Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Timothy Richard – Chúa Yêu Người Trung Quốc Vì Chính Họ

Timothy Richard – Chúa Yêu Người Trung Quốc Vì Chính Họ

Loisusong.net – Thế giới biết đến Timothy Richard xứ Wales như một nhà nhân đạo, một học giả tôn giáo, một nhà xuất bản, một nhà giáo dục tại Trung Hoa mà quên nhìn nhận ông như một giáo sĩ Cơ Đốc – nhưng đây lại là cách ông chọn để nhận diện bản thân. Nguyện những Cơ đốc nhân ngày nay từ khắp nơi trên thế giới noi theo tấm gương từ 100 năm trước của Timothy Richard, tôn trọng và yêu mến văn hóa bản địa, truyền giảng Tin lành bằng hành động và nỗ lực xây dựng những Hội thánh đậm chất địa phương.

Khi giáo sĩ xứ Wales Timothy Richard qua đời tại quê nhà London vào ngày 17/04/1919, nhiều người trên toàn thế giới đã khóc thương cho ông. Các nhà lãnh đạo chính trị và các tín hữu Hội thánh ở cả Trung Quốc lẫn phương Tây đều đau buồn khi mất đi “một trong những giáo sĩ vĩ đại nhất mà bất cứ nhánh nào của Hội thánh, dù là công giáo La Mã, Chính thông giáo Nga hay Tin Lành đã sai phái đến Trung Quốc”, theo cách gọi của Kenneth Scott Latourette – học giả về Cơ Đốc giáo ở Trung Quốc vào thế kỷ 20.

Timothy Richard sinh ra trong một gia đình Báp-tít ở vùng nông thôn xứ Wales năm 1845 và làm báp-tem trong một trong những cuộc phấn hưng vào khoảng giữa thế kỉ 19. Ông nhận được sự kêu gọi cá nhân trong một bài giảng về I Sa-mu-ên 15:22, “Sự vâng lời tốt hơn sinh tế”. Không lâu sau đó, ông đã theo học trường Cao đẳng Baptist ở Haverforwest.

Richard đã nhanh chóng nhận thấy Trung Quốc chính là điểm đến của mình. Ông tin chắc rằng Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia văn minh nhất trong cộng động các quốc gia chưa biết đến Chúa. Trung Quốc rồi sẽ mang tin lành đến với những “quốc gia kém văn minh hơn.” Ban đầu, ông nộp đơn xin phục vụ cùng với phái đoàn truyền giáo Trung Quốc mới của Hudson Taylor. Tuy nhiên, với sự khích lệ của Taylor, ông đã lựa chọn ở lại với hệ phái của mình. Ông tham gia vào Hiệp hội Truyền giáo Báp-tít Anh Quốc và đặt chân đến Trung Quốc vào năm 1870.

Trong suốt 45 năm sau đó, sự nghiệp giáo sĩ của Richard đã được nhân rộng ra nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của ông. Trong suốt nạn đói khủng khiếp ở Miền Bắc Trung Quốc (1876 – 1878), ông được giao nhiệm vụ cứu đói và đã cứu được hơn 150,000 người tại hai tỉnh Sơn Đông và Sơn Tây. Sau nạn đói, ông đã ở lại Sơn Tây và thành lập các trường học, trại trẻ mồ côi và các chương trình dạy nghề nhằm hỗ trợ và phục hồi nơi đây.

Những nỗ lực cứu đói của Richard đã giúp cho một số người bắt đầu tin nhận và trở thành những tín hữu Cơ Đốc đầu tiền tại Sơn Tây. Đồng thời, chính việc làm này của ông đã giúp mở ra cánh cửa truyền giáo ở tỉnh này. Richard đã cùng với các hiệp hội truyền giáo khác tặng Kinh Thánh cho người dân trên toàn tỉnh này và cố gắng phòng tránh mọi nạn đói xảy ra trong tương lai. Ông đã sử dụng bài giảng và các ấn phẩm khoa học để mở mắt tầng lớp thượng lưu Sơn Tây. Những cố gắng trong việc truyền bá phúc âm đã cải đạo Xi Shengmo, một học giả từng nghiện á phiện, nay được biết đến với cái tên Mục sư Hsi.

