Search
Tuesday 3 December 2024
  • :
  • :

Mười Điều Cần Hiểu Về Người Bạn Đời Tương Lai Trước Khi Bước Vào Hôn Nhân

Mười Điều Cần Hiểu Về Người Bạn Đời Tương Lai Trước Khi Bước Vào Hôn Nhân

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Sau khi một cặp đôi đính hôn, mọi sự chú ý đổ dồn vào đám cưới: Hôn lễ tổ chức ở đâu? Đã tìm được váy cưới chưa? Phù dâu phù rể là ai? Và danh sách cứ dài mãi dài mãi, hai người rất dễ bị cuốn theo danh sách các việc cần làm và các tiểu tiết mà quên đi bức tranh lớn hơn: tương lai chung của hai người.

Đám cưới là một dấu mốc lớn, nhưng điều thực sự quan trọng là cần phải tìm hiểu về đối phương trước khi hai bạn bắt đầu một hành trình trọn đời cùng nhau. Tâm vấn tiền hôn nhân và thảo luận thành thật về những chủ đề quan trọng sẽ giúp bạn hiểu về người bạn đời tương lai sâu sắc hơn, và đảm bảo rằng các mục tiêu và giá trị của hai bạn tương thích với nhau.

1. Chia sẻ hành trình đức tin và niềm tin của hai bạn

Một điều vô cùng quan trọng là hiểu được con đường đã dẫn hai bạn đến thời điểm này trong hành trình đức tin Cơ Đốc của mình. Bạn lớn lên trong hội thánh hay sau này mới tiếp nhận Chúa? Điều gì khiến việc đó xảy ra? Bạn đang vật lộn với những câu hỏi nào trong tâm trí? Có chủ đề nào bạn cảm thấy sự xác quyết mạnh mẽ?

Nếu có bất kỳ vấn đề gì liên quan đến hội thánh mà bạn cảm thấy vô cùng nhiệt huyết, bạn nên biết được suy nghĩ của đối phương về vấn đề đó. Nếu người ấy có suy nghĩ khác bạn, hãy cố gắng thấu hiểu chứ đừng phán xét. Hãy thiết lập mối quan hệ của bạn trở thành một nơi an toàn để có thể đối thoại chân thật và sâu sắc.

2. Biết cách đối phương trao và nhận tình yêu

Cuốn sách bán chạy “Năm Ngôn Ngữ Tình Yêu” của Mục sư Gary Chapman là một công cụ hữu ích để xác định cách đối phương (và bạn) trao và nhận tình yêu như thế nào. Chapman liệt kê ra những ngôn ngữ yêu thương sau: lời khích lệ, động chạm vật lý, hành động phục vụ, thời gian chất lượng, và quà tặng.

Nếu đối phương cảm thấy được yêu thương khi nghe những lời khích lệ (chẳng hạn, “Anh yêu em. Anh tự hào về em”), nhưng bạn lại mua quà, món quà của bạn sẽ không truyền tải được hết tình yêu dành cho đối phương như bạn mong muốn. Theo Chapman, để cảm nhận yêu thương thật trọn vẹn, chúng ta cần đối phương bày tỏ tình yêu theo ngôn ngữ tình yêu của chúng ta. Hiểu được nhu cầu của đối phương trước khi bước vào hôn nhân có thể giúp bạn chủ động và chủ ý hơn về hành động của mình.

3. Thảo luận những mối quan hệ trong quá khứ

Đừng ngại khi nói về chuyện cũ; thảo luận và rút ra bài học từ những mối quan hệ cũ không phải là cứ sống mãi trong những điều đó. Nhìn lại những gì không ổn ở những mối quan hệ trước giúp bạn và người bạn đời tương lai tránh những sai lầm cũ. Sự truyền thông, tin tưởng và sự gần gũi về cảm xúc là những chủ đề bạn có thể sẽ gặp.

Nhìn lại những mối quan hệ cũ cũng giúp bạn chắc chắn về những điều đang đi đúng hướng trong mối quan hệ hiện tại, và làm mới sự biết ơn đối với người yêu hiện giờ. Chia sẻ câu chuyện về những lần đau khổ và bị khước từ cũng buộc bạn phải mở lòng, điều này xây dựng sự thân mật và tin cậy.

