Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

Có Phải Chúng Ta Đã Tô Hồng Quá Mức Cho Giáng Sinh?

Có Phải Chúng Ta Đã Tô Hồng Quá Mức Cho Giáng Sinh?

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Nghe có vẻ khá kì lạ nhưng theo tôi thì chúng ta đã tô hồng quá mức cho Giáng sinh.

Hầu hết chúng ta, dù sinh ra trong gia đình Cơ Đốc hay không, đều mang ký ức về những tấm thiệp Giáng sinh với hình ảnh ngôi làng phủ đầy tuyết trắng, những cỗ xe ngựa, những tấm kính còn vương sương giá, những cây nến lung linh cùng bài ca Giáng sinh vui nhộn, và còn nhiều chi tiết khác nữa.

Chúng ta lãng mạn hoá hình ảnh ngồi bên bếp lửa nhâm nhi tách ca cao nóng giữa mùa đông tuyết rơi nhè nhẹ.
Chúng ta lãng mạn hoá hình ảnh của Chúa Giê-su, Ma-ri và Giô-sép trìu mến nhìn nhau.

Chúng ta cũng lãng mạn hóa hình ảnh bầy gia súc trong chuồng, những người chăn chiên đáng chuộng, những nhà thông thái (tất nhiên là trong những bộ đồ sặc sỡ), khi họ đang dâng những của lễ – bên trên là một ngôi sao chiếu rọi.

Mọi thứ trông thật ấm áp, xinh đẹp và dạt dào cảm xúc. Nhưng đêm Giáng sinh thật lại chẳng có vẻ gì thanh bình và hấp dẫn đến vậy.

Ôi, đừng hiểu sai ý tôi ở đây nhé.

Tất nhiên, chuyện xảy ra trong đêm Giáng sinh ấy, nói về mặt thuộc linh thì tất nhiên là xinh đẹp, ý nghĩa rồi.
Nhưng, thực tế là những sự việc xoay quanh giáng sinh của Đấng Cứu Thế lại rất xấu xí.

Câu chuyện thật rất thô kệch và khá buồn bã theo nhiều cách.

Chúa Giêsu đã sinh ra trong cái chuồng hôi hám đầy gia súc vây quanh.

Trong đêm đông giá lạnh, Ngài, một hài nhi với khuôn mặt thơ ngây được bọc quanh mình không phải trong một tấm vải mới tinh tươm nhưng trong một miếng vải chắp vá, rẻ tiền. Ngày hôm đó lạnh lẽo và ẩm ướt. Chuồng chiên nơi Ngài chào đời đầy mùi rơm và bụi, nói trắng ra thì đầy mùi phân động vật. Đức Chúa Trời hóa thân làm người lại được sinh ra trên nền đất bẩn thỉu của một chuồng chiên, chuồng bò hoặc một cái hang bốc mùi.

Chúa Toàn năng đã hạ mình xuống trần gian, trở thành con người và ở giữa chúng ta trên đất mà Ngài đã tạo dựng, ấy là một chuyện. Chỉ riêng điều đó đã khó lòng hiểu được. Nhưng còn đến theo cách này? Để phụ thuộc hoàn toàn vào sự nuôi nấng của một người mẹ trẻ và sự bảo vệ một người cha thiếu kinh nghiệm ư? Để trở nên mong manh và dễ bị tổn thương như vậy sao?

Đức Chúa Trời mà lại trở thành một đứa trẻ. Khó ai mà tưởng tượng nổi.

Theo tôi, điều xấu xí nhất của Giáng sinh đầu tiên không giảm đi tính đặc sắc của câu chuyện ban đầu nhưng lại khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Nó nêu bật sự hy sinh vĩ đại của Chúa Giê-su khi đến với chúng ta trên đất này. Nhà phê bình R.Kent Hughes viết “Đó hẳn là một bước nhảy xuống, như thể Con Đức Chúa Trời trỗi dậy từ chính vinh quang của mình, sáng lòa đứng bên rìa của vũ trụ, lao xuống, vụt qua những hành tinh qua dải Ngân hà để đến thiên hà của trái đất…. rồi lao thẳng tới chuồng chiên. Chẳng thể nào thấp kém hơn được nữa.”

Ôi,Chúa đã hạ thế vì chúng ta.

Đấng vô hình trở nên hữu hình.

Đấng vô hạn trở nên hữu hạn.

Đấng sáng tạo trở nên tạo vật.

Và Đức Chúa Trời trở nên con người.

