Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Trận Chiến Của Chúa Cho Tài Khoản Ngân Hàng Của Bạn

Trận Chiến Của Chúa Cho Tài Khoản Ngân Hàng Của Bạn

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Những quả cà chua khiến tôi bị bất ngờ. Ngồi trong một nhà thờ Anh giáo nhỏ ở Kenya, tôi đã chuẩn bị cho việc bỏ tiền vào hòm dâng hiến. Nhưng tôi không hề chuẩn bị cho việc dâng hiến cà chua.

Nhưng cà chua lại chính là những thứ mà các nông dân làng đó mang đến. Cà chua, bơ, thậm chí là cả mấy con gà, tất cả đều được coi là của dâng. Họ đã mang bông trái đầu mùa từ những thửa ruộng của mình để dâng lại cho Chúa với lòng biết ơn về sự ban phước của Ngài cho nông trại và công việc của mình.

Có lẽ một Cơ Đốc nhân bắt đầu tiếp cận với vấn đề tiền bạc bằng một bàn thờ đầy cà chua, với một sự thờ phượng hướng chúng ta về Chúa, Đấng yêu thương thế gian đến nỗi Ngài đã ban cho. Xét về mặt bản chất thì thờ phượng là một vấn đề liên quan đến tài chính. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của một Vị Vua hào phóng, kết nối với Ngài để phản án sự rộng rãi của Ngài cho muôn loài.

Cuộc sống đeo đuổi tiền bạc

Nếu thờ phượng là vấn đề tài chính thì thờ thần tượng cũng như vậy. Khi chúng ta đọc câu chuyện dân Do Thái thờ thần Ba-anh trong sách Các Vua nhất đoạn 18, chúng ta thường hình dung rằng một số người Do Thái chỉ đơn giản là yêu bức tượng Ba-anh. Có lẽ là một nhà truyền giáo Ba-anh nào đó đã xuất hiện và trình bày 4 qui luật Tâm linh của sự thờ phượng Ba-anh. Hoặc có thể một nhà hùng biện Ba-anh đã trình bày một số lập luận hấp dẫn trong một cuộc tranh luận công khai.

Nhưng điểm thu hút chính đối với việc thờ Ba-anh chắc chắn không phải là một bức tượng đẹp hay một lập luận thần học. Đó là một lời hứa về tài chính. Các dân tộc xung quanh gọi Ba-anh là “Kị sĩ trên mây”, một vị thần có thể tạo ra mưa và có thể xua tan nan đề tài chính. Không ngạc nhiên là sau đó khi vua A-háp chọn một người nữ Ba-anh làm vợ, những người nông dân Do Thái đã xây dựng một đền thờ cho Ba-anh và chào mừng thần tượng này đến với họ (I Các vua 16:31)

Tất nhiên, hầu hết người Do thái không hoàn toàn bác bỏ Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Họ có thể vẫn tiếp tục đến đền thờ, dâng hiến 1/10 và cầu nguyện, đặc biệt là vào các dịp lễ. Họ chỉ thêm thần Ba-anh vào danh sách “bảo hiểm nhân thọ” của mình. Suy cho cùng thì nếu bạn là một người nông dân thì đầu tư để lấy lòng “Kị sĩ trên mây” là một điều thiết thực.

Phần còn lại của câu chuyện đã cho thấy rõ rằng Đức Giê-hô-va không chấp nhận điều đó. Ngài cho dân Do Thái thấy rằng chỉ duy Ngài là Đấng có quyền ban phước và giáng hoạ bằng cách gây gạn hán trên vùng đất thờ Ba-anh và ban lửa từ trời giáng xuống của lễ thiêu của tiên tri Ê-li. Chúa đã nghênh chiến để dành lại tấm lòng của dân Ngài, và chiến trường ở đây chính là tài khoản ngân hàng của họ. Thờ phượng, suy cho cùng, vẫn là một vấn đề tài chính.

Đây chính là nền móng mà chúng ta cần áp dụng vào lời của Chúa Giê-su khi Ngài nói chúng ta không thể phục vụ cả Đức Chúa Trời và tiền tài, hay như Phao-lô đã công bố rằng lòng tham đơn giản là sự thờ thần tượng. Các trước giả Tân Ước đều hiểu rằng tiền bạc là một trong những cám dỗ lớn nhất đối với con dân Chúa. Chúng ta rất hay coi tiền bạc là thần tượng giống như Ba-anh, một thần tượng mà chúng ta thờ lạy để có được những gì mình muốn. Hết lần này đến lần khác, Tân Ước cảnh báo rất rõ ràng: Tiền bạc muốn chúng ta tôn thờ nó. Mỗi một chút chúng ta dâng mình cho tiền bạc là một chút chúng ta rời xa vị Vua thực sự của mình.

