Bước vào sự kêu gọi của Chúa
Mỗi người trong chúng ta sẽ đến với Chúa vì những lý do và hoàn cảnh khác nhau. Đối với bản thân tôi, Chúa đã đến với cuộc đời tôi bằng một phép lạ siêu nhiên. Khi còn là thanh niên, tôi bị một chứng bệnh nghiêm trọng là bệnh chảy máu dạ dày. Tình hình bệnh tình lúc đó của tôi khá nặng, có thể khó qua khỏi, tôi đã nghĩ mình sẽ chết và chẳng có cơ may sống sót nào. Nhưng Chúa đã đến với tôi, chữa lành bệnh tật và phục hồi lại thân thể của tôi trở lại khỏe mạnh. Chúa thật là Đấng lớn và lạ lùng.
Trong khoảng thời gian đầu biết về Chúa, tôi sống cùng phòng với một người là mục sư trong Hội Thánh. Tôi thấy được những phước hạnh mà Chúa ban cho người đó, nhưng đồng thời cũng thấy nhiều sự khó khăn mà người này phải trải qua. Anh ấy thiếu thốn rất nhiều từ tiền bạc cho đến những sự thiếu thốn về nhu cầu cơ bản là đồ ăn, áo mặc. Điều này đem lại cho tôi cảm giác sợ phải bước vào con đường hầu việc Chúa như người anh em ấy. Vì vậy, đã có lần tôi nói với Chúa: “Ngài gọi con làm gì cũng được nhưng đừng gọi con làm Mục sư”. Nhưng đúng là ý tưởng Chúa thì cao hơn ý tưởng của tôi, Đức Chúa Trời đã gọi tôi vào chức vụ mà tôi luôn muốn né tránh, trở thành một người mục sư truyền đạo.
Khi đã là mục sư, tôi được giao quản nhiệm tại một Hội Thánh khu vực. Bản thân tôi suy nghĩ rằng, cả cuộc đời mình sẽ gắn bó với Hội Thánh này, sống cuộc sống bình lặng và chăm sóc bầy chiên mà Đức Chúa Trời giao phó. Tôi rất yêu Hội Thánh và bầy chiên của Ngài nên tôi chẳng bao giờ nghĩ đến việc rời họ và đi đâu khác. Vào một ngày nọ, Hội Thánh nơi tôi hầu việc Chúa được tiếp đón một người mục sư khác, ông đến để chia sẻ với Hội Thánh chúng tôi về cuộc đời của chính mình. Người đầy tớ ấy vừa là một người mục sư lại vừa là một người giáo sĩ. Ông đã kể cho chúng tôi những năm tháng làm giáo sĩ của mình, về việc Đức Chúa Trời đã gọi ông làm giáo sĩ ra sao. Bề ngoài tôi tôn trọng và nghiêm túc lắng nghe, nhưng trong đầu thì tự nhủ không đời nào sẽ làm giáo sĩ. Nhưng ngay lập tức, một sự thôi thúc kỳ lạ lại đặt vào trong lòng tôi – ước muốn trở thành một giáo sĩ cho Chúa. Quả là một sự đối lập trái ngược, tâm trí thì nói không nhưng tâm linh thì lại nói có với hai từ “giáo sĩ”. Hai điều này cứ diễn ra trong tôi, khiến tôi phân vân và phải nghiêm túc cầu nguyện hỏi Chúa nhiều lần. Càng cầu nguyện, tâm linh tôi càng xác chứng một điều rằng Chúa muốn tôi là một giáo sĩ, đi rao giảng lời Chúa và làm công việc Ngài ở nhiều nơi khác nhau.
Nhưng phải đi đâu, khi nào và bắt đầu như thế nào?
