Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Truyền Giảng Có Nên Là Ưu Tiên Số Một Của Cơ Đốc Nhân Tại Nơi Làm Việc?

Truyền Giảng Có Nên Là Ưu Tiên Số Một Của Cơ Đốc Nhân Tại Nơi Làm Việc?

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Liệu mục đích chính của mục vụ nơi làm việc có phải là để truyền giảng? Truyền giảng nên là ưu tiên thứ mấy của Cơ Đốc nhân tại nơi làm việc? Loisusong.net xin để độc giả tự mình chiêm nghiệm.

Tháng sáu vừa qua, Phong trào Lausanne đã quy tụ hơn 700 lãnh đạo Cơ Đốc từ 109 quốc gia tới Manila tham gia Diễn đàn Nơi làm việc Toàn cầu. “Truyền giảng nên là ưu tiên thứ mấy của Cơ Đốc nhân tại nơi làm việc?” là một trong nhiều chủ đề được bàn luận tại Diễn đàn.

Liệu mục đích chính của mục vụ nơi làm việc có phải là để truyền giảng? Nhiều câu trả lời được đưa ra từ “đúng” đến “sai”. Loisusong.net xin để độc giả tự mình chiêm nghiệm.

Gea Gort, nhà nghiên cứu truyền giáo và là tác giả của Phong trào Kinh doanh như Sứ mạng Toàn cầu – BAM Global Movement (Hà Lan):

Phải, đúng vậy! Bởi vì mỗi Cơ Đốc nhân, mang trong mình “ADN” của Chúa Giê-su Chúa chúng ta, có sứ mạng hòa giải thế gian – trong và qua Đấng Christ – trở lại mục đích ban đầu của Đức Chúa Trời. Đó là Tin Lành; đó là truyền giảng. Hòa giải và phục hồi những cá nhân, cũng như những khu vực lân cận, các hệ thống, và những lối tư duy. Điều này được thực hiện tại nơi làm việc và qua công việc của chúng ta – nếu chúng ta chủ động và hết lòng tìm kiếm sự bày tỏ của Đức Chúa Trời trong mọi khía cạnh của công việc mình. Rất nhiều lần, tôi đã chứng kiến điều này trong lĩnh vực nghiên cứu của bản thân: Kinh doanh như Sứ mạng. Sứ điệp của chúng ta – dù thành lời hay không thành lời – sẽ trở nên mạnh mẽ và thuyết phục qua thái độ, văn hóa kinh doanh, và thành quả của chúng ta tại nơi làm việc. Khi đó toàn bộ đời sống chúng ta chính là một câu chuyện. Hãy nhớ rằng chúng ta không đơn độc trong nỗ lực truyền giảng này: Đức Chúa Trời luôn khao khát hành động và bày tỏ chính Ngài trên thương trường và tại những tòa nhà văn phòng, vì mọi sự thuộc về Ngài.

Joseph Vijayam, CEO công ty Công Nghệ Olive và Nhân tố xúc tác cho Công nghệ (Catalyst for Technology) của Phong trào Lausanne (Hoa Kỳ/Ấn Độ):

Mục vụ nơi làm việc là việc chia sẻ tin lành bằng lời nói và việc làm – đó là truyền giảng – nhưng cũng là bày tỏ lối sống minh chứng cho bông trái của phúc âm. Hay nói cách khác, nó bao gồm cả truyền giảng có chủ đích qua “việc làm”, cũng như lối sống hằng ngày qua chính con người bạn. Cả con người lẫn việc làm của bạn sẽ bày tỏ Đấng Christ và Tin lành của Ngài. Theo lẽ đó, phải, mục vụ nơi làm việc chính là truyền giảng, mặc dù không phải lúc nào cũng có chủ đích và chắc chắn không bị giới hạn bởi định nghĩa hạn hẹp rằng mình phải nói một cách thuyết phục về sự cứu rỗi. Một người phục vụ Chúa tại nơi làm việc luôn là một đại sứ của tin lành. Và bởi định nghĩa này, người ấy dự phần chính yếu trong công tác truyền giảng, mặc dù không phải chỉ luôn dành riêng cho công tác này.

