Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Câu chuyện Ca-in và A-bên đã trở thành một bài học cho chúng ta về sự ganh ghét. Chính sự ganh ghét đã khiến tội lỗi chiếm ngự trong lòng ông và khiến ông phạm tội. Hay thậm chí là câu chuyện của Giô-sép, khi ông bị các anh ganh ghét vì ông có nhiều ơn hơn. Chúa Giê-su cũng phải chịu những sự ghen ghét như vậy vì những đám đông theo và nghe Chúa hơn, lời giảng dạy của Ngài có thẩm quyền và có nhiều phép lạ được thi hành trong chức vụ của Chúa. Nhưng sự cạnh tranh không phải là sự khôn ngoan đến từ Chúa. Trong thời kỳ này, chúng ta cần cảnh giác với sự ganh ghét và bày tỏ tình yêu thương tới anh em mình. Đó là thông điệp mà Mục sư Phạm Tuấn Nhượng muốn gửi tới con cái Chúa qua bài chia sẻ với chủ đề “Ganh ghét hay bảo vệ lẫn nhau”.
Tại sao lại có sự cạnh tranh, ganh ghét? Là vì chúng ta muốn có điều mà người khác có. Nhưng Chúa sẽ ban cho chúng ta điều đó nếu chúng ta có động cơ tốt. Trong xác thịt chúng ta đều có những tiềm ẩn về sự đố kỵ. Nếu chúng ta hiểu được điều đó, chúng ta mới có thể chiến đấu để chống lại nó. Đừng để sự ganh ghét chiếm ngự bạn. Hãy học chế ngự cảm xúc, ý tưởng về nó bởi nếu không chế ngự được nó sẽ đưa chúng ta đến tội lỗi. Chúng ta có được điều gì đó bởi ơn của Chúa và sự ban cho của Chúa.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng hãy biết yêu thương và bảo vệ lẫn nhau. Có thể ngoài xã hội, người ta coi nhau là đối thủ, nhưng trong Chúa, chúng ta là anh em với nhau. Cuộc đua trong Chúa là cuộc đua mà chúng ta không phải đối thủ của nhau mà sẽ là những người đồng hành cùng nhau trong công việc Chúa. Mỗi con người đều có sự kêu gọi khác nhau và những đích đến khác nhau. Nếu chúng ta muốn đi nhanh, chúng ta sẽ đi một mình. Nhưng nếu chúng ta muốn đi xa, chúng ta phải đi cùng nhau. Chạy cùng nhau không phải để loại nhau hay xếp hạng nhau mà là để cùng nhau đi tới mục đích cuối cùng. Chính vì vậy, chúng ta phải cảm ơn anh em mình và cùng nâng đỡ nhau trong hoạn nạn.
Trong cuộc sống, có những hoàn cảnh khiến chúng ta không thể hiểu được tại sao nó lại diễn ra và đặt ra những dấu hỏi, nhưng công việc, vương quốc và sự vận hành của Chúa thì vượt quá sự hiểu biết của chúng ta. Chính vì vậy, hãy cẩn trọng và nhịn nhục. Hãy để Chúa hành động trên cuộc sống của chúng ta. Ai trong chúng ta cũng có những sai lầm. Nhưng Chúa muốn thông qua những sai lầm để chúng ta không thần tượng hóa con người và chính mình. Bên cạnh đó, hãy tra xét động cơ của chính mình, để chúng ta hiểu động cơ của chúng ta là vì Chúa hay vì chính chúng ta, để không cạnh tranh và không phạm tội. Hãy nâng đỡ, bảo vệ và gánh vác lẫn nhau.
Bạn Cần Làm Việc Của Bạn Và Chúa Sẽ Làm Việc Của Ngài – Mục Sư Phạm Tuấn Nhượng >>>