Năm 1892, Richard trở thành giám đốc của Hiệp hội Văn học Cơ đốc tại Trung Quốc. Thông qua nhiều ấn phẩm của hiệp hội, ông đã giới thiệu về Cơ đốc giáo, khoa học và thế giới hiện đại đến các giới chức học giả trẻ tại Trung Quốc. Việc làm này đã có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hiện đại hóa và cải cách chính trị của Trung Quốc tại thời điểm chuyển giao giữa thế kỉ 19 và 20.

Mùa hè năm 1900, giới trẻ Trung Quốc cảm thấy bất mãn trước nạn đói, sự đàn áp và mê tín dị đoan lan tràn khắp miền Bắc Trung Quốc, sau này được biết dưới tên Khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn. Sở dĩ có cái tên này vì võ thuật được sử dụng trong các nghi thức khiến họ trở nên bất khả chiến bại trước đạn dược. Những người trẻ thất vọng trước thời cuộc nhắm vào những người nước ngoài và tôn giáo ngoại quốc của họ, cũng như những người dân địa phương theo Cơ đốc giáo. Hậu quả là chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, gần 200 giáo sĩ nước ngoài và hàng nghìn Cơ Đốc nhân Trung Quốc bị giết hại.

Sơn Tây là nơi tập trung của các cuộc bạo lực. Các quan chức địa phương đã nhờ Richard dàn xếp với các nhóm giáo sĩ khác. Richard thuyết phục từng hiệp hội (bị thiệt hại về người và tài sản tại Sơn Tây vào mùa hè năm ấy) đặt những yêu cầu bồi thường thiệt hại sang một bên và nhận khoản tiền từ chính quyền tỉnh đó. Sau này, Richard dùng khoản này để thành lập trường Đại học Hoàng gia Sơn Tây – một trong những trường đại học hiện đại đầu tiên ở Trung Quốc. Ông hy vọng nền giáo dục hiện đại này sẽ xóa bỏ sự mê tín dị đoan – một nguyên nhân của phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, ngăn chặn nạn đói xảy ra trong tương lai, cải thiện kinh tế địa phương, thúc đầy việc truyền bá phúc âm tại Sơn Tây thông qua việc trang bị kiến thức cho các giáo sĩ địa phương.

Richard đã nhận được nhiều danh hiệu và các giải thưởng ở Trung Quốc cũng như ở phương Tây cho tất cả những thành tựu này. Cũng giống như các giáo sĩ khác, ông vẫn là một con người bướng bỉnh: sự táo bạo và tự tin cùng với cá tính mạnh khiến ông xung đột với các đồng nghiệp trong Hiệp hội Truyền giáo Báp-tít cũng như các tổ chức truyền giáo khác.

Đến cuối chức vụ của mình, ông đã gặp phải một số vấn đề do quá chú trọng truyền giáo cho tầng lớp thượng lưu Trung Hoa, bám sát ngữ cảnh và thiếu chính xác trong ngôn ngữ về mặt thần học. (Richard luôn trò chuyện bằng đam mê hơn là chú trọng đến sự chính xác.) Đến nay, nhiều học giả coi những thông giải độc đáo của Richard về một số văn bản Phật giáo và các giáo phái tôn giáo Trung Quốc là bằng chứng chỉ chỉ ra rằng vào những năm cuối đời, ông có thể đã chuyển sang thuyết phổ độ.

Giáo sĩ xuất chúng

Chúng ta rất dễ đọc về Richard như một nhà nhân đạo, học giả tôn giáo, nhà xuất bản, nhà giáo dục và là người có ảnh hưởng tới chính trị mà quên nhìn Richard như một giáo sĩ – nhưng đây lại là cách ông chọn để nhận diện bản thân. Trong khi các nhà sử học quan tâm đến vai trò của Richard với những sự kiện trọng đại này trong quá khứ thì hội thánh ngày nay cần được nghe về Richard như một giáo sĩ. Có ba điều đặc biệt trong cách Richard tiếp cận việc truyền giáo xuyên văn hóa mà chúng ta cần ghi nhớ.

Một là, Richard rất chú trọng đến việc điều chỉnh cuộc sống và nỗ lực truyền giáo của mình để phù hợp với văn hóa Trung Quốc hơn. Richard hiểu rằng Chúa yêu người Trung Quốc “như người Trung Quốc” và sự cải đạo của họ không bắt họ phải ngừng làm người Trung Quốc. Phát biểu trước Hội nghị Chung của các giáo sĩ Tin Lành Trung Quốc tại Thượng Hải năm 1890, Richard đã nói rõ ý định của mình:

Tuy chúng ta quyết không thay đổi lẽ thật của Cơ Đốc giáo nhưng thái độ của chúng ta chắc phải bớt xa lạ và thêm cảm thông. Anh chị em chúng ta ở quê nhà điều chỉnh những dạy dỗ và phương pháp Cơ Đốc cho phù hợp với nhu cầu của phương Tây. Nhiệm vụ của chúng ta là điều chỉnh những dạy dỗ và phương pháp Cơ Đốc cho phù hợp với nhu cầu của Trung Quốc.

