Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Từ khu vườn mộ Chúa trở ra, sau khi mua được một vài bức ảnh về thành phố Giê-ru-sa-lem để làm lưu niệm, chúng tôi men theo con đường để vào thành phố Giê-ru-sa-lem.
Đây là khu vực phía đông Giê-ru-sa-lem, trước năm 1967 Giô-đa-ni chiếm đóng, sau cuộc chiến 6 ngày Y-sơ-ra-ên đã giải phóng hoàn toàn khu vực này. Chính vì vậy hiện nay khu vực phía đông Giê-ru-sa-lem hiện đang còn rất nhiều người Ả-rập sinh sống.
Những khu vực như Núi Đền hoàn toàn không cho người Do Thái vào nhưng nhà của Giăng, các bảo tàng,… thuộc phía Tây Giê-ru-sa-lem thì cho phép người Do Thái tham quan.
Chúng tôi đi vào đúng lúc người Hồi Giáo cầu nguyện, rất đông người trên đường. Ai nấy đều vội vã nhanh chóng đến buổi cầu nguyện. Điều này chúng ta rất nên học hỏi. Giống như khi ở bên Nga, nhiều lần tôi thấy người Hồi Giáo cứ đến giờ cầu nguyện là họ bỏ hết các công việc đang dở dang, trải tấm thảm ra cầu nguyện. Dù là khi họ đang ngoài đường, hay ở bất kỳ đâu. Câu hỏi: Có khi nào mình có được tinh thần cầu nguyện như những người Hồi Giáo này không?
Những người Hồi giáo hối hả đi cầu nguyện
Cổng vào phía đông Giê-ru-sa-lem từ hướng vườn mộ đi đến có tên là cổng Đa-mách (Damacus Gate). Trước đó, mọi người trong đoàn được dặn là phải đi cạnh nhau vì nếu không cẩn thận thì rất dễ bị đi lạc.
Bước đi trên con đường, chúng tôi cứ ngỡ là đang đến các khu chợ người Trung Á ở Moscow, nhộn nhạo và lộn xộn. Càng giống như các hàng buôn bán mà Chúa Giê-su đã bện roi đánh đuổi trong đền thờ. Dọc con đường này người ta bán đủ các mặt hàng khác nhau. Bán cả thức ăn nữa nên mùi thức ăn dậy cả con đường, mùi chính là mùi thịt cừu.
Một con đường thuộc khu người Ả-rập sinh sống
Ở khu vực phía đông này, các căn nhà cổ đều được giữ y nguyên như thời thập tự chinh vậy. Những người ở đây phần đa là người Ả-rập còn lại một số nhà là người Do Thái. Nhà nào có người Do Thái thì họ treo cờ Y-sơ-ra-ên, họ chủ yếu sinh hoạt ở tầng trên và buôn bán ở tầng dưới.
Nơi buôn bán phía dưới thành Giê-ru-sa-lem
Thành phố cổ này không được phép xây dựng mới, bề ngoài thì cổ kính nhưng bên trong rất hiện đại. Đất và nhà ở đây là vô giá vì chẳng có ai muốn bán cả. Giê-ru-sa-lem là thành phố rất nhỏ mà mọi người đều tranh giành sở hữu. Người ta ví sánh nơi đây giống như là thước đo nhiệt độ của thế giới. Nó nóng thì thế giới nóng, nó lạnh thì thế giới lạnh. Giá trị lớn nhất của thành phố này chẳng phải ở cái thấy được mà ở cái không thấy được. Những điều giá trị là những phạm trù thuộc về lịch sử, tôn giáo… và về những giá trị tinh thần mà nó mang lại.
Một góc đẹp của người Do Thái trong Giê-ru-sa-lem
Khi đến đây tôi suy nghĩ một điều, một vùng đất nhỏ bé, toàn đá, cát, nhiệt độ nóng mà bao nhiêu nước trên thế giới cứ tranh giành để có một chỗ ở đây, về mặt nào đó nơi này là nơi Chúa chọn lựa cho dân Do Thái thành ra nó là tốt nhất và vì thế mà ai cũng muốn đến. Không biết mọi người thế nào, bản thân tôi đến mới có một lần mà cũng đã mong muốn đến nhiều lần nữa.
Cổng thành Đa-mách
Chúng tôi nhanh chóng di chuyển từ khu đông nơi có nhiều người Ả rập đến khu tây nơi người Do Thái sống. Chúng tôi có đi ngang qua những chặng đường có tên Via Dolorasa (con đường thương khó của Chúa). Có 5 chặng đường mà Chúa đã đi nhưng chúng tôi chỉ nhìn thấy được 2 chặng đường vì nằm trong khu vực người Hồi Giáo đang giờ cầu nguyện nên không được đi vào mà phải nhanh chóng đi sang khu phía tây nơi nhiều người Do Thái đang sinh sống.