Francis Tsui, chủ tịch công ty đầu tư và là thành viên đội ngũ tư vấn Lausanne trong lĩnh vực kiến tạo thịnh vượng và chuyển đổi toàn diện (Hồng Kông):

Chúa Giê-su dạy chúng ta cách cầu nguyện: “Nước Cha được đến, ý Cha được nên, ở đất như ở trời.” Dù ở bất cứ nơi nào, mọi tín đồ cần chú tâm vào sự kêu gọi này. Tại nơi làm việc, người tin Chúa cần sống để bày tỏ chính Chúa Chúa Giê-su như là mục đích sống và sự kêu gọi của mình. Chúa Giê-su đã đọc từ sách Ê-sai để kêu gọi người ta mang tin lành cho người nghèo, người bị giam cầm, người mù lòa, và người bị áp bức (Lu-ca 4:18-19). Cũng vậy, chúng ta cần công bố phúc âm cho những người đó tại nơi làm việc. Công bố Tin lành là để mang sự hiện hiện của Chúa Giê-su tới mọi hoàn cảnh mà người ta có thể phải đối mặt, nhờ đó họ có thể bắt gặp Chúa Giê-su và trải nghiệm sự thương xót, tình yêu, và mối liên hệ tới Chúa Giê-su trong hoàn cảnh của họ. Khi chúng ta làm như vậy, “sự truyền giảng” sẽ xảy ra. Truyền giảng không chỉ là trích dẫn phúc âm, kêu gọi ăn năn, hoặc mang tới sự biến đổi thuộc linh. Tại nơi làm việc của chúng ta, là người tin Chúa, chúng ta cần giúp người ta gặp gỡ Chúa Giê-su cách cá nhân, để chính Chúa nói với đời sống họ, và thấy mối quan hệ được hòa giải với Chúa Giê-su chúc phước cho đời sống mới một cách đúng đắn và toàn vẹn. Điều này mạnh mẽ và có sức tác động hơn hiểu biết truyền thống của chúng ta về truyền giảng.

Timothy Liu, quản lý y tế, Nhân tố xúc tác cho Mục vụ nơi làm việc của Lausanne (Lausanne Catalyst for Workplace Ministry), và chủ tịch tổ chức GWF (Singapore):

Mục vụ nơi làm việc là truyền giảng – và hơn thế nữa. Nếu nó chỉ là nơi để truyền giảng thì chúng ta đã hiểu sai về nó. Có lẽ tốt hơn hết là giả sử rằng chúng ta đang làm mục vụ nơi làm việc cách đúng đắn và hiệu quả, thì truyền giảng là “sản phẩm phụ” tất yếu. Vào năm 2004, Lausanne nhóm lại tại Pattaya, đoàn Mục Vụ Nơi Thương Trường đã đưa ra “Ba Mạng Lệnh”: Mạng lệnh Văn hóa, Mạng lệnh Yêu thương, và Mạng lệnh Truyền giảng (Lausanne Occasional Paper số 40). Chúng không tách rời nhưng là một thể thống nhất, xuất phát từ hiểu biết của chúng ta về một Thiên Chúa Ba Ngôi. Nếu chúng ta quá tập trung một lĩnh vực, thực chất là chúng ta đang có một tin lành không cân bằng. Trong thế giới hậu hiện đại, tin lành không chỉ đơn giản là nghe nhưng là nhìn thấy, cảm nhận được, và trải nghiệm qua. Chúng ta cần có hiểu biết sâu sắc hơn rằng Đấng Christ không chỉ chết thay cho con người, nhưng toàn bộ tạo vật đã bị phân cách qua sự nổi loạn của A-đam và Ê-va. Đó là Đức Chúa Trời đã rất yêu cả “cõi vũ trụ”. Bởi vậy, sự cứu rỗi của Đấng Christ đòi hỏi sự cứu chuộc và phục hồi của toàn cõi tạo vật, do đó Đấng Christ là Adam thứ nhì. Trong và qua công việc hằng ngày của các tín hữu trên toàn thế giới, chúng ta không chỉ khôi phục tạo vật của Ngài nhưng toàn bộ những điều sai trật và tan vỡ trên thế giới – mong đợi rằng sự khôi phục hoàn toàn đến trong hình hài của Thành Thánh, cả thuộc linh cũng như thuộc thể. Đấng Cứu Thế đã sống lại từ cõi chết cũng làm chứng thêm rằng sự hồi phục này bao gồm thuộc thể và thuộc linh. Do đó, công việc được biến đổi hằng ngày của chúng ta là hình dung của thực tại ấy và là hy vọng khi Đấng Christ trở lại.

