Search
Thursday 9 May 2024
  • :
  • :

Làm Sao Để Làm Chứng Cho Một Thế Giới Đầy Phân Tán?

Làm Sao Để Làm Chứng Cho Một Thế Giới Đầy Phân Tán?

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống Truyền giáo và môn đồ hóa hiệu quả đòi hỏi chúng ta phải đột phá.

Hiếm khi tôi nghe được suy nghĩ của chính mình.

Cảm giác như chừng nào tôi còn tỉnh thì chừng đó còn có hàng triệu tiếng mời gọi: tin nhắn, email công việc, bọn trẻ muốn uống nước, công việc treo lơ lửng trên đầu, biển quảng cáo, cảm giác thiếu đi Thứ Gì Đó Quan Trọng trên mạng xã hội, tin tức giật gân, Instagram, thông báo trên app, Netflix, podcast, âm nhạc, đồng hồ thông minh nhắc mình phải đứng lên.

Gần như lúc nào tâm trí tôi cũng phân tán và mụ mẫm. Có lẽ vì thế nên tôi thấy mình hay bồn chồn, phiền muộn hay lo lắng về điều gì đó nhưng lại không nhớ là cái gì, chứ chưa nói đến tại sao. Có quá nhiều điều diễn ra xung quanh. Vì vậy, khi những cảm giác này nảy sinh, cách dễ nhất và hiệu quả nhất là mở điện thoại ra. Và rồi cơn khiếp sợ gần như tan biến trong phút chốc. Một liều dopamine* từ Twitter đã xua tan sự lo lắng.

Không chỉ có công nghệ, mà trình tự, thời khóa biểu và thời hạn trong cuộc sống chúng ta cũng tạo nên cảm giác này. Chúng ta cảm thấy mình luôn bỏ lỡ điều gì đó hoặc không làm đủ. Luôn có nhiều chương trình, bài tập, bát đĩa, chế độ ăn, việc sắp xếp, đọc sách và podcast để mà chạy theo.

Hệ quả của tất cả những điều này là từ khi ra khỏi giường cho tới khi kiệt sức trở về giường, cuộc sống của nhiều con người hiện đại giống như một guồng xoáy với những bận rộn và công nghệ thu hút sự chú ý. Một trong những điều khiến tôi lo lắng nhất về sự phân tán là nó khiến người ta khó nhận biết và ăn năn về tội lỗi mình. Khi nào thì chúng ta có thời gian tĩnh lặng để nhìn lại cả ngày dài, đánh giá những hành động và lời nói của mình trong sự cầu nguyện?

Đêm chẳng còn tĩnh lặng

Nếu trước đây thì chúng ta có thể trả lời là vào đêm khuya. Theo thông lệ thì thời điển trước khi đi ngủ là một trong những thời điểm người ta nhận thức được tội lỗi của mình nhất. Khi bạn dính vào chiếc giường, điện đã tắt và không còn gì phân tán, ngày hôm đó bắt đầu quẩn lại. Bạn nhớ những điều đã nói và những điều chưa nói. Chỉ có ta với ta, ấy có thể là một điều đáng sợ. Như nhân vật chính trong “Mặt trời vẫn Mọc” của Ernest Hemingway nói: “Ban ngày, người ta rất dễ lãnh đạm với tất cả mọi thứ, nhưng ban đêm lại là chuyện khác.” Đến đêm, mọi rào chắn mà chúng ta dựng nên bắt đầu vỡ vụn, tội lỗi và khao khát của chúng ta với Chúa Giê-su bắt đầu rõ rệt hơn.

Chỉ có điều là đêm khuya chẳng còn tĩnh lặng như trước. Smartphone ngày càng nhiều, chúng ta càng có những nội dung tốc độ cao, độ phân giải cao và không giới hạn với màu sắc bắt mắt, tâm trí chúng ta cứ bận rộn mãi cho tới khi chìm vào giấc ngủ. Hoặc có lẽ chúng ta chìm vào giấc ngủ khi đang say sưa xem phim. Vấn đề là trong thế giới đương thời, chúng ta đã chôn vùi mọi giây tĩnh lặng cuối cùng và khiến mình bận rộn cho đến chết.

