Search
Thursday 28 March 2024
  • :
  • :

Phụ Nữ Bỏ Lỡ Bức Tranh Toàn Cảnh Khi Đổ Lỗi Cho Đàn Ông Về Áp Lực Việc Nhà

Phụ Nữ Bỏ Lỡ Bức Tranh Toàn Cảnh Khi Đổ Lỗi Cho Đàn Ông Về Áp Lực Việc Nhà

Photo Media Group / Shutterstock

Những xung đột giới tính gây ra sự quy chụp. Nhưng Phúc Âm đưa ra một giải pháp khác.

Gần đây, tạp chí Time đã đăng một bài viết bàn về việc nội trợ và việc làm cha mẹ, với nội dung khẳng định rằng “phụ nữ sẽ không bao giờ được tự do” cho đến khi đàn ông chia sẻ những “gánh nặng công việc vô hình đang kéo tuột người phụ nữ xuống”. Lisa Wade đăng bài trên cơ sở là một nghiên cứu của nhà xã hội học Susan Walzer rằng “Walzer nhận thấy rằng phụ nữ tiêu tốn nhiều tinh thần, trí tuệ và cảm xúc cho công việc nội trợ cùng chăm sóc con cái.” Bà còn viết thêm,

“Chúng ta đã đi một quãng đường dài trong sự nghiệp đem lại tự do cho phụ nữ nhằm xây dựng một cuộc sống nằm ngoài gia đình, nhưng bước cuối cùng dường như là một bước ngoặt vô hình xảy ra trong đầu óc của chúng ta. Để thực sự được tự do, chúng ta cần phải giải thoát tâm trí phụ nữ. Lẽ đương nhiên rằng có một ai đó sẽ luôn phải nhớ việc mua giấy toilet, song nếu việc này được chia sẻ, thì những gánh nặng của người phụ nữ sẽ được trút bỏ dần. Chỉ khi đó phụ nữ mới có một tâm trí nhẹ gánh như của đàn ông.”

Wade đang khảo sát một cuộc tranh cãi mà ai cũng biết và dường như không có hồi kết: Trong xã hội hậu công nghiệp nơi nhà cửa được tách biệt khỏi công sở, ai sẽ thực hiện việc nội trợ? Làm sao đàn ông và đàn bà có thể chia sẻ những công việc tẻ nhạt như lau nhà, thay bỉm cho con cái, chạy hối hả tới tiệm tạp hóa khi bình sữa trong nhà đã cạn? Và với những người làm việc bên ngoài, làm sao họ có thể cân bằng được những công việc này?

Trong cuốn sách gần đây có tựa đề “Công việc dang dở: Đàn ông, đàn bà, công việc, gia đình”, Anne-Marie Slaughter tranh luận rằng: nhằm hiểu rõ những thử thách đặc biệt mà phụ nữ phải đối mặt, chúng ta cần hiểu rõ những thử thách mà đàn ông cũng đang đối mặt; nhằm tìm ra những giải pháp logic, chúng ta phải coi những băn khoăn này không phải như “vấn đề đàn bà” mà rộng hơn, là “vấn đề chăm sóc” của cả phụ nữ và đàn ông. Khi các Cơ Đốc nhân đang vật lộn với thiết kế con người vô cùng độc đáo của Chúa, thử thách này không chỉ đem lại kết quả là những giải pháp cho nan đề, mà còn đem lại một cánh cửa mở rộng tới những trải nghiệm về bản chất của Thiên Chúa. Việc hiểu rõ những mối lo của đàn ông và phụ nữ mới chỉ là bước đầu tiên.

