Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Lễ tang của Billy Graham sẽ được tổ chức vào đêm nay theo giờ Việt Nam với sự tham dự của hàng ngàn người, bao gồm cả tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhà truyền giảng vĩ đại này cũng tự mình chọn bài hát, câu Kinh thánh và người phát biểu cho lễ tang của mình như một cơ hội cuối cùng để rao truyền Tin lành.
Billy Graham bắt đầu lên kế hoạch cho lễ tang của mình cùng gia đình và bạn bè thân thiết sau chiến dịch truyền giáo cuối cùng của ông vào năm 2005. Những nhạc công từng biểu diễn trên sân khấu của Graham sẽ hát tại tang lễ. Một số nhà giảng đạo hay nhất mà Graham biết – những người con của ông – sẽ giảng sứ điệp cá nhân.
Những người đến dự lễ tang sẽ tụ họp dưới một chiếc lều để bày tỏ lòng thương tiếc và tôn trọng. Với gia đình ông, điều này tái hiện lại những chiến dịch truyền giáo khiến Graham trở thành “Mục sư Hoa Kỳ” và nhà giảng đạo Tin Lành nổi tiếng nhất thế giới đương thời.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Mark DeMoss – người phát ngôn gia đình – cho biết: “Chắc chắn tang lễ sẽ có dấu ấn của ông. Từ lâu, gia đình Graham đã coi lễ tang là chiến dịch truyền giáo cuối cùng của Billy Graham.”
Qua đời ở tuổi 99 vào tuần trước, Billy Graham đã mang sứ điệp cứu rỗi đến hàng triệu người trong các chuyến thăm viếng và phát sóng trực tiếp trên nhiều quốc gia. Đám đông đến dự lễ tang vào hôm nay tại Thư viện Billy Graham chỉ giới hạn ở con số 2000 người được mời, nhưng nhiều người có thể xem trực tiếp lễ tang của ông trên Internet.
Lễ tang có những bài hát từ những nhạc công Tin lành đã biểu diễn tại các sự kiện truyền giảng của Graham: Linda McCrary-Fisher, Michael W. Smith và the Gaither Vocal Band. Theo lời DeMoss, họ đều là những người bạn đã hát cho Graham nghe tại chính nhà của ông trong những năm gần đây: “Họ không chỉ là những nghệ sĩ.”
Sau những bài phát biểu ngắn của những người con khác, con trai cả của Graham là Franklin Graham cũng sẽ giảng sứ điệp tại lễ tang. Tang lễ dự kiến kéo dài 90 phút với những lời cầu nguyện của những mục sư từ cả xa lẫn gần – từ quê hương Charlotte đến châu Á xa xôi.
Tổng thống Donald Trump cũng sẽ đến dự lễ tang.
Sau đó, Billy Graham sẽ được chôn cạnh vợ mình tại khu vườn cầu nguyện tại thư viện Billy Graham. Chính các cháu ruột của ông sẽ làm những người hộ tang. Quan tài của ông được làm từ gỗ thông bởi chính tay những tù nhân tại Angola. Trên mộ ông có ghi dòng chữ: “Nhà giảng Tin lành của Chúa Giê-su Christ.”
Trước đó, cựu tổng thống George W. Bush và Bill Clinton cũng đến viếng linh cữu của ông tại Charlotte. Thứ tư vừa rồi, Graham trở thành thường dân đầu tiên được đặt quan tài tại Capitol Rotunda tại Washington kể từ khi biểu tượng dân quyền Rosa Parks qua đời vào năm 2005.
Ấy vậy mà những người thân yêu của Graham đều nói rằng ông xem mình như một nhà giảng đạo khiêm tốn bị những lời tán tụng làm cho bối rối.
Và trên hết, đối với Billy Graham, lời từ biệt của ông hôm nay chỉ đánh dấu mốc cuối cùng trên hành trình của ông trên đất này.
“Tôi có sợ chết không? Không. Tôi tha thiết mong mỏi sự chết. Tôi mong được thấy Chúa mặt đối mặt. Và điều đó có thể xảy đến bất cứ ngày nào.”
Franklin Graham: Nhà Mới Của Ba Tôi>>>
-Nguồn: abcnews.go.com–
-Người dịch: Nguyễn Hằng-