Search
Saturday 23 November 2024
  • :
  • :

Các Dự Án Chuyển Ngữ Kinh Thánh Đang Bảo Tồn Những Ngôn Ngữ Có Nguy Cơ Bị Biến Mất

Các Dự Án Chuyển Ngữ Kinh Thánh Đang Bảo Tồn Những Ngôn Ngữ Có Nguy Cơ Bị Biến Mất

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự SốngTrong khi cứ 40 ngày, thế giới lại mất đi một ngôn ngữ thì những nỗ lực dịch thuật lại mang đến sự sống mới cho những ngôn ngữ đang bị đe dọa.

Các dịch giả Kinh thánh ưu tiên mang đến cho mọi người trên thế giới cơ hội được học Kinh thánh bằng “ngôn ngữ mẹ đẻ” của họ.

Cho dù Cơ Đốc nhân có khả năng hiểu các ngôn ngữ khác, nghe về Phúc âm bằng tiếng mẹ đẻ cũng mang lại những lợi ích đáng kể. Họ dễ hiểu các khái niệm thần học hơn và xây dựng một sự kết nối cảm xúc sâu sắc hơn với những thông điệp của Kinh thánh.

Nhưng trong vài thập kỉ qua, những bản dịch tiếng mẹ đẻ không chỉ thay đổi cách tiếp cận đức tin của Cơ Đốc nhân từ nhiều nền văn hóa khác nhau; chúng cũng ảnh hưởng đến cái nhìn của các tín hữu về ngôn ngữ mà họ thân thuộc.

“Khi họ bắt đầu đọc Kinh thánh bằng ngôn ngữ của mình, cầu nguyện bằng ngôn ngữ của mình và thờ phượng bằng ngôn ngữ của mình, họ nhận ra rằng “Đợi đã! Nếu tôi có thể làm những việc này, có thể tôi sẽ còn làm nhiều hơn nữa,” – Andy Keener, phó chủ tịch hội nhập toàn cầu của tổ chức Biên dịch Kinh Thánh Wycliffe, cho biết.

Trên khắp các châu lục, các nhóm dịch Kinh Thánh đã thấy công việc của họ – đôi khi là tạo ra một bảng chữ cái cho ngôn ngữ hoặc lần đầu tiên chép lại dạng chữ viết của nó – có thể thay đổi cách nói của chính ngôn ngữ đó.

“Việc dịch Kinh Thánh biến đổi một ngôn ngữ, đặc biệt là trong thời gian thực hiện dự án, khi những người thông sáng nhất trong cộng đồng giải quyết những vấn đề cực kỳ khó trong việc lập sơ đồ ngữ nghĩa, chính tả, ẩn dụ và tiêu chuẩn hóa ngôn ngữ,” nhà ngôn ngữ học K. David Harrison viết trong lời tựa của một tuyển tập học thuật gần đây về những ảnh hưởng của việc dịch Kinh Thánh trên ngôn ngữ. “Nhưng điều này cũng mở rộng tầm ảnh hưởng vượt xa kế hoạch ban đầu, và nêu gương sáng trong việc bảo vệ sự sống còn của ngôn ngữ.”

Khoảng 1/3 trong 7,111 ngôn ngữ nói ngày nay đang trong tình trạng nguy hiểm, và đã bị giảm xuống còn dưới 1, 000 người nói. Toàn cầu hóa thường đòi hỏi những người nói đa ngôn ngữ phải sử dụng những ngôn ngữ phổ thông, làm họ ít có khả năng truyền đạt “ngôn ngữ mẹ đẻ” của mình cho thế hệ mới. “Ngôn ngữ trên bờ vực nguy hiểm là mặt trái của ngôn ngữ chiếm ưu thế”, Gary Simons, chuyên viên nghiên cứu trưởng tại SIL – một tổ chức ngôn ngữ học Cơ Đốc có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực này – cho biết.

“Các nhóm ngôn ngữ nhỏ không còn bị cô lập và đơn ngữ nữa nhưng hội nhập vào bối cảnh của vùng miền và quốc gia, nơi mà các ngôn ngữ lớn hơn nhiều được sử dụng rộng rãi,” ông cho biết thêm. “Để tham gia vào lĩnh vực thương mại ở cấp độ khu vực hay có được những lợi ích từ các dịch vụ quốc gia như giáo dục, y tế, tài chính và thậm chí là các hệ phái của hội thánh quốc gia thì họ cần phải học và sử dụng các ngôn ngữ có ưu thế hơn.”

Với hơn 2,600 ngôn ngữ đang có nguy cơ tuyệt chủng (thường là vì chúng chỉ được dùng trong các cuộc hội thoại mặt đối mặt hoặc chỉ các thế hệ lão niên mới sử dụng chúng), Liên hợp Quốc đã tuyên bố rằng năm 2019 là năm Quốc tế các Ngôn ngữ Bản địa, khuyến khích hàng chục sáng kiến mới để khôi phục lại việc sử dụng các ngôn ngữ này. Simons và SIL chỉ ra rằng một vài dự án về tỉ lệ tuyệt chủng của các ngôn ngữ đã bị thổi phồng; họ thấy rằng mỗi năm có khoản chín ngôn ngữ mất dần người sử dụng – cứ 40 ngày sẽ mất đi một ngôn ngữ – dù tỉ lệ này đang được cải thiện.

