Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Yêu Hà Nội

Yêu Hà Nội

Xưa có một chàng trai tị nạn người Lê-ba-non được cho ăn học tại Ả-rập Sau-đi và bước lên bậc thang danh vọng tại một công ty dầu mỏ tầm cỡ nhất thế giới. Anh trở thành Giám đốc Tài chính và Trưởng bộ phận An Ninh của tập đoàn toàn cầu đó. Một ngày, khi đang xem tin tức trên truyền hình, anh rất sửng sốt trước sự đổ nát của Beruit, thành phố quê nhà. Người chủ Hồi giáo của công ty này thấy vẻ buồn rầu của anh và, sau khi nghe tới nhu cầu đó, ông cho người trai trẻ một khoản quỹ từ thiện nhiều triệu đô để xây lại trường học, nhà cửa, tường vách. Anh được tùy ý sử dụng vật liệu thô, lực lượng an ninh và cả phương tiện vận chuyển. Khi đọc tới điều này, có lẽ bạn đang nghĩ rằng đây là một câu chuyện kỳ diệu. Thực ra, câu chuyện của Nê-hê-mi trong Kinh thánh cũng diệu kỳ như vậy, nếu không nói là còn hơn thế.

Là quan tửu chánh (quan dâng rượu) của vua Ạt-ta-xét-xe II, Nê-hê-mi không chỉ đứng đầu bộ phận an ninh mà còn chịu trách nhiệm đối với tài chính của vương quốc. Địa vị của Nê-hê-mi giống như Bộ trưởng Bộ An Ninh và Tài Chính vậy.

Chương đầu của sách Nê-hê-mi kể lại rằng ông đang ở trong một khu nghỉ dưỡng mùa đông của nhà vua tại Su-sơ, phía tây nam Iran ngày nay. Khi Nê-hê-mi đang có quyền lực và sống trong xa hoa nhung lụa thì anh trai ông từ Giê-ru-sa-lem đến thăm. Người anh mang tin buồn rằng cả thành đang khốn khó. Nghe những lời ấy, Nê-hê-mi đã khóc lóc, đau buồn, kiêng ăn và cầu nguyện ròng rã bốn tháng trời.

• Ông khẩn nài tình yêu thương và lời hứa của Đức Chúa Trời.

• Ông xưng nhận tội lỗi của dân tộc mình, dù không dự phần trong những tội lỗi đó.

• Ông nhắc Chúa nhớ về lời hứa của Ngài đối với dân của Ngài khi họ ăn năn.

• Ông cầu xin Chúa để được ơn trước mặt triều đình mà mình phục vụ.

Giống như Nê-hê-mi, chúng ta – những người đang sống nơi phồn hoa đô thị rất dễ bận bịu với công việc, sự nghiệp, gia đình, những lo lắng thường nhật, hay chiếc điện thoại sắp mua và vô vàn điều khác. Khi lái xe từ nhà tới chỗ làm, rồi lại từ chỗ làm trở về nhà, đi qua những con đường lớn, chúng ta có thể không hay biết gì về những khốn khó quanh đây. Mãi tới khi một anh em, một chị em hay một người bạn kể cho chúng ta câu chuyện tang thương của họ, chúng ta mới phải đối mặt với thực tại của thành phố này. Giống như Nê-hê-mi, lòng của chúng ta không tan vỡ cho thành phố này cho tới khi chúng ta được tin dữ.

Câu hỏi đặt ra là: “Tin dữ là gì?”, Hà Nội có những vấn nạn thành thị nào? Tường đổ ở đâu, gia đình chúng ta bị hoạn nạn ra sao, kinh tế của chúng ta lao đao thế nào? Tình trạng nghèo đói, tệ nạn xã hội, nạn buôn người, lạm dụng trẻ em, tình trạng bất công, chán chường, vô cảm và nỗi thất vọng trong tâm linh đang ở mức nào?

Khi chúng ta thật sự biết được những điều đó, trong sự cầu nguyện, chúng ta sẽ phản ứng ra sao với những tin dữ đó? Làm sao chúng ta có thể cầu nguyện cho chính thành phố này và cư dân của nó như Nê-hê-mi đã làm trong đoạn 1:5-11? Chúng ta có thể khẩn xin Đức Chúa Trời thực hiện lời hứa yêu thương mọi người và phục hồi đời sống họ như thế nào? Chúng ta có thể cầu nguyện để được ơn trước chính quyền, để yêu thương và dựng xây thành phố của chúng ta ra sao?

Nguyện ngày của chúng ta như những ngày của Nê-hê-mi: rằng tấm lòng chúng ta sẽ tan vỡ trước những tin dữ từ thành phố mình đang sống, và rằng tâm linh của chúng ta sẽ đáp ứng lại bằng lời nguyện cầu xin Chúa tha thứ và ban ân điển để chúc phước cho thành phố của mình.

Mục sư Jacob Bloemberg
Hội thánh HIF (Hanoi International Fellowship)




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.