Đây là tin xấu: có bằng chứng cho thấy rằng tiền bạc có thể đang thắng trong cuộc chiến vì sự thờ phượng của Cơ Đốc nhân Hoa Kì. Trong khi nước Mỹ đã có sự tăng trưởng thu nhập đáng kể trong 50 năm qua, các nghiên cứu cho thấy rằng trong cùng thời gian đó, việc dâng hiến cho truyền giáo trung bình lại giảm xuống. . . từ 5,98% xuống 3,21% trong khi thu nhập ngày càng tăng.

Cựu Ước bắt buộc nông dân sống trong các trang trại nhỏ phụ thuộc vào thời tiết dâng 10% thu nhập cộng với dâng hiến tự nguyện. Chúa Giê-su đã yêu cầu những người theo Ngài rằng “ai xin gì đừng từ chối “ (Lu-ca 6:30), cho dù họ nghèo hơn nhiều so với tất cả chúng ta ngày nay.

Những Cơ Đốc nhân thời kì đầu sống dưới sự cai trị và bị áp bức của thuế má cắt cổ nhưng họ đã bán tất cả tài sản và chia sẻ cho những người thiếu. Nhưng ngày nay các Cơ Đốc nhân Hoa Kì chỉ dâng hiến ít hơn 4% thu nhập của mình. Nếu các trước giả Kinh Thánh nghĩ rằng lòng tham tiền bạc có thể kéo bạn xuống địa ngục thì họ sẽ phải nói gì với chúng ta (xem Lu-ca 16:19-31)?

Vậy giải pháp là gì?

Tin vui là Chúa Giê-su không chỉ cảnh báo chúng ta về sự thờ thần tượng mà Ngài còn cho chúng ta một lối thoát. Bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, Chúa Giê-su đã làm mới tấm lòng chúng ta, cứu chúng ta khỏi sự thờ thần tượng và phục hồi chúng ta thành những kẻ thờ phượng Ngài.

Sự biến đổi này không xảy ra trong khoảnh khắc. Ngay cả những tấm lòng đã được đổi mới bởi ân điển, chúng ta thường xuyên thấy mình quay lại lối mòn cũ. Cám ơn Chúa, Chúa Giê-su đã hướng dẫn chúng ta một bước thực tế, đó là khi chúng ta bước vào sự vâng phục bởi ân điển, việc này sẽ giải phóng chúng ta khỏi sự tôn thờ tiền bạc. Bạn thấy đấy, ngay trước khi Chúa Giê-su cảnh báo chúng ta không thể vừa phục vụ Đức Chúa Trời và tiền bạc, Ngài kêu gọi chúng ta thực hiện một bước đi quyền năng “hãy cất giữ kho báu trên trời, nơi sâu mối ten rét không thể làm hư. Vì tiền bạc các con ở đâu thì lòng các con ở đó” (Ma-thi-ơ 6:20-21)
Chúng ta thường đọc đoạn Kinh thánh và hiểu rằng việc dâng hiến giống như một nhiệt kế cho chúng ta biết nhiệt độ của tấm lòng chúng ta đối với Đức Chúa Trời. Điều này cũng là đúng, nhưng đó không phải là điều Chúa Giê-su muốn nói ở đây. Ý của Ngài là việc dâng hiến giống như bộ điều chỉnh nhiệt làm thay đổi nhiệt độ của trái tim chúng ta. Dâng hiến cho vương quốc Đức Chúa Trời sẽ định hình trái tim của chúng ta với Chúa, bởi vì “tiền bạc chúng ta ở đâu thì lòng chúng ta ở đó”. Sự rộng rãi là một toa thuốc của Chúa cho những người bị bệnh thờ thần tượng làm cho khốn khổ.

