Search
Saturday 23 November 2024
  • :
  • :

10 Kiểu Thành Viên “Khó Chiều” Trong Hội Thánh – Chúa Kêu Gọi Tôi Yêu Họ

10 Kiểu Thành Viên “Khó Chiều” Trong Hội Thánh – Chúa Kêu Gọi Tôi Yêu Họ

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống Một người chăn bầy cho chủ biết rằng anh ta không chăn chiên vì vui, mà vì ông chủ của mình – Đấng Chăn chiên thật – đã kêu gọi anh ta làm như vậy. Anh ta biết mình không được kêu gọi tới một đời sống dễ dàng, nhưng một đời sống phục vụ, ngay cả khi có những người khiến việc phục vụ đó trở thành một thách thức. Anh ta biết rằng mình không chỉ có trách nhiệm chăn những con chiên khiến cuộc sống của mình dễ dàng, nhưng cả những con chiên khiến nó trở nên khó khăn, những con lang thang, những con dễ cáu kỉnh. Anh ta biết rằng bầy chiên – kể cả những con chiên này – là chức vụ của anh ta.

Trong một bài viết được chia sẻ rộng rãi trong thời gian gần đây, một mục sư đưa ra một loạt những thành viên trong hội thánh khiến ông “phát điên” và khiến mục vụ chăn bầy “kém vui.” Tuy mục sư đó nói đến tình yêu ông dành cho hội thánh và sự cam kết của mình nhưng ông cũng nói rằng mọi hội thánh mà ông biết đều có “những thành viên và người tham dự chọc tức người lãnh đạo.” Bài viết của ông nhằm đưa ra một đoạn mô tả ngắn về từng kiểu thành viên, có lẽ là để các mục sư khác cùng cảm thông hoặc cảnh báo các Cơ Đốc nhân khác, như thể muốn nói rằng “đừng như những người đó.”

Giống như hầu hết các lãnh đạo hội thánh khác, tôi đã gặp những thành viên “khó chiều” vì nhiều lý do (nhưng công bằng mà nói, tôi nghĩ rằng hầu hết các thành viên trong hội thánh cũng gặp phải một số mục sư “khó chiều”). Những người này chiếm số lượng siêu nhỏ trong số những người coi hội thánh của chúng ta là nhà trong suốt nhiều năm nay, nhưng về bản chất, họ có xu hướng “với quá cao”. Chưa nói đến những người đang sống trong một tội lỗi nào đó mà không ăn năn hoặc những người cố tình phá hủy hội thánh bằng hành vi gây chia rẽ (và những người, vì thế, phải chịu sự kỷ luật của hội thánh), tôi đã phải tự hỏi rằng: Là một mục sư, tôi cần làm gì để cảm thông với những người đặc biệt khó chịu đó?

Tôi hiểu tại sao người mục sư dễ nghĩ rằng những người này khiến ông phát điên. Tôi đã từng như vậy. Nhưng vì sức khỏe thuộc linh và sự thành công trong chức vụ, tôi buộc phải thay đổi tư duy của bản thân. Thay vì coi họ như những người khiến mình phát điên, tôi thích coi họ là những người mà Chúa đặc biệt kêu gọi tôi yêu họ – những người thử thách và rèn tập khả năng yêu thương của tôi. Tôi bắt đầu nghĩ rằng chắc hẳn, hành vi của chính tôi cũng thường “kém vui” trong mắt Chúa và tôi cũng làm nhiều điều “chọc tức” Ngài. Nhưng Ngài không lằm bằm về tôi, tuy rằng Ngài hoàn toàn có thể làm như vậy. Ngài không bực tức hoặc xấu hổ, tuy rằng rõ ràng là tôi khiến Ngài có đủ cớ để làm như vậy. Ngài không coi tôi là một đứa trẻ ngỗ nghịch, tuy rõ ràng tôi là một đứa như vậy. Thay vào đó, Ngài cứ săn sóc cho tôi bằng sự kiên nhẫn, nhân từ và kiên trì. Ngài cứ tìm những điều tốt đẹp nơi tôi. Ngài cứ yêu tôi.

Theo mạch đó, tôi xin giới thiệu 10 kiểu người mà Chúa đặt ra cho chúng ta một thử thách đặc biệt: yêu họ một cách đặc biệt. (Những từ trong ngoặc kép và/hoặc in nghiêng lấy từ bài viết kể trên.)

1. Thành viên “ảm đạm”. Người này có xu hướng lằm bằm về những điều đang diễn ra trong đời sống của hội thánh. Họ cần tôi trấn an và nhẹ nhàng giải thích sự khác biệt giữa những điều quan trọng và nhỏ nhặt, giữa những vấn đề cần nghiêm túc vâng theo Lời Chúa và những vấn đề có thể thực hiện tùy theo lương tâm. Thực ra, họ coi nhiều điều là dấu hiệu của sự sụp đổ. Nguyên nhân có thể là do họ không phân biệt được những vấn đề chỉ ra rằng hội thánh đứng hay ngã và những vấn đề chỉ đơn giản là không hợp sở thích của họ.

