

-Tác giả bài viết: Justin Holcomb

-Nguồn: christianity.com

-Người dịch: Danh Ngọc-




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.