Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Chớ Vội Nói “Em Yêu Anh” Và Ngược Lại

Chớ Vội Nói “Em Yêu Anh” Và Ngược Lại

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự SốngChúng ta nên phản ứng như thế nào khi có người thích mình? Khi bước vào tình trường, chúng ta nên lưu ý những gì? Có cạm bẫy gì không và làm thế nào để tránh xa chúng?

Bạn có nhớ lần cảm nắng đầu tiên của bản thân, khi bạn vui sướng ngây ngất vì có ai đó để ý mình? Một người đặc biệt, hình như người ấy thích bạn và bạn thích người ấy. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chúng ta kết thân với ai đó là vì họ thích chúng ta. Họ thích chúng ta! Trong cả 8 tỉ người trên thế giới, họ lại thích chúng ta.

Có lẽ bạn đang hẹn hò và cân nhắc xem khi nào nên kết thân với người khác, khi nào nên từ chối một lời đề nghị. Có lẽ bạn đang tìm một người bạn và cũng phải trả lời câu hỏi đó. Mình nên làm gì nếu có người thật sự thích mình và muốn mình dành nhiều thời gian hơn cho họ, quan tâm hơn đến họ?

Nhưng hãy từ từ. Phương trình này rõ ràng là có vấn đề. Chỉ vì ai đó thích chúng ta không có nghĩa là họ hợp với chúng ta. Chỉ vì họ chọn chúng ta từ 8 tỉ người trên hành tinh không có nghĩa là thiên đàng đã se duyên cho đôi bạn.

Vậy chúng ta nên phản ứng như thế nào khi có người thích mình? Khi bước vào tình trường, chúng ta nên lưu ý những gì? Có cạm bẫy gì không và làm thế nào để tránh xa chúng?

Mới đây, một bạn đọc đã gửi cho tôi câu hỏi xoay quanh vấn đề này.

Gửi Ts. David

Tôi đã nhắn tin và gọi điện với một người nam được bốn tuần rồi. Anh ấy chưa gặp tôi nhưng lại nói rằng anh ấy yêu tôi. Tuy anh ấy có vẻ tử tế nhưng tôi thấy hơi vội. Tôi phải làm sao đây?

Kính thư,

Denise

Nói chung, câu chuyện của Denise là câu chuyện của tất cả chúng ta. Chúng ta có thể không hẹn hò, nhưng ai đó muốn bạn dành thời gian cho họ và quan tâm đến họ. Có người thích chúng ta. Vậy phải suy xét những gì?

Một là, mỗi người đều có trách nhiệm thiết lập những ranh giới lành mạnh

Cần hiểu rằng chúng ta có trách nhiệm đặt ra những ranh giới để bảo vệ chính mình. Biết điều chúng ta cần và muốn, đồng thời đảm bảo rằng chúng ta có được nó, không phải là việc của người khác. Đừng trông mong điều đó. Họ chắc sẽ tập trung vào chính họ – tuy có thể họ quan tâm đến chúng ta nhưng họ đang cố gắng đáp ứng những nhu cầu của chính mình. Chúng ta phải chịu trách nhiệm với những gì diễn ra trong đời sống mình và đưa ra những quyết định phù hợp.

Ranh giới là một phần tự nhiên trong luật pháp Chúa. Ngài thiết lập ranh giới cho chúng ta, định ra những mong đợi của Ngài nhưng cũng cho chúng ta được tự do hành động theo cách chúng ta lựa chọn – kèm theo những kết quả nhất định.

Hai là, ranh giới không phải là điều chúng ta có hay không có. Chúng được phát triển

Tôi đã quyết định rằng định ra ranh giới là một quá trình liên tục. Dù đã đọc nhiều cuốn sách về chủ đề này (thậm chí viết một cuốn về nó), tôi vẫn có việc phải làm. Người ta đặt ra ranh giới giữa những hỗn độn của đời sống và mối quan hệ. Học cách ấp ủ công việc đó, để ý xem những ranh giới nào mạnh mẽ và hiệu quả, những ranh giới nào yếu đuối và dễ khiến bạn tổn thương. Cảm xúc của bạn là dấu hiệu rõ ràng để nhận biết mức độ hiệu quả của những ranh giới.