Câu chuyện của Chúa Giê-su không phải là câu chuyện từ vịt hóa thiên nga, mà từ thiên nga hóa vịt. Nhưng Chúa Giê-su đã xuống thế gian này, từ bỏ lại mọi vinh quang để cứu lấy chúng ta. Vì anh em biết ân điển của Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-su Christ, Ngài vốn giàu nhưng đã trở nên nghèo vì anh em, để bởi sự nghèo khó của Ngài, anh em trở nên giàu có. (II Cô-rinh-tô 8:9)

Hãy Chấp Nhận Rằng Giáng sinh Có Thể Rất Xấu Xí

Khi nghĩ về những buổi nhóm Giáng sinh ngày nay, chúng ta thường nghĩ đến thời gian mà cả gia đình sum họp, quây quần bên nhau. Chúng ta hẳn đã thấy những bức ảnh, những tấm thiệp hay những chương trình TV mô tả về Giáng sinh. Nhưng dường như không gia đình nào được như vậy. Gia đình của chúng ta giống nhà Simpson hơn nhà Cleaver. Gia đình nào cũng rối ren.

Nhưng nếu bạn giống như tôi, có vẻ như bạn đang có một gia đình khá hỗn loạn. Thông thường, vào những kì nghỉ lễ, chúng tôi sẽ gặp gỡ đại gia đình với những người họ hàng đã lâu không gặp. Hẳn là ai cũng có một ông chú đáng ghét, một bà dì kì quặc, và mấy ông anh họ thích cà khịa. Thậm chí chúng ta đều biết, mỗi năm qua đi, ông nội sẽ trở nên thất thường hơn (Hẳn là vậy rồi, thật chán là giờ tôi cũng thành ông nội nốt.)

Nhưng mà hãy dừng lại mà nghĩ về điều này một chút, Chúa Giê-su sinh ra trong phả hệ lộn xộn nhất từ trước tới giờ. Tôi đang nói đến những người trong phường đĩ điếm, lừa lọc, ngoại tình, kẻ nói dối thậm chí là tên giết người nữa. Chúa Giê-su chắc sẽ hiểu cảm giác có một gia đình chẳng hề hoàn hảo.

Có thể bố mẹ của bạn ly hôn, bạn buộc phải đối mặt với hàng tá rắc rối đi liền với sự kiện đó. Bạn phải đến và thăm Mẹ và chồng của bà vào đêm Giáng Sinh, rồi lại đi thăm Bố và người tình mới của ông vào ngày hôm sau, xong mỗi năm lại phải đổi cho công bằng. Rồi những người anh em họ xa, những cậu anh họ đằng cha dượng hoặc mẹ kế, hay đại loại như vậy. Và bạn cần phải đối diện với điều này, rằng một trong số họ thật sự quái đản và khó chịu.

Hoặc có thể chính bạn đang trải qua một cuộc hôn nhân tan vỡ. Hoặc năm nay bạn mất đi người thân, khiến những bực dọc, buồn bã lại thêm hơn trong kỳ lễ này. Vậy chắc để trả lời cho câu hỏi “Bạn cho rằng cái ‘thời điểm khó quên nhất trong năm’ là gì?” Hẳn hầu hết sẽ trả lời, “Chính là khoảng thời gian khó khăn, tệ hại và buồn bực nhất trong năm”. Hẳn là vậy rồi.

Những Mâu Thuẫn Trong Mùa Giáng Sinh

Thay vì mong chờ Giáng Sinh đến, bạn lại sợ nó. Bạn biết Giáng Sinh sẽ là mùa của những mâu thuẫn. Nhưng có một điều rằng, những mâu thuẫn trong ngày Giáng Sinh đầu tiên thậm chí còn tồi tệ hơn những gì chúng ta phải trải qua. Thực tế cho thấy Satan chưa bao giờ muốn có Giáng Sinh đầu tiên và hắn dùng đủ quyền lực, thủ đoạn để ngăn Chúa Giê-su hoàn thành sự kêu gọi của mình.

Bạn có thể lý luận rằng cái bóng của cây thập tự ngả trên sự xinh đẹp của đêm Giáng sinh đầu tiên. Khi cha mẹ đem con trẻ là Giê-su đến để thực hiện các thủ tục, được Thánh Linh cảm thúc đem theo sứ điệp của Đức Chúa Trời, một người tên Si-mê-ôn đã có sứ điệp từ Chúa. Ông nói với Ma-ri rằng “Còn cô, một thanh gươm cũng sẽ đâm thấu tâm hồn cô “. Ngài đang nói rằng “Ma-ri ạ, cô sẽ đau đớn vì điều sắp xảy đến đấy.” Tại sao? Ấy bởi lẽ, Chúa Giê-su đến thế gian này để chết một cách đau đớn và khủng khiếp trên cây thập tự giá của người Rô-ma.

