Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

Phát Hiện Bằng Chứng “Vàng Xứ O-Phia” Huyền Bí Được Chép Trong Kinh Thánh

Phát Hiện Bằng Chứng “Vàng Xứ O-Phia” Huyền Bí Được Chép Trong Kinh Thánh

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Vàng ròng xứ Ô-phia là điều bí ẩn, đã làm say mê trí tưởng tượng của con người trong nhiều thế kỷ mà ngày này vẫn là một câu hỏi đang bị bỏ ngỏ.

Kinh Thánh định giá vàng Ô-phia rất quý giá. Gióp cho rằng sự khôn ngoan là vô giá khi dùng ví dụ về vàng Ô-phia “Người ta không đánh giá nó với vàng Ô-phia, hoặc với ngọc hồng mã não hay là với ngọc bích.” Gióp 28:16. Ê-sai 13:12 thì chép “Ta sẽ làm cho loài người hiếm có hơn vàng quý, thật ta sẽ làm cho loài người hiếm có hơn vàng ròng xứ Ô-phia.”. Điều này nói đến sự quý giá và hiếm có của vàng Ô-phia như thế nào trong thời cổ đại.

Cũng bởi vì sự quý giá đó mà Kinh Thánh ghi chép Vua Đa vít đã chuẩn bị vàng Ô-phia để xây dựng đền thờ thứ nhất mà Sa-lô-môn xây: “vì lòng ta yêu mến đền của Đức Chúa Trời, nên ngoại trừ số ta đã sắm cho đền thánh, ta cũng dâng cho đền của Đức Chúa Trời ta các đồ bằng vàng và bằng bạc thuộc riêng về ta, tức là ba ngàn ta-lâng vàng Ô-phia, và bảy ngàn ta-lâng bạc thét, đặng dùng bọc các vách đền” (I Sử ký 29:3). Vì vậy mà người ta tin rằng ngôi đền ở Jerusalem được trang trí bằng 3.000 ta lâng vàng (với định giá thấp ngày nay vào khoảng 4,2 tỷ USD).

Có lẽ, vua Sa-lô-môn, vị vua khôn ngoan nhất trên thế giới, là người hiểu rõ nhất về giá trị của vàng Ô-phia khi ông là người sử dụng vàng Ô-phia nhiều nhất được chép trong Kinh Thánh. Trong sách I Các vua 9:26 có nói đến những người “..đi Ô-phia đem về cho Sa-lô-môn bốn trăm hai mươi ta-lâng vàng.” Ngoài ra, Solomon, với sự giúp đỡ của vua Phoenicia là Hiram, đã đóng tàu và cử những tôi tớ có kiến thức về biển để đến Ophir mang vàng về cho ông “Đoàn tàu Hi-ram chở vàng Ô-phia, cũng chở cây bạch-đàn rất nhiều, và ngọc quý .” (I Các Vua 9: 26-28).

Thời kỳ của Vua Sa-lô-môn được coi là đỉnh cao của sự giàu có: “Vua làm cho bạc vàng trong Giê-ru-sa-lem ra thường như đá sỏi” (II Sử ký 1:15) và trong II Sử ký 9:27: “…vua có đoàn tàu vượt sang Ta-rê-si với các tôi tớ của Hi-ram: MỖI NĂM BA LẦN, đoàn tàu Ta-rê-si chở đến vàng, bạc, ngà voi, con khỉ và con công.” Ngoài ra, Kinh Thánh cũng ghi lại ông có “300 cái khiên bằng vàng, ngai bằng ngà voi phủ vàng, cốc nước uống bằng vàng. Các bậc thang dẫn ngai vàng có 12 con sư tử vàng đối mặt với 12 con đại bàng vàng” như là minh chứng cho sự giàu có của Vua Sa-lô-môn.

Vậy vùng đất cổ đại Ô-phia, nơi có vàng ô-phia quý giá nằm ở đâu?

Vào thế kỷ 15, một nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha tuyên bố nó nằm ở vùng đất Shona của Zimbabwe. Christopher Columbus nghĩ rằng ông đã tìm thấy Ophir ở Haiti; Ngài Walter Raleigh nghĩ rằng nó nằm trong rừng rậm của Suriname. Một thuyền trưởng người Tây Ban Nha vào năm 1568 đã phát hiện ra một quần đảo và tin rằng đó là Ophir, đặt tên cho chúng là Quần đảo Solomon.

Tất cả các cuộc tìm kiếm mà không có phát hiện cụ thể nào có thể khiến người ta đặt câu hỏi: Địa điểm này có thật không?

Vào năm 1946, trong một cuộc khai quật khảo cổ tại Tel Qasile (một địa điểm ở Tel Aviv), người ta đã tìm thấy một “hũ chứa của cải” từ ghi chép đến từ vùng Ô-phia. Các mảnh gốm vỡ này nói đến một khu định cư vào thế kỷ thứ 8 như là một trung tâm xuất khẩu. Một trong số các mảnh gốm có thể là của một quan chức Israel phụ trách xuất khẩu của hoàng gia từ Tell Qasile, mô tả 1.100 thước đo dầu cho nhà vua và mảnh khác chứa nội dung quan trọng hơn. Một mảnh gốm chứa dòng chữ “Vàng Ophir cho Beth Horon – 30 shekel.” Đáng kinh ngạc là trong Kinh Thánh II Sử ký 8:5 có chép “Người (Sa-lô-môn) cũng xây Bết-hô-rôn trên và Bết-hô-rôn dưới, là những thành bền vững, có vách tường, cửa và then khóa;”

Nhà khảo cổ học nổi tiếng người Israel, Giáo sư Benjamin Mazar đã viết trên Tạp chí Nghiên cứu Cận Đông rằng “Beth Horon” à “thành phố sinh đôi, Thượng và Hạ Beth Horon, được biết đến như thành phố của người Lê-vi (trung tâm hành chính) ở quận Ép-ra-im, một thành phố lưu trữ trong thời Sa-lô-môn, một pháo đài quan trọng trên con đường dẫn từ đồng bằng lên miền núi và nằm ở biên giới Y-sơ-ra-ên và Giu-đê ”. Mảnh gốm được tìm thấy xác thực về một nơi tên là O-phia có vàng và có thật.

Bên cạnh đó, 2 Sử ký 9:21 cho chúng ta biết rằng các thuyền của vua đã đi ba năm một lần, và khi trở lại, họ mang theo vàng, bạc, ngà voi, vượn và chim công. Cảng mà tàu của nhà vua rời đi để thu thập vàng của là O-phia được mô tả trong 1 Các vua 9 là nói đến cảng ở phía nam – gần Eilat, nằm trong Vịnh Aqaba, nối với Biển Đỏ. Cảng này thường được sử dụng đến đi với Ấn Độ Dương, ngoài ra các từ tiếng Do Thái được dịch là “ngà voi”, “vượn” và “công” trong 2 Sử ký 9:21 đều có nguồn gốc từ nước ngoài, thường liên quan đến Ấn Độ. Xem xét nguồn cung dồi dào của Ấn Độ đối với tất cả các mặt hàng này, rất có thể là xứ Ô-phia có thể ở trong hoặc xung quanh Ấn Độ.

Ngoài cái tên, Kinh Thánh không cho biết nhiều chi tiết về xứ Ô-phia nhưng những gì tìm thấy được ở Tel Qasile(di chỉ gần Tel Aviv) xác nhận sự tồn tại của nó và tính xác thực của Kinh Thánh.

Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.