Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

55 Năm Cho Công Tác Truyền Giáo… Và Chúng Tôi Vẫn Còn Nhiều Điều Để Học

55 Năm Cho Công Tác Truyền Giáo… Và Chúng Tôi Vẫn Còn Nhiều Điều Để Học

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Có nhiều người có ân tứ truyền giáo trong Hội thánh, thậm chí là tới hàng chục người…và thậm chí họ còn không biết điều đó. Chúng ta cần “kích hoạt” những cá nhân này để toàn bộ “cơ thể” có thể tăng trưởng theo hướng trưởng thành (Ê-phê-sô 4:10-12).

Tại Hiệp hội Luis Palau, chúng tôi đã dành 55 qua để nói về công tác truyền giáo. Tuy vậy trong năm vừa qua, chúng tôi quyết định không nói về nó nữa.

Tại sao? Bởi khi đặt chính mình vào vị trí của những người học hỏi, chúng tôi có thể tìm ra được những cách truyền giáo tốt nhất.

Thông qua các cuộc phỏng vấn liên tục, chúng tôi làm công tác lắng nghe còn các nhà lãnh đạo Tin Lành khắp nước Mỹ là những người chia sẻ. Hầu hết những cá nhân này đều là lãnh đạo của mạng lưới các mục sư địa phương. Chúng tôi yêu cầu họ chia sẻ những gì đang giúp ích cho việc truyền giáo cũng như những trở ngại mà họ phải đối mặt. Chúng tôi cũng muốn biết họ tưởng tượng ra sao về thành phố của mình nếu công tác truyền giáo phát triển mạnh mẽ trong ba năm tới.

Chúng tôi vẫn đang trong quá trình nghiên cứu nhưng những điểm mẩu chốt đang dần hiện rõ, và chúng tôi muốn chia sẻ chúng với các bạn. Hãy xem đây như lời mời tham gia hành trình nâng tầm câu chuyện truyền giáo ở mọi thành phố!

Sau đây là năm chủ đề được rút ra từ nghiên cứu của chúng tôi:

1. Để các chương trình truyền giáo được thành công, chúng ta cần có một nền thần học về truyền giáo

Nói cách khác, chúng ta cần một mô hình truyền giáo chứ không chỉ đơn thuần là những chương trình. Công việc truyền giáo vừa là niềm vui, vừa là mạng lệnh; một cuộc phiêu lưu kì thú và một cuộc chiến thuộc linh; nó đầy màu sắc và cũng hết sức đơn giản; nó như một tác phẩm nghệ thuật cần được mài giũa và là biểu hiện của sự phụ thuộc hoàn toàn. Những nhà lãnh đạo mà chúng tôi phỏng vấn đều công nhận rằng truyền giáo sẽ không khởi sắc nếu không có một lý thuyết thần học truyền giáo mạnh mẽ làm nền tảng cho mọi hoạt động.

Những chương trình sẽ rất hữu ích nếu như chúng ta chuẩn bị sẵn môi trường để thực hiện chúng. Hầu hết chúng ta đều biết rằng nếu tổ chức một chương trình mà các thành viên trong đội chưa nắm được những điều cơ bản thì khó mà đem lại thành quả tốt đẹp. Các nhà lãnh đạo Tin Lành nhận thấy rằng chúng ta cần dạy một lý thuyết thần học truyền giáo mạnh mẽ – một điều toàn diện, thích hợp và đa diện – vượt xa tầm nhìn nhỏ hẹp mà các phương tiện truyền thông hiện đại vẽ nên về truyền giáo: rải những tờ rơi và rao giảng trên đường phố.

2. Nguồn cảm hứng không ngừng trong truyền giáo cũng quan trọng không kém công tác huẩn luyện liên tục.

Chỉ vì ai đó được đào tạo về truyền giáo (hoặc có khuôn khổ thần học mạnh mẽ – xem điểm số 1) không có nghĩa là họ sẽ chia sẻ đức tin của họ. Greg Stier thách thức các nhà lãnh đạo bằng câu hỏi: Công tác huấn luyện đơn thuần có khiến những Cơ Đốc Nhân tại Hội Thánh của bạn chia sẻ đức tin của họ hay không?

Mọi người cần được huấn luyện và truyền cảm hứng. Kiến thức trong đầu sẽ không giúp họ vượt qua được nỗi sợ khi có người khuyến khích họ đi truyền giáo. Chỉ bằng cách (1) ghi nhớ sức mạnh của Phúc Âm nhờ lắng nghe những lời chứng đương thời và thực tế, (2) trải nghiệm tình yêu của Chúa theo cách cá nhân khiến cho nỗi sợ hãi phải bị lấn át, và (3) thực hành chia sẻ đức tin với những người khác mà các Hội Thánh bắt đầu gây dựng một nền văn hóa truyền giáo bền vững. Như Josh White, một mục sư ở Portland, Oregon đã nói “Nỗi sợ hãi không bao giờ biến mất. Chính tình yêu của Chúa thúc đẩy chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi và giúp một tín đồ có thể chia sẻ Phúc Âm.”

