Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Lời khuyên từ các Cơ Đốc nhân tại “An-ti-ốt của Châu Á” về cách duy trì – và phát triển hội chúng giữa thời điểm bùng phát dịch COVID-19.
Các cửa hàng hết sạch dung dịch khử trùng, đồ hộp, giấy vệ sinh và nước. Những cuộc đua bán khẩu trang do nguồn cung hạn hẹp. Người ta tức giận khi thấy các hội chúng vẫn tiếp tục nhóm lại để thờ phượng và buộc tội rằng hội thánh thiếu “trách nhiệm” xã hội.
Trong tuần qua, Virus COVID-19 đã lây lan nhanh chóng từ châu Á đến châu Âu và Bắc Mỹ, mang theo sự bồn chồn và hoảng loạn ở khắp nơi – từ siêu thị đến thị trường chứng khoán đến hội thánh địa phương – một điều chưa từng thấy trong thời gian gần đây. Hiện tại, trên toàn cầu có hơn 125,000 người nhiễm bệnh và hơn 4,600 người tử vong (theo số liệu thống kê ngày 11/03/2020).
Các hội thánh tại Singapore mà Billy Graham ví như “An-ti-ốt của châu Á” đã vượt qua nỗi lo đang bao phủ toàn thế giới. Ngày 07/02, chính phủ Singapore nâng mức đánh giá rủi ro quốc gia từ Vàng lên Cam, chỉ ra mức “gián đoạn trung bình” đối với cuộc sống thường ngày – đặc biệt là đối với việc tụ tập đông người.
Ngày 7 tháng 3 đánh dấu một tháng cảnh báo của Singapore, nơi đã chứng kiến 166 ca mắc nhưng không có trường hợp tử vong nào xảy ra. Điều này có nghĩa là trong tháng vừa qua, các hội thánh địa phương, chiếm khoảng 1/5 người Singapore đã bị buộc phải trải qua một thời kỳ dài tự vấn, suy ngẫm và hành động.
Quá trình này không hề đơn giản, với một mục sư trưởng bị nhiễm coronavirus (và sau đó đã xuất viện), toàn bộ các hệ phái phái tạm ngưng các buổi nhóm, các trường mầm non Cơ Đốc đóng cửa, và nhiều cuộc tranh cãi trực tuyến đã nổ ra cách công khai – tại một quốc gia nghiêm túc áp dụng sự hòa hợp tôn giáo – về cách các lãnh đạo hội thánh đối phó với tình hình.
Để giúp các hội thánh tại Hoa Kỳ, Ý, Brazil và các quốc gia khác đang đối mặt với những quyết định mà các hội thánh tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore đang vật lột trong vài tuần liền, dưới đây là bảy bài học mà hội thánh Singapore đã học được trong tháng vừa qua:
1. Sự thờ phượng của hội thánh sẽ thay đổi. Hãy gìn giữ những gì thiêng liêng, còn những điều khác có thể châm chước
Các hội chúng là tập hợp của những thói quen. Những hội thánh được xây dựng trên truyền thống, nghi lễ và sự tuần tự trong thờ phượng. Qua thời gian, mọi ranh giới của hội thánh giữa những điều căn bản của đức tin và những điều chỉ là phản ứng thể chế hóa dần trở nên mờ nhạt.
Tiệc thánh có phải dùng rượu thật và bánh không men mới được coi là thánh? Nếu bạn không thực sự đặt tay trên ai đó thì liệu những lời cầu nguyện chữa lành có còn hiệu quả? Liệu hội thánh có phải nhóm lại trực tiếp mới được coi là hội chúng?
Mọi hội thánh, và mọi thành viên trong hội thánh của bạn, sẽ có những quan điểm khác nhau về các câu hỏi đó – chúng hiếm khi được đưa ra thảo luận. Dịch COVID-19 bùng phát là thời điểm cần thiết để kiểm lại các giáo lý.
