Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

Sáu Nguyên Tắc Xử Lý Xung Đột Của Một Hội Thánh Lành Mạnh

Sáu Nguyên Tắc Xử Lý Xung Đột Của Một Hội Thánh Lành Mạnh

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Xung đột là điều không tránh khỏi. Ngay cả trong một cuộc hôn nhân, gia đình và hội thánh lành mạnh.

Giống như hôn nhân và gia đình lành mạnh, hội thánh lành mạnh cũng không thể tránh khỏi sự xung đột, song họ biết xử lý chúng một cách hiệu quả.

Tôi đã ở trong mục vụ chăn bầy hơn 35 năm. Vào những ngày đầu, tôi đã phải đối mặt với nhiều xung đột hơn những năm gần đây. Không phải là vì hội thánh lúc đó chưa tốt mà là vì tôi đã không biết cách xử lí xung đột tốt như bây giờ.

Thật không may, tôi học được cách xử lý xung đột một cách khá vất vả – qua việc mắc lỗi.

Trước hết là qua những lỗi sai, sau đó là qua việc quan sát và học hỏi từ những hội thánh khác, tôi đã phát hiện ra 6 nguyên tắc mà một hội thánh lành mạnh sử dụng để xử lý xung đột hiệu quả:

1. Hội thánh lành mạnh biết rằng xung đột không phải là căn bệnh “vô phương cứu chữa”.

Một thân thể khỏe khoắn và lành mạnh có thể đánh bại bệnh tật tốt hơn một một thân thể yếu ớt và bệnh tật. Hội thánh cũng vậy.

Khi một hội thánh lành mạnh (không phải hoàn hảo, nhưng khỏe mạnh), họ biết rằng sự bất đồng giữa các tín đồ hoặc nhân sự chỉ giống một vài đêm mất ngủ hoặc trận cảm cúm thông thường đối với một người trưởng thành khỏe mạnh. Điều đó không dễ chịu, nhưng nó sẽ qua đi nếu chúng ta đối phó cách đúng đắn.

Khi chúng ta cảm thấy mỗi xung đột là một thảm họa đang diễn ra, chúng ta sẽ không thừa nhận chúng (và cố vùi lấp chúng, để rồi chúng trở lại, to lớn và tồi tệ hơn), hoặc chúng ta sẽ kích hoạt chế độ hoảng sợ mỗi lần một nhân sự nói với mục sư “Có thể tôi có cách làm việc đó tốt hơn” và không bao giờ tiếp nhận bất cứ điều gì mới mẻ nữa.

Cả sự thờ ơ và sự hoảng loạn đều nguy hiểm.

Một hội thánh lành mạnh biết rằng bất đồng là chuyện thường tình và hoàn toàn có thể khắc phục.

2. Hội thánh lành mạnh giảm thiểu xung đột bằng việc chú trọng phát triển sự tương tác trong đội.

Xử lý vấn đề khi chúng còn nhỏ sẽ ngăn chúng trở thành những vấn đề lớn.

Trong một hội thánh lành mạnh, không ai phải cảm thấy e ngại khi đưa một vấn đề chính đáng ra ánh sáng. Đặc biệt khi phản ánh lên ban lãnh đạo hoặc giữa vòng ban lãnh đạo.

Nhiều năm nay, mục sư giới trẻ của tôi (giờ là mục sư trưởng, Gary Garcia) thỉnh thoảng lại tới chia sẻ với tôi về một vấn đề, luôn bắt đầu bằng câu nói “Tôi không muốn cậu phải đánh một trận chiến mà thậm chí cậu còn không biết mình đang phải chiến đấu”.

Đó là một việc làm vô cùng lành mạnh. Cho anh ấy, tôi và hội thánh. Việc này xảy ra vì cớ chúng tôi đã tạo ra một môi trường để mọi người thoải mái chia sẻ vấn đề ngay sau khi họ nhìn ra chúng, từ đó chúng tôi có thể giải quyết kịp thời khi chúng còn là “chuyện nhỏ”.

3. Hội thánh lành mạnh lường trước rất nhiều xung đột sắp xảy ra bằng việc nhìn vào những dấu hiệu cảnh báo ban đầu.

Một người cẩn thận sẽ biết khi nào họ đang đặt mình trong nguy cơ bị ốm hoặc kiệt sức, họ làm theo điều răn trong Kinh Thánh và giữ ngày Sa-bát, ngày nghỉ và thời gian rảnh để có thể nghỉ ngơi và thư giãn.

Một hội thánh lành mạnh cũng vậy. Khi chúng ta để ý tới những lãnh đạo chủ chốt của mình, xem mật độ đi nhóm, việc dâng hiến, cầu nguyện, việc tham gia các mục vụ v.v…, chúng ta có thể lường trước được một vấn đề ngay từ trước khi nó bùng phát.

Ví dụ, trong hội thánh bạn, các lãnh đạo dâng một lượng thời gian và sức lực lớn để phục vụ trong mùa Giáng Sinh hoặc Phục Sinh, bạn cần xây dựng thời gian nghỉ ngơi cho họ trong những tuần kế tiếp. Điều này sẽ giảm thiểu áp lực, tăng sự trân trọng và giảm những nhân tố có thể gây ra xung đột.

