1. Tại sao chúng ta phải cầu nguyện?
Cầu nguyện cần thiết cho đời sống tín hữu giống như hơi thở cần cho sự sống. Qua sự cầu nguyện tâm linh chúng ta được tiếp giao với Đức Chúa Trời, chúng ta nhận được sự chu cấp từ Đức Chúa Trời, chúng ta nhận được sức mạnh, niềm vui cho một cuộc sống đắc thắng… vì vậy nếu không cầu nguyện tâm linh chúng ta khô héo và chết.
2. Chúng ta cầu nguyện với ai?
Có những người không tin Chúa họ cũng cầu nguyện, những người theo các tôn giáo khác nhau cũng cầu nguyện, nhưng họ cầu nguyện với thần của họ hoặc với một Đấng mà họ không biết. Còn chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời ba ngôi là Cha thiên thượng nhân từ yêu thương của mình nhân danh của Chúa Giê-su. (Giăng 15:16b)
3. Cầu nguyện là gì?
Cầu nguyện đó là “nói” với Đức Chúa Trời. Cốt lõi của việc “nói” này là trò chuyện, tương giao mật thiết hai chiều: vì vậy chúng ta cần tập trung lên Ngài, thành thật khi cầu nguyện và không ích kỷ chỉ cầu xin cho những nhu cầu của mình, mà còn biết tôn vinh, ngợi khen, tâm sự… cùng Ngài. (Luca 11:1-2)
4. Nội dung của sự cầu nguyện thông thường có những phần nào?
– Tôn thờ Chúa: ca ngợi bản chất và quyền năng của Đức Chúa Trời (Mathiơ 6:9)
– Xưng tội: xưng ra những lời nói, hành động, tư tưởng sai lầm của mình. (Thi Thiên 5:3-7; Luca 18:13; I Giăng 1:9)
– Tạ ơn: về những ơn lành Chúa ban, cảm tạ trong mọi hoàn cảnh, thuận cảnh cũng như nghịch cảnh. (I Têsalônica 5:18)
– Cầu xin: cho chính mình và cho cả những người khác (I Phierơ 5:7; I Timôthê 2:1-2),
– Cầu thay: Khi có những vấn đề mà Đức Chúa Trời đặt nặng trong lòng chúng ta thúc giục chúng ta đến nài xin, kêu van… thông thường những vấn đề này liên quan đến người khác và sự phát triển của nước Chúa.
5. Thông thường chúng ta phải cầu nguyện cho những ai?
Chúng ta dùng năm ngón tay của bàn tay trái cho dễ nhớ.
– Ngón cái: cho những người thân (Mác 1:30)
– Ngón trỏ: cho những người dạy dỗ, hướng dẫn lời Chúa cho chúng ta (Êphêsô 6:19-20)
– Ngón giữa: những người lãnh đạo Hội thánh, lãnh đạo đất nước (I Timôthê 2:1-2)
– Ngón áp út: những người yếu đuối thuộc linh, bệnh tật, thiếu thốn. (Thi Thiên 35:13-14; I Têsalônica 3:9-13)
– Ngón út: chính mình, những nhu cầu thuộc linh, thuộc thể (I Phierơ 5:7; Philíp 4:6)
6. Chúng ta có thể cầu nguyện ở đâu và lúc nào?
Chúng ta có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Tuy nhiên, nên có một chỗ yên tĩnh và thì giờ nhất định như mỗi buổi sáng sớm và mỗi buổi tối. (Mác 1:35; Luca 6:12; Công vụ 3:1; 10:9)
7. Có mấy cách cầu nguyện?
Có hai cách cầu nguyện:
– Cầu nguyện riêng: cá nhân người đó với Đức Chúa Trời cách kín nhiệm (Mathiơ 6:5-6)
– Cầu nguyện chung: là cầu nguyện với nhiều người khác trong Hội thánh, nhóm hay tổ (Công vụ 1:14; Mathiơ 18:19). Nếu ai được mời để cầu nguyện cho một vấn đề nào đó phải cầu nguyện lớn tiếng, ngắn gọn, rõ ràng để những người khác có thể cùng hiệp ý nói Amen hoặc Halêlugia.
8. Những điều kiện cần có để lời cầu nguyện được đáp lời là gì?
– Cầu nguyện với lòng tin quyết. (Mác 11:23; Giacơ 1:6)
– Cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus (Công vụ 3:6; Giăng 14:13)
– Phải có tinh thần tha thứ cho người khác (Mathiơ 5:23-24; Mác 11:25)
– Cầu nguyện với lòng bền đỗ (Luca 18:1; Giacơ 5:17)
– Cầu nguyện trong ý muốn Chúa (Giacơ 4:3; I Giăng 5:14-15)
– Đối với những vấn đề đặc biệt cần phải kiêng ăn để cầu nguyện (Êxơtê 4:16; Mathiơ 17:21; Công vụ 13:1-2)
– Hiệp chung với Hội thánh (Mathiơ 18:19)
1. Đức Thánh Linh là ai?
