Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Sau khi bị bắn, anh vẫn quay trở lại hòn đảo cấm: “Chia sẻ về Chúa Giê-su cho những người này là một việc đáng làm”.
Một giáo sĩ người Mỹ 27 tuổi đã bị sát hại trên một hòn đảo hẻo lánh trên vùng bờ biển Ấn Độ, nơi anh đã nỗ lực để chia sẻ Phúc Âm cho bộ tộc tách biệt nhất trên thế giới.
All Nations (tạm dịch là “Mọi Dân Tộc”), một tổ chức truyền giáo có trụ tại Mỹ, đã xác nhận rằng John Allen Chau đi đến Đảo Bắc Sentinel sau nhiều năm học tập và huấn luyện để truyền giảng cho nhóm dân bản địa thiểu số tại đây. Nền văn minh hiện đại hầu như chưa hề chạm đến họ.
Theo tin tức dựa trên những ghi chép hành trình của Chau, anh thanh niên tốt nghiệp trường Đại Học Oral Robert đã kêu lên với những người tộc Sentinel được trang bị cung tên: “Tôi tên là John, tôi yêu các bạn và Chúa Giê-su yêu các bạn”. Anh đã trốn ra một chiếc thuyền đánh cá khi họ bắn cung tên về phía anh trong chuyến thăm đầu tiên, với một mũi tên xuyên qua Kinh Thánh.
Chàng giáo sĩ trẻ tuổi đã không sống sót trong chuyến thăm tiếp theo vào ngày 17 tháng 11.
“Bố mẹ có thể nghĩ rằng con điên khi làm chuyện này, nhưng con nghĩ chia sẻ về Chúa Giê-su cho những người này là một việc đáng làm”, Chau viết trong lá thư gửi bố mẹ một ngày trước đó. Lá thư được công bố trên Daily Mail. “Xin đừng nổi giận với họ hoặc với Chúa nếu con có bị giết”.
Cảnh sát Ấn Độ vẫn chưa lấy lại được thân thể của người giáo sĩ trẻ tuổi bởi mọi tiếp xúc với những tộc người bản địa tại quần đảo Andaman và Nicobar đều bị cấm, nên cũng không thể khởi tố những người đã giết cậu.
Những thổ dân Sentinel nổi tiếng vì luôn khước từ tiếp xúc với bên ngoài và sẽ tấn công bất kì ai đặt chân lên hòn đảo của họ.
Một vài người đã gọi Chau là một anh hùng tử vì đạo và so sánh anh với Jim Elliot, người đã qua đời cách lừng lẫy ở tuổi 28 khi cố gắng truyền giáo cho một tộc người bản địa cô lập tại Ecuador.
“John là một đại sứ nhân từ và nhạy cảm của Chúa Giê-su Christ, một người muốn những người khác biết về tình yêu tuyệt vời Chúa dành cho họ”, Mary Ho, lãnh đạo điều hành quốc tế của tổ chức All Nations chia sẻ. All Nations nói rằng họ huấn luyện và hỗ trợ 150 giáo sĩ tại 31 quốc gia, bao gồm Ấn Độ.
“Khi chúng ta đau buồn vì người bạn của mình, và cầu nguyện cho những người đang sầu thảm vì cái chết của anh, chúng ta cũng biết rằng anh muốn chúng ta cầu nguyện cho những người chịu trách nhiệm với cái chết của anh”. Đây là lần thứ ba Chau đến thăm quần đảo Andaman và Nicobar. Cảnh sát trưởng gọi chuyến thăm đầu tiên của anh là “chuyến phiêu lưu nhầm chỗ”, nhưng gia đình và bạn bè khẳng định rằng anh có tiếng là hay làm trái những quy tắc để chia sẻ Tin Lành tại những khu vực nguy hiểm.
Trường học của anh, Oral Robert, đã đưa ra công bố như sau: “Trong 50 năm qua, cựu học sinh Trường Đại Học Oral Robert đã đi đến những tận cùng của trái đất để mang hy vọng và sự chữa lành cho hàng triệu người. Chúng tôi không ngạc nhiên rằng John đã cố gắng vươn đến những người tách biệt này để chia sẻ tình yêu của Chúa. Chúng tôi thực sự rất đau lòng khi nghe về cái chết của em”.
Theo All Nations, Chau tham gia tổ chức của họ năm ngoái, sau khi đi truyền giáo tại Iraq, Kurdistan và Nam Phi. Họ miêu tả Chau là “một người dày dạn, thông thạo những vấn đề liên văn hóa”.
Gia đình anh đã đăng một bài viết để tưởng nhớ Chau trên Instagram, nói rằng họ tha thứ cho những người đã sát hại Chau và yêu cầu gỡ bỏ cáo buộc đối với những ngư dân đưa anh đến Đảo Bắc Sentinel.
Dự án Joshua, mục vụ tập trung theo sát những nhóm dân tộc chưa được chạm tới báo cáo rằng không có nhiều thông tin được biết về người Sentinel bởi sự tách biệt và hung dữ của họ, và nhờ những người ủng hộ “cầu nguyện rằng Chính phủ Ấn Độ sẽ cho phép Cơ Đốc nhân lấy lòng tin của người Sentinel và được phép sống giữa vòng họ.”
– Đưa tin: Kate Shellnutt –
– Nguồn: christianitytoday.com –
– Tin cập nhật ngày 21/11/2018 –
– Trịnh Quế dịch –
Báo Thanh Niên ngày 24/11 có đăng tin nầy, ngắn thôi, đọc xong thấy đau nhói trong lòng, dù không biết thực hư thế nào. Tôi ước gì có trang mạng Cơ đốc nào đưa tin chi tiết hơn để cầu nguyện cho công việc truyền giáo trên thế giới. Hôm nay cũng bất ngờ đọc bài nầy trên FB Loisusong.net, nhìn hình thật cảm động rơi nước mắt. Chúng ta cầu nguyện cho những giọt máu tha thứ của Chau đã đỗ ra trên hòn đảo nầy sẽ là năng lực vô hình cảm hóa những người “không biết mình làm điều gì,” Hạt lúa mì đã chịu chết đi để những mầm sống sẽ nứt lên…
Chau đã tận trung, dấn thân, ban cho quên đi chính thân mình. (Bài hát Dẫu Có Phải Chết). Xin Chúa an ủi gia đình Chau và All Nations!
Cảm ơn Loisusong.net đã đưa tin