Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Bốn Điều Quan Trọng Trong Sự Cầu Nguyện

Bốn Điều Quan Trọng Trong Sự Cầu Nguyện

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Cầu nguyện là vũ khí rất quyền năng của dân Đức Chúa Trời qua mọi thời đại, tuy nhiên cầu nguyện đúng theo cách của Đức Chúa Trời mới phát huy tối đa được năng lực của sự cầu nguyện. Trong bài viết ngắn này chúng ta sẽ chỉ nêu những yếu tố rất quan trọng của sự cầu nguyện để dễ nhớ khi nhìn chữ cầu nguyện trong tiếng Hê-bơ-rơ của Cựu Ước. Chữ cầu nguyện trong Cựu Ước là Tephillah (תְפִלָה) gồm bốn ký tự đọc từ phải sang trái là chữ “tav”, chữ “pey”, chữ “lamed” và chữ “hey”. Khi xem bốn ký tự này chúng ta sẽ thấy bốn điều quan trọng của sự cầu nguyện mà được chính Chúa Giê-su dạy dỗ trong Tân Ước.

Chữ thứ nhất và chữ cuối cho chúng ta ý nghĩa về lẽ thật và sự hiện diện của Đức Chúa Trời đó là một trong những ý nghĩa của chữ “tav” và chữ “hey”. Giăng 15:7 chép: “Ví bằng các ngươi cứ ở trong Ta, và những lời Ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó” cho chúng ta thấy hai yếu tố quan trọng mà chính Chúa Giê-su dạy là lời Chúa và sự hiện diện của Đức Chúa Trời (cứ ở trong Ta) và chính là chữ “tav” và chữ “hey” mà chúng ta đã xem ở trên. Như vậy yếu tố đầu tiên của sự cầu nguyện phải là lẽ thật và như Giăng 17:17 chép: “lời Cha tức là lẽ thật” khiến chúng ta cần phải biết lời Chúa khi cầu nguyện với Ngài. Lời Chúa trong tâm linh chúng ta sinh ra lời cầu nguyện quyền năng biến đổi thế giới chúng ta. Lời Chúa khi đã ở trong lòng chúng ta sẽ khiến sinh ra những ước ao cầu nguyện trong chúng ta và những ước muốn đó là thánh thiện trái với những ước muốn xác thịt. Vả nếu theo tính xác thịt mà cầu xin thì Chúa sẽ không nghe chúng ta.

Một buổi kiêng ăn cầu nguyện của Hội thánh

Điều tiếp theo là nói với Đức Chúa Trời như chữ “pey” mang ý nghĩa là cái miệng, nên chúng ta cũng cần giữ môi miệng như Gia-cơ 3:10 cảnh báo chúng ta “Đồng một lỗ miệng mà ra cả sự khen ngợi và rủa sả! Hỡi anh em, không nên như vậy.” Chứ không thể dùng miệng mình nói mọi điều không xứng đáng và sau đó dùng miệng đó cầu nguyện với Đức Chúa Trời và sẽ được Đức Chúa Trời nhậm. Có nhà giảng đạo đã nói thế này: Ngày nay Cơ Đốc nhân đánh mất quyền năng của Đức Chúa Trời vì họ đã nói quá nhiều thứ vô bổ trong đời sống hàng ngày của họ.

Chữ thứ ba là Lamed là chữ cái cao hơn tất cả các chữ khác còn lại trong bảng chữ cái của Hê-bơ-rơ chẳng mách bảo chúng ta là cầu nguyện cần tôn cao ý chỉ của Đức Chúa Trời hay sao như Chúa Giê-su có dạy trong Ma-thi-ơ 6:10 “Ý Cha được nên, ở đất như trời!” cũng như trong 1 Giăng 5:14-15 chép: “Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta. Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài”. “Lamed” là nhắc chúng ta phải cầu nguyện theo ý Chúa chứ không phải theo ý chúng ta và nếu theo ý Ngài mà xin Ngài thì Ngài sẽ nghe chúng ta. Một con người có đời sống tôn cao Đức Chúa Trời và đặt Ngài luôn luôn là đầu tiên trong đời sống của mình thì lời cầu nguyện của người ấy sẽ được tôn cao trong con mắt của Đức Chúa Trời.

Chữ cuối cùng là “hey” hay là sự hiện diện của Đức Chúa Trời như bên trên chúng ta đã xem Chúa Giê-su dạy: “Ví bằng các ngươi cứ ở trong Ta” cho thấy tầm quan trọng của sự hiện diện Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta. Thực ra thì sự hiện diện của Đức Chúa Trời qua Đức Thánh Linh của Ngài sẽ khiến chúng ta biết kêu cầu với Ngài hay nói cách khác là Đức Thánh Linh của Ngài thúc giục chúng ta cầu nguyện với Ngài và khi cầu nguyện với Ngài thì chúng ta duy trì sự hiện diện của Ngài trên đời sống của chúng ta.

Như vậy có bốn yếu tố cấu thành nên đời sống cầu nguyện linh nghiệm trên đời sống chúng ta là: Lời Đức Chúa Trời phải ở trong lòng chúng ta, thứ hai là cần cầu nguyện theo ý muốn của Đức Chúa Trời và cầu nguyện là nói những ước muốn sinh ra từ lời Chúa và ý Chúa trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

Bốn Cách Để Không Bị Phân Tán Khi Cầu Nguyện >>>

– Mục sư Nguyễn Hữu Phê –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.