Trong tháng qua, tất cả các ban lãnh đạo hội thánh và đội nhân sự chăn bầy tại Singapore đã nhiều lần hiệp lại để nắm bắt xem điều gì là không thể bàn cãi trong mắt Đức Chúa Trời.
Mục sư Andre Tan của The City Church nói rằng: “Bài học lớn nhất với tôi là phân biệt giữa sự sợ hãi và khôn ngoan. Điều này đặc biệt khó vì nỗi sợ hãi thường có cách để tự giả dạng thành khôn ngoan. Bao nhiêu biện pháp phòng ngừa thì đúng, bao nhiêu là quá nhiều tới nỗi biến thành nỗi sợ hãi và lo lắng phi lý?
“Chúng thật khó để phân biệt, vì chúng ta vừa phải chuyển tải sự an toàn đến với các thành viên – qua thực hiện các biện pháp y tế theo khuyến cáo – nhưng không chịu thua bầu không khí sợ hãi, lo lắng và bản năng tự vệ. Chúng tôi làm vậy trong tất cả các thông báo – đảm bảo rằng chúng tôi không chỉ truyền đạt các biện pháp mà còn truyền đạt tầm nhìn về cách trở thành dân sự Chúa trong thời điểm này.”
Trên thực tế, phản ứng của một hội thánh sẽ khác nhau tùy theo giáo lý, bối cảnh địa phương và sự tiếp xúc với các ca nghi nhiễm COVID-19. Không có câu trả lời đúng; tất cả đang tìm phản ứng phù hợp nhất trong giai đoạn khác lạ. Các hội thánh Singapore đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau để duy trì các buổi nhóm:
• Đo thân nhiệt tại các buổi nhóm thờ phượng và các buổi nhóm có quy mô nhỏ hơn
• Yêu cầu khai báo về đi lại và ghi chép thông tin liên hệ của những người tham dự để tạo điều kiện cho công tác tìm liên hệ nếu cần.
• Tạm dừng các buổi nhóm của những nhóm dễ bị tổn thương hơn như người lớn tuổi hoặc trẻ nhỏ.
• Tạm dừng Tiệc thánh, hoặc chuyển sang các phương án khác như bánh và nước đóng gói sẵn.
• Chuyển từ dùng sách thánh ca sang hạn chế tiếp xúc trực tiếp – dùng màn chiếu.
Một số người đã chọn tạm dừng toàn bộ các buổi nhóm. Tổng giáo phận Công giáo La Mã, chiếm khoảng 7% trong số 5.8 triệu người của Singapore, thực hiện một việc chưa từng thấy – tạm dừng Thánh lễ Tạ ơn (Mass) trong 32 giáo xứ kể từ 15/02, khuyên các giáo dân tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ thuộc linh bằng việc nghe các bài giảng trực tuyến, dành thời gian cầu nguyện và đọc Lời Chúa tại nhà.
2. Hãy là một người lãnh đạo mạnh mẽ. Các thành viên trong hội thánh sẽ cần sự dẫn dắt.
Ian Toh, mục sư của Hội thánh 3:16 cho biết “Trong khủng hoảng, dân sự cần sự lãnh đạo. Trách nhiệm đầu tiên của người lãnh đạo là giữ bình tĩnh. Sự hoảng sợ che khuất tầm nhìn và ảnh hưởng rất xấu đến việc ra quyết định. Sự lãnh đạo mạnh mẽ nhắc nhở dân sự rằng Đức Chúa Trời kiểm soát mọi hoàn cảnh và không hề có lý do để hoảng sợ.”
Toh chia sẻ rằng đội ngũ lãnh đạo của mình thấy vai trò của họ là “dạy Kinh thánh, phục vụ và khích lệ những người đang sợ hãi.” Quá trình này thúc đẩy họ quỳ gối, tìm kiếm sự khôn ngoan thiên thượng trong hoàn cảnh vô tiền khoáng hậu.
