Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Ông Đã Chết Cả Nghìn Lần – Và Đã Sống (ADONIRAM JUDSON)

Ông Đã Chết Cả Nghìn Lần – Và Đã Sống (ADONIRAM JUDSON)

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – ADONIRAM JUDSON (1788 – 1850). Những câu chuyện kể về sự mất mát của Adoniram Judson dường như là quá lớn. Khi bạn nghĩ rằng ông đã ở trong hoàn cảnh tồi tệ nhất và không thể chịu đựng thêm được nữa, một biến cố khác lại xảy đến trên cuộc đời ông. Thật vậy, sự mất mát ấy là quá lớn nếu chúng ta không đặt cuộc đời ông vào kế hoạch lâu dài của Đức Chúa Trời. Hạt lúa mì từng chết cả nghìn lần đã kết quả ra sự sống tại Myanmar (trước đây là nước Miến Điện) trở nên một phong trào Chúa Giê-su đầy quyền năng.

Khi Adoniram Judson tới Miến Điện năm 1813, đây là nơi đầy sự thù nghịch và hoàn toàn không biết tới tin lành của Đức Chúa Trời. Vài tháng trước đó, ngay cả William Carey cũng khuyên Judson (khi đang ở Ấn Độ) rằng không nên tới đất nước này. Miến Điện thời ấy giống như một đất nước nước khép kín với chế độ chuyên chế vô chính phủ, chiến tranh khốc liệt với Xiêm, những cuộc tập kích, nổi loạn liên tục, và không dung nạp tôn giáo. Toàn bộ những giáo sĩ trước đó đã qua đời hoặc phải từ bỏ.

Nhưng Judson đã tới đó cùng người vợ 23 tuổi khi mới kết hôn được 17 tháng. Khi ấy ông 24 tuổi và ông tới làm việc tại Myanmar 38 năm cho tới khi qua đời năm 61 tuổi, chỉ trở về quê nhà New England, Hoa Kỳ một lần sau 33 năm. Cái giá ông phải trả là quá lớn. Ông là một hạt lúa mì đã rơi xuống đất và chết đi hết lần này tới lần khác.

Một lời cầu hôn phi thường

Judson tới chủng viện Andover tại Newton, Massachusetts, tháng 10 năm 1808, ngày mùng 2 tháng 12 năm ấy, ông chính thức dâng hiến trọn vẹn đời sống mình lên cho Đức Chúa Trời. Vào ngày 28 tháng 6 năm 1810, Judson và những người khác trình dâng chính họ cho công việc truyền giáo tại Đông phương. Ngày hôm ấy, ông cũng gặp Ann Hasseltine và phải lòng cô. Sau khi tìm hiểu Ann được một tháng, ông ngỏ lời cầu hôn cô và viết một bức thư gửi cha nàng:

“Con phải hỏi ngài giờ này, rằng ngài có bằng lòng rời bỏ con gái ngài trong mùa xuân tới, để không gặp lại nàng nữa trên thế gian này; rằng ngài có bằng lòng với sự ra đi của nàng, với những khó khăn và đau khổ nàng sẽ phải trải qua trong cuộc đời giáo sĩ; rằng ngài bằng lòng để nàng trải qua những sự nguy hiểm của đại dương, hay cái khắc nghiệt chết người của khí hậu phía Nam Ấn Độ; dưới sự thiếu thốn và khốn cùng; mặc cho sự sỉ nhục, xúc phạm, bắt bớ, và có thể chịu một cái chết đau đớn. Ngài có bằng lòng mọi điều này, vì cớ Đấng đã rời bỏ ngai cao sang và chết thay cho con gái ngài và chính bản thân ngài; vì cớ những linh hồn bị hư mất và còn lại đời đời; vì cớ vinh quang của Zion, và vì cớ vinh hiển Đức Chúa Trời? Ngài có thể bằng lòng với mọi điều này, trong niềm hy vọng sớm được gặp lại con gái ngài trong nước Đức Chúa Trời, với mão triều thiên của sự công bình, sáng láng trong sự hoan nghênh của những lời ca ngợi, dự phần với Đấng Cứu Chuộc vì những kẻ ngoại đạo được cứu chuộc, khỏi nỗi khốn cùng và tuyệt vọng đời đời?” (To the Golden Shore, 83)

Kinh ngạc thay, cha cô nói rằng con gái ông có thể tự quyết định cho chính mình. Adoniram và Ann kết hôn vào ngày mùng 5 tháng 2 năm 1812, và vượt biển tới Ấn Độ sau mười bốn ngày với hai cặp vợ chồng khác và hai người đàn ông độc thân, trên hai chiếc thuyền, phòng trường hợp một trong hai chiếc gặp bất trắc. Sau một thời gian ngắn tại Ấn Độ, Adoniram và Ann đã lựa chọn mạo hiểm đi tới một cánh đồng mới. Họ đến Ngưỡng Quang, Miến Điện vào ngày 13 tháng 7 năm 1813.