Một người giáo sĩ là một điều hoàn toàn mới mẻ, tôi biết Chúa gọi mình đi nhưng không biết phải đến nơi đâu là ý muốn Chúa. Tôi tiếp tục cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện. Sau đó, qua những sự cầu nguyện cùng sự nhắc nhở của một người anh em trong Chúa, mảnh đất miền Tây được đặt vào tấm lòng và tâm trí của tôi. Tôi đã đến đó để khảo sát tình hình và muốn chắc chắn hơn về sự kêu gọi của Chúa. Đây sẽ là một quyết định lớn, vì nó sẽ ảnh hưởng tới tất cả các thành viên trong gia đình tôi. Khi di chuyển đến một vùng đất mới đòi hỏi chúng tôi phải cần nhiều chi phí tiền bạc, chuyện học hành của con cái phải sắp xếp lại và chúng tôi phải học cách thích nghi với lối sống ở nơi đó. Một bước đi sai lầm không theo ý muốn Chúa sẽ dẫn đến những hệ quả không tốt đẹp cho cuộc sống của chúng tôi. Có một lần tại miền Tây tôi đã cầu nguyện và hỏi Chúa lần nữa “Ngài có muốn con đến đây không?” Nhưng lúc đó Đức Chúa Trời nói “Ta đã nói rồi, Ta sẽ không nói nữa”. Tôi hiểu Ngài đã bày tỏ cho tôi biết qua giấc mơ, sự thôi thúc và ấn chứng trong lòng thì chừng đó là đủ cho tôi biết ý muốn của Ngài. Cả gia đình chúng tôi quyết định đi đến miền Tây.
Cuộc sống người giáo sĩ với những sự xáo trộn và đầy sự bất ngờ
Những ngày đầu sống tại miền Tây, tôi đã cảm thấy rất nhiều sự thay đổi. Gia đình chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn về văn hoá và ngôn ngữ. Chúng tôi nói giọng miền Bắc còn ở đây họ nói tiếng địa phương nên nhiều vấn đề chúng tôi không hiểu. Thậm chí có lần đi đường hỏi địa chỉ, họ nói nhưng chúng tôi cũng không hiểu nên đành dùng bản đồ và định vị để tìm đường. Điều này khiến tôi phải học những từ địa phương, bởi nếu không khi tư vấn cho tín đồ tại Hội Thánh thì tôi cũng chẳng giúp được gì cho họ.
Các con chúng tôi cũng phải chịu sự thay đổi này. Trong ba đứa con thì một đứa phải học tại trường Giáo dục đào tạo thường xuyên là nơi dành cho những đứa trẻ hư, không phải vì cháu không ngoan hay học kém mà vì chúng tôi cần nhiều thứ để “chạy” vào trường khác. Một khó khăn khác nữa là nơi ở, vùng đất này có những mùa nước sẽ dâng lên cao, do chưa quen nên có lần nhà chúng tôi bị ngập nước, mọi đồ đạc dùng trong nhà bị ngâm nước nhiều nên hư hỏng nặng, nhất là những đồ điện tử. Hay môt sự tranh chiến lớn mà tôi gặp phải khi bắt đầu ở một nơi xa lạ, đó là sự cô đơn và buồn chán. Nhiều lần tôi phải ngủ trên chòi lúa ngoài cánh đồng, không có điện nước, xung quanh chỉ có màn đêm và những con vật. Có khi phải tập làm quen với những nơi ở mà có đủ các loại mùi hôi thôi. Tôi cũng phải tập làm quen với sự thất thường về đồ ăn, có những khi được ăn những món ăn rất ngon, nhận được sự tiếp đãi nồng hậu nhưng cũng rất nhiều lần phải ăn những đồ ăn khó nuốt, hoặc thậm chí phải nhịn đói nhiều ngày.
Những áp lực cùng sự thay đổi về môi trường sống thì bạn có thể thích nghi theo năm tháng; nhưng áp lực về thuộc linh thì không thể thích nghi mà bạn cần phải cầu nguyện, tranh chiến và chống trả chúng. Trong những ngày tháng làm giáo sĩ, tôi phải cầu nguyện rất nhiều để gần Chúa hơn, khiến đức tin tăng trưởng để vượt qua những áp lực cả về thuộc linh và thuộc thể. Những khó khăn xảy đến là thử thách và cũng là cơ hội cho bản thân tôi rèn luyện và trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi luôn biết rằng Đức Chúa Trời ở cùng tôi, sự bảo vệ của Ngài bao phủ tôi khi đi ra đi vào và Ngài là Đấng chu cấp mọi nhu cần của tôi.