Toh nói: “Bài học lớn nhất tôi rút ra được khi đối phó với COVID 19 là cần khiêm nhường trong cương vị một lãnh đạo hội thánh. Có quá nhiều điều tôi không biết và phải học hỏi. Và điều đó khiến tôi càng khao khát và cần tìm kiếm mặt Chúa mỗi ngày.”
Khi virus tiếp tục lây lan tới toàn cầu, các lãnh đạo hội thánh trên toàn thế giới cần nhận thức được rằng bầy chiên của họ đang chăm xem người chăn bầy. Các dấu hiệu của sự trung tín sẽ để lại tác động rất lâu sau khi mùa COVID-19 kết thúc.
Rick Toh, mục sư của Yio Chu Kang Chapel cho biết: “Một lãnh đạo cấp cao từng nói với tôi rằng: ‘Hành động của người lãnh đạo là một tuyên bố thần học. Là người lãnh đạo, chúng ta cần có lập trường thần học trong mọi điều. Chúng ta cần xử lý những nỗi sợ của mình trước Chúa và để đức tin truyền cảm hứng và nền thần học đúng đắn dẫn dắt chúng ta. Đừng để bệnh tật, hoặc những sắc lệnh thế gian, nhưng hãy để giáo lý dẫn dắt những quyết định của chúng ta.”
3. Đây là thời điểm tốt nhất để nâng cấp công nghệ của hội thánh.
Tuy chính phủ Singapore nói rằng mức đánh giá rủi ro “không thể nào” nâng lên mức Đỏ nhưng các hội thánh địa phương đã tìm cách nâng cấp khả năng quay video và live-stream để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất – bị phong tỏa hoàn toàn.
Thấy nhu cầu này, nhiều nhóm đã sắp xếp các trang web và hội thảo trên Internet, đưa ra những lời khuyên miễn phí với các hội thánh về cách chuyển sang livestream.
7,500 thành viên của Hiệp hội Học Kinh thánh (Bible Study Fellowship) tại Singapore vẫn tiếp tục các bài giảng và thảo luận hằng tuần qua Zoom.
Hội thánh Báp-tít Cộng đồng Đức tin (Faith Community Baptist Church) chọn dừng các buổi nhóm hằng tuần từ giữa tháng hai như một hành động thể hiện trách nhiệm xã hội. Mục sư trưởng Daniel Khong cho biết: “Đây là một quyết định rất khó khăn. Chúng tôi luôn tự vấn chính mình để đảm bảo rằng chúng tôi không phản ứng vì sợ hãi, và cân nhắc mọi phương án khác nhau. Nhưng tòa nhà hội thánh chính của chúng tôi ở giữa một khu có 46,000 người dân. Với mật độ dân số như vậy, đây rất dễ trở thành một cụm lớn cho virus lây lan.”
Kết quả rất bất ngờ: Khi chúng tôi chuyển sang livestream, dường như cộng đồng của hội thánh trở nên khăng khít hơn – Khong cho biết.
“Nhiều nhóm tế bào của chúng tôi nhóm lại tại các gia đình để xem livestream buổi nhóm của chúng tôi. Chúng tôi cố tình kết thúc buổi nhóm livestream sớm để các nhóm tế bào có thể đi ra và cầu nguyện cho khu vực xung quanh. Nhiều người nói rằng họ cảm thấy tinh thần trách nhiệm với tình trạng thuộc linh của cộng đồng, và thậm chí một số người còn chia sẻ Phúc Âm với những người mà họ gặp.”
Các thành viên của hội thánh này đang trong tiến trình cân nhắc lại cách hiểu của họ về hội thánh, Khong cho biết. “Hội thánh ngày nay phải là một dân có mục đích, sẵn sàng vượt qua những ràng buộc về ‘nơi chốn’ hay ‘chương trình.’”
4. Đây là thời điểm tốt nhất để cải thiện sự cầu nguyện của hội thánh.