Adoniram-Ann-Judson

Một mùa gặt dài dằng dặc và đầy đau đớn

Tại Miến Điện, nơi mà chiến trận bắt đầu trong cái nóng 42 độ C với dịch tả, sốt rét, kiết lỵ và những sự khốn khổ khác đã không chỉ lấy đi người vợ của ông là Ann, nhưng cả người vợ hai, cùng bảy người con trai 13 tuổi, và hết đồng sự này đến đồng sự khác.

Mặc cho mọi sự vật lộn với bệnh tật và gián đoạn, Judson làm việc vất vả để học ngôn ngữ mới, biên dịch Kinh Thánh, và truyền giảng trên đường phố. Sáu năm sau khi ông và Ann tới đất nước này, họ báp-tem cho một tín đồ đầu tiên, tên là Maung Nau. Mùa gieo dài dằng dặc và đầy khó nhọc, mùa gặt còn cực nhọc hơn nữa trong nhiều năm dài. Nhưng tới năm 1831, mười chín năm sau khi họ tới, Thánh Linh đã tới và đụng chạm mảnh đất này. Judson chép lại,

“Thần của sự cầu hỏi… đang lan tràn khắp nơi, qua bề rộng và bề dài của mảnh đất. [Chúng tôi đã phát] gần 10,000 chứng đạo đơn, không phải cho tất cả nhưng chỉ cho những người hỏi xin. Chừng khoảng 6000 người đã đến tận nơi để xin chúng. Một vài người đã đi mất hai tới ba tháng đường, từ biên giới của Xiêm và Trung Quốc – “Thưa ngài, chúng tôi nghe rằng địa ngục đời đời là có thật. Chúng tôi sợ điều này. Xin hãy cho chúng tôi tài liệu hướng dẫn cách thoát khỏi nó.” Những người khác, từ ranh giới của Kathay, 100 dặm về phía bắc của Ava – “Thưa ngài, chúng tôi đã thấy một tài liệu nói về Đức Chúa Trời vĩnh hằng. Có phải Ngài là người phân phát những tài liệu đó? Nếu quả vậy, xin hãy cho chúng tôi một bản, vì chúng tôi muốn biết lẽ thật trước khi chúng tôi qua đời.” Những người khác từ sâu trong đất liền, nơi danh của Chúa Giê-su còn xa lạ – “Có phải ông là người của Chúa Cứu Thế Giê-su? Hãy cho chúng tôi một tài liệu nói về Chúa.” (To the Golden Shore, 398-99)

Để đi từ người cải đạo đầu tiên năm 1819 đến sự phấn hưng đầy quyền năng của Chúa năm 1831, cái giá phải trả là quá lớn.

Lễ Báp-tem nước của người Karens

Bị bỏ tù và cô độc

Năm 1823, Adoniram và Ann chuyển từ Ngưỡng Quang tới thủ đô Ava khoảng ba trăm dặm vào sâu trong đất liền và đi thêm về phía Sông Irrawaddy. Sống gần hoàng đế chuyên chế là điều rất rủi ro. Vào tháng 5 năm sau, một hạm đội của Anh tiến vào Ngưỡng Quang và bắn phá hải cảng. Toàn bộ người phương Tây ngay lập tức được xem như gián điệp, và Adoniram bị tách khỏi gia đình mình. Vào ngày mùng 8 tháng 6 năm 1824, ông bị đưa vào tù. Đôi chân của ông bị trói lại, và khi đêm xuống, một cây sào tre dài nằm ngang được hạ xuống và xuyên qua hai chân trói của ông, kéo chúng lên cho đến khi chỉ còn vai và đầu các tù nhân nằm trên mặt đất.

“Sự chịu khổ đã giúp ông thôi hy vọng quá nhiều vào thế gian này.”