Kina Robershaw, diễn giả tại GWF (Anh Quốc):

Nó phụ thuộc hoàn toàn vào định nghĩa truyền giảng của mỗi người. Sự nhận biết về truyền giảng của tôi là chia sẻ tin lành của Chúa Giê-su qua lời nói và hành động. Chúng ta làm chứng cho người khác thông qua cả lời nói và việc làm của mình. Hai điều này phải tương xứng với nhau. Chúng ta không thể biến người ta thành những tín đồ trung tín của Chúa Giê-su nếu chính chúng ta không phải là những người trung tín. Trong nghiên cứu của tôi, khi phỏng vấn 50 doanh nhân Cơ Đốc tại Anh Quốc, tôi đã bắt gặp bốn câu trả lời khác nhau về việc liệu họ có tin rằng công việc của mình đang đóng phần vào vương quốc Chúa hay không. Họ đều trả lời có, nhưng lại thấy chính mình làm điều này theo những cách khác nhau: nhóm đầu tiên bằng cách cung cấp một sản phẩm hoặc dịch vụ tuyệt vời, từ đó tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn; nhóm thứ hai thông qua bày tỏ giá trị Cơ Đốc và những tiêu chuẩn cao về đạo đức kinh doanh trong công ty họ; nhóm thứ ba thông qua chia sẻ về đức tin một cách cởi mở với mọi người trong nơi làm việc; và nhóm thứ tư thông qua việc dâng hiến rời rộng cho các tổ chức từ thiện và Cơ Đốc. Nhóm thứ ba rõ ràng là truyền giảng một cách trực tiếp nhất. Nhưng câu trả lời từ những người khác cũng đều quan trọng trong việc hỗ trợ những điều chúng ta nói. Lời nói của chúng ta thật quan trọng, nhưng chúng cần được hỗ trợ bởi hành động của chúng ta; chỉ khi đó truyền giảng mới trở thành ưu tiên cao nhất của mục vụ nơi làm việc.

Willy Kotiuga, người tình nguyện phục vụ Chúa (tentmaker – một Cơ Đốc nhân trưởng thành và tận hiến, coi công việc của mình là cơ hội để phục vụ Vương quốc Đức Chúa Trời – N.D) tại 25 quốc gia, chủ tịch hội đồng quản trị Bakke Graduate University, và chủ tịch chương trình đội ngũ GWF (Canada):

Người ta đến với Đấng Christ khi họ cảm thấy được yêu, không phải do được nghe giảng! Có phải chúng ta đang cố thuyết phục mọi người “ký” vào một hợp đồng với Đức Chúa Trời để nhận được một tấm vé lên thiên đàng, hay chúng ta đi cùng với họ khi họ bước vào một mối quan hệ giao ước mạnh mẽvới Đức Chúa Trời hằng sống? Chúng ta được kêu gọi để chủ động môn đồ hóa, không phải biến đổi người khác. Có phải chúng ta đang mắc kẹt khi cố gắng tuân thủ những phương thức “truyền giảng” mà không đầu tư để tạo ra môi trường làm việc khiến người ta dễ tìm hiểu về Chúa? Gánh nặng phải “truyền giảng” của tôi được cất đi khi tôi bắt đầu cầu nguyện mỗi ngày rằng, “Chúa ơi, xin giúp con khiến bất cứ ai gặp con trong hôm nay đều tiến gần thêm một bước trong đức tin cá nhân với Chúa Cứu Thế Giê-su.” Hành trình tới đức tin không chỉ là một sự kiện đơn lẻ. Nếu truyền giảng chỉ là tuyên bố Ngôi Lời, thì nó không bao giờ được trở thành ưu tiên số một trong mục vụ nơi làm việc. Nhưng nếu truyền giảng bao gồm xới đất, tác động tới những chiến lược công ty, chuẩn bị tấm lòng của mọi người để khám phá tình yêu thật của Đức Chúa Trời qua ân điển – thì nó cần phải trở thành ưu tiên số một. Tuy nhiên, dựa trên hiểu biết hạn hẹp hiện tại về định nghĩa truyền giảng thì nó không phải là một ưu tiên.