Kể từ lễ Valentine, trưa nào tiếng chuông tại Nhà thờ Thánh Anh-rê cũng vang lên giữa lòng khu dân sự của Singapore, trong khi báo thức điện thoại đổ chuông khắp vùng bán đảo. Đây là một tín hiệu cho các tín đồ rằng đây là lúc dừng mọi việc lại một chút để hiệp nhất cầu nguyện chống lại mối nguy COVID-19.
LoveSingapore, một phong trào cầu nguyện địa phương và hiệp nhất hội thánh, khi thông báo sáng kiến PraySingapore@12, đã cho biết: “Trong thời điểm như thế này, sự hiệp nhất là chìa khóa. Chúng ta tin vào quyền năng của sự đồng thuận trong khi cầu nguyện. Trong thời điểm này, chúng ta cần mọi tín đồ chờ dậy và cùng tìm kiếm Chúa cho Singapore. Một hành động tiên tri, cũng giống như hồi chuông nhà thờ, đã kêu gọi những tín đồ trung tín hành động khi làng mạc hoặc thị trấn của họ lâm nguy.”
Tương tự như vậy, Hội chúng của Đức Chúa Trời (the Assemblies of God) ở Singapore đã kêu gọi hiệp nhất cầu nguyện vào mỗi 7:00 tối trong một sáng kiến bắt chước tên COVID-19:00.
Dominic Yeo, tổng giám sát của Singapore và thư ký của the World Assemblies of God Fellowship cho biết: “Trong thời khủng hoảng như thế này, hội thánh cần dấy lên như một tấm gương. Như muối và ánh sáng, hội thánh cần đứng vững trong Chúa để những người khác có thể thấy niềm hy vọng mà chúng ta tuyên xưng.”
5. Sẽ có những phản ứng dữ dội – từ cả trong và ngoài hội thánh
Singapore đã cấm những bình luận mang tính khích động về chủng tộc và tôn giáo. Tuy nhiên, từ khi hai cụm virus corona hình thành tại hai hội thánh, và những mối liên hệ tiêu cực từ giáo phái Tân Thiên Địa – nguyên nhân chính gây nên bùng phát dịch tại Hàn Quốc, hội thánh nói chung đã bị soi xét khi các Cơ Đốc nhân tiếp tục nhóm lại với quy mô khá lớn.
Sự chỉ trích là chuyện đáng buồn nhưng không thể tránh khỏi; chúng ta không thể hy vọng những người không tin Chúa hiểu được giáo lý và những dạy dỗ trong đức tin của chúng ta.
Nếu bạn đang quản nhiệm một hội thánh trong khu vực có trường hợp nhiễm COVID-19, hãy sẵn sàng đón nhận những áp lực chưa từng có từ mọi cấp độ: từ ban lãnh đạo đến các nhân sự, tới những thành viên trong hội thánh. Họ sẽ phản ứng theo niềm tin của riêng mình và quan điểm y tế cộng đồng. Hãy sẵn sàng cầu nguyện ở mức độ sâu sắc hơn bao giờ hết. Hãy sẵn sàng đối mặt với thực tế rằng quyết định của bạn sẽ không làm hài lòng tất cả mọi người.
Và hãy sẵn sàng thấy những thành viên của mình ra đi. Các hội thánh Singapore đã báo cáo số lượng tín đồ dự nhóm giảm từ 20-30%, ấy là còn chưa trừ đi một lượng lớn các buổi nhóm của người lớn tuổi và hội thánh thiếu nhi.
Khủng hoảng cho thấy tính cách thật của một Cơ Đốc nhân. Sự lo lắng về COVID-19 sẽ giúp bạn thật sự thấy được tình trạng thuộc linh của bầy chiên của mình, mục sư Benny Ho của Hội thánh Cộng đồng Đức tin tại Perth, Úc, một ủy viên thường trực của LoveSingapore cho biết.