4. Hiểu về kỳ vọng của người bạn đời về vai trò của người chồng/vợ

Đừng giả định mà hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn về cách hai người chia sẻ công việc nhà và nuôi dạy con cái như thế nào. Người nữ, bạn muốn ở nhà trông con hay thuê người trông trẻ? Người nam, bạn có sẵn sàng làm người trụ cột về tài chính để vợ bạn có thể ở nhà không? Nếu cả hai đều đi làm, hai bạn chia sẻ công việc nhà thế nào?

Một vài cặp đôi có những kỳ vọng hơi hướng truyền thống và những cặp khác phân việc dựa trên khả năng và sở thích. Tôi biết có những người chồng đảm nhận công việc nấu nướng vì họ thích và cũng có khả năng nữa.

Cô-lô-se 3:18 “Hỡi những người làm vợ, hãy thuận phục chồng mình, như thế mới thích hợp là người ở trong Chúa.” Bạn có nghĩ chồng là người đưa ra quyết định cuối cùng không, hay bạn muốn hai người cùng đưa ra quyết định? Hãy thảo luận xem hai bạn hiểu câu Kinh thánh này thế nào.

5. Thảo luận kế hoạch xây dựng gia đình (hay không)

Nếu bạn nhất định muốn có con, hãy đảm bảo rằng người bạn đời của mình cũng vậy. Đừng cưới và hy vọng họ sẽ đổi ý. Nếu cả hai đều muốn có con, cần thảo luận ý kiến của mỗi người với việc tránh thai. Chúa nói với chúng ta là “hãy sanh sản, thêm nhiều” (Sáng thế ký 1:28). Có phải điều này nghĩa là bạn có thể sinh bao nhiêu con cái tùy thích không, hay bạn tin vào việc sử dụng những biện pháp tránh thai và kế hoạch hóa gia đình? Cả hai muốn có bao nhiêu con?

Nếu bạn khó có con, bạn có sẵn sàng nhận con nuôi hay thụ tinh nhân tạo không? Con cái là một trách nhiệm khổng lồ, tốn kém lắm nhưng cũng là niềm vui lớn. Hãy đảm bảo hai bạn cùng đồng thuận để có thể cùng đối mặt với thách thức nuôi dạy con cái với sự xác quyết và yêu thương.

“Đức Giê-hô-va phán: Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để các người được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình” (Giê-rê-mi 29:11)

6. Tìm hiểu xem người ấy được nuôi dưỡng thế nào

Chúng ta nhìn thế giới thông qua lăng kính trải nghiệm. Môi trường và sự tương tác hình thành nên góc nhìn của chúng ta và ảnh hưởng đến cách chúng ta phản ứng với các hoàn cảnh, cũng như giả định của chúng ta về những điều “bình thường”. Người ấy lớn lên ở đâu? Miền Bắc, miền Trung, miền Nam, thành phố hay nông thôn v.v.v Mỗi nơi lại có văn hóa rất khác biệt và việc lớn lên ở môi trường khác nhau sẽ tác động đến cách chúng ta nhìn nhận thế giới.

Ai nuôi dạy đối phương của bạn? Bố/mẹ đơn thân hay cả hai bố mẹ? Họ giải quyết xung đột trong gia đình thế nào? Họ có quát tháo hay im lặng quay về phòng ngủ và cố kìm nén, hay ngồi lại và có buổi họp gia đình? Họ có được dạy về việc chia sẻ cảm xúc hay được bảo là “bỏ qua đi”? Người bạn đời của bạn có thể cảm thấy bất an từ thời thơ ấu, và dễ dàng bị kích động về những thứ liên hệ đến quá khứ. Suy ngẫm nội tâm rất quan trọng để hiểu tại sao chúng ta hành xử theo những cách nhất định. Một khi bạn đã hiểu, hãy chia sẻ những hiểu biết quý giá này cho đối phương.

7. Hiểu điểm mạnh và điểm yếu của đối phương

So sánh những đặc điểm tính cách của người ấy và của bạn để xem điểm mạnh và điểm yếu của hai bạn có thể cân bằng và bổ sung cho nhau như thế nào. Nếu người bạn ấy quên trả hóa đơn đúng hạn, có thể bạn sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc đó. Người hay dậy sớm có thể dắt chó đi dạo trước lúc đi làm và người cú đêm có thể dắt chó đi dạo sau giờ làm việc. Đừng có chỉ trích đối phương vì sự khác biệt mà bạn cho là điểm yếu, nhưng hãy tìm cách để hỗ trợ lẫn nhau.

