Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Có Cơ Hội Kết Nối Nhiều Hơn Bao Giờ Hết, Cớ Sao Chúng Ta Vẫn Cô Đơn?

Có Cơ Hội Kết Nối Nhiều Hơn Bao Giờ Hết, Cớ Sao Chúng Ta Vẫn Cô Đơn?

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Tôi ghét thông báo. Thế nên tôi ghét điện thoại. Vì vậy tôi mong nhớ những ngày xưa khi còn dùng chiếc điện thoại cục gạch, nhưng than ôi, chúng ta quả thật đã là một xã hội “gắn kết” đến khó tin.

Chúng ta “like” hình ảnh con cái của bạn bè, ly cà phê hay những tấm ảnh chụp phần đọc Kinh Thánh tĩnh nguyện (luôn phải chỉnh màu thật đẹp) trên Instagram. Chúng ta bàn luận sôi nổi và đăng những tấm ảnh chế hài hước có phần kệch cỡm lên Facebook. Việc nhắn tin đã trở nên quen thuộc tới mức giờ đây không còn giới hạn nào về thời điểm nhắn tin thích hợp nữa. Hầu hết mọi người đều chờ đợi tin nhắn phản hồi ngay lập tức. Nhiều người nói họ cảm thấy hơi lo lắng khi chờ một tin nhắn trả lời dường như đến ‘chậm’ khi trao đổi với bạn bè hay người bạn đời (thành thật mà nói, đa phần là biểu tượng cảm xúc như emoji hay gif). Ngày mới hẹn hò, cả hai chúng tôi đều dùng điện thoại gập. Bấm 3-4 từ trên những chiếc điện thoại như thế cảm giác như mất cả giờ đồng hồ. Vì vậy, tôi thấy bình thường khi cô ấy không nhắn lại ngay vì tôi biết rất có thể cô ấy đang cố nhắn lại.

Ý tôi muốn nói là chúng ta chưa bao giờ trải nghiệm sự kết nối mạnh mẽ như thế này trong lịch sử loài người, thế nhưng chúng ta càng lúc lại càng thấy cô đơn hơn.

Kết nối ảo, Cô đơn thật

Mới đây, báo BBC thống kê lại tình trạng cô đơn ngày một gia tăng trong tất cả thế hệ, nhưng rõ rệt nhất là ở thế hệ trẻ nhất – thế hệ thành thạo về công nghệ nhất: độ tuổi từ 16-24. Tại sao trong một thế giới dường như được điều khiển bởi mạng xã hội, chúng ta lại bị cô lập hơn?

Nếu quan sát xã hội một cách tổng quan, phần lớn mọi người đều chăm chú vào màn hình điện thoại hơn là trò chuyện với người khác. Thay vì quan tâm đến những gì người đối diện đang nói và làm, chúng ta để tâm nhiều hơn đến những gì người khác nói và làm trên mạng xã hội. Điều này thật kỳ lạ. Đích đến ban đầu của mạng xã hội là đưa con người tới gần với nhau hơn. Song nó lại phản tác dụng. Tương tác của chúng ta với màn hình điện tử vốn đã là cô lập vì không đạt được điều đó trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, mạng xã hội nuôi dưỡng sự dối gạt trong con người, khiến việc xây dựng những mối quan hệ ý nghĩa thực sự trở nên gần như không thể. Thử nghĩ mà xem: chúng ta thành thật như thế nào trên mạng? Không thành thật cho lắm! Chúng ta chỉ đăng lên những giây phút vinh quang, những khoảnh khắc hạnh phúc và những bức ảnh đẹp nhất của mình. Chúng ta không đem con người thật của mình ra trưng lên mạng xã hội, mà chỉ khoe ra một phiên bản thực tế “đã qua chỉnh sửa.”

Hơn thế nữa, sự kết nối này thúc đẩy cái tôi của con người (một yếu tố khác giết chết mối quan hệ). Ví dụ như khi bạn được gắn thẻ (tag) trong một bức ảnh nhóm, bạn nhìn vào ai trước tiên? Bạn bè hay người thân? Không, bạn nhìn vào người bạn yêu nhất: Chính bạn! Nếu bạn trông ổn thì đó là bức ảnh đẹp và bạn để lại thẻ. Nếu bạn trông xấu xí, ngay cả khi tất cả mọi người khác trông đều ổn, bạn bỏ thẻ (untag) vì coi đó là một bức ảnh xấu. Cần lưu ý, dù bạn trông như thế nào trong ảnh, bạn đang không cười, không tạo dáng hay không nhìn vào ống kính, đó vẫn là hình ảnh thực sự của bạn. Dù sao đi nữa mọi người vẫn yêu mến bạn đó thôi. Song, cái tôi của chúng ta không chỉ khiến chúng ta chỉnh sửa hình ảnh con người thật của mình trên mạng mà còn khiến chúng ta tin vào điều không có thật đó.

