Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Thấu Hiểu Để Rao Giảng Phúc Âm

Thấu Hiểu Để Rao Giảng Phúc Âm

Ảnh: Pexels

Sự thấu hiểu giữa người với người sẽ đem tới hiệu quả cao hơn cho công tác truyền giáo | KERILEE VAN SCHOOTEN

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Trong Bảy Thói Quen Thành Đạt (The Seven Habits of Highly Effective People), Stephen Covey diễn giải rằng sự thấu hiểu chính là chìa khoá cho thành công. Ông khích lệ chúng ta “trước hết hãy hiểu, sau là được hiểu”. Quả thật là vô cùng dễ dàng để chúng ta đi thẳng ngay tới vấn đề mình muốn giải thích, nhưng nếu chúng ta không trước hết dành thời gian để hiểu người khác, thì sẽ dễ xuất hiện những hiểu lầm không đáng có.

Trau dồi khả năng thấu hiểu với người khác dẫn tới hiệu quả cao hơn trong tất cả các hình thức giao tiếp, bao gồm cả công tác truyền giáo. Trên thực tế, Chính Chúa Giê-su là tấm gương của điều này qua việc Ngài thương xót cho sự tan vỡ của chúng ta. Sách Hê-bơ-rơ 4:15 có chép: “Vì chúng ta không có một thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thông sự yếu đuối chúng ta, nhưng có một thầy tế lễ bị cám dỗ đủ mọi cách như chúng ta, song chẳng phạm tội”. Sau khi nhấn mạnh rằng Chúa Giê-su có thể cảm thông với sự yếu đuối của chúng ta, tác giả của sách Hê-bơ-rơ tiếp tục viết: “Vậy chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ân điển, để nhận được sự thương xót và tìm được ân điển giúp đỡ chúng ta kịp thời” (Hê-bơ-rơ 4:16)

Việc Chúa Giê-su xuống thế gian này và lựa chọn hạ mình chính là điều giúp cho chúng ta có thể hiểu được Chúa cũng như tự tin tiến gần tới ngai ân điển Ngài. Nguyên tắc này cũng đúng khi ta đi và truyền bá về Phúc Âm. Khi chúng ta tiếp cận những người chưa biết tới Chúa và có thái độ khiêm nhường để thấu hiểu những yếu đuối của họ, Đức Chúa Trời sẽ trở nên gần gũi với họ hơn.

Thấu hiểu là cốt yếu trong công tác truyền giáo, nhưng làm sao để nuôi dưỡng phẩm chất này trong cuộc sống, từ đó chúng ta có thể rao truyền lẽ thật Phúc Âm một cách rõ ràng và hiệu quả hơn? Sau đây là bốn bước thiết thực nhất để giúp chúng ta bắt đầu.

1. Thành thật với chính mình về những khuyết điểm của bản thân

Quả thật là không dễ dàng gì để thừa nhận những yếu điểm trong một thế giới tôn thờ sức mạnh và nỗ lực cá nhân. Trên hết, chúng ta sợ bị đem ra đánh giá bởi những khuyết điểm của mình, chính vì vậy mà chúng ta thường thích lờ đi những ngờ vực, sợ hãi và những ham muốn tội lỗi mà chúng ta có, với hy vọng rằng nếu ta không nghĩ hay không nói gì về chúng, chúng rồi cũng sẽ mất đi. Ta thường lảng tránh việc thừa nhận khuyết điểm của bản thân với người khác, và đôi khi là với cả chính bản thân mình.

Song, chính cái hỗn độn trong câu chuyện của chúng ta – những phần mà ta dễ cảm thấy bối rối – lại là những gì người khác có thể liên hệ được. Nếu chúng ta không trước hết thừa nhận khuyết điểm của mình, khả năng thấu hiểu của ta sẽ bị giới hạn. Hãy sẵn sàng chân thật với bản thân một cách dũng cảm, và khi ta làm điều đó, ta sẽ có thể kết nối và nói về Phúc Âm với người khác một cách chân thực và hiệu quả hơn.