2. Thành viên “dọa bỏ hội thánh”: Họ thường đề nghị là mình sắp phải bỏ hội thánh vì một vấn đề nào đó. Vào những lúc tệ hại nhất, tôi sẽ ước rằng thà anh ta bỏ luôn đi cho xong. Nhưng rồi tôi nhớ ra rằng Đấng Chăn chiên Nhân lành biết rằng sẽ có lúc, Ngài phải bỏ 99 con để tìm một con. Tuy chúng ta có thể nghĩ rằng đó là con chiên bơ vơ và khờ khạo nhưng họ không phải là một con chiên cay đắng hay bất tuân, cố tình đi lang thang. Nên tôi học theo Đấng chăn chiên vĩ đại nhất: Làm mọi điều trong khả năng của mình để tìm được họ và đưa họ trở lại.

3. “Nhà thần học nghiệp dư”: Thành viên này, hoặc là có hiểu biết cao siêu về thần học, hoặc đó chỉ là suy nghĩ của họ. Họ thường dùng hiểu biết đó để tranh luận với các mục sư và thậm chí còn thúc đẩy lập trường của bản thân về những vấn đề đó. Tôi thừa nhận là có nhiều người thông minh hơn, khôn ngoan và trình độ giỏi hơn tôi, tôi khen ngợi kiến thức và tình yêu tri thức của người đó, đồng thời xem mình có thể dùng điều đó để phục vụ hội thánh ra sao. Tất nhiên, tôi cũng sẽ cố gắng giúp người đó hiểu hơn về những vấn đề thần học còn gây tranh cãi hoặc thuộc vấn đề của lương tâm, có lẽ là hướng dẫn người đó qua một phân đoạn như Rô-ma 14.

4. Thành viên “Anh biết chuyện gì chưa?”: Họ muốn “biết tuốt” mọi thứ trong hội thánh. Thực ra là họ tham gia vào hầu hết mọi cuộc bàn tán trong hội thánh và nổi giận khi mình bị cho ra rìa. Cần trò chuyện với họ trong tình yêu thương rằng tám chuyện là tội lỗi, sau đó cho họ trải qua một quá trình kỷ luật của hội thánh. Ngồi lê đôi mách là điều cấm kỵ trong Kinh thánh và đi ngược lại với giao ước thành viên của chúng tôi. Tôi thể hiện tình yêu thương với người đó và với hội thánh, nhắc nhở người đó rằng có nhiều điều anh ta không biết, không nên biết và không nên kể lể.

5. Thành viên “tái cam kết”: Cứ sáu tháng, họ lại xuất hiện một lần, tái cam kết đời sống mình với Chúa Giê-su, sau đó biến mất trong cả sáu tháng tiếp theo. Cần đối xử với thành viên này một cách nhẹ nhàng và đầy cảm thông, vì rất có thể, những điều trong thế gian vẫn cứ lôi kéo họ. Họ bị kẹt giữa hai thế giới, hai ông chủ! Họ cần nghe tin tức tốt lành của phúc âm, chúng ta cần nói với họ rằng hội thánh yêu họ, và những người được kêu gọi để chăm sóc họ cần đi tìm họ. Tôi không hề bực mình với một thành viên như thế! Họ rất dễ bị Sa-tan tấn công và rõ ràng là thuộc “cả bầy chiên” mà Chúa lập tôi làm người coi sóc (Công vụ 20:28).

6. “Luật sư hiến chương”: Không ai hiểu về hiến chương bằng thành viên này, và bất cứ khi nào không thích điều gì đó, anh ta sẽ lôi những tài liệu đó ra. Thành viên này có thể là một ứng cứ viên sáng giá cho vị trí nghị viên trong các cuộc họp của hội thánh – người biết hiến chương và có thể đảm bảo rằng các cuộc họp chính thức diễn ra theo đúng thủ tục. Khi được giao nhiệm vụ đó, người này có thể phát triển. Dù sao đi chăng nữa thì tạo sao tôi lại sợ hãi hoặc bực mình khi có người giúp tôi giữ hiến chương của hội thánh, nếu không, tôi rất dễ cố ý hoặc vô tình vi phạm nó?

7. Thành viên “nghe giảng trên mạng”: Họ nghe các bài giảng của mọi người khác trên mạng, sau đó phê bình bài giảng của tôi theo những người khác. Đây là một thành viên hăng hái học hỏi những lẽ thật của niềm tin Cơ Đốc, nhưng lại thiếu độ trưởng thành để biết phải làm gì với hiểu biết đó. Tôi thừa nhận rằng có nhiều mục sư giảng hay hơn tôi bây giờ hay cả tôi về sau rất nhiều, nên tôi đánh giá cao sự nhiệt tình của người này và chọn bỏ qua những xúc phạm khi người này phê bình những bài giảng của mình. Tôi biết mình sẽ đứng hoặc ngã trước ai. Tôi biết rằng thành viên này không phải là người đủ tư cách để xác định xem tôi có vâng phục Chúa hay không, có dùng những tài năng ít hỏi mà Chúa giao một cách tốt nhất không.

