Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

Sáu Sự Khác Biệt Quan Trọng Giữa Âm Nhạc Biểu Diễn Và Âm Nhạc Thờ Phượng

Sáu Sự Khác Biệt Quan Trọng Giữa Âm Nhạc Biểu Diễn Và Âm Nhạc Thờ Phượng

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống Trong biểu diễn, người ta tập trung vào các nhạc công. Trong thờ phượng, người ta tập trung vào Chúa Giê-su. Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang dẫn thờ phượng mà không ai hát theo, thì không phải bạn đang dẫn nữa, bạn chỉ đang biểu diễn mà thôi.

Âm nhạc luôn là vấn đề gây tranh cãi trong hội thánh.

Hàng trăm năm trước, các thành viên trong hội thánh đã tranh cãi về việc hát hợp xướng hay đồng ca. Sau đó, chúng ta tranh cãi về việc có nên sử dụng các nhạc cụ hay không, rồi loại nhạc cụ nào thì thích hợp với âm nhạc trong hội thánh. Ngày nay, chúng ta tranh cãi về việc lặp lại từ ngữ, cường độ âm thanh, ánh sáng, khói, việc lặp lại từ ngữ (tôi vừa lặp lại phải không nhỉ?), rồi vô vàn những thứ khác nữa.

Có thể là tôi ngờ nghệch, nhưng khi nói đến âm nhạc, tôi hiếm khi thấy hội thánh tranh cãi về những vấn đề thật sự đáng để tranh cãi.

Vì vậy, điều gì đáng để tranh cãi – hoặc ít nhất là cần cân nhắc thật nghiêm túc – khi chúng ta nói về sự thờ phượng qua âm nhạc?

Nó là đây:

Chúng ta cần hiểu những sự khác biệt giữa âm nhạc thờ phượng và âm nhạc biểu diễn.

Thờ phượng là khác biệt

Tôi là một fan cuồng nhiệt của âm nhạc biểu diễn. Đối với tôi, nhiều buổi tối thú vị và đáng nhớ nhất là những buổi hòa nhạc, khi lắng nghe các nhạc công biểu diễn, truyền cảm hứng cho chúng ta và khiến chúng ta há hốc miệng kinh ngạc vì khả năng nghệ thuật của họ.

Nhưng âm nhạc thờ phượng lại là một điều khác, hoàn toàn.

Dù phong cách âm nhạc có là cổ điển, pop, phúc âm miền nam, adult contemporary, hợp xướng, hay mang âm hưởng của salsa hay soul, chúng ta đều nên vạch ra những ranh giới rõ ràng giữa âm nhạc thờ phượng và âm nhạc biểu diễn.

Đây là 6 điểm khác biệt:

1. Trong biểu diễn, người ta tập trung vào nhạc công. Trong thờ phượng, người ta tập trung vào Chúa Giê-su.

Đây là một điều được định sẵn, hoặc nó cần phải như vậy.

Nếu người ta tập trung vào các nhạc công thay vì Chúa Giê-su thì đó không phải là sự thờ phượng, bất kể chúng ta có gọi nó là gì.

Không có nghĩa là không được thờ phượng trên sân khấu, không ánh sáng, không có đội thờ phượng, hoặc không có ca đoàn mặc áo choàng, hoặc không dùng micro. Nhưng có nghĩa là mọi người trên sân khấu nên sử dụng khả năng nghệ thuật của mình để hướng khán giả đến với Chúa Giê-su chứ không phải chính bản thân họ.

Thực tế rằng một vài người ở trên sân khấu với ánh sáng và âm thanh được khuếch đại không có nghĩa là họ đang thu hút sự chú ý vào chính họ. Nếu ai đó chuẩn bị dẫn thờ phượng bằng âm nhạc, dân sự cần nhận ra và nghe theo (những) người dẫn. Ánh sáng, micro và sân khấu nhằm phục vụ mục đích này.

Nhưng đừng cho rằng đứng trên sân khấu thì không có sự cám dỗ đi kèm. Cho dù đó là một đội ca đoàn mặc áo choàng, một nhóm thờ phượng hát những bài thờ phượng mới nhất, hoặc một mục sư với chiếc micro, chúng ta cũng phải cẩn trọng, hãy sử dụng sân khấu này để hướng người nghe đến với Chúa Giê-su, chứ không phải hướng đến chúng ta.

Ngày nay, xu hướng là một nhóm thờ phượng có nhiều người dẫn. Đây là một cách đơn giản và tinh tế để người ta không tập trung vào người dẫn chính và cũng gợi ý cho khán giả rằng tất cả chúng ta đều thờ phượng cùng nhau.

2. Trong biểu diễn, những người ở trên sân khấu là những người hát duy nhất. Trong thờ phượng, mọi người nên hát cùng nhau.

Gần đây, có rất nhiều bài báo nói về tình trạng dân sự ngày càng ít cùng hội thánh thờ phượng Chúa qua âm nhạc. Hãy để ý những gì các bài báo đó nói cùng chúng ta.

Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang dẫn thờ phượng mà không ai hát theo, thì không phải bạn đang dẫn nữa, bạn chỉ đang biểu diễn mà thôi.

3. Trong biểu diễn, ca từ nên hỗ trợ cho giai điệu. Trong thờ phượng, giai điệu nên hỗ trợ cho ca từ.

Đã bao giờ bạn thích một bài mà bạn biết hết lời, rồi sau đó bàng hoàng hoặc bối rối khi dừng lại để xem xét lời bài hát đó? Lý do là các bài hát biểu diễn tuyệt vời hay chú trọng vào giai điệu, không chú trọng nhiều vào ca từ.

Thờ phượng thì ngược lại. Ca từ là điều quan trọng hơn.