Đức Thánh Linh là thân vị sống, Ngài là Ngôi Ba trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Ngài được xưng là Chúa và Đức Chúa Trời. (Công vụ 5:3-4, 9; II Côrinhtô 3:17-18)
2. Công việc chính của Đức Thánh Linh đối với Cơ đốc nhân là gì?
a) Tái sinh chúng ta: Giăng 3:3-8
b) Thay đổi chúng ta khiến chúng ta nên thánh: 1Phierơ 1:2. Ngài cáo trách và ban quyền năng để chúng ta thay đổi, nên thánh
c) Báp-tem Đức Thánh Linh cho chúng ta: Đổ đầy và ngập chìm chúng ta trong ĐTL.
d) Dẫn dắt chúng ta: Rôma 8:14
3. Có phải chỉ khi nhận lãnh báp-tem Đức Thánh Linh bạn mới có Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời?
Trong Kinh thánh có nêu ra 2 nếm trải hoàn toàn khác biệt: Đó là tái sinh và báp-tem Đức Thánh Linh. Tái sinh đó là khi Đức Thánh Linh đến tái sinh tâm linh bạn, và Ngài ở luôn trong đó. Còn báp-tem Đức Thánh Linh là khi Ngài đầy dẫy bạn và ngập chìm bạn trong Ngài. Điều này Chúa Giê-su phân biệt trong Giăng 4:14 và Giăng 8:38-39; Hai điều này cũng được phân biệt rõ trong đời sống các sứ đồ (Giăng 20:22 và CVSĐ 2:1-4). Vì vậy bạn đã có Thánh Linh của Đức Chúa Trời khi bạn tin Chúa Giê-su, chính vì vậy mà bạn thuộc về Ngài, bạn nếm trải những phước hạnh từ Ngài..
4. Làm thế nào để nhận lãnh báp-tem trong Đức Thánh Linh?
Đức Thánh Linh đã được ban xuống cho các môn đồ trong ngày lễ Ngũ tuần. Ngày nay Đức Thánh Linh vẫn đang ở trong Hội thánh và muốn báp-tem cho từng tín đồ (Công vụ 2:1-4, 39), vậy chúng ta hãy:
– Khao khát (Mathiơ 5:6)
– Cầu xin (Luca 11:9-13)
– Tiếp nhận bằng đức tin (Mác 11:24)
5. Dấu hiệu nào chứng minh một tín hữu đã được báp-tem trong Đức Thánh Linh?
Theo lời hứa của Chúa Giê-su (Mác 16:17) và qua những kinh nghiệm của Hội thánh đầu tiên khi một tín hữu được báp-tem trong Đức Thánh Linh thì hầu hết đều nói tiếng mới (tiếng lạ), các thứ tiếng (Công vụ 2:1-4, 10:44-47)
6. Mục đích của việc nhận báp-tem trong Đức Thánh Linh?
– Báp-tem trong Đức Thánh Linh chưa phải là trọn vẹn của đời sống Cơ Đốc Nhân. Do đó nên sau khi nhận được báp-tem trong Đức Thánh Linh tín hữu nên tiếp tục cầu nguyện trong Thánh Linh (Giuđe 20).
– Mục đích của việc nhận báp-tem trong ĐTL đó là nhận quyền năng của ĐCT để trở thành nhân chứng cho Chúa Giê-su(CVSĐ 1:8): quyền năng này giúp bạn chiến thắng tội lỗi, bày tỏ sự sống mới của Chúa Giê-su và ban cho bạn khả năng, năng lực để rao giảng danh Chúa, phục vụ Chúa.
7. Làm thế nào để tín hữu có đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh cách liên tục?
Để có đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh cách liên tục chúng ta phải:
– Không làm buồn Đức Thánh Linh (Êphêsô 4:30)
– Không khinh lờn Đức Thánh Linh (Hêbơrơ 10:29)
– Không dập tắt Đức Thánh Linh (I Têsalônica 5:19)
– Phải kỷ luật bản thân (I Côrinhtô 9:27)
– Phải thực hành ân tứ (II Timôthê 1:6; I Timôthê 4:14)
– Phải phát triển trái Thánh Linh (Philíp 1:10-11; Giacơ 3:17)
Tải Tài Liệu Những Nền Tảng Căn Bản Cho Người Mới Tại Đây:
Khóa Học Nền Tảng Cho Người Mới – Bài 3: Chúa Cứu Thế Giê-su Và Sự Cứu Rỗi>>>
One thought on “Khóa Học Nền Tảng Cho Người Mới – Bài 4: Sự Cầu Nguyện Và Đức Thánh Linh”