Chương trình trại hè giúp các thanh niên bản xứ được đắm chìm trong ngôn ngữ bản địa của chính họ, các ứng dụng trên điện thoại di động và các loạt video trên YouTube huấn luyện những người nói tiếng địa phương có nguy cơ bị tuyệt chủng. Trong khi đó, các dự án dịch Kinh Thánh ở nhiều nền văn hóa đã đóng góp dài lâu cho viễn cảnh của các ngôn ngữ bản địa, bằng cách bảo tồn một ngôn ngữ nói của một nhóm nhỏ hoặc đảo ngược tình trạng bị đe dọa của ngôn ngữ đó.

“Chúng tôi thấy rằng khi chúng tôi bắt đầu làm việc với một ngôn ngữ, những người đang bắt đầu từ bỏ nó có thể quay lại và được thêm sức bởi vì khi nói ngôn ngữ đó, họ có nhận thức tốt hơn về bản thân,” Keener nói.

Trong một bối cảnh đa ngôn ngữ, người ta được huấn luyện để cho rằng những ngôn ngữ trội hơn có nhiều chức năng hơn, chuyên nghiệp hơn trong khi tiếng mẹ đẻ của họ thì không làm được như vậy.

“Một vài người sẽ nói: ‘Ngôn ngữ của tôi không thể viết ra được.’ Khi hiểu rằng mình có thể viết nó ra, họ sẽ có cảm giác tự hào,” Keener cho biết thêm, và nhớ đến các thủ lĩnh bộ lạc ở Panama đã cười rạng rỡ như thế nào trong lần đầu được viết tên bộ lạc họ, những dấu chấm đặc biệt và tất cả bằng chính ngôn ngữ của họ, vào cạnh tòa nhà y tế của họ. Ông đã cộng tác với các dịch giả địa phương để phát triển một ngôn ngữ viết Telibe lần đầu tiên. “Một vài người không nhận ra ngôn ngữ của họ phong phú như thế nào.”

Đối với những ngôn ngữ có nguy cơ biến mất, những bản dịch Kinh Thánh cung cấp các tài nguyên để lưu trữ và bảo tồn ngôn ngữ đó – qua dạng nói, ghi âm hoặc cả hai – nhưng chúng thường làm được nhiều điều hơn thế, Harrison viết trong Language Vitality Through Bible Translation (Hồi sinh ngôn ngữ qua bản dịch Kinh thánh).

“Một bản dịch Kinh Thánh sẽ mang lại uy tín và sự tôn trọng,” ông nói. “Uy tín là chìa khóa – tuy trừu tượng – đa dạng trong sự tồn tại và phục hồi của ngôn ngữ đó, và bao gồm cả quyết định để giữ gìn hay từ bỏ một ngôn ngữ của những người trẻ tuổi. Do đó, dự án dịch thuật sẽ thổi sự sống mới vào những ngôn ngữ đang bị đe dọa này, đồng thời cũng phục vụ các nhu cầu tâm linh của cộng đồng.”

Bởi vì bản dịch Kinh Thánh phục vụ cho nhiều người đọc bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, các trường học đã thực hiện phương pháp “ngôn ngữ mẹ đẻ trước” trong giáo dục công. Keener nói rằng vài năm sau dự án dịch Wycliffe xuất hiện, chính phủ Panama đã chuyển sang cách tiếp cận ngôn ngữ theo hình thức song ngữ cho học sinh ở các bộ lạc.

Aroga Bessong, cố vấn biên dịch quá cố cho Hiệp hội Kinh Thánh Hoa Kỳ ở Tây Phi, đã lặp lại tuyên bố của Liên hợp Quốc rằng quyền ngôn ngữ là quyền của con người, bảo vệ nơi dạy dỗ và tài nguyên tiếng mẹ đẻ ở Châu Phi.

Từ Hixkaryana và Paumari ở rừng rậm nhiệt đới Amazon của Brazil cho đến Caucasian Albanian và Old Georgian ở Đông Âu, hàng chục ngôn ngữ gần như không có tài liệu dạng viết nếu như không có các bản dịch Kinh thánh.

Chung quy, sự đa dạng ngôn ngữ này đã nhắc nhở rất nhiều các tín hữu về tình yêu của Chúa xuyên suốt các nền văn hóa cũng như lời hứa của Ngài về việc mang “các nước, các bộ tộc, các dân tộc, các thứ tiếng” trước ngôi Ngài (Khải huyền 7:9).

“Chúa đã cho từng cá nhân chúng ta, và từng nền văn hóa và ngôn ngữ, những cái nhìn khác nhau về Ngài,” Keener nói, trong khi chuyển giữa những bản Kinh thánh tiếng Anh và bản dịch Kinh Thánh Telibe có sẵn trong ứng dụng Kinh Thánh YouVersion. “Có những sự thật mà tôi tự phát hiện ra khi đang làm việc cho một dự án ngôn ngữ – nó giúp tôi hiểu nghĩa của các câu Kinh thánh hơn.”

– Tác giả bài viết: Kate Shellnutt –

– Nguồn: christianitytoday.com

– Thu Thơm dịch –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.