Tất nhiên là ở một mức độ nào đó, con người luôn cố gắng né tránh việc suy ngẫm về lương tâm hay đạo đức của mình. Socrates của Plato giục giã người Athen suy xét lại đời sống đạo đức của mình vì với ông, sống ở đời mà không suy xét thì chẳng đáng sống. Bị phân tán cho tới lúc chết, ấy rõ ràng là một vấn đề muôn thuở. Nhưng sự thay đổi ngoạn mục nhất là chất lượng và mức độ của sự phân tán. Ấy thế mà, dù có quyến rũ với người Athen đến đâu thì cuộn giấy từ 500 năm TCN cũng chỉ là cỏn con so với sức mạnh cảm ứng tuyệt đỉnh của một chiếc Iphone 10. Lưu lượng nội dung, tốc độ, khả năng truy cập, chất lượng, giá cả – mọi thứ đều khiến người ta ngày càng khó có thể tránh phân tán.

Như vậy, công nghệ của sự phân tán có thể trở thành rào cản, ngăn người ta hiểu thấu về bản thân mình – một điều có liên hệ thực sự với đức tin của chúng ta.

Vì thế, chúng ta cần cân nhắc cách kiềm chế sử dụng công nghệ, dành những thì giờ tĩnh lặng nhất định để cầu nguyện và suy ngẫm. Chúng ta có thể hạn chế tác động của công nghệ và cuộc sống phân tán trên chính mình và gia đình mình, còn những người xung quanh chúng ta thì sao?

Khi nghĩ đến việc hạn chế sử dụng công nghệ, hầu hết chúng ta đều nghĩ đến mức độ cá nhân. Chúng ta đưa ra những quyết định này cho chính mình và gia đình mình. Nhưng nếu công nghệ không bị cấm thì những người hàng xóm của chúng ta vẫn tiếp tục sống cuộc sống ồn ào vô hại cả đời. Nếu bạn đủ sức chi trả thì thực ra đó là một lối sống khá thú vị. Điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng cho Cơ Đốc nhân: Làm sao có thể làm chứng cho những người tự động tránh né sự nhìn nhận và suy ngẫm – những điều quan trọng để có thể nhận biết tội lỗi và sự khao khát với Chúa Cứu Thế?

Nguồn internet

Truyền giáo trong thất vọng

Hãy để tôi vẽ ra cho bạn một viễn cảnh. Tôi tin rằng bạn hoàn toàn có thể ngồi cùng một người bạn vô tín, trò chuyện một cách say sưa không dứt về Phúc âm nhưng chẳng bao giờ gieo hạt giống được sâu. Vì khi các bạn vừa rời bàn nói chuyện, anh ta sẽ lôi điện thoại ra và check Facebook hoặc trả lời tin nhắn của vợ mình. Nếu anh ta vẫn tiếp tục nghĩ về cuộc trò chuyện của hai bạn thật, thì có lẽ không phải Phúc âm khiến anh ta bối rối với cách anh ta nhìn nhận bản thân. Rất có thể là anh ta đang nghĩ về cuộc nói chuyện như một trò chơi, và giống như một vận động viên giỏi, anh ta xem lại trò chơi để mường tượng xem mình đã giành được bao nhiêu điểm.

Thành thực mà nói, bạn cũng có thể nhìn lại cuộc trò chuyện giống như vậy. Không ai trong các bạn đánh cuộc điều gì. Không ai thực sự dám thay đổi đời sống mình một cách sâu sắc. Tất cả chỉ là một điệu nhảy khoa trương hoặc một trò chơi của chúng ta. Và mục đích chính của điệu nhảy không phải là giành được linh hồn người kia nhưng để khẳng định bản thân chúng ta. Trò chơi này gọi là chủ nghĩa thể hiện bản thân. Và hầu hết chúng ta đều chơi nó. Người bạn vô tín của chúng ta trở về nhà và ba hoa với vợ về những câu chất vấn thông minh mà anh ta đặt ra trong cuộc trò chuyện, rồi anh ta xem một trận bóng đá và lên giường lướt Twitter trên điện thoại. Nhưng anh ta chẳng bao giờ hướng về một thực tế là một Đức Chúa Trời siêu việt đã trở thành con người để chết cho tội lỗi của chúng ta.

