Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Đây là mục vụ mang lấy gánh nặng. Nó là sự kêu gọi sẽ chẳng đem đến cho bạn sự công nhận và bạn cũng chẳng nhận nhiều phần thưởng. Hầu hết những gì bạn làm sẽ không được người khác chú ý và thậm chí là bị lãng quên bởi chính những người được giúp đỡ. Chính bạn sẽ quên đi hầu hết điều mình đã làm. Nhưng từng việc làm nhỏ bé ấy đều quan trọng. Từng chút một sẽ đều đem lại lợi ích cho người khác và làm vinh hiển Đức Chúa Trời.
Bạn đã bao giờ mong ước được giàu có? Bạn đã bao giờ tự hỏi sẽ như thế nào nếu tiền bạc không còn là rào cản ngăn cách bạn với những ước mơ? Chúng ta ắt hẳn đều có lúc nghĩ như vậy, phải không? Hầu hết tất cả chúng ta đều nghĩ rằng mình sẽ sử dụng tiền bạc cho những việc tốt lành, để phục vụ người khác chứ không chỉ cho bản thân. Chúng ta tưởng tượng ra giây phút trao chìa khoá cho một gia đình mới, hay trao học bổng toàn phần cho một học sinh chẳng bao giờ đủ khả năng chi trả. Chúng ta mơ ước sẽ sử dụng một khối tài sản khổng lồ để làm nhiều việc tốt khổng lồ.
Chúng ta hay cho rằng những việc làm lớn lao có ý nghĩa lớn lao, phải không? Và chúng ta cũng cho rằng những việc làm nhỏ bé thì chẳng mấy ý nghĩa. Song sự thật là chỉ số ít trong chúng ta có cơ hội làm những điều phi thường. Nhưng sẽ ra sao nếu như đánh giá của chúng ta là sai lầm? John Stott nói rất hay ý này qua bình luận của ông về Ga-la-ti 6:2 “Việc yêu thương nhau như Đấng Christ đã yêu chúng ta có thể sẽ không đưa chúng ta đến với những hành động anh hùng hi sinh cao cả, mà là mục vụ mang lấy gánh nặng cách âm thầm và bình thường hơn rất nhiều.”
Tôi cho rằng lí do khiến chúng ta ước mơ được giúp đỡ người khác bằng thật nhiều của cải là vì những hành động to lớn đó có vẻ quan trọng hơn. Quá nhiều những việc tốt chúng ta làm dường như quá nhỏ nhặt. Thay vì trao một chiếc chìa khoá xe ô tô mới toanh, chúng ta lại chỉ có thể đem tặng món hầm casserole có phần hơi chín quá. Thay vì quyên góp tiền sửa sang lại toàn bộ ngôi nhà, chúng ta chỉ có thể đến vào thứ bảy để phụ giúp sơn tường. Thay vì tặng họ một tấm séc để chi trả cho toàn bộ số tiền thế chấp, chúng ta chỉ có thể dành ra vài giờ để lắng nghe và an ủi. Thay vì chi tiền cho cả một kì nghỉ tuyệt vời, chúng ta chỉ có thể chăm lũ trẻ được vài giờ đồng hồ để họ có thể dành thời gian cho nhau. Những điều này chắc hẳn chẳng nằm trong ước mơ của chúng ta.
Nhưng tôi thích điều John Piper đã nói: “Đây là sự kêu gọi sẽ đem đến cho bạn niềm vui mừng lớn lao hơn gấp 10 lần việc trở thành một tỉ phú: đó là phát triển khả năng phi thường trong việc nhận ra gánh nặng của người khác và mỗi ngày đều hết lòng khiến cho gánh nặng đó nhẹ nhàng hơn.” Đây là một mục vụ phi thường của mọi Cơ Đốc nhân bình thường – mang lấy gánh nặng của người khác. Một điều dường như quá đỗi nhỏ nhặt tầm thường nhưng lại đem lại vinh hiển và tôn trọng lớn lao cho Đức Chúa Trời.
Chắc hẳn bạn biết Ma-thi-ơ chương 25, về việc chiên được tách ra khỏi dê vào thời kỳ phán xét cuối cùng (câu 31-46). Bạn đã đọc nó hàng trăm lần, nhưng đã bao giờ bạn dừng lại để suy nghĩ về “tiêu chuẩn”? Những người tin được tách ra khỏi những người không tin, không phải dựa trên việc làm to lớn hay phi thường. Chẳng hề như vậy. Vào giây phút phán xét cuối cùng khi đứng trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ bất ngờ khi nhận ra rằng những điều quan trọng nhất lại là những điều nhỏ bé nhất – những điều nhỏ bé đến nỗi chính chúng ta cũng không nhớ được: “Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống? Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà mặc cho? Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm viếng Chúa?” Nhưng những việc làm nhỏ bé này chính là minh chứng của sự cứu rỗi, minh chứng cho sự tận tâm của chúng ta cho lợi ích của người khác và đối với vinh hiển của Đức Chúa Trời.
Đây là mục vụ mang lấy gánh nặng. Nó là sự kêu gọi sẽ chẳng đem đến cho bạn sự công nhận và bạn cũng chẳng nhận nhiều phần thưởng. Hầu hết những gì bạn làm sẽ không được người khác chú ý và thậm chí là bị lãng quên bởi chính những người được giúp đỡ. Chính bạn sẽ quên đi hầu hết điều mình đã làm. Nhưng từng việc làm nhỏ bé ấy đều quan trọng. Từng chút một sẽ đều đem lại lợi ích cho người khác và làm vinh hiển Đức Chúa Trời.
Vì vậy hãy để ý đến những người đang gánh nặng. Xây dựng và rèn luyện kĩ năng nhận ra những gánh nặng đó, và quả quyết rằng bạn sẽ đến với họ. Có thể chỉ đơn giản là đem tới một món ăn, một cái ôm, một chuyến viếng thăm hay một lời cầu nguyện.
Tôi sẽ dành lời cuối cùng cho Stott: “Trở thành một người mang vác gánh nặng là một mục vụ tuyệt vời. Nó là điều mà tất cả các Cơ Đốc nhân đều nên làm. Nó là một việc làm rất đỗi tự nhiên trên con đường bước theo Đức Thánh Linh. Nó làm trọn luật pháp của Đấng Christ. “Vì vậy” Martin Luther viết, “Cơ Đốc nhân phải có bờ vai mạnh mẽ và xương cốt khoẻ mạnh” – đủ vững chắc để mang vác những gánh nặng to lớn.
Làm Sao Để Yêu Khi Bạn Không Cảm Thấy Yêu Thương?>>>
– Tác giả bài viết: Tim Challies –
– Nguồn: challies.com –
– Hà Trang dịch –