2. Hãy để Chúa Giê-su thấu hiểu những yếu đuối của bạn

Giữa những bộn bề cuộc sống, đôi lúc ta cảm tưởng như Đức Chúa Trời xa cách và lãnh cảm. Song, sự thật là Chúa Giê-su có thể hiểu được bất cứ điều gì chúng ta đang phải trải qua! Chúa Giê-su đã phải trải qua cám dỗ giống hệt như chúng ta – những kẻ theo ngài – đang trải qua hôm nay. Hãy dừng lại một chút và ghi nhớ điều đó.

Khi chúng ta bắt đầu hiểu rõ hơn rằng Chúa thực sự cảm thông với những khiếm khuyết và cám dỗ chúng ta gặp phải, sự thấu hiểu của ta với những người khác cũng sẽ bắt đầu lớn lên. I Giăng 4:19 nói rằng “Chúng ta yêu thương vì Chúa đã yêu thương chúng ta trước”, và sự thấu hiểu cũng vậy. Chúng ta có thể thấu hiểu người khác bởi Chúa Giê-su đã thấu hiểu chúng ta trước.

3. Lắng nghe người khác lâu hơn bình thường

Sự thấu hiểu cần thời gian. Francis Schaeffer từng nói, “Nếu tôi có một tiếng ở cùng một người nào đó, tôi sẽ dành 55 phút đầu để hỏi và tìm hiểu về điều đang làm phiền trái tim và tâm trí họ, và trong 5 phút cuối cùng tôi sẽ chia sẻ về lẽ thật”. Mặc dù ví dụ này có thể là hơi quá đối với một số chúng ta, nó thách thức ta chủ động lắng nghe nhiều hơn.

Sẽ tốt hơn nếu chúng ta coi khả năng lắng nghe giống như một cơ bắp cần kéo căng mới to lên được. Để có thể thấu hiểu người khác hơn nữa, chúng ta cần tập lắng nghe nhiều hơn bình thường. Để làm được điều này thì chính trong thời điểm bạn thường xen ngang để chia sẻ, hãy hỏi họ thêm một câu hỏi nữa. Khi dành thời gian lắng nghe bằng trái tim mình chứ không chỉ bằng đôi tai, chúng ta có thể gia tăng khả năng thấu hiểu cũng như nói với lòng của người khác.

4. Cố gắng hiểu về niềm tin của người khác

Khi chúng ta bước ra để chia sẻ về đức tin là ta đang mời gọi người khác nhìn nhận thế giới dưới lăng kính của mình, cái lăng kính được thấm nhuần bởi chân lý Phúc Âm. Nếu chúng ta muốn người khác hiểu được những gì ta nói và tin nhận điều đó, chắc chắn chúng ta, những Cơ Đốc nhân, cũng phải sẵn sàng để thấu hiểu họ và niềm tin hiện tại của họ.

Đành rằng lắng nghe ở cấp độ này cần cả thời gian lẫn tâm sức, nhưng đây là sự đầu tư xứng đáng, Khi chúng ta cảm thông với người khác và cố gắng hiểu về niềm tin của họ, chúng ta thể hiện cả tình yêu và sự trân trọng, và chúng ta cũng biết cách để chia sẻ Phúc Âm sao cho hiệu quả hơn, dựa trên những ngờ vực và niềm tin hiện tại của họ.

Sự thấu hiểu đóng quan trọng trong việc truyền bá Phúc Âm hiệu quả. Nếu muốn thông điệp về tình yêu và lẽ thật của Chúa chạm được tới tấm lòng họ, chúng ta phải tìm cách hiểu được trái tim của người khác. Khi ta cố gắng trau dồi khả năng cảm thông, ta cũng sẽ đồng thời thúc đẩy được hiệu quả truyền bá Phúc Âm và có thể là lần đầu tiên đưa nhiều người khác lại gần ngai Ân Điển của Chúa.

Tác giả bài viết: Kerilee Van Schooten

Nguồn: Christianitytoday.com

-Người dịch: Hà Trang-




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.