Công nghệ là một chướng ngại lớn, ngăn người ta đến với những nguồn nhận thức cần thiết để nhận biết tội lỗi và nhu cầu được cứu rỗi của bản thân, cũng vậy, những công việc của chủ nghĩa thế tục cũng ngăn chúng ta trở nên nghiêm túc với Phúc âm.

Tôi nói “chủ nghĩa thế tục” không có nghĩa là “chủ nghĩa vô thần,” nhưng theo triết gia Công giáo người Canada Charles Taylor, tôi dùng thuật ngữ này để miêu tả chủ nghĩa hoài nghi với sự siêu việt, một nhận thức rằng chúng ta luôn có những lựa chọn tín ngưỡng khác, và cảm giác rằng chúng ta sống trong một “cái khung nội tại” – một vũ trụ vật chất, khép kín. Chung quy lại, những điều này khiến đời sống thế tục hiện đại (ảnh hưởng đến cả Cơ Đốc nhân và người vô tín) trở nên giống như hình thái xã hội tiêu dùng. Chúng ta biết rằng mình luôn có thể lựa chọn lối sống khác, hệ thống tín ngưỡng hay thế giới quan khác, nên tất cả mọi tín ngưỡng đều được cào bằng thành một kiểu sở thích. Quan trọng là nó hợp với chúng ta và thật với cá tính của chúng ta. Điều này đúng với thương hiệu quần áo chúng ta mặc và niềm tin chúng ta tiếp nhận.

Trở lại với cuộc trò chuyện tưởng tượng với người hàng xóm vô tín, nó trở thành cuộc chơi một phần bởi vì cả hai bên đều cảm thấy rằng Cơ Đốc giáo chỉ là một trong hàng tỉ lựa chọn bày sẵn. Có nghĩa là dù nó có đúng thì cũng chẳng quan trọng cho lắm. Câu hỏi quan trọng nhất là nghe nó có hợp lý với tôi không, nó có đồng điệu với con người tôi không. Bởi cớ ấy, chia sẻ Phúc âm đôi khi giống như tranh luận xem ai là cầu thủ bóng chày vĩ đại nhất mọi thời đại.

Bạn say sưa đưa ra lý lẽ, bạn nghiên cứu “bằng chứng,” bạn xem mình có thể đưa ra những luận điểm hay hơn không, nhưng không điều nào thực sự chạm đến bạn và đời sống bạn. Đó chỉ là một phần trong việc thể hiện cái tôi của bạn.

Tựu chung lại, công nghệ của sự phân tán và công việc của chủ nghĩa thế tục tạo ra một rào cản vô song đối với con người hiện đại. Chúng chống lại sự suy xét, chúng mời gọi người ta coi Cơ Đốc giáo chỉ là một lựa chọn trong lối sống, và chúng khiến chúng ta lãnh cảm với nhu cầu cứu rỗi của bản thân.

Tìm kiếm một lời chứng đột phá

Những thách thức này đặt ra cho Cơ Đốc nhân đương thời một nhiệm vụ, ấy là đưa ra một lời chứng đột phá – lời làm chứng cho tính siêu việt căn bản và duy nhất của Đức Chúa Trời, mời gọi những người lân cận vật lộn với Phúc âm, nghiền ngẫm Phúc âm không giống như một lựa chọn, nhưng là lẽ thật. Và đây không phải một nhiệm vụ dễ dàng.

Nhiệm vụ này khó khăn đến vậy là vì chẳng có phương pháp nào cả. Lời chứng đột phá không phải là một phương pháp truyền giáo để luyện tập, học thuộc hay bài binh bố trận. Tôi chẳng có tài liệu huấn luyện để bán cho hội thánh bạn. Lời chứng đột phá không phải là một hệ thống, nó tạo ra các điều kiện sao cho người lân cận dễ nghe rõ lẽ thật của Phúc âm như những gì nó có. Và điều đó có nghĩa rằng chúng ta phải đánh giá từng tình huống, hỏi bản thân những câu hỏi thực tế dạng như: “Làm thế nào để dành thời gian với người hàng xóm tại một nơi mà họ có thể suy nghĩ thật chậm rãi và cẩn thận, không bị phân tán? Người này cần nghe lẽ thật nào để khuấy đảo niềm tin của họ rằng Cơ Đốc giáo chỉ là một lựa chọn trong lối sống?”

