Hỏi: Tôi thắp hương khấn vái thì sai đúng thế nào? Vừa hiếu kính cha mẹ khi còn sống vừa chu đáo việc khói hương sau hậu sự có được phép không?
Trả lời: Việc thắp hương khấn vái là không theo lẽ thật Cơ Đốc và người tin Chúa sẽ KHÔNG làm những việc dường ấy kẻo mang tội với Đức Chúa Trời.
Thứ nhất, Đức Chúa Trời ra mạng lệnh cấm thờ phượng một thần tượng, con người, đồ vật hoặc bất kỳ một sự thể nào khác ngoài Ngài. Chúa là Chân Thần duy nhất tạo dựng vũ trụ, muôn vật, sông biển, núi non mà con người phải thờ phượng và chỉ thờ phượng duy nhất Ngài mà thôi. Tín ngưỡng dị đoan cho rằng có cõi trần, cõi âm, cõi thần tiên, thánh đức nên thờ cúng đủ các chư vị là sai lạc. Thờ các vị ấy, rốt cục chỉ là thần tượng làm bằng gỗ, đá, đất nung hay quá lắm là bạc, vàng mà Thánh Kinh đã chỉ rõ: “Hình tượng của các dân bằng bạc và bằng vàng, Là công việc tay loài người làm ra. Hình tượng có miệng mà không nói, Có mắt mà chẳng thấy, Có tai mà không nghe, Và miệng nó không hơi thở. Phàm kẻ nào làm hình tượng, và nhờ cậy nơi nó, Đều giống như nó” (Thi thiên 135:15-18).
Thứ hai, hương khói trên bàn thờ ngẫm tưởng là dâng cho ông cha, tiên tổ được hưởng lộc phần con cháu nhưng kỳ thật là vô nghĩa. Thánh Kinh chỉ rõ người chết không thể trở về để ăn hưởng những của dâng của cháu con hay phù hộ độ trì cho hậu thế được. Hoặc người tin Chúa Giê-su thì linh hồn ở cùng Ngài nơi Thiên quốc, hoặc người chưa tin lòng vốn đầy tội lỗi chưa được gột rửa thì phải xuống chốn khổ hình nơi âm phủ dẫu muốn trở về mà không được.
Mây tan ra và đi mất thể nào,
Kẻ xuống âm phủ không hề trở lên, cũng thể ấy.
Họ không hề trở về nhà mình nữa,
Và xứ sở người chẳng còn biết người.
(Gióp 7:9-10)
Quan niệm cho rằng người chết có quyền năng trên người sống thật không có căn cứ. Tổ tiên, ông bà, tiền nhân đều là người như chúng ta, họ cũng sinh, lão, bệnh, tử rồi không thấy ai trở về. Chính tổ tiên cũng không thể tự cứu mình khỏi chết, không thể tránh khỏi sự chết thì sao có thể “phù hộ độ trì”, ban phúc giáng họa cho con cho cháu. Ngay khi còn sống, cha mẹ ông bà nào cũng muốn để phúc làm ơn trên hậu tự mà “lực bất tòng tâm”, huống hồ khi chết rồi, dễ gì biến chuyển trong cõi linh thiêng mà làm việc thánh thần. Duy Chúa Cứu Thế Giê-su đắc thắng sự chết hứa ban sự sống vĩnh cửu cho những ai đặt lòng tin nơi dòng huyết rửa tội của Ngài thì được tha thứ. “Đức Chúa Jêsus Christ đã đếntrong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy; (I Ti-mô-thê 1:15).
Ông bà, tổ tiên đã mất không thể trở về để nhận hưởng sự thờ cúng theo tục truyền. Việc cúng bái chỉ là thiếu hiểu biết lẽ thật Kinh thánh mà theo sự lừa dối của satan.
Thứ ba, nếu theo quan niệm “trần sao âm vậy” mà cúng kiếng thì cũng thật cạn nghĩ, hồ đồ. Vì giả như ông bà “đi về cõi âm” và sống cuộc sống như trần gian thì mỗi năm con cháu chỉ cúng kiếng mấy lần, siêng năng chu đáo thì đều đặn ngày thượng tuần với trung tuần có ít hoa quả dâng trên bàn thờ. Như thế những ngày còn lại chẳng quá bất kính, bất hiếu hay sao. Nhân đây cũng nói về việc hóa vàng, đốt mã thật đã đi quá xa chân lý mà ngay cả người thường cũng cho là dị đoan, mê tín gây lãng phí tài vật. Thậm chí nhiều nhà vì đốt vàng mã mà gây họa cháy nhà thật “tai ương, họa ương”. Chắc chắn mười mươi rằng giấy vàng người ta đốt đi chỉ hóa ra tro bụi vô ích chứ chẳng giúp cho “người âm” hưởng được lộc tài phú quý gì cả.