Richard đã làm việc chăm chỉ để hiểu về văn hóa và ngôn ngữ địa phương. Từ đó, ông thay đổi các phương pháp truyền giáo của mình ra khỏi các khuôn mẫu và ý định của ông thời còn trẻ tại xứ Wales, đồng thời truyền giáo theo trải nghiệm văn hóa Trung Quốc. Ông đã chọn đào sâu vào văn hóa địa phương để Tin Lành có thể đâm rễ vững nền trong trái tim của người dân Trung Quốc. Động lực bản địa hóa, cùng lời quở trách cái ý thức cố hữu bên trong người giáo sĩ rằng mình đến từ một nền văn hóa tân tiến hơn, cả hai đều đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của Phúc Âm ngày nay cũng như trong thời kì của Richard.

Hai là, khi nạn đói ở miền Bắc Trung Quốc bắt đầu cướp đi mạng sống của những người bạn và hàng xóm của Richard ở trong vùng nội địa hẻo lánh của tỉnh Sơn Đông, ông không hề đặt câu hỏi liệu công việc của nhà nhân đạo có phải là một phần chính đáng của việc nỗ lực truyền giáo hay không. Một ngày nọ, khi các cuộc bạo lực bắt nguồn từ tuyệt vọng bủa vây quanh ông, các đồng nghiệp người Trung Quốc đã giục ông chạy trốn đến các thành phố ven biển cho an toàn. Đêm đó, ông đã dành cả đêm để cầu nguyện:

Tôi đang ở giữa khủng hoảng. Tôi có nên chạy trốn để bảo toàn mạng sống của mình hay là ở lại để tiếp tục làm điều tôi có thể làm, bằng mọi giá? Những người nghèo này có tội lỗi hơn tôi, đến nỗi họ bị hư mất còn tôi được sống? Đêm đó tôi đã hứa nguyện rằng mình sẽ chia sẻ với người cuối cùng tôi gặp trước khi rời đi. Sau đó, tôi mới đi tìm thêm sự hỗ trợ. Chúa dường như đã chấp nhận lời hứa nguyện đó của tôi.

Nhận thức cá nhân sâu sắc này đã nhanh chóng phát triển thành một sự tin quyết rằng Vương quốc của Chúa có liên hệ và có thẩm quyền trên đời sống này cũng như các đời sau – niềm tin này càng được củng cố khi Richard chứng kiến sức mạnh truyền giáo của những nỗ lực nhân đạo của mình. Khi những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em đói lả trên khắp các miền Bắc Trung Quốc được ăn, họ không chỉ nghe về phúc âm mà còn được đích thân kinh nghiệm tình yêu thương của Chúa Giê-su qua hành động. Lời chứng thực tế này đã lập nên nền tảng của Hội thánh Tin Lành tại tỉnh Sơn Tây. Giá như các Hội thánh của chúng ta gồm toàn những Cơ đốc nhân giống như Richard, không chỉ công bố phúc âm mà còn bày tỏ giá trị của phúc âm thông qua những việc làm của mình.

Cuối cùng, tất cả những trải nghiệm này đã khiến Richard ngày càng giống những người hàng xóm Trung Quốc của mình, khiến ông quyết tâm phát triển những Hội thánh đậm chất Trung Quốc. Khi Richard rời bờ biển Sơn Đông, nơi có rất nhiều giáo sĩ ngoại quốc, để sống và làm việc một mình trong nội địa tỉnh Sơn Đông, ông đã quyết đinh ngay từ đầu là khuyến khích những người mới cải đạo nhóm họp lại để thời phượng Chúa tại nhà riêng của mình thay vì nhóm lại ở hội thánh trung tâm dưới sự chăn bầy của ông. Các chuyến thăm hỏi những tín hữu Cơ đốc hàng tháng ở các làng xung quanh này đã giúp Richard nhìn ra được những người có khả năng lãnh đạo bẩm sinh. Những người này sau đó được ông đào tạo về lĩnh vực môn đồ hóa Cơ Đốc.