Ann khi đó đang mang thai, nhưng cô vẫn đi bộ hai dặm mỗi ngày tới dinh thự để van xin chính phủ rằng Judson không phải gián điệp và cầu xin sự nhân từ của họ. Vào ngày mùng 4 tháng 11 năm 1825, Judson bỗng nhiên được thả. Chính phủ cần ông như một thông dịch viên trong cuộc đàm phán với Anh Quốc. Thử thách đầy đau khổ đã chấm dứt – mười bảy tháng trong tù và đứng trước bờ vực của sự chết, khi vợ ông phải hy sinh chính mình và con cô để chăm sóc ông khi cô có thể. Sức khỏe của Ann bị suy nhược. Mười một tháng sau ấy, vào ngày 24 tháng 10 năm 1826, cô qua đời. Và 6 tháng sau ấy, con gái họ qua đời.

Ann tới thăm Adoniram khi ở trong tù

“Tôi không tìm thấy Ngài”

Ảnh hưởng tâm lý từ những mất mát thật tai hại. Tâm trí ông đầy những ngờ vực, và ông tự hỏi có phải ông trở thành giáo sĩ chỉ vì tham vọng và danh tiếng, chứ không phải bởi sự khiêm nhường và tình yêu vô điều kiện. Ông bắt đầu tìm hiểu về những thần bí gia Công Giáo như Madame Guyon, Fénelon, và Thomas à Kempis, những người dẫn dắt ông tìm tới lối tu khổ hạnh và các hình thức khác của sự hành xác. Ông bỏ tình yêu của cuộc đời mình là công việc biên dịch Cựu Ước, ngày một tránh xa con người và tránh xa “bất cứ điều gì có thể khiến ông kiêu ngạo hoặc kích thích sự khoái lạc của ông.” (To the Golden Shore, 387).

Ông đào một cái mộ ngay sau túp lều và ngồi bên cạnh đó chiêm nghiệm về sự phân rã của cơ thể ông. Ông ở ẩn trong 40 ngày cô độc trong khu rừng đầy cọp và trong một bức thư, ông viết rằng ông thấy tâm linh hoàn toàn cô độc. “Chúa với tôi là Đấng Xa Lạ. Tôi tin vào Ngài, nhưng không tìm thấy Ngài” (To the Golden Shore, 391)
Anh trai ông là Elnathan qua đời vào ngày 8 tháng 5 năm 1829 ở tuổi 35. Trớ trêu thay, điều này chứng tỏ bước ngoặt trong sự bình phục của Judson, vì ông đã có lý do để tin rằng người anh trai vô thần mà ông đã từ bỏ 17 năm trước nay đã qua đời trong đức tin. Suốt năm 1830, Adoniram trèo ra khỏi sự tối tăm của bản thân.

Một cuốn Kinh Thánh trọn vẹn và một người vợ mới

Trọng tâm công việc truyền giáo của Judson ngay từ khi bắt đầu, và đặc biệt là tại thời điểm này trong cuộc đời ông, là bản dịch Kinh Thánh. Trong suốt những năm hồi phục tâm linh, không có vợ và con, ông giam mình trong một phòng nhỏ chuyên để dồn sức chỉnh sửa bản dịch Tân Ước và vội vã dịch tiếp Cựu Ước. Cuối năm 1832, ba nghìn bản Tân Ước được in ra. Ông cũng dịch xong Cựu Ước vào ngày 31 tháng 1 năm 1834.

Với bản thảo Kinh Thánh đầu tiên bằng tiếng Miến Điện được hoàn tất, dường như Chúa đã mỉm cười với những khó nhọc của ông khi ban cho ông một người vợ mới. Ba năm trước, một người giáo sĩ khác tại Miến Điện tên là George Boardman đã qua đời. Góa phụ của ông là Sarah ở lại Miến Điện và trở nên một huyền thoại theo cách riêng của cô, chọn tiến sâu và đất liền với con mình, George. Tháng 2 năm 1834, Judson nhận được một bức thư của Sarah. Vào ngày 1 tháng 4, ông rời Moulmein tới Tavoy, quyết tâm cầu hôn cô. Vào ngày mùng 10 tháng 4, họ kết hôn.

Đó có lẽ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông tại Miến Điện, nhưng không phải là không có đau đớn, và cũng không kéo dài quá mười năm. Sau khi sinh tám người con trong mười một năm, Sarah ốm yếu tới mức cả gia đình quyết định đi sang Mỹ, hy vọng rằng không khí biển sẽ chữa lành cô. Lúc này Judson chưa từng trở lại Mỹ sau 33 năm và quay lại đây chỉ vì vợ ông. Khi họ qua mũi Châu Phi vào tháng 9 năm 1845, Sarah qua đời. Chiếc thuyền hạ neo tại đảo St. Helena đủ lâu để đào một ngôi mộ, và chôn cất một người vợ, một người mẹ, rồi tiếp tục vượt biển.