Denise thấy hơi vội, tức là rõ ràng có điều gì đó không đúng. Nhưng cô lại nhanh chóng quy trách nhiệm cho anh chàng kia, như thể anh ta nên làm khác đi. Chúng ta dạy người ta cách đối xử với mình, vì vậy, cô là người phải thực hành việc thiết lập ranh giới và dạy người này rằng hành động của anh ta đang không ổn. Cô phải cho anh chàng biết là mình muốn được đối xử như thế nào và để ý đến phản ứng của anh ta.

Ba là, ranh giới lành mạnh đòi hỏi tư duy và óc suy xét lành mạnh

Để đưa ra những lựa chọn lành mạnh về ranh giới, chúng ta phải có cái nhìn lành mạnh về bản thân rằng “Mình là con của Chúa và mình có trách nhiệm săn sóc tốt đời sống mà Chúa đã ban cho mình.” Như vậy, khi những người khác thiếu kiên nhẫn, thúc ép hoặc đòi hỏi chúng ta làm theo họ, chúng ta phải thiết lập những ranh giới rõ ràng và cho người khác biết rằng bạn sẽ không khoan nhượng với hành vi này. Hành động này xuất phát từ lối tư duy lành mạnh, lối tư duy lành mạnh sẽ mang đến sự rõ ràng, xác quyết và quyền kiểm soát trên đời sống bạn.

Bốn là, ranh giới lành mạnh rất sắc bén, rõ ràng và có thể khiến người khác tổn thương

Rất ít người thích từ “không được.” Khi những người khác muốn có điều gì đó từ chúng ta, họ có năng lượng và quyết tâm để có nó. Khi những mong muốn đó va chạm với những gì chúng ta đã định là tốt nhất cho mình – căng thẳng sẽ nảy sinh. Vì phải lùi lại nên chúng ta sẽ thấy khó chịu trong một khoảng thời gian nhất định. Chúng ta phải nói rằng: “Việc này không ổn với mình.” Chúng ta không thể kiểm soát người khác, nhưng chắc chắn là chúng ta có thể quyết định xem nên để điều gì bước vào đời sống mình.

Hãy cho người kia biết những điều chúng ta sẽ khoan nhượng và điều gì không – điều này định nghĩa con người của chúng ta và cho người khác những thông tin vô giá. Họ phải quyết định xem họ nên làm gì với nó.

Denise có thể cho anh chàng kia biết rằng anh ta đang đi quá nhanh và cô cảm thấy không an tâm. Cô không nên công khai phán xét hành động của anh ta, nhưng có thể cho anh ta biết mình sẽ khoan nhượng và không khoan nhượng điều gì. Phản ứng của anh ta sẽ cho cô biết nhiều thứ – để quyết định xem liệu cô có muốn tiến tới hay không.

Cuối cùng, ranh giới lành mạnh mang đến sự bảo vệ

Ranh giới lành mạnh khiến chúng ta cảm thấy khá an toàn trong thế giới này. Chúng ta có khả năng lựa chọn xem để ai bước vào đời sống mình và để họ gần gũi đến đâu. Chúng ta có thể dựng lên những ranh giới đủ mạnh để người khác biết rõ chúng ta là ai, chúng ta thích gì và chúng ta muốn họ làm điều gì khác đi. Từ đó, chúng ta có thể đánh giá xem người khác có tôn trọng những ranh giới đó không. Nếu không thì họ không an toàn với chúng ta và chúng ta cần dựa vào đó mà quyết định. Những người tôn trọng, thậm chí khâm phục những quyết định và lựa chọn của chúng ta, có thể là những người mà chúng ta gần gũi hơn. Những người này có thể trở thành bạn bè hoặc hơn, và từng bước, chúng ta có thể xác định mức độ tiến tới trong mối quan hệ này.

Mười Điều Cần Hiểu Về Người Bạn Đời Tương Lai Trước Khi Bước Vào Hôn Nhân >>>

– Tác giả bài viết: Dr. David B. Hawkins –

– Nguồn: crosswalk.com

– Hannah dịch –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.