Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

Làm Mục Sư Có Thực Sự Khó Khăn?

Làm Mục Sư Có Thực Sự Khó Khăn?

Loisusong.net – Kỳ trước, nhân sự kiện “ngày mục sư”, bài viết “Nghề” Mục Sư Và Những Nỗi Đau Giấu Kín đã nhận được sự đồng cảm cùng không ít những ý kiến trái chiều của nhiều độc giả, cả tín đồ lẫn những người đang ở chức vụ. Tuần này, chúng tôi xin giới thiệu tới các bạn một bài viết khác – cùng chủ đề, khác góc nhìn. Dù nhắm tới đối tượng độc giả là các mục sư ở Mỹ, nhưng bài viết có rất nhiều điều đáng để nhìn nhận và suy ngẫm.

Là một mục sư, thường xuyên nghe những người chăn bầy khác giảng dạy, tôi thấy khó chịu khi rất nhiều mục sư bóng gió rằng công việc của họ thật rất khó khăn. Đúng vậy, chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều thách thức – chức vụ này có thể bao gồm những khoảng thời gian bị áp lực lớn cả về cảm xúc lẫn thuộc linh – nhưng tôi không nghĩ những khó khăn đó đáng được bất kì sự công nhận đặc biệt nào khi so sánh với những nghề nghiệp khác. Dù sao đi nữa, làm mục sư hầu như không đòi hỏi phải lao động chân tay, và điều này làm công việc trở nên dễ dàng về mặt thuộc thể hơn hầu hết những ngành nghề khác. Nó không yêu cầu một tuần làm từ 60 đến 80 tiếng, trừ khi bạn quy đổi giờ làm việc dài hơn với nhiều hơn sự hiện diện của Đức Thánh Linh. Và mặc dù đối mặt với những thách thức về cảm xúc và thuộc linh là vô cùng khó khăn, nhưng các giáo viên và nhân viên xã hội – chỉ hai ví dụ – cũng phải đối mặt với những ngăn trở tương đương hoặc thậm chí lớn hơn nữa.

Theo nhiều cách, vấn đề đề này phản ánh một xu hướng rộng hơn về cách người Mỹ nhận định nghề nghiệp của mình. Chúng ta thường xác định giá trị của mình dựa trên những gì chúng ta làm hơn là việc chúng ta thực sự là ai, vì thế những người làm nhiều hơn sẽ quan trọng hơn những người làm ít. Để chứng tỏ giá trị của mình trong xã hội, bạn phải liên tục khoe khoang về những khó khăn trong ngành nghề của mình. Đối với các mục sư tại Mỹ, xu hướng này thực sư rất mỉa mai bởi vì công việc của họ khá dễ chịu khi so sánh với mục sư tại những đất nước khác trên thế giới. Gần đây tôi ăn tối với một giám mục từ phía bắc Nigeria, người đã khẳng định rằng công việc của một mục sư rất khó khăn, rồi sau đó tiếp tục hướng dẫn tôi cách chăm sóc những tín đồ khi hội thánh của họ vừa bị cháy rụi và cách cầu nguyện khi sắp sửa bị hành quyết.

Tôi không có ý chê bai công việc của những người chăn bầy, hoặc làm nhẹ đi những khó khăn thực sự mà những người chăn bầy phải đối mặt. Chức vụ này thường xuyên đòi hỏi bạn phải can thiệp vào những hỗn loạn và tan nát trong cuộc đời, và cật lực giải quyết những tình huống như vậy một cách kín đáo. Tuy nhiên, tôi muốn cảnh báo khi chúng ta thổi phồng những nặng nhọc trong chức vụ lên như vậy vì nó có thể tạo ra những vấn đề nhất định cho hội chúng địa phương.

Trước hết, điều đó có thể tạo ra không khí thần bí xung quanh chức vụ mục sư, dựng lên một hàng rào ngăn cách giữa những người đứng trong chức vụ và tín đồ (laity). Các tín đồ lớn lên trong nhận thức về những khó khăn của mục sư và bắt đầu tin rằng công việc mục sư chỉ dành cho những người được đào tạo và có kỹ năng cao. Hiểu lầm này có thể gây ra tác động tiêu cực cho cả đôi bên. Các tín đồ không nghĩ rằng họ có thể giảng dạy, môn đồ hóa và tư vấn cho người khác, vì thế họ chất tất cả các gánh nặng lên mục sư, rồi đến lượt mục sư tiếp tục phàn nàn về công tác khó khăn khi phải làm tròn mỗi một nhiệm vụ một cách xuất sắc. Một trong những nhiệm vụ chính của người mục sư là giúp khai phóng những ân tứ của tín đồ để gây dựng thân thể của Đấng Christ. Để làm như vậy, một mục sư phải làm mẫu những nhiệm vụ khác nhau một cách đơn giản.

Thứ hai, mục sư cần phải luôn ý thức về những điều họ ngầm ám chỉ về những người nam người nữ họ đang phục vụ khi than vãn về công việc của mình. Không ai thích cảm giác là gánh nặng cho người khác. Vì thế những mục sư nào luôn tỏ ra kiệt sức bởi công việc có thể sẽ thấy rằng hội chúng càng ngày càng ít sẵn sàng bày tỏ những mối quan tâm và lo lắng chính đáng của bản thân họ.

Thứ ba, các mục sư nào luôn luôn than vãn về nỗi khó khăn trong chức vụ mình đã nêu một tấm gương tồi về cách Cơ Đốc nhân nhìn nhận công việc. Những khủng hoảng trong chức vụ thường là hậu quả của một thần học sai lệch về công việc. Chúng ta tôn cao ao ước muốn khám phá ra một sự nghiệp thỏa lòng hoàn hảo lên trên tất cả mọi mục đích khác của lao động, như hoàn thành nhiệm vụ với gia đình hoặc làm tăng nguồn lực để mở mang vương quốc của Đấng Christ. Mục sư nào chỉ khắc họa những khó khăn trong công việc có thể sẽ sản sinh hoặc làm gia tăng mối quan ngại về chức vụ trong lòng các tín đồ.

Sứ đồ Phao-lô giải thích với Ti-mô-thê rằng những người khao khát trở thành giám mục đang mong muốn một công việc cao quý. Có thể chúng ta – trong tư cách mục sư đang nhìn nhận chức vu này là vô cùng cao quý, làm việc chăm chỉ trong những công tác hằng ngày đồng thời vừa làm gương mẫu về sự đơn giản của cuộc đời người chăn bầy trong sự vâng phục một cách vui lòng trọn vẹn với Đức Chúa Trời.

Nguồn: thegospelcoalition.org
Tác giả bài viết: Mike Niebauer

Mike Niebauer là một mục sư trong hội thánh Anh Giáo tại Bắc Mĩ. Sau 10 năm xây dựng hội thánh tại Chicago, ông đã chuyển đến State College, Pennsylvania để bắt đầu xây dựng Hội thánh Nhập Thể.

– Người dịch: Trịnh Quế –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.