Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

John Wycliffe (1330–1384) – Sao Mai Của Phong Trào Cải Chánh

John Wycliffe (1330–1384) – Sao Mai Của Phong Trào Cải Chánh

Loisusong.netTrước thềm Lễ Kỷ niệm 500 Cải chánh Tin lành, loisusong.net kính mời Quý độc giả cùng chúng tôi trong hành trình tìm hiểu về những Anh hùng Cải chánh – những người đã góp phần vào công cuộc cải cách và đưa lời Chúa đến gần với công chúng hơn. Xin đến với vị anh hùng đầu tiên – John Wycliff – người gieo những hạt giống đầu tiên của phong trào qua ngòi bút của mình và cống hiến trọn đời cho công tác dịch thuật Kinh thánh, để “Cơ Đốc nhân học Phúc Âm bằng thứ tiếng mà họ hiểu nhất.”

John Wycliffe được mệnh danh là “Ngôi Sao Mai của Phong trào Cải chánh.” Sao mai không hẳn là một ngôi sao mà chỉ là một hành tinh nhỏ, xuất hiện trước khi mặt trời mọc, khi bóng tối còn ngự trị phía chân trời. Ngôi sao mai không thể lẫn vào đâu được.

Bóng tối bao trùm chân trời của thế kỷ mười bốn, thế kỷ của Wycliffe. Ông sinh năm 1330 và mất năm 1384, gần một trăm năm trước khi Martin Luther ra đời. Thuở thiếu thời, Wycliffe học tại Oxford. Thomas Bradwardine (được biết đến với cái tên “Tiến sĩ Profundus”) dạy ông môn thần học còn William thành Ockham (nổi tiếng với nguyên lý “dao cạo Ockham”) dạy môn triết học. Wycliffe sớm có được chỗ đứng trong ngành. Được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Đại học Balliol, Wycliffe giảng dạy và viết lách trong lĩnh vực triết học. Nhưng cái neo nghiên cứu kinh thánh cứ bám riết lấy ông. Ông nghiên cứu thần học và Kinh thánh cách cẩn thận. Khi làm điều này, ông nhận ra rằng nhà thờ khi đó đã sa vào những đường hướng sai trật.

Mở đường cho Phong trào Cải chánh

Vào những năm 1370, ông viết ba tác phẩm quan trọng để phản bác lại sự suy đồi của giáo hội. Tác phẩm đầu tiên, On Divine Dominion – Quyền Thống trị Thiên thượng (1373–1374) nhắm vào thẩm quyền của giáo hoàng. Wycliffe không tìm ra sự xác nhận trong Kinh thánh với chức vụ giáo hoàng. Trên thực thế thì ông biện luận rằng chức vụ giáo hoàng mâu thuẫn và làm cho Kinh thánh – thẩm quyền thật sự của hội thánh bị lu mờ đi. Tác phẩm nổi bật tiếp theo gọi là On Civil Dominion – Quyền Thống trị Thế tục (1375–1376). Tại đây Wycliffe nhắm vào việc Giáo hội Công giáo La Mã Áo đặt thẩm quyền trên vua và tầng lớp quý tộc tại Anh. Ông thấy rằng nước Anh không có lý do gì để buộc mình phải chống đỡ một giáo hội đang suy đồi. Trong tác phẩm nổi tiếng thứ ba, On the Truth of Sacred Scripture (1378)– Lẽ thật của Kinh thánh Thiêng liêng, ông tiếp tục phát triển giáo lý về thẩm quyền Kinh thánh.

Ba tác phẩm này đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho Phong trào Cải chánh. Sau khi đến thăm Wycliffe tại Oxford, hai đồng nghiệp đã mang các tác phẩm của ông về quê nhà tại Prague. Việc này cũng đã tác động đến Jan Hus – “Sao Mai” thứ hai của Phong trào Cải chánh. Các tác phẩm đầu tiên của Martin Luther in dấu tư tưởng của John Wycliffe. Tuy những tác phẩm này rất quan trọng nhưng vẫn không thể sánh được với đóng góp quan trọng nhất của ông – Kinh thánh Wycliffe.

Cải chánh bắt đầu từ Công tác dịch thuật

Trong On the Truth of Sacred Scripture, Wycliffe kêu gọi dịch Kinh thánh sang tiếng Anh. Theo luật Công giáo La mã thì dịch Kinh thánh sang ngôn ngữ quần chúng, đời thường là một dị giáo và bị khép vào tội chết. Thật không thể tưởng tượng nổi tại sao giáo hội lại muốn người ta không biết đến Lời Chúa, trừ khi giáo hội muốn kiểm soát họ. Wycliffe tin vào thẩm quyền của Lời Chúa hơn là quyền lực của chế độ giáo hoàng. Cứ thế, ông và nhóm đồng nghiệp quyết tâm đưa lời Chúa đến với công chúng.

full_the-morning-star-of-the-reformation-rumblcdlKinh thánh không chỉ cần được dịch mà còn cần được sao chép và phát hành. Đây là thời kỳ trước khi có máy in (phát minh năm 1440), vì vậy người ta phải cẩn thận sao chép bằng tay. Tuy có nhiều khó khăn nhưng hàng trăm bản Kinh thánh đã được chép ra và phát cho đội ngũ mục sư của Wycliffe – họ đi khắp nước Anh và mang lời Chúa đến với mọi người. Người ta gọi những người theo Wycliffe là Lollards. Họ là mầm mống của sự cải chánh không chỉ tại nước Anh, mà trên khắp châu Âu.

Những nỗ lực dịch, sao chép và công bố lời Chúa bằng tiếng Anh đến từ một động lực duy nhất mà Wycliffe đã phát biểu như sau: “Việc này giúp Cơ Đốc nhân học Phúc âm bằng thứ tiếng mà họ hiểu nhất.” Trong những năm cuối đời, Wycliffe phải chịu việc bị giáo hội và tầng lớp quý tộc Anh bài xích. Tất nhiên là ông đã bị giáo hoàng bài xích từ lâu. Tuy nhiên, Wycliffe tuyên bố rằng: “Tôi sẵn sàng bảo vệ niềm tin của tôi cho đến chết.” Ông vẫn tin vào thẩm quyền và tính trung tâm của Kinh thánh và cống hiến cho sự kêu gọi của cuộc đời mình: giúp Cơ Đốc nhân học Kinh thánh. Sau hai cơn đột quỵ, John Wycliffe qua đời vào ngày 30 tháng 12 năm 1384.

“Dị giáo” và Anh hùng

Năm 1415, Hội đồng Constance – cùng một hội đồng đã khép Jan Hus vào tội chết – đã kết án Wycliffe là người theo dị giáo. Xương của ông bị đào lên và đốt thành tro, rải ra con sông Swift.

Nhưng những nỗ lực cải chánh của Wycliffe đã không bị ngọn lửa thiêu rụi hay bị gián đoạn vì phán quyết của một hội đồng. Sao Mai sáng rọi phía chân trời, báo hiệu rằng ánh sáng mặt trời sẽ sớm chiếu rạng.

Năm trăm năm trước, Martin Luther không đơn độc. Và bây giờ cũng vậy.

– Nguồn: desiringgod.org
– Tác giả bài viết: Stephen Nichols

-Người dịch: Nguyễn Hằng-




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.