Ho nói: “Nếu chúng ta phản ứng đúng đắn với khủng hoảng này, nó có thể trở thành một thời khắc quyết định cho việc môn đồ hóa của đất nước chúng ta. Khi đối mặt với những mối nguy sắp đến, chúng ta sắp xếp lại thứ tự ưu tiên của mình. Đây là một cơ hội tuyệt vời để có những cuộc trò chuyện sâu sắc xem chúng ta đang sống cho điều gì. Chúng ta chỉ đang tồn tại, hay thực sự đang sống? Chúng ta có đang sống cho điều đúng đắn? Chúng ta có đang hành quân theo đúng nhịp trống? Chúng ta bị chi phối bởi những giá trị kinh thánh hay giá trị thế gian? Chúng ta có đang sống cho điều thật sự quan trọng?”
6. Yêu người lân cận. Những việc lành sẽ giúp ích rất nhiều cho một cộng đồng đang sợ hãi.
Trong khi thế gian phản ứng với virus theo cách hướng nội và bị thúc đẩy bởi sự sợ hãi, các mục sư tại Singapore đồng ý rằng tình hình COVID-19 là một cơ hội Chúa ban để tỏa sáng trong thời kỳ tối tăm hiện tại. Tuy nhiên, để làm được điều đó, hội thánh cần phải nhìn xa hơn những mối quan tâm của chính mình và tỉnh táo với cơ hội.
Lim Lip Yong, mục sư điều hành Cornerstone Community Church cho biết: “Hội thánh có sẵn những chuẩn mực cần thiết, trong khủng hoảng này, chúng tôi nhận ra rằng đây là cơ hội để giúp đỡ và chạm tới cộng đồng.”
Lim nói: “Một trong những điều khác biệt mà chúng ta muốn ảnh hưởng là bầu không khí trong cộng đồng. Khi dịch bắt đầu bùng phát, người dân hành động trong sợ hãi. Tại Singapore, nhiều người đi mua đồ trong hoảng loạn. Các nhân viên y tế bị đuổi khỏi phương tiện công cộng vì sợ rằng họ đã tiếp xúc với những bệnh nhân nhiễm bệnh. Nhiều người đưa ra những bình luận đậm chất phân biệt chủng tộc đối với các công dân Trung Quốc.”
Chúng ta không thể hoàn toàn loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong xã hội”, ông cho biết, “nhưng điều chúng ta có thể làm là đảm bảo rằng có nhiều rung cảm tích cực hơn là tiêu cực. Vì vậy, chúng ta sai phái dân sự đến để chăm sóc – để bày tỏ lòng tốt và hơn nữa là để giúp đỡ.”
Ngoài những nỗ lực khác, các nhân sự và thành viên trong hội thánh của ông đã tiếp cận những công nhân nhập cư – nhiều người không thể kiếm sống sau khi các dự án bị hủy do virus – và các lái xe taxi – công việc của họ đã bị ảnh hưởng nặng nề vì người dân chọn ở nhà trong trong giai đoạn này.
Tương tự như vậy, Cơ Đốc nhân khắp Singapore đã khởi động nhiều việc làm yêu thương và tốt bụng, bao gồm:
• Một bài hát đầy hy vọng do em bé 12 tuổi sáng tác.
• Chúc phước cho những người dọn dẹp vệ sinh quanh khu phố.
• Phát khẩu trang và vitamin miễn phí cho các công nhân nhập cư.
• Viết hàng ngàn tấm thiệp handmade để khích lệ các nhân viên y tế.
• Sắp xếp một chuyến xe hiến máu để giúp các ngân hàng máu địa phương đang cạn kiệt nguồn cung vì người dân tránh đến bệnh viện.
Lim thừa nhận rằng virus lây lan rất nhanh, “nhưng lòng tốt cũng có tính lan truyền.”
Trong khu vực của bạn, ai bị ảnh hưởng mạnh nhất? Những người bị nhiễm virus? Những người mất việc vì nỗi sợ virus? Những người yếu đuối trong cảm xúc vì nó? Nhiều người dễ đóng cửa với hội thánh, nhưng các Cơ Đốc nhân tại Singapore đã tìm được đường vào qua những việc làm yêu thương trong thời virus corona hiện nay.