Lần này, Adoriam không bị rơi vào trầm cảm như trước. Ông đã có những người con. Nhưng mặc dù vậy, sự chịu khổ đã giúp ông thôi hy vọng quá nhiều vào thế gian này. Ông học cách ghét sự sống thiếu cay đắng hoặc phiền muộn trên thế gian này (Giăng 12:25). Và giờ đây, ông có một khao khát, được trở lại và tận hiến cuộc đời mình cho Miến Điện.

Kinh thánh tiếng Miến Điện đã được Hudson dịch lại

Mấy ai chết khổ sở

Judson trở lại Mỹ không được theo kế hoạch. Và trong sự kinh ngạc của mọi người, ông lại yêu lần thứ ba, lần này là với Emily Chubbuck, và kết hôn với cô vào ngày mùng 2 tháng 6 năm 1846. Nàng 29 tuổi, còn ông thì 57. Cô từng là một nhà văn nổi tiếng nhưng đã từ bỏ danh vọng và sự nghiệp viết lách để đi tiếp với Judson tới Miến Điện. Họ đến vào tháng 11 năm 1846. Và Chúa ban cho họ 4 năm hạnh phúc nhất mà cả hai chưa từng biết tới.

Adoniram và Emily có một người con. Mọi sự trông thật tươi sáng, nhưng căn bệnh cũ của Judson tấn công ông một lần cuối. Hy vọng duy nhất đó là đưa Judson – lúc này đang bệnh nặng – trên một chuyến đi biển. Vào ngày mùng 3 tháng 4 năm 1850, họ đưa Adorinam trên con tàu Aristide Marie tiến tới Đảo Pháp cùng người bạn Thomas Ranney để chăm sóc cho ông. Trong cơn khốn cùng, đôi lúc ông tỉnh dậy vì cơn đau khủng khiếp rồi nôn mửa. Một trong những lời cuối cùng của ông là, “Ôi có mấy ai…lại chết khổ chết sở thế này!” (To the Golden Shore, 504).

4 giờ 15 phút trong một buổi chiều thứ sáu, ngày 12 tháng 4 năm 1850, Adoniram Judson qua đời trên biển, xa gia đình và hội thánh Miến Điện. Tối hôm ấy, chiếc thuyền nhấp nhô. “Toàn bộ thuyền viên nhóm lại im lặng. Mạn thuyền được kéo xuống. Không còn những lời cầu nguyện… Thuyền trưởng ra lệnh. Cỗ quan tài trượt qua mạn thuyền và chìm vào bóng đêm” (To the Golden Shore, 505). Mười ngày sau, Emily sinh đứa con thứ hai nhưng đứa trẻ chết ngay khi chào đời. Mãi bốn tháng sau cô mới biết là chồng mình đã qua đời. Cô trở lại New England, Hoa Kỳ vào tháng 2 năm ấy và ba năm sau, qua đời vì bệnh lao phổi ở độ tuổi 37.

Kết quả của hạt lúa mì đã chết

Cuộc đời của Judson là một hạt lúa mì rơi xuống đất nước Myanmar và chết đi – hết lần này tới lần khác. (Giăng 12: 24). Sự chịu khổ là quá lớn. Và kết quả cũng vậy. Trong thời khắc chuyển giao từ thiên niên kỷ thứ hai sang thứ ba, Patrick Johnstone ước lượng Myanmar (tên mới của Miến Điện) có số lượng tín đồ Báp-tít là 3,700 hội thánh với 617,781 thành viên và 1,900,000 người liên đới – kết quả của hạt lúa mì đã chết đi. Dĩ nhiên, ngoài Judson còn có những người khác – hàng trăm người sau đó. Họ đều đến và từ bỏ cuộc sống của mình. Nhiều người trong số họ qua đời ở độ tuổi trẻ hơn Judson. Họ chỉ phục vụ để điều này có thể xảy ra. Kết quả kinh ngạc tại Myanmar ngày nay đã mọc từ mảnh đất của sự chịu khổ và sự chết của nhiều giáo sĩ, đặc biệt là Adoniram Judson.

Hội thánh Judson, trường đại học Yangon

– Tác giả bài viết: John Piper –

– Nguồn: desiringGod.org

– Tiến Trọng dịch –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.