Nguồn ảnh: Oded Balilty / AP for National Geographic
Các khám phá khảo cổ học công bố năm 2016 giúp chúng ta hiểu Kinh thánh và thế giới trong Kinh thánh hơn; đồng thời xác nhận các chi tiết liên quan tới sự kiện và con người trong Kinh thánh.
Dưới đây là những khám phá nổi bật từ các cuộc khai quật trên vùng đất trong Kinh thánh hoặc có liên hệ tới Kinh thánh. (Danh sách này mang tính chủ quan, chỉ dựa trên tin tức thay vì các bài đăng trong ấn phẩm khoa học đã được chọn lọc)
10. Cuộn giấy cố nhắc đến thành Giê-ru-sa-lem
Ngoài Kinh thánh, dường như tư liệu cổ nhất bằng tiếng Hê-bơ-rơ có nhắc tới thành Giê-ru-sa-lem được lấy lại từ một toán cướp cổ vật. Toán cướp này khai rằng chúng đã tìm thấy một mẩu của cuộn giấy tại sa mạc Giu-đê. Dòng chữ khắc có nội dung như sau: “Tớ gái đức vua từ Na’arat, xứ sở của những chum rượu, gửi Giê-ru-sa-lem.” Dòng chữ khắc với niên đại từ thế kỷ thứ bảy Trước Công nguyên được người ta tìm thấy từ bốn năm trước, tuy nhiên mới được công bố vào tháng 10 năm 2016. Ngoài ra, chỉ còn một cuộn giấy cói khác được tìm thấy từ Thời Đền Thờ Đầu Tiên (First Temple Period). Tuy nhiên, một số nhà khảo cổ học và các học giả văn tự còn nghi ngờ về nguồn gốc của văn bản, cho rằng tài liệu có thể là giả mạo vì không được tìm thấy tại địa điểm khai quật.
9. Nhà máy thủy tinh cổ đại
Giu-đê được biết đến là trung tâm sản xuất thủy tinh tại thế giới La Mã. Sau khi các nhân sự làm việc trong Dự Án Đường Sắt Thung Lũng Jezreel phát hiện ra một nhà máy sản xuất thủy tinh tại đỉnh Cạt-mên, gần Hai-pha, các nhà khảo cổ học đã khai quật phần còn sót lại của nơi này.
8. Đống đổ nát dưới đáy biển từ Sê-sa-rê
Hè năm 2016, những người thợ lặn đã phát hiện ra nhiều hàng hóa trên một con tàu chìm. Những vật thể cổ bằng kim loại đã được nung chảy và tái chế bằng một phương pháp rất đặc biệt, vì vậy con tàu chìm trở thành một phát hiện quý giá về các vật thể kim loại cổ đại. Được cát đáy biển bảo vệ tới 1.600 năm, những vật bằng đồng thiếc bao gồm hình tượng, các cây đèn và một số khối tiền xu.
7. Cung điện vua Sa-lô-môn tại Ghê-xe
Dinh thự đồ sộ xây từ thế kỷ X Trước Công nguyên và công trình khai quật này được người ta gán cho cái tên là “Cung điện của Vua Sa-lô-môn”, tuy không có mối liên hệ trực tiếp nào tới vị vua Y-sơ-ra-ên này trừ niên đại được phát hiện qua các mảnh gốm và việc nghiên cứu niên đại địa tầng. Theo I Các vua 9:16-17, Pha-ra-ôn, vua Ai Cập đã đánh chiến và thiêu hủy thành Ghê-xe, rồi ban thành ấy làm của hồi môn cho con gái mình, là vợ Sa-lô-môn. Sau đó, Sa-lô-môn đã xây lại thành).
6. Hàng trăm tấm bảng chứa ký tự La Mã
Bằng chứng cho hàng loạt các văn tự từ thế kỷ thứ nhất đến từ phía bên kia của Đế chế La Mã. (Xa-cha-ri, cha của Giăng Báp-tít đã dùng một tấm bảng nhỏ trong Lu-ca 1:63.) Hơn 400 tấm bảng gỗ cổ đã được khai quật tại Luân-Đôn, tấm cũ nhất là vào năm 57 Sau Công nguyên. Ban đầu, các tấm bảng này được bọc sáp và dùng một cây bút trâm để viết trên đó. Sáp đã bị bong ra, nhưng dấu vết của nhiều ký tự La-tin vẫn được lưu lại. Các ký tự này đang được dịch và nghiên cứu.