7. Giữa những dòng tin dữ, Tin Lành của Chúa Giê-su Christ trở nên thiết thực hơn bao giờ hết.
Edmind Chan, cố vấn lãnh đạo của Covenant Evangelical Free Church nói rằng: “Thế giới có một loại virus nghiêm trọng hơn mọi loại virus mà chúng ta từng biết trong lịch sử. Đó là tội lỗi.”
“Và với virus này, rõ ràng là không có miễn dịch, không có người sống sót, và không có hy vọng. Và nó lây nhiễm với tỉ lệ 100% trên cả nhân loại. Không ai tránh được nó.
“Thế giới cần một Chúa Cứu Thế. Thế giới cần sự cứu rỗi.”
Những dòng tin thường xuyên cập nhật về số lượng người tử vong tại địa phương và trên toàn cầu nhắc nhở rằng chúng ta sẽ chết, buộc mọi người không chỉ nhìn vào những hoạt động thường nhật mà cân nhắc những điều về sau. Ai rồi cũng sẽ chết. Một ngày nào đó, tất cả chúng ta sẽ chết, vì COVID-19 hoặc vì những điều khác.
Hội thánh cần phải nhìn xa hơn những khó khăn hiện tại và chú tâm đến những cơ hội chia sẻ niềm hy vọng mà chúng ta có trong Chúa Giê-su.
Ben K. C. Lee, mục sư của Hội thánh Sông nước Sự sống (River Life Church) phát biểu rằng: “Chúng ta cần trò chuyện về những vấn đề sâu sắc hơn. Có phải cuộc sống và thời gian chúng ta ở trên đất chỉ để kéo dài và bảo tồn sự sống càng lâu càng tốt? Có phải là để chúng ta bận rộn với những điều thế gian: của cải vật chất và sự tiện nghi? Hay là để làm thành ước muốn của Chúa Giê-su: thấy mọi phòng trong nhà Cha mà Ngài đã chuẩn bị được đầy chật?”
Điều này bắt đầu từ việc chúng ta công khai bày tỏ sự đắc thắng và hy vọng mà chúng ta có trong Chúa Giê-su. Đây là một cơ hội có một không hai để chia sẻ rằng tại sao chúng ta lại tin cậy như vậy giữa thời kỳ đáng sợ – Chia sẻ của Chua Chung Kai, mục sư của Hội thánh Covenant Evangelical Free.
“Chúng ta không sống như những người không có hy vọng – Phúc Âm là như vậy! Nhưng chúng ta có bạn bè, xóm giềng và những gia đình không biết về hy vọng đó. Họ có thể mở lòng chia sẻ về những sợ hãi và lo lắng của mình giữa khủng khoảng. Như tiên tri Đa-ni-ên trong Cựu Ước đã viết (trong Đa 12:3), “Những người khôn sáng sẽ rực rỡ như sự sáng chói trên bầu trời; và những người dắt đưa nhiều người đến sự công chính sẽ chiếu sáng như các ngôi sao đời đời mãi mãi.”
Sự hoảng loạn là hữu hình. Nhưng tình yêu của hội thánh cũng vậy – Chua chia sẻ.
“Đây là những thời khắc của Tin Mừng, Chúng ta có thể lan truyền tình yêu – chứ không phải nỗi sợ hãi, hay virus. Đừng phí hoài đại dịch này.”
Tác giả bài viết, Edric Sng là người sáng lập và biên tập viên của trang web Salt & Light (Muối và Ánh sáng) và Thir.st, đồng thời là mục sư tại Hội thánh Bethesda (Bedok-Tampines) Singapore.
TIN CẬP NHẬT NGÀY 11/03/2020
– Nguồn: christitanitytoday.com –
– Hannah dịch –