8. Thành viên “nhớ tiếc những ngày xưa”: Người này biết mọi thứ về lịch sử hội thánh, và cho rằng mình có nhiệm vụ bảo vệ quá khứ – chống lại mọi thứ mới. Đây có vẻ là cuộc tranh chiến của những người cao tuổi, đặc biệt là những người đã dâng hiến rất nhiều thời gian và tiền bạc để hội thánh có được ngày hôm nay. Hãy khen ngợi người đó vì sự phục vụ và tình yêu của họ với hội thánh; hãy khen họ vì đã cố gắng làm cầu nối giữa quá khứ và tương lai của hội thánh. Có thể Chúa đang dùng họ để khiến tôi đi chậm lại, vì có thể tôi đang quá vội vàng chăng? Và có lẽ khi tôi trò chuyện với họ cách yêu thương và nhẹ nhàng, họ sẽ dần tin tưởng tôi khi tôi bắt đầu dẫn dắt hội thánh theo những hướng đi trái ngược với mong muốn của họ.

9. Thánh đồ “không tha thứ”: Họ tức giận về điều gì đó đã vài năm rồi, mà không chịu bỏ qua. Khi phải đối chất về điều đó, người này thuộc linh hóa những lý lẽ của mình. Phản ứng đầu tiên của tôi với thành viên này là cân nhắc xem có thật là tôi đã phạm tội với họ không, và xem tôi có cần xin họ tha thứ vì điều gì không. Nếu không, hoặc nếu tôi đã ăn năn về bất cứ tội gì trước họ rồi, thì cách yêu thương nhất để chăm sóc họ là nói với họ về sự thiếu tha thứ và chỉ cho họ điều Kinh thánh chép về việc cần tha thứ cho những người đã ăn năn. Thậm chí, tình yêu với thành viên này còn cần đến kỷ luật của hội thánh, để phục hồi họ khỏi tội không ăn năn.

10. Thành viên “sa-bát”: Dù bạn có làm gì đi chăng nữa thì thành viên này cũng không chịu phục vụ trong hội thánh. Họ nói: “Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ rồi”. Một số thành viên không hiểu rằng Chúa kêu gọi tất cả chúng ta, không chỉ các mục sư hoặc nhân sự, làm công việc của mục vụ. Một số thành viên sẽ phát triển khi chúng ta thách thức họ hoặc mời họ phục vụ trong một mục vụ phù hợp với những ân tứ và tài năng của họ. Sau đó, một số thành viên làm quá nhiều, hoặc bị mục sư nhờ làm quá nhiều việc, đôi khi họ kiệt sức. Nhiều mục sư cho rằng họ xứng đáng được nghỉ – tại sao chúng ta không làm như vậy với những người đã phục vụ hội thánh quá lâu hoặc quá tốt?

Tác giả của bài viết nói rằng: “Thành thật mà nói, một ngày nào đó, những vị này có thể khiến chức vụ chăn bầy trở nên kém vui.” Nhưng một người chăn bầy cho chủ biết rằng anh ta không chăn chiên vì vui, mà vì ông chủ của mình – Đấng Chăn chiên thật – đã kêu gọi anh ta làm như vậy. Anh ta biết mình không được kêu gọi tới một đời sống dễ dàng, nhưng một đời sống phục vụ, ngay cả khi có những người khiến việc phục vụ đó trở thành một thách thức. Anh ta biết rằng mình không chỉ có trách nhiệm chăn những con chiên khiến cuộc sống của mình dễ dàng, nhưng cả những con chiên khiến nó trở nên khó khăn, những con lang thang, những con dễ cáu kỉnh. Anh ta biết rằng bầy chiên – kể cả những con chiên này – là chức vụ của anh ta. Tác giả đó nói: “Hãy dành thời gian cầu nguyện đặc biệt cho những thành viên này trong hội thánh. Biết đâu Chúa sẽ thay đổi một số thành viên, để họ không khiến bạn phát điên nữa.” Hoặc biết đâu Ngài sẽ không làm vậy. Nhưng nếu bạn cầu nguyện khẩn thiết thì ít nhất là Ngài sẽ thay đổi bạn, để bạn có thể trở thành một người chăn xứng đáng và trung tín với bầy chiên của Ngài.

Đây Có Lẽ Là Tuần Lễ Mà Mọi Người Dễ Tiếp Nhận Tin Lành Nhất – Bạn Sẽ Chia Sẻ Chứ? >>>

Nguồn: challies.com

Tác giả: Tim Challies

Người dịch: Hannah




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.