Thực hành dâng hiến với tấm lòng thập giá hôm nay

Hơn 100 năm trước, một vài Cơ Đốc nhân ở một trong những vùng nghèo nhất ở Ấn Độ đã bắt đầu thực hành việc dâng hiến lấy cảm hứng từ vị Vua đã hi sinh sự sống của mình trên thập tự giá. Mỗi khi những tín đồ nghèo này nấu cơm cho gia đình, họ sẽ bỏ một ít gạo vào một cái hộp đặc biệt. Hội thánh sẽ thu thập gạo này, bán lấy tiền để giảng Tin lành cho những người hàng xóm của họ. Phong trào này được gọi là Buhfai Tham, chỉ thu thập được $1.50 trong năm đầu tiên. Ngày nay, số lượng gạo này tăng lên 3 triệu đô la. Sự rộng rãi của họ đã giúp họ hỗ trợ hàng ngàn người truyền giáo và mang nhiều bạn bè và hàng xóm của họ đến với đức tin nơi Chúa, Đấng yêu thương thế gian đến nỗi Ngài đã ban cho.

Ví dụ về những vị thánh nghèo này khiến chúng ta phải ăn năn về sự tôn thờ tiền bạc và theo đuổi việc ban cho với tấm lòng thập giá trong cuộc sống của chính chúng ta. Làm sao để thực hành việc dâng hiến với tấm lòng thập giá, sự ban cho này chính là thờ phượng Chúa và đem lại sức mạnh của những tấm lòng được biến đổi. Tôi đề xuất một vài phương pháp đơn giản để giúp chúng ta bắt đầu.

Từ bỏ một cái gì đó để dành tiền cho sự hào phóng. Chúng ta thờ phượng một vị vua đã tự trở nên nghèo để chúng ta có thể trở nên giàu có. Chúng ta không thể noi theo Chúa Giê-su trong sự ban cho rộng lượng bằng cách đơn giản là chỉ dâng hiến những đồ thừa. Chúng ta phải tìm cách để dâng hiến cho người khác bằng cách hạn chế bớt những nhu cầu và mong muốn của riêng mình.

Chúng ta đã nghe trong Hội thánh rất nhiều về sự cần thiết phải vác thập giá và sẵn sàng hi sinh cuộc đời cho Chúa Giê-su. Điều tôi e ngại là chúng ta đã quên rằng việc sẵn sàng tuyên xưng Chúa Giê-su không chỉ đơn giản là trong tình huống có những kẻ khủng bố tiền vào hội thánh với những khẩu AK-47. Điều này có nghĩa là tôn vinh Chúa bằng cuốc sống của chính mình, ít nhất là sẵn sàng bước vào nỗi khổ của những người nghèo trên thế giới và mang lấy một phần gánh nặng tài chính của họ.

Nếu chúng ta muốn biết Đấng Christ và quyền năng của sự sống lại của Ngài, thì sự ban cho rộng rãi sẽ là một cách mà chúng ta thông công trong sự thương khó của Ngài và của Hội thánh.

Vì vậy, hãy suy nghĩ đến việc:

– Bắt đầu kiêng ăn từ một bữa một tuần một lần và dành số tiền tiết kiệm được cho một tổ chức Cơ đốc nào đó để giải quyết nạn đói.

– Hãy sống vừa phải bằng cách mua những thứ rẻ tiền hơn, lựa chọn đi nghỉ theo cách khác, hoặc thậm chí sử dụng những cách tiết kiệm khác để có thể ban cho nhiều hơn

– Hãy nghiên cứu cuốn sách “Tốt nghiệp khoá 1/10” của Ron Sider, về cơ bản có nghĩa là tăng số phần trăm dâng hiến bất cứ khi nào thu nhập của bạn tăng lên

Lên ngân sách “hợp lý” cho Hội thánh. Thách thức hội thánh của mình cùng nhau thực hiện việc ban cho với tấm lòng thập giá để cung cấp nhiều hơn cho các vấn đề ưu tiên của Chúa trên thế giới, bao gồm cả việc truyền giáo toàn cầu và xóa đói giảm nghèo.

Tạo ra sự dâng hiến chung thông qua việc công khai với người khác. Một trong những sự mỉa mai kỳ lạ của Tin Lành phương Tây là chúng ta đã tạo ra các hệ thống giải trình phức tạp để đối phó với sự tôn thờ tình dục nhưng đã hoàn toàn phớt lờ nhu cầu về các hệ thống tương tự để giúp chúng ta đạt được sự giải thoát khỏi việc tôn thờ tiền bạc.

