Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

Mùa Hè Này, Hãy Để Trẻ Con Được Là Con Trẻ

Mùa Hè Này, Hãy Để Trẻ Con Được Là Con Trẻ

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống Hãy nhớ rằng vui đùa và rong chơi có nhiều giá trị hơn bạn tưởng tượng. Lần tới, khi bạn định nói với con rằng: “Sao con không làm gì đó đi!” hãy suy nghĩ lại về niềm tin của mình – bận rộn không phải lúc nào cũng tốt. Ngay cả khi con bạn không làm gì nhiều lắm thì nó cũng học được nhiều điều. Đừng bao giờ đánh giá thấp việc nằm dưới bãi cỏ ngắm nhìn bầu trời, hoặc ngồi trên vỉa hè chia thanh kẹo cao su với đứa bạn.

Không nghi ngờ nữa: Thời gian để vui chơi tự do đang ngày càng bị thu hẹp. Có rất nhiều lý do để lý giải cho vấn đề này. Chúng ta làm việc trong nhiều tiếng đồng hồ hơn. Chúng ta dành quá nhiều thời gian để “dán mắt” vào ti-vi, điện thoại, điện tử và lướt web. Trẻ con có nhiều bài tập về nhà hơn bao giờ hết. Trong xã hội hiện nay, dường như chúng ta đã định rằng các hoạt động có hệ thống – học thuật, thể thao và những hoạt động khác – có lợi ích nhiều hơn so với việc vui chơi.

Nếu bạn đọc cuốn sách của tôi, Dạy con cho tốt: Để thực sự thành công trong việc nuôi dạy con cái, bạn sẽ thấy rằng thiếu vui chơi sẽ đem đến hậu quả nặng nề cho con trẻ. Nếu bạn đã sẵn sàng để thay đổi việc đặt áp lực quá lớn và lịch trình quá dày đặc cho con thì mùa hè chính là thời gian tốt nhất để bắt đầu thực hiện điều đó.

Bạn có thể làm như sau:

Đầu tiên, BẠN phải tin rằng vui chơi là quan trọng. Thật không may, điều này thật khó với nhiều phụ huynh. Chúng ta ở trong nền văn hóa coi trọng công việc và coi nhẹ sự vui chơi. Khi chúng ta thấy con gái mình nhảy múa quanh phòng khách, chúng ta nghĩ bụng: “con bé thật tài năng, nó cần học khiêu vũ! Nhưng chính giây phút bạn suy nghĩ như vậy, điệu nhảy của con bé không còn là vui chơi nữa.

Đọc các bằng chứng về việc vui chơi, bạn sẽ nhận thấy điều này có giá trị hơn nhiều so với việc nhồi nhét “giáo dục” cho trẻ từ khi còn nhỏ. Nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ học ở trường mầm non được vui chơi – ngược với trường mầm non học thuật đơn thuần – có thành tích tốt hơn ở các cấp học sau này. Thực chất, khi còn nhỏ, Einstein lại chậm tiếp thu ngôn ngữ. Khi bạn nhận ra sai lầm trong suy nghĩ của bản thân, thì bạn sẽ có động lực để thay đổi cách nuôi dạy con của mình.

Nghĩ lại những kỷ niệm đẹp nhất từ thời thơ ấu của bạn. Dòng ký ức đó không phải ở lớp học hay các bài học nhưng là thời gian bạn được là con trẻ. Chúng ta cũng cần cho con trẻ cái quyền này. Chúng xứng đáng có được tuổi thơ.

Lấy lại sự vui tươi của chính bạn. Có lẽ bạn đã không thực sự vui vẻ trong một quãng thời gian dài. Hãy quyết định thay đổi điều đó trong mùa hè này. Hãy cùng đến hồ bơi với các con của bạn. Đi cắm trại. Rửa xe đạp và đi lòng vòng. Khi các con thấy bạn vui chơi, chúng cũng sẽ sẵn sàng vui chơi cùng bạn.

Trẻ con thường làm theo những gì chúng thấy. Thêm vào đó, phần việc của bạn là vẽ ra cho chúng hình ảnh về người lớn mà chúng muốn bắt chước theo. Nếu chúng chỉ thấy bạn làm việc hoặc ngồi xem chúng đá bóng thì chúng đâu có lý do gì để mà lớn lên.

Giải thích với các con rằng hè này, bạn sẽ “xả láng” một chút.