Gail Roger nhắc nhở chúng ta rằng thường thì điểm yếu lớn nhất của chúng ta chỉ là điểm mạnh bị mất cân bằng. Một người thích sắp xếp tổ chức đôi khi cần sự nhắc nhở rằng không phải lúc nào mọi thứ cũng cần phải hoàn hảo, và việc thư giãn cũng vô cùng cần thiết. Hãy khích lệ và giúp đỡ lẫn nhau, sử dụng ân tứ Chúa ban cho bạn. “Hai người hơn một, vì họ sẽ được công giá tốt về công việc mình. Nếu một người ngã thì người kia sẽ nâng đỡ bạn mình lên’’ (Truyền đạo 4:9).

8. Hiểu về tình hình tài chính của đối phương

Bạn cần nhận thức về những khoản nợ, thói quen chi tiêu và mục tiêu tài chính của người bạn đời. Dave Ramsey khuyên các cặp đôi phải “nói ra hết tất cả các khoản nợ – cả hai phải chơi bài ngửa. Không còn bí mật gì hết”. Tiền thường là một vấn đề cấm kỵ, và người ta thấy xấu hổ khi nói về tiền. Dù gì thì bạn vẫn phải thảo luận về vấn đề này.

Nếu đối phương có một khoản nợ lớn, họ có kế hoạch để chi trả hay không? Cả hai có ngân sách gì không? Cả hai dâng hiến bao nhiêu cho hội thánh? Cách chúng ta tiêu tiền tiết lộ các ưu tiên của chúng ta, vì vậy hãy sẵn sàng để nhìn lại những lựa chọn trong quá khứ và lên kế hoạch cho tương lai.

9. Hiểu cách truyền thông với đối phương

Người bạn đời tương lai không thể đọc được tâm trí của bạn. Bạn phải nói ra mong muốn và nhu cầu của mình, nghĩa là bạn phải mở lòng và chấp nhận nguy cơ tổn thương. Nếu bạn cần giúp đỡ trong công việc nhà, cần sự thân mật hoặc thời gian một mình nhiều hơn, nói ra các nhu cầu sẽ giúp đối phương phản hồi một cách thích hợp. Đừng dựa vào ngôn ngữ cơ thể hay một vài “dấu hiệu”, nó sẽ khiến bạn bực bội và cay đắng nếu đối phương không hiểu được thông điệp. “Hãy nói thật với kẻ lân cận mình, vì chúng ta làm chi thể cho nhau” (Ê-phê-sô 4:25)

Nếu bạn và đối phương có mâu thuẫn, “chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn” và “chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em, nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:26-29)

10. Hiểu rằng đối phương cũng cần thời gian một mình

“Hai trở nên một” không có nghĩa là bạn sẽ làm mọi thứ cùng nhau. Mối quan hệ khỏe mạnh sẽ có sự cân bằng giữa thời gian bên nhau, thời gian với những người khác và thời gian một mình. Nếu đối phương chọn dành buổi tối chơi game với bạn bè chẳng hạn, lựa chọn đó không có nghĩa là anh ta coi trọng bạn bè hơn bạn. Anh ta chỉ cần thời gian với bạn bè và bạn cũng thế. Hãy cho đối phương có không gian để thở và như vậy thời gian hai bạn bên nhau càng trở nên có giá trị. “Hãy lấy lẽ kính nhường nhau” (Rô-ma 12:10).

Hãy nhớ rằng con người ai cũng sẽ trưởng thành và thay đổi, vì vậy câu trả lời của đối phương bây giờ có thể sẽ không giống với cách họ trả lời trong một năm hoặc 10 năm nữa. Hãy đồng ý rằng cả hai sẽ thảo luận lại những vấn đề quan trọng và cam kết có thái độ cởi mở và thành thật. Hãy cầu nguyện để có sự hiểu biết và sức mạnh để có thể mở lòng với nhau. Khi đặt Đấng Christ làm trọng tâm mối quan hệ của mình, mọi chuyện đều khả thi!

“Lại nếu kẻ ở một mình bị người khác thắng, thì hai người có thể chống cự nó. Một sợi dây bện ba lấy làm khó đứt” (Truyền đạo 4:12).

Bảy Cách Giúp Ích Cho Hôn Nhân Của Bạn Trong Cơn Khủng Hoảng Thất Nghiệp >>>

4 Câu Kinh Thánh Giúp Bạn Làm Trọn Vai Trò Của Mình Trong Hôn Nhân >>>

– Tác giả bài viết: Maria Cheshire –

– Nguồn: crosswalk.com

– Người dịch: Trịnh Quế –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.