Trong khi Wade cho rằng hai giới đều lo lắng chung một vấn đề song ở mức độ khác nhau – và rằng phụ nữ chịu gánh nặng tinh thần nhiều hơn, tôi lại đơn giản cho rằng phụ nữ và đàn ông có những mối lo khác nhau. Điều tôi lo lắng không đồng thời là điều chồng tôi đang lo. Tất nhiên tôi vui mừng vì ngày nay đàn ông chia sẻ việc nhà với phụ nữ nhiều hơn những thế hệ trước, và phụ nữ có thể làm những công việc bên ngoài họ thích, nhưng dù vậy, tôi muốn chỉ ra một điều hiển nhiên hơn cả: công thức suy nghĩ của đàn ông và đàn bà không đồng nhất và không nên trở thành trùng lặp. Walzer đã quan sát cách suy nghĩ của phụ nữ, quan sát cách của đàn ông và cho rằng cách họ suy nghĩ không tương thích, sau đó liền phán xét đàn ông – rằng nam giới ở mọi nơi – đang đàn áp phụ nữ.

Một tuần sau bài viết của Wade, tờ Time đăng tải một phản hồi từ Josh Levs với nội dung tương phản:

Mục này của tờ tạp chí không được tạo ra nhằm công kích phái mạnh. Nó đã chỉ ra rằng đàn ông và phụ nữ dành lượng thời gian như nhau để thực hiện một lượng tổng hợp những công việc có lương và không lương. Không có gì phải bàn cãi khi nó nhận sự đồng cảm từ nhiều độc giả. Nhưng nó vẫn sai lầm khi cho rằng đàn ông có tâm trí nhẹ nhõm. Đàn ông cũng có một gánh nặng vô hình, và nó vẫn luôn đeo đẳng trên vai họ.

Giả định lệch lạc nhất của Wade – giả định mà trên đó lý luận của cô ta được xây dựng – đó là việc cho rằng đàn ông có “tâm trí nhẹ nhõm”. Là một Cơ Đốc nhân, tôi buộc phải suy nghĩ một cách độ lượng nhất khi đọc dòng kết luận này. Tôi chỉ có thể cho rằng Wade chưa có sự tiếp cận gần gũi những người đàn ông thuộc tầng lớp thấp, tầng lớp trung lưu, và tầng lớp cao – những người đàn ông đang gánh vác trọng trách kinh tế và gia đình khổng lồ. Có lẽ ý cô ấy là sự im lặng của đàn ông khi họ bị cáo buộc không làm tròn việc giúp đỡ. Hoặc cô ấy ám chỉ đến những người cha, người chồng vô công rồi nghề luôn lẩn trách trách nhiệm. Dẫu đã bỏ qua những vấn đề ngoài lề song “nhẹ nhõm” không phải một từ ngữ miêu tả chính xác trạng thái tinh thần của những ông chồng Mỹ nói chung.

Đàn ông có thể không chú ý đến việc thay giấy toilet, nhưng họ vẫn mang những gánh nặng của riêng mình – những gánh nặng có thể giống, hoặc khác hoàn toàn với những lo âu của người phụ nữ. Đơn cử là người chồng mục sư của tôi, ông thường xuyên nằm thức thâu đêm lo lắng về tiền bạc, băn khoăn về sức khỏe và sự cứu rỗi cho những đứa con, buồn phiền về vấn đề liệu hôm sau mình còn công việc nuôi ăn cả nhà không, suy nghĩ làm sao để giải tỏa gánh nặng việc nhà cho vợ, lo lắng về hóa đơn thuế, tính toán làm sao để kéo dài kì nghỉ hay cho con học đại học, rồi thỉnh thoảng phải cầu nguyện cho người ốm, kẻ ngã lòng, người bị áp bức.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chồng tôi không phải là duy nhất. “Những cuộc thăm dò cho rằng đàn ông cảm thấy tranh chiến giữa việc công và việc tư hệt phụ nữ (và trong một vài khảo sát, thậm chí cuộc tranh chiến đó có lớn hơn)”, Slaughter viết trong cuốn Công việc dang dở. “ Cả hai giới đều bị mắc kẹt trong một hệ thống.” Cô cũng trích dẫn nghiên cứu 2013 Pew Reseach, rằng “hầu hết các ông bố như các bà mẹ đều kêu rên về áp lực tung hứng giữa sự nghiệp và việc nhà.” Levs, tương tự, đưa ra một bằng chứng bổ sung như sau:

“Mức độ áp lực cũng đang tăng cao. Trên thang từ 1 đến 10, người đàn ông trung bình đang ở mức 5 điểm của sự áp lực, ngày càng gần bằng phụ nữ.” – theo tổ chức tâm lý học Mỹ. Đàn ông tự tử gấp 3.5 lần so với phụ nữ – khoảng 90 người tự sát mỗi ngày. Và vấn đề này trở nên toàn cầu hóa. Song ít người có thể nhận ra tình trạng tinh thần khổ sở của đàn ông bởi đàn ông không dễ biểu lộ áp lực hay lo lắng như phụ nữ. Thậm chí họ còn có xu hướng không tìm kiếm sự giúp đỡ.

Là một người lo lắng rất nhiều, tôi thấy rằng sự khuây khỏa để khi tôi ngước lên cầu nguyện và nhận ra rằng chồng tôi cũng đang lo lắng. Khi ấy tôi có hai sự lựa chọn: tôi có thể hỏi han để tìm ra gốc rễ của mối lo đó, hoặc tôi có thể buộc tội anh ấy đã không đặt mình vào mối lo của tôi. Khi tôi đến với sự lựa chọn thứ nhất, chúng tôi đều có không gian nhẹ nhõm. Tôi là tôi. Anh ấy là anh ấy. Mà không gộp vào làm một – khi nỗi lo của một người nuốt chửng người kia, chúng tôi tham gia vào sự đa dạng của những mối lo. Là một người tin Chúa, sự đa dạng này là một món quà lớn. Hai chúng tôi, không giống nhau, khen ngợi lẫn nhau và xoa dịu những lo lắng của xác thịt mà chúng ta thường thấy Kinh Thánh yêu cầu bỏ qua.

Chồng tôi hoàn toàn không giống tôi. Anh ấy không chú ý đến những điều tôi chú ý bởi anh ấy bận rộn nhìn nhận những điều khác mà tôi chẳng bao giờ để tâm. Anh ấy cũng gồng gánh một núi những nỗi lo hệt như tôi đang mang, nhưng chúng không tương đồng, và tóm lại đó là một món quà , một phước hạnh. Một ơn huệ lớn hơn cả đó là, ngay cả khi đầu óc chúng ta hạn hẹp và cạn kiệt sức lực, hoặc khi chúng ta cho rằng cả thế giới đang chống lại mình, Chúa vẫn không để chúng ta mắc kẹt ở đó. Trong một thế giới căng thẳng vì mối sinh tồn, vì những hiểu lầm của đàn ông và đàn bà, vì những kì vọng không thành hiện thực, sự thất vọng, sự cô đơn,… vẫn có một con đường để giải thoát khỏi những lo lắng và rắc rối. Đó không phải là việc trút bỏ những gánh nặng của mình lên người khác, hay hằn học nhìn người đối diện trên bàn ăn và đổ lỗi cho anh ta rằng không đáp ứng nhu cầu của bạn. Đó chính là việc nhìn lên người đàn ông đã chết trên Thập tự giá, đến thế gian để mang những mối lo của chúng ta chết cùng Ngài. Người ấy hiểu rõ tất cả đàn ông trên đời, hiển nhiên là vậy. Nhưng Người cũng hiểu rõ tất cả phụ nữ, không bằng cách người đàn ông hiểu phụ nữ, mà bằng cách Chúa hiểu con người – một cách hoàn hảo.

Tác giả: ANNE CARLSON KENNEDY

Nguồn: christianitytoday.com

Người dịch: Thu Uyên

Anne Carlson Kennedy sống tại New York, là mẹ của 6 đứa trẻ nhỏ và giúp đỡ người chồng là mục sư tại một nhà thờ Anglican nhỏ. Cô có một M.Div. from Virginia Theological Seminary và là tác giả của cuốn “Nailed It: 365 Sarcastic Devotions for Angry or Worn-Out People (Kalos Press). Tìm hiểu thêm trên trang blog của cô ấy, preventingrace.com. Bài viết trên được truyền cảm hứng từ một bài viết trên blog của cô : “The Way Women Think Is Not a Liability.”




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.