5. Xác định được các hoa văn trang trí sàn nhà của Núi Đền
Qua các mẩu đá lát được Dự án Sàng Lọc Núi Đền khôi phục, người ta đã xác định được hoa văn hình học của những phiến đá lát sàn của cổng Đền Do Thái mà vua Hê-rốt xây dựng. Các tình nguyện viên đã đều đặn xử lý hàng tấn đất khai quật trái phép từ Núi Đền Giê-ru-sa-lem vào năm 1999. Đến nay, Frankie Snyder, một thành viên trong dự án, cũng là người có nền tảng toán học và Giu-đa học đã tái tạo lại bảy hoa văn khác nhau của đá lát sàn.
4. Khai quật nghĩa địa Phi-li-tin
Khi nghiên cứu các hài cốt khai quật được từ một nghĩa địa tại Ách-ca-lôn, các nhà khảo cổ học mong đợi có thể khám phá ra một số bí mật của người Phi-li-tin, kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên cổ đại. Các cuộc khai quật đã được tiến hành trong ba năm gần đây, nhưng mãi đến năm 2016 mới được khám phá. Tuy hầu hết các thành phố chính của người Phi-li-tin đã được khai quật nhưng vẫn còn rất nhiều thông tin mà các học giả chưa thể hiểu hết. Tuy nhiên, với các thông tin mới từ những ngôi mộ tại đây, điều này có thể thay đổi. Daniel Master, giáo sư Đại học Wheaton, đồng chỉ đạo cuộc khai quật cho biết: “Nghĩa địa này là một mỏ vàng.”
3. Tìm thấy nơi sản xuất ché (chum) đá gần Ca-na
Người ta đã phát hiện ra một cái hang ở giữa Ca-na và Na-xa-rét – nơi đá vôi được khai thác và khắc thành những cốc, bát và bình, là những vật dụng được coi trọng vì chức năng thanh tẩy của chúng trong thế kỷ đầu tiên. Hang động này có vị trí gần Ca-na nên có thể đây là nguồn của những ché (chum) nước mà người ta sử dụng tại đám cưới Ca-na mà Chúa Giê-su cùng các môn đồ đã đến dự trong Giăng 2:1-11.
2. Miếu tại cổng La-ki thể hiện công cuộc cải cách của vua Ê-xê-chia
Tại tàn tích của một ngôi miếu được khai quật gần cổng La-ki – thành phố lớn thứ hai trong vương quốc Giu-đa, chỉ sau Giê-ru-sa-lem, các nhà khảo cổ học tìm thấy một bàn thờ với các sừng bị cắt góc. Họ cũng tìm thấy một nhà vệ sinh bằng đá chưa từng được sử dụng, được đặt trong nơi chí thánh, rõ ràng là để làm cho nơi này trở nên ô uế. Cả hai khám phá này được cho là có liên quan tới cuộc cải cách tôn giáo dưới thời vua Ê-xê-chia mà II Các vua 18:4 mô tả.
1. Mở mộ Chúa Giê-su
Điểm đáng chú ý nhất trong cuộc tu sửa tại ngôi mộ truyền thống của Chúa Giê-su – lần mở niêm phong ngôi mộ trong Nhà thờ Mộ Thánh (the Church of the Holy Sepulchre) kể từ thời điểm gần đây nhất là năm 1555 – là việc các công nhân tìm thấy điều họ kỳ vọng. Hòm đựng thánh cốt bằng cẩm thạch bao quanh ngôi mộ – hiện trong tình trạng cần tu sửa đặc biệt – đã bị bong ra cho tới nền đá vôi. Người ta tin rằng là nơi đặt thi thể của Chúa Giê-su sau khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá. Fredrik Hiebert, nhà khảo cổ học tại địa bàn của National Geographic cho biết: “Có vẻ như đây là bằng chứng cho thấy rằng vị trí ngôi mộ không bị lệch đi theo thời gian – đây là điều mà các nhà khoa học và sử học đã thắc mắc suốt nhiều thập kỷ qua.” Các bức từng đá vôi ban đầu bên trong hòm đựng thánh cốt của ngôi mộ cũng được bảo quản tốt hơn so với suy nghĩ ban đầu của các học giả.
Tác giả bài viết: Gordon Govier
Nguồn: christianitytoday.com
Người dịch: Nguyễn Hằng