4. Hội thánh lành mạnh giải quyết xung đột một cách lành mạnh.

Ngay cả khi chúng ta có mọi yếu tố để lường trước và giảm thiểu sự nghiêm trọng của xung đột, tranh luận vẫn sẽ tồn tại. Biết được rằng điều này là không thể tránh khỏi cũng đồng nghĩa với việc chúng ta, với tư cách là người lãnh đạo, phải có kế hoạch giải quyết những xung đột theo cách lành mạnh nhất có thể.

Một vài cách giải quyết lành mạnh xuất phát từ những điều không được phép, như:

• Ngồi lê đôi mách
• Chỉ mặt đặt tên
• Chiến tranh lạnh

Một vài cách khác xuất phát từ những gì bạn yêu cầu, như:

• Trò chuyện cởi mở và chân thật
• Có sự hiện diện của bên hòa giải thứ ba
• Bám sát vấn đề

Và còn nhiều nữa.

Đây không phải là danh sách đầy đủ. Không một ai có thể cho bạn danh sách đầy đủ bởi mỗi trường hợp mỗi khác, tùy thuộc vào những cá nhân có liên quan và chính vấn đề đó. Nhưng có một số những quy tắc nền tảng quan trọng, mà đối với tín đồ, bao gồm cả các hướng dẫn ở trong Ma-thi-ơ 18:15-17.

5. Hội thánh lành mạnh giảm thiểu hiểu ảnh hưởng tiêu cực của xung đột.

Khi một xung đột diễn ra, một hội thánh lành mạnh biết cách giảm thiểu thiệt hại.

Cách chủ yếu để làm điều này là giới hạn những người có liên quan, chỉ bao gồm những ai đang ở trong xung đột hoặc đang tích cực giúp giải quyết xung đột.

Rồi sau khi xung đột đã được giải quyết và mối quan hệ đã được hàn gắn hoặc (mong là chỉ trong một vài trường hợp hi hữu) chấm dứt, có một nguyên tắc quan trọng hơn hết thảy những nguyên tắc khác.

Nói cho những người cần biết về sự việc trước khi họ nghe những lời đồn đại.

Trong việc kiểm soát xung đột, đây được gọi là đi trước câu chuyện hoặc nắm quyền dẫn chuyện. Điều này nghe có vẻ độc đoán và cũng có thể sẽ xảy ra theo một cách độc đoán, nhưng khi được thực hiện một cách lành mạnh, nó đơn giản có nghĩa là: để người khác biết về những gì đã xảy ra từ chính bạn thì tốt hơn là để họ nghe từ bên thứ hai hoặc thứ ba mà có những thông tin không tốt khiến bạn phải sửa lại.

Hãy tin rằng người tốt có thể nghe được những sự thật mất lòng và đủ tôn trọng để nói với họ ngay khi họ cần biết.

6. Hội thánh lành mạnh học từ những xung đột trong quá khứ để mạnh mẽ tiến về phía trước.

Giống như chứng sổ mũi thông thường, sự bất đồng được giải quyết tốt có thể giúp một hội thánh “tăng cường miễn dịch” với những vấn đề lớn hơn trong tương lai.

Khi tôi tâm vấn “tiền hôn nhân “và “trong hôn nhân”, tôi thường nói với các cặp vợ chồng rằng một ngày có tranh cãi được giải quyết thì có lợi cho sức khỏe lâu dài của hôn nhân hơn là một ngày không có tranh cãi.

Đừng hiểu sai ý tôi. Tôi cố gắng hết sức đế có những ngày không tranh cãi – cả ở hội thánh và trong hôn nhân. Nhưng tôi học được rằng những bài học từ sự bất đồng là cách tuyệt vời để làm vững mạnh hội thánh, hôn nhân và bất kì mối quan hệ nào.

Bên cạnh đó, nếu đằng nào cũng tranh cãi thì tại sao không cố gắng nhận được điều gì đó giá trị từ việc đó?

Cách chúng tôi làm điều này vô cùng đơn giản. Dành một chút thời gian sau khi cuộc cãi vã kết thúc để hỏi những người liên quan “bạn học được gì từ bài học này?”, yêu cầu câu trả lời phải có tính hàn gắn, trung thực và xây dựng. (Phản hồi kiểu “Tôi nhận ra rằng Terry là một thằng ngu không thể cứu chữa” có nghĩa là bạn chẳng giải quyết được vấn đề gì).

Hội thánh là một gia đình, nhưng không nhất thiết phải xung đột liên tục.

Nếu hội thánh thực sự hành động như thể là gia đình trong Chúa, chúng ta ắt sẽ phải đối mặt với những thăng trầm như một gia đình bình thường. Chúng ta sẽ làm việc cùng nhau, cười cùng nhau, khóc cùng nhau và đôi khi là bất đồng với nhau.

Tuy vậy, chúng ta sẽ mãi luôn là một gia đình. Không chỉ ở trên đất này, mà là đến mãi mãi sau này nữa.

Vì vậy sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ học được cách sống hòa hợp với nhau.

Nghiên Cứu Về Những Thay Đổi Trong Các Hội Thánh Lớn Tại Mỹ>>>

– Tác giả bài viết: Karl Vaters –

– Nguồn: christianitytoday.com

– Trịnh Quế dịch –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.