Điều này mở ra cánh cửa cho lòng tham đạt được địa vị của thần tượng. Trong cuốn sách Công-vụ: Một bình luận thần học, Willie James Jennings đã cho rằng câu chuyện về A-na-nia và Sa-phi-ra đã minh hoạ cho sự cám dỗ lâu đời đối với các gia đình hạt nhân về việc che đậy lòng tham, giữ bí mật về sự tôn thờ tiền bạc của mình khỏi sự sáng của nghĩa vụ và trách nhiệm.
Vì vậy, hãy soi sáng vấn đề tài chính của bạn! Định hình cho mình một mối tương giao hào phóng và khuyến khích các nhóm nhỏ cởi mở về thu nhập và tấm lòng rộng rãi của họ. Chia sẻ những lời chứng về sự thay đổi từ tham lam vô độ thành hào phóng rộng rãi, và mời những người dâng hiến hết mình với hoàn cảnh khó khăn chia sẻ những câu chuyện của mình.

Hãy cung cấp cho mọi người sự tư vấn về lòng mê tham tiền bạc. Một cách mà tiền bạc có thể chiếm hữu chúng ta đó chính là khiến chúng ta nghĩ rằng không nên đề cập về nó. Nhưng sứ đồ Phao-lô đã sử dụng những ví dụ về chính mình trong vấn đề tiền bạc (Công vụ 20:35), ví dụ về Chúa Giê-su (2Cô-rinh-tô 8: 9) và ví dụ về các hội thánh khác để khuyến khích chúng ta sống rộng rãi. Hội thánh là một đội hình thể thao. Dâng hiến cũng là một môn thể thao đồng đội. Chúng ta không thể làm việc này một mình.

Đây mới chỉ là khởi đầu

Tất cả điều này mới chỉ là khởi đầu. Thực hành việc dâng hiến với tấm lòng thập giá sẽ dẫn chúng ta bước sâu hơn vào cuộc đời yêu thương và phục vụ Chúa Giê-su. Với một tấm lòng khiêm nhường trong việc thờ phượng Chúa bằng vật chất của chúng ta, ai có thể biết được chúng ta có khả năng đi xa đến đâu?

Ngoài ra, như Brian Fikkert, Robby Holt, và tôi đã đề cập một cách chi tiết trong cuốn sách Thực hành nền kinh tế của nhà vua: Tôn vinh Chúa Giê-su trong cách chúng ta làm việc, kiếm, chi tiêu, tiết kiệm và cho đi, môn đệ hoá trong vấn đề tài chính không kết thúc bằng việc thờ phượng Chúa bằng những gì chúng ta kiếm được. Môn đệ hoá trong vấn đề tài chính kêu gọi chúng ta suy nghĩ lại về cách chúng ta làm việc, cách chúng ta chi tiêu, cách chúng ta đền đáp, cách chúng ta đầu tư, và nhiều hơn nữa.

Chúng tôi tin rằng Chúa đang kêu gọi Hội thánh của Ngài thay đổi toàn bộ đời sống tài chính hướng tới một nền kinh tế không độc quyền, trong đó những người thiệt thòi và hàng xóm có thể trở thành những người tham gia tích cực vào cộng đồng. Chúng tôi nói đến những doanh nghiệp nhỏ được khởi sắc, chủ doanh nghiệp và hội thánh tìm cách tạo công ăn việc làm cho những người tị nạn, những người có tiền án, các gia đình đầu tư vào các tổ chức xã hội cung cấp việc làm cho những người vô gia cư và rất nhiều việc khác nữa. Và chúng ta cung cấp những bước thực hành đầu tiên của quá trình môn đồ hoá trong vấn đề tài chính trong chính gia đình, hội thánh và nơi làm việc của mình.

Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ có thể bước đi trên con đường hướng tới nền kinh tế vương quốc của Chúa Giê-su nếu tấm lòng chúng ta trở nên chai đá vì tôn thờ tiền bạc. Thật vậy, Cơ Đốc nhân có thể tập phản ứng lại với những thách thức tài chính cấp bách nhất đối với thế giới ngày nay bằng cách bắt đầu một hành động đơn giản: cất giữ của báu ở trong vương quốc Đức Chúa Trời. Vì tiền bạc chúng ta ở đâu thì lòng chúng ta ở đó. Và tấm lòng tràn đầy lửa thiên đàng sẽ tìm thấy những cách mới mẻ để thể hiện một nền kinh tế giống như Chúa mong muốn, vì vinh quang của Vị Vua chúng ta và vì sự tốt lành cho những người lân cận.

– Tác giả bài viết: Michael Rhodes –

– Nguồn: christianitytoday.com

– Người dịch : Nguyễn Khánh Tùng –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.