Thậm chí các nhóm như Giải thưởng Grammy, khi đưa ra các phạm trù âm nhạc, nhạc thờ phượng là thể loại duy nhất được mô tả bởi nội dung lời hát chứ không phải bởi phong cách âm nhạc.

Điều này cũng lý giải tại sao chúng ta khó viết một bài hát thờ phượng tuyệt vời. Khi bạn đang viết một bài hát để biểu diễn, bạn chỉ cần một cấu trúc âm nhạc hay. Nếu bạn có lời hát tuyệt vời thì càng tốt (và nó có thể làm cho bài hát của bạn trở nên kinh điển), nhưng điều này không cần thiết.

Một bài hát thờ phượng tuyệt vời cần lời hát mạnh mẽ, âm nhạc khiến chúng trở nên nổi bật. Nhưng lời hát phải dẫn dắt âm nhạc chứ không phải ngược lại. Điều này thật khó để thực hiện, nhưng lại là điều cần thiết.

4. Trong biểu diễn, sự ngay thẳng của các nhạc công là thứ yếu. Trong thờ phượng, sự ngay thẳng của các nhạc công là điều cần thiết.

Một số nhạc sĩ vĩ đại trong lịch sử là những tên vô lại. Từ Mozart cho đến Jerry Lee Lewis, Ozzy Osbourne.

Thời gian gần đây (trong những trường hợp như R. Kelly), hành vi xấu không những không làm lu mờ danh tiếng của họ, chúng còn khiến dư luận quan tâm hơn đến họ và những bài hát của họ.

Nhưng trong âm nhạc thờ phượng thì không.

Khi bạn đang dẫn dắt dân sự vào sự thờ phượng, bạn cần sống một đời sống đầy đức tin và sự ngay thẳng.

Vài năm trước, một cuộc tranh luận nảy lửa đã nổ ra về việc liệu có nên cho những người vô tín chơi nhạc trong nhóm thờ phượng trong hội thánh. Thật là tuyệt vời khi chúng ta tranh luận về điều này. Làm sao một người có thể dẫn dắt những người khác vào sự thờ phượng nếu chính họ không phải là những người thờ phượng? Bạn không thể dẫn người ta đến một nơi mà chính bạn còn không đến.

Những người dẫn thờ phượng cần có chuẩn mực hành vi giống như các mục sư. Nếu sự thờ phượng qua âm nhạc là một yếu tố thiết yếu trong buổi nhóm Hội thánh (và thực sự là như vậy), thì tính cách của người dẫn đóng vai trò quan trọng.

Nghệ thuật và tài năng trong âm nhạc là quan trọng với những người dẫn thờ phượng. Nhưng nó không được đặt cao hơn sự ngay thẳng.

5. Nhạc dạo phô diễn tài năng có thể thu hút bạn trong một phần trình diễn, nhưng chúng làm bạn phân tán khỏi sự thờ phượng.

Tôi đã bị nhiều nhạc công cuốn vào sự thờ phượng, họ ngợi khen Chúa bằng mọi phong cách nhạc mà bạn có thể tưởng tượng ra. Thậm chí là thông qua các thể loại nhạc mà bình thường tôi không thích.

Tôi thậm chí có vinh hạnh được các nhạc công – những người không có tài năng đặc biệt, nhưng dâng món quà của mình cho Chúa với một trái tim chân thành và tự do – dẫn hát.

Nhưng điều dễ kéo tôi ra khỏi khoảnh khắc này là khi một nhạc công hay ca sĩ thêm những đoạn nhạc dạo để thu hút sự chú ý của khán giả vào tài năng của họ, thay vì tập trung vào Chúa Giê-su.

Khi nói đến các nhạc công trong các đội thờ phượng, nguyên tắc là hòa nhập chứ không phải là phô diễn.

6. Những người biểu diễn cần là những nhạc công lành nghề. Những người dẫn thờ phượng cần phải là những người thờ phượng hết lòng.

Khi dẫn thờ phượng qua âm nhạc, chúng ta nên nỗ lực để trở nên xuất sắc. không phải để mọi người chiêm ngưỡng màn biểu diễn của chúng ta, nhưng để mọi người chiêm ngưỡng Chúa Giê-su.

Những đội thờ phượng nên luyện tập không ngừng để đạt được sự xuất sắc trong âm nhạc. Để làm được điều này, họ nên nỗ lực hòa cùng những người khác, để không phải nghĩ nhiều đến những thay đổi trong hợp âm khi đang tích cực dẫn chúng ta vào sự thờ phượng.

Phong cách đến và đi – sự thờ phượng còn mãi

Không giống như nhiều người viết về chủ đề này, tôi không lo lắng gì về tương lai sự thờ phượng qua âm nhạc. Những tranh cãi, tranh chiến, những lo ngại chính đáng về sự thái quá trong âm nhạc thờ phượng hiện đại và sự dàn dựng là không có gì mới mẻ.

Chúng ta đã từng nói nhiều về những điều này. Chúng ta sẽ còn nói nữa. Và chúng ta nên làm như vậy.

Những tranh luận về phong cách thờ phượng, lời bài hát, nhạc cụ và dàn dựng là điều quan trọng. Điều duy nhất thay đổi chỉ là chúng ta đang tranh cãi theo phong cách nào mà thôi.

Các bài hát đến rồi đi.
Các nhạc công đến rồi đi.
Phong cách đến rồi cũng đi.
Chỉ có sự thờ phượng là còn mãi.

– Tác giả bài viết: Karl Vaters –

– Nguồn: christianitytoday.com

Yếu Tố Làm Nên Một Người Dẫn Thờ Phượng Thành Công >>>

– Thu Thơm dịch –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.