Nói với các con rằng bạn sợ chúng quá bận rộn đến nỗi không có thời gian vui chơi và bạn muốn giúp chúng thay đổi điều đó. Sau đó, bảo chúng giúp bạn giúp việc lên “danh sách những điều tôi thích làm” cho mùa hè này. Hè này, chúng thực sự thích làm gì?

Đừng ngạc nhiên nếu chúng không biết trả lời câu hỏi đó thế nào. Nếu trong cuộc sống chúng đã từng bị quá tải với lịch trình dày đặc, thì chúng chưa quen suy nghĩ theo cách này. Một phần niềm vui trong mùa hè này là sẽ được nhìn thấy chúng được vui chơi trở lại.

Hãy hỏi các con xem chúng muốn giữ hoạt dộng nào, bỏ hoạt động nào.

Nhẹ nhàng giải thích với chúng rằng đi bơi, hướng đạo sinh, thể dục dụng cụ và học đàn piano hai lần/tuần là “làm việc” quá nhiều trong một mùa hè thư giãn. Bảo chúng tìm ra một (có thể là hai) hoạt động mà chúng không thích nhất, rồi bỏ nó đi.

Bạn có thể bị sốc khi thấy chúng nói với bạn về những gì chúng muốn bỏ. Nếu con trai bạn đã đi bơi theo nhóm trong vài năm và có vẻ rất thích bơi, thì bạn sẽ sốc khi nó muốn bỏ. Đôi khi, con chúng ta thường làm điều gì đó bởi chúng ta muốn chúng làm như vậy, và vô hình trung, chúng ta không thấy rằng lòng chúng không đặt vào đó.

Ghi ra và cân nhắc lại thời gian cho những người bạn không thân thiết và thời gian cho gia đình. Điều này có nghĩa là nói không đối với một vài lời mời. Hoặc có thể được hiểu là dành buổi tối làm đêm gia đình. Làm sao để bọn trẻ có thời gian đáng kể để đi vui chơi cùng bố mẹ hoặc bạn bè. (Thật ngạc nhiên…… nếu con bạn chơi điện tử mà chơi ít thì thực ra cũng không xấu lắm.) Tức là đảm bảo rằng con bạn có nhiều thời gian rảnh để được là con trẻ. Nếu bạn không dành riêng thời gian và bảo vệ nó tới cùng thì cuối cùng, lịch trình của bạn vẫn sẽ hỗn loạn như thường lệ.

Khích lệ vui chơi tự do. Vui chơi một cách càng tự nhiên và bột phát thì càng tốt. Một hộp cát ở sân chơi sau nhà thì tốt hơn công viên giải trí. Sỏi đá hay hơn là cái hang dơi bằng nhựa. Trò chơi ngẫu hứng ở quanh xóm nhà còn quý giá hơn trại huấn luyện bóng đá.

Hãy nhớ rằng vui đùa và rong chơi có nhiều giá trị hơn bạn tưởng tượng. Lần tới, khi bạn định nói với con rằng “Sao con không làm gì đó đi!” hãy suy nghĩ lại về niềm tin của mình – bận rộn không phải lúc nào cũng tốt. Ngay cả khi con bạn không làm gì nhiều lắm thì nó cũng học được nhiều điều. Đừng bao giờ đánh giá thấp việc nằm dưới bãi cỏ ngắm nhìn bầu trời, hoặc ngồi trên vỉa hè chia thanh kẹo cao su với đứa bạn.

Cuối cùng, hãy đủ tin tưởng con bạn để cho chúng sự tự do nhất định. Sự lựa chọn là dấu ấn đặc trưng cho sự chơi đùa thật sự. Hãy tin rằng con bạn có thể tự mình nghỉ ngơi, vui chơi hay hướng đến các hoạt động do chính chúng lựa chọn – việc của chúng là như vậy. Rất có thể là, bất cứ điều gì đứa trẻ làm theo ý chí tự do của nó sẽ tốt hơn mọi hoạt động “trau dồi bản thân” mà bạn áp đặt cho con mình.

Madeline Levine là tiến sĩ, bác sĩ lâm sàng, nhà tư vấn và nhà giáo dục, tác giả của cuốn sách bán chạy nhất theo thống kê của New York Times – The Price of Privilege và Teach Your Children Well; đồng thời là người đồng sáng lập Challenge Success, một chương trình được thành lập tại trường Giáo dục Stanford nhằm cải cách giáo dục và cải thiện phúc lợi cho học sinh. Bà sống cùng chồng ở ngoại ô San Francisc với chồng mình và tự hào khi là mẹ của ba cậu con trai mới trưởng thành.

– Nguồn: crosswalk.com

– Thu Trang dịch –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.