Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

Ý Nghĩa Của Hội Thánh Trong Thời Đại Truyền Thông – Mục Sư Phạm Tuấn Nhượng

Ý Nghĩa Của Hội Thánh Trong Thời Đại Truyền Thông – Mục Sư Phạm Tuấn Nhượng

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Tiếp nối chủ đề “Sống trong thời đại truyền thông”, hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ý nghĩa của Hội thánh Chúa trong thời kỳ truyền thông. Khi thời kỳ dịch bệnh và thế giới số bùng nổ, Cơ Đốc Nhân cần có những thái độ, hành động gắn kết với Hội thánh như thế nào? Những người chăn bầy cần làm gì để bảo vệ bầy chiên khỏi những tác hại của truyền thông?

1. Hội thánh là gia đình, là bầy chiên

Khi nói Hội thánh như là một gia đình, chúng ta biết chắc ở đó chúng ta được yêu thương, chia sẻ, đùm bọc và có những mối quan hệ thân thiết với nhau. Trong sách Công vụ 2:42-47 “Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện. Mọi người đều kính sợ vì có nhiều sự kỳ phép lạ làm ra bởi các sứ đồ. Phàm những người tin Chúa đều hiệp lại với nhau, lấy mọi vật làm của chung. Bán hết gia tài điền sản mình mà phân phát cho nhau, tùy sự cần dùng của từng người. Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ; còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà, ngợi khen Đức Chúa Trời và được đẹp lòng cả dân chúng. Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội thánh”. Bốn hoạt động chính yếu của Hội thánh đầu tiên là: thường xuyên giữ lời Chúa, cùng nhau thông công hàng ngày, dự lễ bẻ bánh (Tiệc thánh) và giữ sự cầu nguyện. Và rất nhiều đoạn Kinh thánh khác nói về mối quan hệ mật thiết trong Hội thánh.

Mỗi người đều thuộc về một gia đình. Không có ai chuyển từ gia đình này đến gia đình khác một cách tuỳ tiện, thường xuyên. Việc gắn mình vào một Hội thánh địa phương được so sánh như con người có gia đình để sum vầy. Chúng ta thuộc một phần của Hội thánh và chắc chắn sẽ nhận được những ơn phước nếu ta gắn mình vào Hội thánh đó.

Hội thánh cũng được ví như bầy chiên. Giữa bầy chiên là những tín hữu, dân sự Chúa có người chăn, người chăn là mục sư, là quản nhiệm Hội thánh địa phương. Khi ở trong bầy, chiên sẽ được lớn lên mỗi ngày, người chăn dẫn dắt và bảo vệ khỏi những nguy hiểm. Vậy nên, không thể có một con chiên nào phát triển mà không cần bầy chiên và người chăn của mình. Cũng vậy, không thể có thuộc linh tốt nếu người đó không gắn mình vào một Hội thánh địa phương.

Trong Kinh thánh, sách Ru-tơ có chép về một người nữ tên là Na-ô-mi. Bà sống trong thời kỳ khó khăn, nạn đói xảy ra trong xứ, nên bà quyết bỏ xứ sở của mình để đi đến đất của kẻ thù. Tai họa đã xảy ra với gia đình Na-ô-mi, bà mất chồng và con. Khi Na-ô-mi mất tất cả, Chúa thăm viếng lại thành cũ nơi bà đã ra đi. Na-ô-mi đã quay lại quê hương của mình trong tình trạng tiều tuỵ và đổi tên mình thành Ma-ra (nghĩa là cay đắng). Vậy nên, đừng rời khỏi Hội thánh trừ khi đó là sự kêu gọi, sai phái của Hội thánh. Cần trung tín với Hội thánh địa phương nhờ đó chúng ta được bảo vệ tăng trưởng.

2. “Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm”

Trong Hê-bơ-rơ 10:25 chép: “Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy”. Chớ bỏ sự nhóm lại và giữ sự trung tín. Dù trong một Hội thánh vẫn có những nhóm ở những địa điểm khác nhau. Dựa vào tình hình cơ sở vật chất, điều kiện an ninh hiện nay thì một Hội thánh địa phương tốt khi có số lượng đủ từ 30 – 50 người, để tất cả mọi người đều biết được nhau, được tham gia phục vụ, thậm chí là phục vụ trực tiếp trong giờ nhóm Thờ phượng. Như trong 1 Cô-rinh-tô 14:26 chép: “Thưa anh em, phải làm như thế nào đây? Khi anh em nhóm lại, người thì có bài thánh ca, người thì có lời dạy dỗ, người thì có sự mặc khải, người thì có tiếng lạ, người thì có sự thông dịch tiếng lạ. Hãy thực hiện tất cả để xây dựng Hội thánh.”

Khi một người bỏ nhóm có chủ đích, dẫn dần sẽ hình thành thói quen bỏ sự thông công trong nhóm nhỏ và những hoạt động thuộc linh. Vì thiếu sự nhóm lại nên sẽ thiếu sự gắn kết với anh em. Dù chúng ta sống trong thời dịch bệnh nhưng đừng bị cách ly với Chúa và với Hội thánh. Sẽ có những thời kỳ khủng hoảng khiến chúng ta phải cách xa nhau tạm thời nhưng chúng ta hãy giữ đời sống thuộc linh của mình thật gần gũi với Chúa.

Hãy gắn kết với Hội thánh như thực thể không thể tách rời, trong mối quan hệ gần gũi, giúp đỡ, gây dựng thuộc linh, chia sẻ và cầu nguyện cùng nhau. Truyền thông chỉ giúp chúng ta kết nối nhưng không thể thay thế sự nhóm lại thuộc thể của chúng ta.

3. Một bầy chiên cần có người chăn

Trách nhiệm của người chăn là bảo vệ và gìn giữ chiên khỏi bị tan lạc. Để có một Hội thánh địa phương đúng nghĩa và trưởng thành cần có người chăn. Người chăn biết chỉnh hướng bầy chiên, nuôi dưỡng chiên bằng lời Chúa, chăm sóc và phục vụ chiên. Chính Chúa Giê-su nói rằng: Ngài là Đấng chăn chiên nhân lành và Ngài làm đầu kẻ chăn chiên. Khi có người trưởng lão, người chăn thì khi đó Hội thánh mới không lạc hướng, bởi chiên không có người chăn sẽ đi lạc đường. Đức Chúa Trời đã thiết lập những người chăn cho Hội thánh. Hội thánh càng lớn thì càng cần nhiều người chăn. Người chăn thật là người yêu chiên, ở cùng chiên và cưu mang bầy chiên giống như người cha, người mẹ thuộc linh phải cầu thay cho họ. Nhưng không nên trở nên quá yêu chiên đến nỗi giữ chiên và không cho chiên đi đâu bởi sợ mất người. Người chăn biết rõ tình trạng của chiên mình, khi chiên đã trưởng thành hãy sẵn sàng sai phái họ, để họ bắt đầu những sự phục vụ, chỉ cho họ những vũ khí họ có, hướng dẫn họ cho chức vụ và ra đi mở rộng Hội thánh. Khi đó những người chăn chiên sẽ rất được phước. Cần có lòng tin cậy Chúa hoàn toàn trong việc này.

Sống Trong Thời Đại Truyền Thông >>>

Mục sư Phạm Tuấn Nhượng

Mục sư trưởng Hội Thánh Lời Sự Sống Việt Nam




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.