3. Những người lãnh đạo muốn được đào tạo trong việc biện giải về văn hóa

Một trong những yêu cầu chính mà chúng tôi nghe được từ các nhà lãnh đạo là được đào tạo không phải về truyền giáo, mà là về biện giải văn hóa. Có những chủ đề về bản sắc cá nhân, sự tồn tại của Chúa, v.v … mà có lẽ ai cũng phải vất vả tìm câu trả lời trong suốt nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, mỗi thời đại của lịch sử đặt câu hỏi và trả lời theo những cách khác nhau. Các nhà lãnh đạo Tin Lành ngày nay mong các nhà biện giải về văn hóa giúp họ tìm hiểu những câu hỏi mà xã hội đang thắc mắc để họ có thể chia sẻ Phúc Âm sao cho phù hợp với những câu hỏi đó. Sứ đồ Phao-lô rất thạo việc này. Tại Athen, Phao-lô đã khơi dậy trí tò mò của người Athen với tôn giáo và những ý tưởng mới nhất để giới thiệu tới họ một Chúa mà họ chưa từng biết – Đấng mang tên Giê-su (Công vụ 17: 22-23).

4. Tìm ra, trang bị và trao quyền cho “người lãnh đạo thế tục nhưng đam mê truyền giáo” – đây có thể là một mắt xích đang còn thiếu

Trong một nghiên cứu chuyên sâu về một thành phố nổi tiếng ở Tây Bắc Thái Bình Dương, chúng tôi đã hỏi các mục sư rằng họ có biết cách tìm ra các nhà lãnh đạo thế tục đam mê truyền giáo trong hội chúng của mình cũng như có khuôn khổ nhất định để tìm ra những người có ân tứ khác (chẳng hạn như giảng dạy, tiếp đón, lãnh đạo) hay không. Nói cách khác: “Liệu bạn có một khuôn khổ để tìm ra những người có ân tứ truyền giáo trong Hội Thánh của bạn không?”

Chúng tôi thực sự được khích lệ khi biết rằng 50% trong số các mục sư đồng tình hoặc cực kỳ đồng tình rằng họ biết cách nhận dạng những cá nhân này. Tuy nhiên, chỉ có 23% trong số những vị mục sư này cho những người đam mê truyền giáo ấy cơ hội để chia sẻ lòng nhiệt huyết của họ với hội chúng.

Chúng tôi cho rằng nếu tìm ra và đưa những người này vào phục vụ thì hướng đi của Hội Thánh trong một thành phố sẽ được thay đổi hoàn toàn. Có nhiều người có ân tứ truyền giáo trong Hội thánh, thậm chí là tới hàng chục người… và thậm chí họ còn không biết điều đó. Chúng ta cần “kích hoạt” những cá nhân này để toàn bộ “cơ thể” có thể tăng trưởng theo hướng trưởng thành (Ê-phê-sô 4:10-12). Một trong những mục tiêu chính của chúng tôi trong việc đáp ứng nghiên cứu này là giúp các mục sư khám phá và thúc đẩy những lãnh đạo thế tục như vậy trong Hội Thánh.

5. Các tổ chức truyền giáo hoạt động trong một quả bong bóng truyền giáo

Chúng tôi phải thừa nhận rằng vấn đề này là do chúng tôi. Khi chúng tôi phỏng vấn các lãnh đạo Cơ Đốc trên khắp Hoa Kỳ, hóa ra chúng tôi đã tự cho rằng người ta biết hết những tài nguyên truyền giáo sẵn có. Bởi chúng tôi đã quá đắm chìm trong việc tìm kiếm và trò chuyện với các tổ chức tập trung vào truyền giáo, chúng tôi tự cho rằng các mục sư mà chúng tôi hỗ trợ đã biết về các công cụ và chương trình tương tự. Điều này đơn giản là không đúng sự thật. Phần lớn thời gian, các mục sư luôn phải bận rộn điều hành các chương trình khác, chuẩn bị cho bài giảng của tuần này hoặc giải quyết những vấn đề trong cuộc sống của các tín đồ, và rồi họ không còn thời gian để tìm kiếm các tài nguyên truyền giáo mới. Nhận thức được điều này, chúng tôi đã cố gắng lên kế hoạch tìm mọi cách cung cấp thông tin về các nguồn lực tốt nhất có sẵn cho các Hội Thánh và cá nhân, bất kể họ đang ở đâu trong hành trình truyền giáo.

Nếu bạn mong muốn thành phố của bạn tham gia vào nghiên cứu này, Hãy liên hệ với lizzie.burke@palau.org.
Chúng tôi khá phấn khích về một vài phát hiện này. Tất nhiên là vẫn còn nhiều chỗ cho sự tăng trưởng, nhưng cũng có rất nhiều lý do để ta hy vọng. Những cuộc phỏng vấn nghiên cứu đang thôi thúc chúng ta tìm kiếm những chiến lược truyền giáo mới phù hợp nhất với thời điểm hiện nay.

– Tác giả bài viết: Lizzie Burke –

– Nguồn: CityGospelMovements.org

– Hà Trang dịch –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.