Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Đôi khi tôi thắc mắc tại sao vườn Ghết-sê-ma-nê lại được nói đến trong Phúc Âm. Thành thực mà nói, điều này rất dễ gây hiểu lầm. Chúa Giê-su đang tranh chiến, mồ hôi chảy thành giọt máu lớn, thật đau đớn, thật trần trụi và thật phàm tục.
Thoạt nhìn Chúa Giê-su có vẻ yêu đuối, Ngài cầu xin Đức Chúa Trời Cha cất chén Thiên thượng khỏi mình trước thì giờ hầu đến. Ngài sợ chết chăng? Có rất nhiều người, cả nam lẫn nữ đều đã từng đối mặt với cái chết, thậm chí là những cái chết khủng khiếp mà. Vậy Ngài yếu hơn họ hay sao? Tôi tin rằng chúng ta sẽ khám phá câu trả lời từ chính lời Chúa Giê-su nói.
“Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.”
“Ngài phán rằng: Nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đổ ra cho nhiều người.”
“Cho nhiều người”. Cụm từ tưởng chừng lạ lẫm cho đến khi bạn nhận ra rằng Chúa Giê-su gợi lại những từ đã lặp lại 2 lần trong sách Ê-sai 53 – đoạn Kinh thánh tiên tri về sự chết của Chúa Giê-su cho tội lỗi của chúng ta.
“Nhờ sự khốn khổ của linh hồn mình,
Người sẽ thấy kết quả và mãn nguyện.
Đầy tớ công chính của Ta sẽ lấy sự hiểu biết về mình
Làm cho nhiều người được xưng công chính,
Vì Người gánh lấy tội lỗi của họ.”
Những lời này dạy chúng ta rằng Ngài trông đợi sự chết của mình, Ngài biết rằng đó chính là giá chuộc Ngài phải trả để cho chúng ta được tự do. Cũng bởi đó Ngài thấy sự chết của mình sẽ chôn vùi tội lỗi của nhiều người – tội của chúng ta.
Tội lỗi chẳng đẹp đẽ, cũng chẳng nhỏ bé. Ồ, thế giới này coi nó như sự khôn ngoan, hạnh phúc và đủ đầy. Tuy tội lỗi có nhiều mặt lừa đối nhưng nó bắt nguồn từ sự khẳng định quyền lực. Đó chính là sự nổi loạn chống lại thẩm quyền của Đấng Tối Cao, ngấm ngầm phá hoại Nước Trời. Tội lỗi là quay lưng lại với Đức Chúa Trời và làm những điều chúng ta muốn hơn là làm những điều Ngài nói. Điều đó chẳng đẹp đẽ chút nào. Đôi lúc, khi tôi phạm tội, Chúa lại cho tôi thấy mình tuyệt vọng, đồi bại và hoàn toàn vỡ vụn như thế nào khi chìm ngập trong tội lỗi. Như một kẻ đĩ điếm cố công tô điểm vẻ bề ngoài mà thất bại thảm hại.
Sứ mạng của Giê-su là gánh chịu những tội lỗi ghê tởm của tôi. Rồi của bạn. Rồi nhân lên tỉ tỉ những người khác: “cho nhiều người.” Nhưng để thực hiện sứ mệnh đó, Ngài chấp nhận mãi bị vết. Có bao giờ bạn thử rửa mùi hôi thối trong thùng rác nhựa chưa? Thử đi nhé. Rồi bạn sẽ thấy mùi hôi vẫn lưu lại đó. Và đó, Chúa Giê-su gánh lấy tội lỗi ô uế mà chúng ta phạm phải và khiến Cha Thánh quay mặt khỏi mình.
Trước Sáng thế, Chúa Cha và Chúa Con đều vui thích tận hưởng sự hiện diện thánh của nhau. Được chìm ngập trong mối thông công mật thiết và tràn đầy yêu thương. Nhưng Thập giá đã phá tan mối tương giao đó, bởi sự thánh khiết của Đức Chúa Cha không dung hòa được với tội lỗi.
Tôi nghĩ rằng trong vườn Ghết-se-ma-nê, điều khiến Chúa Giê-su bối rối chính là lúc Chúa Giê-su thấy mình bị Chúa Cha chối bỏ, dù chỉ trong một thời gian ngắn. Thêm nữa, Ngài chưa từng nếm mùi tội lỗi, giờ phải vướng vào nó. Ngài đối mặt với tội lỗi của chúng ta, chồng chất không điểm dừng.