Richard đã dứt khoát điều chỉnh hiểu biết của mình về hội thánh, sự thờ phượng, truyền giáo và quá trình môn đồ hóa để dành chỗ cho những biểu hiện đậm chất Trung Hoa của Cơ Đốc giáo. Richard rất ngạc nhiên với sự trung tín của những tín đồ Trung Quốc mới này:

Những tấm gương về sự sốt sắng, tận tụy và tận hiển của rất nhiều Cơ Đốc nhân này, chẳng những kiên nhẫn chịu đựng sự bắt bớ, mà còn dâng hiến thời gian và tài sản của mình, rời bỏ ruộng đồng và hàng quán, đôi khi còn bán chính đất đai của mình đi để có phương tiện đi rao giảng Tin Lành, một điều thật đáng kinh ngạc.

Sự tự do đã giúp cho các Cơ Đốc nhân địa phương tìm thấy những biểu hiện Cơ Đốc giáo của riêng mình. Điều này đã tạo ra sự sốt sắng và ý thức sự cam kết, sinh ra thêm các bông trái phúc âm. Trong kỷ nguyên Cơ Đốc giáo toàn cầu của chúng ta, các Cơ Đốc nhân phương Tây muốn noi theo tấm gương của Richard, nhận ra rằng không phải mọi Hội thánh đều phải giống với Hội thánh của chúng ta.

Giáo sĩ Richard đáng được các Hội thánh phương Tây cam kết với Đại Mạng Lệnh, những hội thánh năng động huy động phần đa hội thánh cho công tác truyền giáo, quan trọng nhất là thế hệ Cơ đốc nhân Trung Quốc mới – những người đang lần ngược lại dấu chân của Richard – nhớ đến. Trong nhiều tác phẩm của mình, Richard đã dự đoán bằng con mắt niềm tin của mình rằng Trung Quốc sẽ kinh nghiệm một thời kỳ của “sự cải đạo của hàng triệu người”, một ý niệm mà phần đa đều bác bỏ như một giấc mơ hão huyền, một điều chỉ có thể xảy ra nếu sự cải đạo bị giảm xuống thành điều rất thế gian.

100 năm sau, giấc mơ của Richard đã trở thành sự thật và thế giới vẫn còn đang kinh ngạc về điều kì diệu này cũng như sự gia tăng nhanh chóng của các Hội thánh Trung Quốc. Một triệu tín đồ ở thời điểm Richard qua đời đã nhân lên một cách đáng kể trong những năm cuối thế kỉ 19. Ngày nay, ngay cả những bảng thống kê bảo thủ nhất cũng ước tính số lượng 60 triệu Cơ đốc nhân tại Trung Quốc, một số thống kê ước tính tổng số Cơ đốc nhân trong phạm vi Trung Quốc vào khoảng trên 100 triệu tín đồ – nhiều người kỳ vọng rằng số Cơ Đốc nhân này sẽ trở thành lực lượng truyền giáo lớn nhất toàn cầu kể từ thời Richard – kỷ nguyên vàng của sự phát triển truyền giáo phương Tây.

Nguyện những Cơ đốc nhân ngày nay từ khắp nơi trên thế giới noi theo tấm gương từ 100 năm trước của Timothy Richard, coi trọng sự khác biệt văn hóa, thể hiện tình yêu thương của Đấng Christ, đồng thời hiến dâng đời sống mình cho công tác phát triển đức tin tại các hội thánh địa phương, tại bất cứ nơi nào Chúa kêu gọi họ.

Andrew T. Kaiser là tác giả của Encountering China: The Evolution of Timothy Richard’s Missionary Thought (Cuộc gặp với Trung Quốc: Sự tiến bộ trong tư tưởng truyền giáo của Timothy Richard (1870-1891) và The Rushing on of the Purposes of God: Christian Missions in Shanxi since 1878 (Sự gấp gáp trong mục đích của Chúa: Các Sứ mạng Cơ đốc giáo ở Sơn Tây từ năm 1878.) Ông và gia đình đã và đang sống ở Trung Quốc từ năm 1997 để cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp và các dự án phục vụ lợi ích cộng đồng.

Ông Đã Chết Cả Nghìn Lần – Và Đã Sống (ADONIRAM JUDSON) >>>

– Nguồn: christianitytoday.com

– Thu Thơm dịch –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.