Bỏ lại vinh quang Thiên đàng, Chúa Giê-su đến vì một mục đích. Ngài đến để hy sinh chính mạng sống của mình.

Chúng ta thường không muốn nghĩ đến điều này vào khoảnh khắc Giáng sinh phải không? Chúng ta muốn nghĩ đến Hài nhi nhỏ nhắn nằm trên máng cỏ, được vỗ về và ngủ một giấc an lành. Tất nhiên, ở một khía cạnh nào đó, nghĩ như vậy là tốt. Nhưng chúng ta không được quên tại sao Ngài lại đến, rằng Ngài được sinh ra để chết thế, nhờ đó mà chúng ta được sống.

Giáng Sinh Màu Đỏ

Màu đỏ là màu sắc đặc trưng cho Giáng Sinh. Không phải vì ông già Nô-en mặc đồ màu đỏ. Không phải vì chúng ta gói quà màu đỏ. Cũng không phải vì cái mũi đỏ của Rudolph hay vì quả dâu rừng hay kẹo bạc hà cay.

Sắc đỏ ở đây nói đến huyết của Chúa Giê-su đã đổ ra trên cây thập tự giá. Kinh Thánh nói “vì ai bị treo trên cây là kẻ bị Đức Chúa Trời nguyền rủa.” (Phục Truyền 21:23) Chúa Giê-su đã treo mình lên nơi cây thông Giáng sinh thật hay chính cây thập tự giá ấy để chịu sự rủa sả mà đáng ra chúng ta phải chịu.

Bằng những đồ trang trí, những ánh đèn, chúng ta làm nên những cây thông Giáng sinh tuyệt đẹp. Nhưng thứ duy nhất đã bị treo trên cây thông Giáng Sinh đầu tiên ấy, để mà nói thì, là thân thể đẫm máu, tả tơi và biến dạng của Chúa Giê-su. Ngài bị treo lên đó vì hết thảy tội lỗi của nhân loại và huyết của Ngài đã tuôn ra từ đó vì chúng ta.

Ngài đã phó chính mạng sống quý giá của mình cho chúng ta, sự hy sinh của Ngài quả thật là món quà Giáng sinh tuyệt vời nhất, được ban cho nhân loại khi họ mở lòng tiếp nhận nó.

Sức hấp dẫn của phần đa những món quà giáng sinh thường qua đi rất nhanh. Bạn hầu như khó mà nhớ được rằng Giáng sinh năm ngoá mình được tặng gì, nó thực sự đã biến mất khỏi trí nhớ của bạn rồi. Nhưng Chúa đã tặng bạn một món quà quá đỗi tuyệt vời, và mỗi năm lại càng tuyệt vời hơn. Ngài tặng chúng ta sự cứu chuộc, một sự sống đời đời được trả bằng mạng sống của Chúa Giê-su. Món quà ấy trở nên quý giá hơn từng ngày, bởi khi bạn già đi, bạn càng gần hơn với ngày mà bạn sẽ nhận được sự sống đời đời cách trọn vẹn. Ngài là Đấng ban cho những điều tốt lành – thực ra là tốt nhất, và Ngài ban cho chúng ta hy vọng về Thiên đàng. Nếu bạn chưa nhận được món quà ấy, tôi khích lệ bạn hãy làm điều đó trong hôm nay.

Mục sư Greg Laurie là mục sư trưởng của hội thánh Harvest Christian Fellowship – hội thánh hiện có 2 cơ sở chính tại Nam California và Hawaii. Ông là tác giả của hơn 70 cuốn sách, là người dẫn chương trình cho kênh Radio “A New Beginning” (Khởi đầu mới) tại Mỹ và là người sáng lập ra chiến dịch Harvest Crusades (Mùa Gặt Lớn) với những sự kiện truyền giảng quy mô lớn có sự tham gia của hàng nghìn người trên khắp thế giới. Để tìm hiểu thêm, bạn đọc vui lòng truy cập tại Harvest.org.

Những Truyền Thống Giáng Sinh Trong Hội Thánh – Hãy Hỏi “Tại Sao?”

– Nguồn: crosswalk.com

– J dịch –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.