Bởi vậy, Chúa Giê-su nài xin trong Vườn rằng: “Cha ơi, có còn cách nào khác không?” Ngài kêu xin, Ngài tìm cầu trong mối tương giao mạnh mẽ. Và rồi Ngài lại thuận phục: “nhưng không theo ý Con mà theo ý Cha.” Không theo khao khát của con là không bị hủy hoại, không chịu tội lỗi, không ô uế, nhưng theo cách duy nhất của Ngài, khó khăn nhưng cứu được những người mà chúng ta đều yêu mến. Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta là môn đồ Ngài biết vâng phục dù chưa hiểu hết mọi sự.
Rồi Ngài chờ dậy và đánh thức các môn đồ để đối diện với định mệnh của mình. “Hãy trỗi dậy, chúng ta đi. Kìa, kẻ phản Ta đã đến.”
Lời cầu nguyện tại Ghết-sê-ma-nê được lý giải bằng tiếng khóc đơn độc của Ngài trên đồi Gô-gô-tha:
“Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?”
Nhắc nhớ những câu đầu trong Thi thiên 22, một thi thiên tuyệt vời mô tả trước về nhiều sự kiện xảy ra trên thập tự giá.
Những lời cuối cùng của Chúa Giê-su trên thập tự, bằng cách nào đó, trờ thành lời hy vọng. “Mọi sự đã được trọn.” Cha ơi, chúng ta đã cùng làm, cả Cha và con đều phải trả một cái giá đắt. Mọi sự đã được trọn. Giá chuộc đã trả xong, tội lỗi đã được quăng khỏi những người chúng ta yêu thương. Đã xong rồi!
Lời cuối cùng của Ngài cũng hướng tới hy vọng, trong đức tin: “Lạy Cha, Con xin giao linh hồn lại trong tay Cha!!” Cánh tay của Chúa Cha đủ mạnh để giữ lấy Con Một của Ngài và chúng ta, kể cả trong những lúc nguy khó hay khi chúng ta không hề cảm thấy sự hiện diện của Ngài.
Ngày thứ Bảy qua đi lặng lẽ, đó là ngày Sa-bát tại Giê-ru-sa-lem. Nhưng sáng Chúa nhật, cửa Thiên Đàng mở ra, Giê-su Con Trời bước ra khỏi nấm mồ. Thân thể Ngài đầy những vết đinh đóng, những lằn đòn Ngài chịu, nhưng tội lỗi ô uế và sự chết đã biến mất. Ngài đã sống lại! Ha-lê-lu-jah! Sự sống lại của Ngài giúp chúng ta tự tin rằng Chúa đã chấp nhận của lễ Ngài cho tội lỗi, đổ đầy chúng ta sự chữa lành và quyền năng biến đổi của Ngài. Ha-lê-lu-jah.
Thưa anh chị em trân quý của tôi, bạn có thể cảm thấy mình cô đơn và tan vỡ, như thế không có lối thoát. Nhưng tôi có tin mừng. Từ rất lâu trước khi anh chị em cần Đấng Cứu Chuộc, Cha Thiên Thượng của chúng ta đã vô cùng yêu bạn – “thế gian” và “nhiều người” – đến nỗi đã ban con một của Ngài mang lấy tội lỗi của bạn, để bạn không còn phải mang lấy chúng nữa. Ngài chịu chôn trong hầm mộ vì tội ấy, nhưng đến ngày thứ ba, Ngài từ kẻ chết sống lại và được tự do cùng chiến thắng sự chết. Khi bạn giao mình trong tay Chúa thì bạn cũng vậy. Đó là ân điển, là đặc ân Chúa ban dù chúng ta không xứng đáng, bởi chúng ta được Ngài yêu quá đỗi.
Đó chính là sứ điệp mà Ghết-sê-ma-nê, đồi Gô-gô-tha và Ngôi Mộ Trống gửi đến chúng ta. Chúa đã sống lại rồi! Ha-lê-lu-jah!
– Nguồn: joyfullheart.com
– Tác giả bài viết: Tiến sĩ Ralph F. Wilson
– Phương Phương Nhung dịch –