Áp lực sẽ khiến tôi tìm kiếm Chúa nhiều hơn, từ đó nhiều dấu kỳ phép lạ sẽ xảy ra để vinh hiển Chúa được bày lộ. Có nhiều buổi nhóm diễn ra và có rất nhiều người được giải phóng khỏi các linh bệnh tật như tim, xoang, đau cột sống, tay, chân… hay sự tự do khỏi các tội lỗi mang tính trói buộc. Mỗi lần giảng và cầu nguyện như vậy, tôi thường kiêng ăn tìm kiếm quyền năng của Chúa. Tôi đã thấy rất nhiều tà linh thoát ra trong các buổi nhóm, điều này khiến người ta tin vào lời Chúa nhiều hơn và tránh xa khỏi tội lỗi. Tôi có cách nhìn vào Kinh Thánh thực tế và gần gũi hơn. Trước kia, tôi chỉ thấy Đức Chúa Trời và lời của Ngài. Còn bây giờ tôi hiểu hơn về Satan, kẻ thù của chúng ta rằng chúng cũng rất thực. Chúng ta cần phải có đời sống nên Thánh để thực thi uy quyền mà Chúa ban cho để đánh đuổi chúng.
Sự chu cấp của Chúa cũng đi cùng với công việc Ngài. Cách đây nhiều năm trong một sự túng thiếu về tiền bạc tôi đã cầu hỏi Chúa để đi ra tình trạng đó. Đức Chúa Trời đã nói với tôi cá nhân “nếu con có sự xức dầu thì con sẽ có tất cả”. Bây giờ, tôi hiểu muốn có sự xức dầu từ Chúa mình phải là người tìm kiếm Ngài, phải chăm chỉ làm công việc Chúa. Đức Chúa Trời sẽ không trả tiền công cho những kẻ lười, chỉ muốn mọi sự là dễ dàng. Tôi biết sự kêu gọi của mình, tôi biết làm việc cũng vất vả nhưng Đức Chúa Trời là Đấng ban thưởng.
Khi đi ra trên cánh đồng truyền giáo, chúng ta sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều người phục vụ Chúa, bạn sẽ thấy sự đa dạng trong con đường phục vụ Ngài. Bạn sẽ hiểu Đức Chúa Trời là Đấng tạo ra muôn loài đa dạng khác nhau. Lúc đó bạn sẽ thấy Đức Chúa Trời không chỉ dùng những người trong hệ phái của bạn mà Ngài sử dụng tất cả mọi người, mọi tầng lớp, mọi Hội Thánh cho công việc của Ngài. Tôi đã thấy có những người giảng đạo với những sự xức dầu mạnh mẽ, thấy những dấu kỳ phép lạ mà trước đó tôi chưa thấy. Điều này khiến tôi phải học hỏi, hạ mình và biết rằng trên cánh đồng truyền giáo luôn luôn có ai đó đi trước mình. Đức Chúa Trời đã sai nhiều con người đi trước, có thể dạy và giúp chúng ta trên cánh đồng truyền giáo. Việc này khiến tôi nhớ tới trong ICác vua 18, tiên tri Ê-li đã kêu lên “chỉ mình con còn lại” nhưng Đức Chúa Trời đã trả lời ông Ngài còn “…bảy nghìn người…”. Bạn không đơn độc, Đức Chúa Trời không chỉ sử dụng một mình bạn mà Ngài còn “…bảy nghìn người…” sẵn sàng cho Ngài.
Chắc chắn rằng, trên cánh đồng truyền giáo có nhiều khó khăn vất vả, nhưng nếu chúng ta không bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và vâng theo tiếng gọi của Chúa thì chúng ta sẽ bỏ lỡ rất nhiều phước hạnh và quyền năng mà Ngài sẵn ban cho. Hầu việc Đức Chúa Trời chính là một đặc ân lớn. Quyết định ra sao đó là lựa chọn của mỗi người chúng ta. Cầu xin Chúa khiến cái nhìn của bạn và tôi được mở rộng cho vương quốc Ngài, cầu xin Chúa khiến tấm lòng của chúng ta khiêm nhường hơn, sốt sắng hơn nữa. Như có lời chép “mọi sự hiệp lại đều có ích cho những kẻ yêu mến Chúa”. Nguyện Chúa được vinh hiển trong mọi sự!
Những Trải Nghiệm Thú Vị Trong Hành Trình Tuyền Giáo>>>
-Mục sư, giáo sĩ Phạm Ngọc Anh-