Đoàn Việt Nam vào thành Đa-mách
Từ khu đông sang khu tây giống như từ chợ đi vào phố cổ, từ nơi ồn ào đi vào thánh địa vậy, nơi người Ả rập sống và nơi người Y-sơ-ra-ên sống khác hẳn nhau. Trước khi bước vào khu tây nơi người Do Thái sống phải trải qua kiểm tra an ninh cẩn thận như kiểm tra vào phòng chờ trước khi lên máy bay vậy. Thành phố hiện tại đặt trên nền thành phố thời Chúa Giê-su khoảng 5 mét, ngay chỗ kiểm tra có những nắp thông mà người ta khi nhìn xuống phía dưới thì có thể thấy con đường cổ thời xưa.
Cổng kiểm tra an ninh trước khi vào khu người Do Thái
Từ chốt kiểm tra, đi một đoạn ngắn là đến ngay với Bức tường Than khóc.
Bức tường Than khóc còn có tên là bức tường phía Tây (Western Wall), do vua Herod Echo xây dựng vào đầu thế kỷ I TCN, trên một đoạn đường trống của ngôi đền do vua Sa-lô-môn xây dựng cách đây gần 3.000 năm. Sau trận chiến với quân La Mã, bức tường bị phá hủy và hiện nay chỉ còn một đoạn ngắn của tường thành.
Bức tường than khóc, ngay bên ngoài có chậu rửa tay trước khi vào trong đọc kinh thánh và cầu nguyện
Đền thờ của Sa-lô-môn được xây trên đỉnh Núi Đền vào thế kỷ thứ X trước Công Nguyên và bị quân Ba-by-lôn tàn phá năm 586 trước CN. Đền được tái xây dựng và dâng cho Chúa năm 516 trước CN. Khoảng năm 19 trước CN, Herod Đại đế bắt đầu một công trình vĩ đại tại Núi Đền. Ông cho mở rộng khu vực này thành một gò, hay một nền đất lớn. Ngày nay, hiện nay Núi Đền là một trong ba nơi linh thiên thuộc Hồi Giáo. Bức tường Than khóc là một phần còn sót lại của nền đất này.
Các trụ của chợ xưa
Ngôi đền do Herod xây dựng bị phá hủy bởi quân La Mã cùng với phần còn lại của Jerusalem năm 70 sau Công Nguyên trong cuộc chiến tranh Do thái – La Mã lần thứ nhất y như lời Chúa Giê-su nói trước trong Kinh Thánh.
Chúng tôi đến Bức tường Than khóc vào buổi trưa nên được vào để chụp hình, cầu nguyện và tham quan. Nếu đến vào buổi tối thì sẽ không được phép chụp hình. Ở đây được chia làm hai nơi khác nhau, một khu dành cho nữ và một khu dành cho nam giới. Vì buổi tối chúng tôi sẽ còn quay trở lại để tham quan và cầu nguyện tại đây cùng với người Do Thái trong ngày Sa-bát nên mọi người chỉ tham quan ở đây trong thời gian ngắn.
Cầu nguyện trước tường than khóc vào buổi trưa rất nắng
Tại các khe của Bức tường, người ta viết các nhu cầu cầu nguyện nhét vào. Có nơi họ nhét cả một cuộn giấy nữa.
Cuôn giấy nhét trong bức tường than khóc, có nơi nhét cả cuộn nhu cầu
Đến buổi tối khi chứng kiến hàng ngàn người hướng về bức tường, cúi đầu cầu nguyện mới thấy, với từng đó người cầu nguyện như vậy thì Chúa sao không nhậm lời được.
Ngày đến Bức tường Than khóc, chúng tôi gặp được một gia đình người Do Thái cho con mình lên chỗ Bức tường làm lễ nhân dịp lễ trưởng thành của con. Người Do Thái cho rằng con cái đến mười ba tuổi là trưởng thành. Họ sẽ đưa con lên đền thờ để làm lễ, giống Chúa Giê-su lên đền thờ khi đủ tuổi.
Lễ trưởng thành cho con trai
Những trẻ em khi đến mười ba tuổi sẽ được dùng chiếc khăn choàng tallit trong nghi lễ trưởng thành hoặc chiếc khăn cũng được dùng cho con rể vào ngày kết hôn. Người đàn ông Do Thái cũng thường đeo hộp tefillin, cũng được gọi là phylacteries. Đó là hai hộp bằng da màu đen có đính một miếng da dê nhỏ ở trên và chiếc hộp được gắn với một dây dài bằng da để quấn xung quanh cánh tay phải, bắt đầu từ các ngón tay và cánh tay. Chiếc hộp sẽ được đặt trên đỉnh đầu và đeo trong những lúc cầu nguyện. Quan niệm này dựa trên lời Chúa: “Phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán…”
Ngay sau Bức tường Than khóc là đền thờ Hồi Giáo được xây trên Núi Đền, ở đó có Nền Đá Linh Thiêng chính là nơi linh thiêng nhất của người Do Thái mà người Hồi Giáo đang xây dựng một ngôi nhà thờ phía trên.
Toàn cảnh bức tường than khóc
Chúng tôi cũng ở lại đây cầu nguyện khá lâu sau đó quay trở ra. Tiếp đến đoàn chúng tôi vào khu vực bên trong ăn uống và nghỉ ngơi khoảng một tiếng trước khi tiếp tục chuyến hành trình.
Vườn Hầm Mộ Nơi Chúa Giê-su Sống Lại Sau Ba Ngày >>>
– Huỳnh Trần Ngọc Hùng –