Tất cả những điều này tách chúng ta ra khỏi khái niệm cộng đồng theo nền tảng Kinh Thánh và thay vào đó đẩy ta vào một khuôn mẫu: nơi mà tất cả chúng ta đều thích và tán dương những thứ giống nhau.

Xác lập lại mối quan hệ

Vậy chúng ta phải làm gì? Cần phải nhắc lại khái niệm “imago dei” trên nền tảng Kinh Thánh, khái niệm về việc con người được tạo nên từ hình ảnh Đức Chúa Trời. Sáng thế kí chương 1:26-27 có chép:

26 Đức Chúa Trời phán: “Chúng Ta hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta và giống như Chúng Ta, để quản trị cả loài cá biển, loài chim trời, loài gia súc, và khắp cả đất, cùng mọi loài bò sát trên mặt đất.” 27 Đức Chúa Trời sang tạo loài người theo hình ảnh Ngài. Ngài sang tạo loài người theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Ngài sang tạo người nam và người nữ.

Các nhà thần học đã giải thích rất nhiều về tất cả sắc thái ý nghĩa của việc được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời, nhưng một trong những lời giải thích rõ ràng nhất là chúng ta được tạo dựng kết nối với cộng đồng do bản chất con người là cần có mối quan hệ với nhau. Có một Đức Chúa Trời, và một Đức Chúa Trời gồm ba thân vị vĩnh cửu, một cộng đồng của các mối quan hệ hoàn hảo. Mỗi thân vị đều bình đẳng với nhau trong thần tính và thuộc tính, vv Tuy nhiên, mỗi thân vị cũng khác biệt trong tương tác quan hệ. Con không phải là Cha và Cha không phải là Thánh Linh.

Chúng ta được tạo dựng nên để có mối tương giao với Ba Ngôi Đức Chúa Trời và giữa con người với nhau. Chính vì vậy, các mối quan hệ về bản chất vốn là phải tích cực năng động. Nói cách khác, chúng không tạo ra khuôn mẫu mà tạo nên một dòng chảy của những ý tưởng, sở thích, niềm hi vọng, nỗi sợ hãi và cả những tài năng thiên bẩm. Chúng ta đều mang trong mình ảnh tượng của Đức Chúa Trời, song lại là những cá thể riêng biệt. Tôi có nhiều người bạn khác biệt hẳn so với tôi. Một vài người trong họ là thợ săn; còn tôi thường đi “săn” ở quầy thịt tại cửa hàng. Một vài trong họ là dân sành mô tô; tôi thì đổ xăng ở bách hoá Walmart. Thậm chí một người bạn của tôi là diễn viên đóng thế Hollywood; còn tôi thì không thích trèo lên thứ gì cao hơn cái thang gấp. Tuy vậy, tình bạn của họ chính là những món quà để đẩy lùi nỗi cô đơn. Mỗi mối quan hệ đều khiến tôi được thực sự “thành con người trọn vẹn” hơn.

Được tạo dựng để gắn kết với cộng đồng

Bạn và tôi không được tạo nên để sống đơn độc mà để gắn kết trong cộng đồng, Sự tồn tại thuần túy trên mạng ảo có thể đem đến một dạng của cộng đồng, nhưng cuối cùng nó sẽ trở thành một kiểu cộng đồng theo khuôn mẫu, chứ không phải một cộng dồng thực sự. Một cộng đồng thực sự theo Kinh thánh được định nghĩa bởi sự thông công (Công Vụ 2:42-47), những hành động yêu thương quên đi bản thân mình (bỏ đi sự kiêu ngạo mình) và sự đa dạng thật (Ê phê sô 2-3). Loại hình cộng đồng này chỉ có thể được tìm thấy ở trong Hội Thánh.

Nói ngắn gọn, tất cả nhân loại cần và thậm chí khao khát những gì chỉ Hội thánh mới có thể đem lại: một cộng đồng thực sự. Thế giới công đã không thể đáp ứng được nhu cầu sống theo “imago dei” (khái niệm về việc con người được tạo dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời). Thay vào đó, nó lại đem cho chúng ta một trải nghiệm giả tạo, khiến chúng ta cứ khao khát không được lấp đầy.

Hãy bớt thời gian tìm kiếm sự gắn kết qua thế giới ảo và dành nhiều thời gian hơn để sống trong cộng đồng thế giới thực. Suy cho cùng, việc khước từ trước xã hội chân thật chính là sự phủ nhận bản chất con người trọn vẹn của chính mình.

Cơ Đốc Nhân Trong Nhà Tù Triều Tiên>>>

– Tác giả: Dayton Hartman –

– Nguồn:intersectproject.org

– Trang Nguyen dịch –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.