Hình nhân, mũ mão, quan lại, ngựa xe bằng… giấy đều ra từ những ‘xưởng’ làm mã như thế này
Mỗi tờ “tiền giấy” tưởng nhẹ nhưng hàng năm người Việt Nam cũng đốt khoảng 40.000 (bốn mươi nghìn) tấn vàng mã, tức bốn mươi triệu kilogram, tương đương sức nặng của 1/10 dân số Hà Thành. Hàng năm, riêng thủ đô Hà Nội đốt cháy khoảng 400 tỷ đồng (tiền thật) trong vàng mã. Tính theo GDP hiện nay của Việt Nam khoảng trên dưới 1.000 U$D/1 người/ 1 năm thì số tiền đốt vàng mã 400 tỷ có thể nuôi 20.000 người (tương đương 4 xã với dân số trung bình) sống trên mức tương đối trong vòng 12 tháng.
Ngôi nhà ba tầng cổ nhất Hà Nội 47 Hàng Bạc bị cháy rụi ngày 21/2/2010 do sơ suất đốt vàng mã, đốt hương tại gian thờ (theo baomoi.com)
Xin kể ra xuất xứ việc đốt vàng mã như sau để xem thời nay có nên làm theo cổ tục này hay chăng: Vua Hán Văn Đế (Thế kỷ 3 SCN) muốn thực hành lời dạy của Đức Khổng Tử: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nghĩa là thờ người chết như thờ người sống, thờ người mất như thờ người còn. Vậy nên khi nhà vua băng hà, chúng thần và hậu cung đã phải bỏ tiền bạc thật vào trong áo quan để vua tiêu dùng.
Sau đó quan bắt chước vua, dân bắt chước quan. Ai cũng chôn tiền thật theo người chết thành một tục lệ. Bọn trộm cướp biết vậy nên đào trộm mồ những người giầu có, như mộ vua Hán Văn Đế bị trộm khai quật lấy hết vàng bạc châu báu. Về sau từ quan đến dân thấy việc chôn tiền bạc thật quá tốn kém nên mới nảy sinh ra dùng giấy cắt ra làm tiền giả, vàng giả để thay thế. Chuyện đốt tiền giấy (vàng mã) ra đời từ đó và trở thành tập tục.
Đốt vàng mã, hình nhân… chẳng qua là một cổ tục sai lạc cần được tuyên truyền rộng rãi để từ bỏ mà giúp tránh được nhiều hậu quả cả về vật chất lẫn tâm linh (ảnh vnexpress.net).
Thật ra dù có theo quan điểm nhà Phật cũng chẳng ai dạy phải đốt mã hóa vàng cho người đã khuất. Thời xưa thì đốt mấy mẩu giấy vuông tròn có hình vàng thoi, tiền xấp. Nay thì đốt hình nhà lầu, xe hơi, đô-la cho xứng tầm thời đại. Dễ khi, chẳng mấy chốc mà người ta đốt cả trực thăng hay lap-top cho người quá cố theo ước mong sử dụng của chính mình chứ chẳng chắc là vì cố nhân. Xem ra, chỉ suy xét đôi phút là thấy những việc làm như thế là sai quấy như thế nào.
Thêm nữa, Lời Thánh kinh khẳng định rõ ràng, người đã khuất KHÔNG hề có nhu cầu thể xác như lúc còn sống: “Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết, chẳng được phần thưởng gì hết; vì sự kỷ niệm họ đã bị quên đi. Sự yêu, sự ghét, sự ganh gỗ của họ thảy đều tiêu mất từ lâu; họ chẳng hề còn có phần nào về mọi điều làm ra dưới mặt trời“. (Truyền đạo 9:5-6).
Thứ tư, cúng tế thờ lạy trên bàn thờ thật ra không phải cúng người nhà mình mà vô tình đang bị quỷ ma lợi dụng mà không biết. Kinh thánh chỉ rõ, sa-tan ma quỷ và bè lũ của chúng từ ban đầu đã là kẻ nói dối và là cha của sự nói dối (Giăng 8:44). Chúng thích sự thờ phượng và tìm mọi cách để con người thờ phượng nó. Một trong những cách ấy là lừa dối người ta thờ cúng “linh hồn” người chết mà thật ra là không phải. Cũng theo cách này, ma quỷ lừa dối người ta lập những bàn thờ nơi gốc cây đa, cây gạo, ngã ba đường hay bất cứ nơi nào được kháo nhau là “thiêng lắm”. Thế rồi, miệng truyền miệng, ai ai cũng chắp tay khấn vái mà chắc mẩm trong lòng rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Thật đó là dại dột lắm.
Trên đây là đôi điều luận giải để cả những con cái Chúa lẫn người chưa tin biết rõ gốc nguồn các sự việc để hướng lòng chỉ thờ phượng Thiên Chúa là Đấng Chân Thần mới mong được phước hạnh đời này cả đời sau. Nguyền xin ân điển Chúa ở cùng hết thảy anh chị em cách dư dật luôn, đặc biệt trong những ngày đón năm mới 2011 thêm hiểu thấu bề cao, bề sâu, bề rộng, bề dài của tình yêu Chúa mà thêm tận hiến tấm lòng kính yêu Ngài.
Tháng Chạp Nói Chuyện Ông Táo>>>
-BBT-