Wendy Simpson OAM, chủ tịch Tập đoàn Wengeo (Úc):

Không. Là một doanh nhân, tôi mong chờ một ngày các hội thánh địa phương xem việc trang bị và sai phái người làm việc vào sự kêu gọi của họ là điều cần thiết. Ưu tiên số một của mục vụ nơi làm việc phải là dấy lên những nhân tố xúc tác để lên tiếng cho nơi làm việc như là mục vụ chìa khóa của các hội thánh địa phương. Làm sao một hội thánh toàn cầu có thể mong hoàn thành Đại Mạng Lệnh và tạo nên những môn đồ 24/7, nếu nó không dạy Cơ Đốc nhân kết hợp đức tin của mình vào những hoạt động đang chiếm phần lớn thời gian của họ? Những người làm việc đang rất khao khát khám phá mục đích của Đức Chúa Trời trong công việc hằng ngày của họ. Tôi tin rằng khi hội thánh địa phương chỉ cho người làm việc cách gắn những kỷ luật thuộc linh như tĩnh nguyện, cầu nguyện, kiêng ăn, tính đơn sơ, việc xưng nhận tội lỗi, sự thờ phượng, và lễ kỷ niệm vào đời sống công việc, thế gian sẽ bắt đầu nhìn thấy một Cơ Đốc giáo đích thực đầy sức hấp dẫn. Nếu những Cơ Đốc nhân ngày Chúa Nhật đã đạt được kết quả như mong đợi thì chúng ta không cần tới mục vụ nơi làm việc. Nếu môn đồ hóa trọn đời là mạng lệnh của chúng ta, thì chúng ta thực sự cần có mục vụ nơi làm việc tại hội thánh của mình.

Jerry White, chủ tịch danh dự quốc tế của The Navigators và trung tướng đã nghỉ hưu của Không quân Hoa Kỳ (Hoa Kỳ):

Câu trả lời của tôi dành cho câu gây tranh cãi này chắc chắn là “không”. Mục vụ nơi làm việc bao quát hơn nhiều so với truyền giảng. Nó xác quyết sự thánh khiết và phẩm cách của công việc và người làm việc. Truyền giảng là kết quả tự nhiên của một đời sống trong Đấng Christ tại nơi làm việc. Cả sự hiện diện lẫn mục đích đều thấm nhuần vào tín đồ. Chúng ta bày tỏ sự hiện diện của Đấng Christ qua đạo đức làm việc và thái độ của chúng ta. Vì Đức Chúa Trời là Đấng làm việc, chúng ta hoàn thành điều răn của Ngài qua công việc (Sáng 2:15) để chăm sóc gia đình và người lân cận tại xã hội nơi chúng ta đang sống. Chúa kêu gọi chúng ta đến với nghề nghiệp. Ngài ban cho chúng ta khả năng làm việc đầy năng lực và xuất sắc. Ngài ban cho chúng ta niềm vui trong công việc và Ngài ban cho chúng ta cả những kĩ năng. Công việc không chỉ là công cụ cho truyền giảng và môn đồ hóa. Đúng hơn thì nó là một phần trong kế hoạch lớn lao Đức Chúa Trời dành cho những kẻ tin và những kẻ chưa tin. Trong bối cảnh cuộc sống, công việc, và khu lân cận, chúng ta vươn ra với tình yêu và hy vọng trong Đấng Christ, kéo những người đồng nghiệp của chúng ta đến khám phá Đấng ban mục đích sống thực sự. Khi đó truyền giảng sẽ xảy ra? Chắc chắn như vậy.

Tại nơi làm việc, chúng ta phải được chuẩn bị để “luôn sẵn sàng để trả lời những kẻ chất vấn về niềm hi vọng trong anh em”. Do đó, ưu tiên số một của chúng ta là tôn vinh Chúa, kéo mọi người tới nhìn xem Chúa Giê-su trong chúng ta. Kể cả khi ra đi truyền giáo hoặc tại thành phố quê nhà, công việc của người tin Chúa bày tỏ ánh sáng của Đấng Christ và trở nên con đường tất yếu dẫn tới phúc âm.

Làm Sao Để Làm Chứng Cho Một Thế Giới Đầy Phân Tán? >>>

– Jeremy Weber biên tập –

– Nguồn: christianitytoday.com

– Tiến Trọng dịch –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.