Khi cố gắng làm chứng cho đức tin của mình, chúng ta không thể dùng biện pháp quảng cáo hàng loạt, tập trung vào việc khiến khách hàng có cảm xúc tích cực đối với thương hiệu của mình. Gia tăng số lần người ta nghe thấy cái tên “Giê-su” hoặc thấy các câu Kinh thánh chỉ có hiệu quả khi chúng ta đặt mục tiêu là một Cơ Đốc giáo của người tiêu dùng. Nhưng đức tin của chúng ta không phải là thương hiệu. Nó là lẽ thật hiện thân trong truyền thống. Vì vậy, lời chứng của chúng ta phải đồng điệu với nhu cầu của từng người.

Trên thực tế, điều này giống như mời một người bạn đến xem và thảo luận những bộ phim mà cả hai bạn đều muốn đưa ra những câu hỏi khó nhằn về sự sống và cái chết. Thảm kịch, thậm chí là thảm kịch viễn tưởng, có phương cách của nó để làm rõ những bồn chồn và sợ hãi mà chúng ta đã giấu nhẹm trong đời sống phân tán thường ngày. Chẳng hạn như khi tôi và vợ tôi xem phim Cây Đời (Tree of Life), chúng tôi thấy mình cần phải ăn năn vì đã coi sự tốt lành là điều hiển nhiên. Bộ phim can thiệp vào đời sống thoải mái của tôi và buộc tôi phải suy xét thế giới tươi đẹp quanh tôi và tài năng của con tôi, là điều thúc giục tôi dâng lời cảm tạ Chúa. Tôi và vợ tôi đã trò chuyện với nhau về bộ phim này trong nhiều ngày trời. Nó ám ảnh chúng tôi đến nỗi chúng tôi cần được ám ảnh. Nó chất vấn chúng tôi.

Ngoài những tương tác cá nhân như vậy, cách chúng ta truyền đạt niềm tin nơi công cộng, cách chúng ta vận hành buổi nhóm, cách chúng ta thực hành lòng biết hơn đều có thể là những lời chứng đột phá đối với những người ở trong và ngoài hội thánh. Vì lẽ thật là trong thời đại của chúng ta, hội thánh cần nghe rõ Phúc âm hơn. Rào cản của chủ nghĩa thế tục và công nghệ không chỉ khiến việc làm chứng trở nên khó khăn hơn, chúng còn khiến cho chính chúng ta khó tin kính hơn bằng các cào bằng niềm tin, biến Cơ Đốc giáo thành một sở thích, và ngăn chúng ta nhìn nhận bản thân.

Mỗi nền văn hóa, mỗi thời đại đều có những gánh nặng của riêng nó. Nhiệm vụ của những Cơ Đốc nhân tin kính là xác định những luận điệu đó và cẩn thận tìm ra cách đối phó với chúng. Tôi tin rằng chủ nghĩa thế tục và công nghệ của sự phân tán là hai thách thức mạnh mẽ nhưng lại ít được đề cập đến trong thời đại của chúng ta. Và cách hội thánh quan tâm đến những xung lực này sẽ quyết định mức độ thành công của chúng ta trong việc đưa ra giải pháp thay thế cho những “Phúc Âm thế gian” đang bủa vây tứ phía.

Alan Noble là phó giáo sư Tiếng Anh tại Đại học Oklahoma Baptist và biên tập viên trưởng của Christ and Pop Culture. Cuốn sách mới nhất của ông là Disruptive Witness – Lời chứng Đột phá (InterVasity Press, 2018), phát hành vào ngày 17/07/2018.

*dopamine: một chất dẫn truyền thần kinh, yếu tố tạo nên khao khát và động lực, nhưng thường được cho là một chất tạo cảm giác hưng phấn. (en.wikipedia.org)

– Nguồn: christianitytoday.com

– Nguyễn Hằng dịch –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.